"Hộp đen" Hexagon

Thứ Bảy, 07/01/2012, 17:45

Tại thành phố Danbury, bang Connecticut (Mỹ), có một tòa nhà kỳ dị không hề có cửa sổ trông như một chiếc hộp đứng trên ngọn đồi gần sân bay. Trong suốt hơn một thập niên, tất cả nhân viên vào làm việc tại đây đều mặc đồ bảo hộ phải bước qua buồng khử trùng trước khi vào căn phòng vô trùng nơi lưu giữ thiết bị. Nhân viên ở đây giao tiếp với nhau bằng mật mã và hầu như rất ít người biết nhân thân thật của khách hàng mà họ giao tiếp.

Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, tòa nhà bí mật này là nơi làm việc của hơn 1.000 người. Theo Fred Marra, 78 tuổi, mặc dù phải làm việc dưới áp lực căng thẳng, nhiều khi phải bỏ lỡ những dịp kỷ niệm của gia đình, nhưng họ không được hé môi với bất cứ ai - kể cả với vợ con - về công việc. Họ là những kỹ sư, nhà khoa học, người lập bản vẽ và nhà phát minh.

Fred Marra thường tới khu ăn uống của Hội chợ Danbury, nơi một nhóm đồng sự về hưu của Công ty Perkin-Elmer trước đây tụ họp uống cà phê cuối tuần với nhau suốt 18 năm qua để tán gẫu về gia đình, golf, chính trị... Họ có thể tâm sự mọi thứ, nhưng không được hé môi về những thành tựu to lớn trong cuộc đời chuyên gia của mình, đặt biệt là về "Hexagon".

Dự án Hexagon, còn có tên gọi khác là "Chim lớn", được xem là chương trình vệ tinh do thám không gian thành công nhất trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Từ năm 1971 đến 1986, tổng cộng có 20 vệ tinh được phóng vào không gian - mỗi vệ tinh mang theo gần 100.000 thước phim và vô số camera tinh vi. Những vệ tinh này bay quanh trái đất chụp ảnh toàn cảnh Liên Xô, Trung Quốc và nhiều quốc gia mà Mỹ cho là kẻ thù tiềm ẩn khác. Phim chụp được sẽ phóng trở về mặt đất ở Thái Bình Dương, nơi các máy bay C-130 của Không quân Mỹ đón chúng từ không trung.

Chiếc xe chuyên dụng vận chuyển vệ tinh ở gần trụ sở Hexagon ở Danbury, bang Connecticut, Mỹ.

Quy mô, tham vọng và bức màn bí mật xung quanh Dự án Hexagon KH-9 phải nói là đáng khâm phục với 19/20 lần phóng vệ tinh thành công (sứ mệnh cuối cùng thất bại do tên lửa đẩy bị hỏng). Và dĩ nhiên, bí mật của dự án kéo dài 45 năm này đã theo xuống mồ của không ít người trong cuộc.

Vào tháng 9/2011, Dự án Hexagon được giải mật. Cuối cùng, Marra và các đồng sự của ông đã có thể nói với thế giới về việc họ đã làm trong suốt những năm tháng đó tại ngôi nhà hình hộp bít bùng này. Ngay khi nghe tin giải mật, một kỹ sư về hưu 64 tuổi đã làm anh pha chế tại một quán rượu địa phương giật mình bằng lời giới thiệu: "Tôi tên là Al Gayhart và tôi kiếm sống bằng nghề chế tạo vệ tinh do thám".

Gayhart được tuyển mộ thẳng từ trường đại học và là một trong các thành viên ít tuổi nhất trong "hội" Hexagon. Ông này rất hào hứng kể lại công việc của mình khi đó như các nhóm phải vật lộn với hàng tá bảng vẽ tay và làm việc với vô số hỏng hóc kỹ thuật, và ông đã sửng sốt tới mức nào khi biết mình đang là một phần trong dự án không gian tinh vi này.

Toàn thể nhân viên trong tòa nhà này phải chịu áp lực càng lúc càng gia tăng khi kỳ hạn cận kề ngày mà "khách hàng" - CIA và sau đó là Không quân Mỹ - đến tham quan, trong đó có ít nhất 1 lần cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush bay tới Danbury để “thăm viếng” khu nhà. Mặc dù có nhiều công ty từng tham gia dự án - Eastman Kodak đảm trách chế tạo phim và Lockheed Martin chế tạo vệ tinh - nhưng tất cả camera và hệ thống quang học đều do Perkin-Elmer chế tạo.

Paul Brickmeier, 70 tuổi, một kỹ sư Hexagon về hưu, cho biết có rất nhiều lần ông đến Danbury và đi trong đêm. Ông kể lại dịp đầu tiên nhận chỉ thị tới Danbury là khi Perkin-Elmer được giao hợp đồng tối mật vào năm 1966, lúc đó trong phòng họp có khoảng 30 người, và ông đã thốt lên rằng: "Sao trên đời lại có chuyện này xảy ra?".

Một điều làm cho chuyện này xảy ra là chế độ tuyển dụng đã thu hút được rất nhiều kỹ sư hàng đầu từ khắp nơi thuộc khu vực đông bắc nước Mỹ. Perkin-Elmer còn được chỉ định vào làm việc tại một tòa nhà rộng hơn 82.000m2 để phục vụ cho Dự án Hexagon - chính là tòa nhà hình hộp nằm trên đồi. Chờ đợi được tuyển dụng cũng là một trải nghiệm khó quên đối với các ứng viên, vì mọi người thân, hàng xóm và cả chủ cũ của họ đều được FBI tra hỏi kỹ lưỡng mọi thứ, từ thói quen cờ bạc cho tới chuyện chăn gối.

Marra cho biết: "Họ muốn chắc chắn rằng chúng tôi không thể bị mua chuộc". Việc điều tra kéo dài khoảng 1 năm, trong thời gian đó, nhân viên làm những công việc lặt vặt tại một tòa nhà được gọi lóng là "hầm nấm" bởi vì mọi người đều mù tịt về việc họ được thuê làm gì.

Joseph Prusak, 76 tuổi, từng trải qua 6 tháng trong "hầm nấm". Và cuối cùng nhận được chỉ thị của Hexagon. Prusak cho biết: "Tôi từng nghĩ họ bị điên vì họ phác thảo một vệ tinh dài 18m, nặng 13 tấn và chụp ảnh với tốc độ 500cm/giây. Mức độ chính xác và phức tạp đã làm đầu óc tôi quay cuồng".

Bản thiết kế mô hình vệ tinh hoàn toàn được thực hiện thủ công.

Vài năm sau đó, sau vài lần phóng thành công, Prusak đã thấy rằng Hexagon làm được điều mà ông cho rằng bất khả thi qua bức ảnh khu nhà của ông tại Fairfield. Ông nói: "Đó là những năm sáng chói trước khi có Google Earth. Chúng tôi có thể thấy rõ cả cái hồ tắm ở sân sau nhà mình".

Theo Cục Do thám Mỹ, 1 vệ tinh Hexagon có thể chụp ảnh bao quát một vùng rộng lớn khoảng 370 hải lý - tương đương khoảng cách từ Washington tới Cincinnati. Các vệ tinh Hexagon ban đầu bay trung bình 124 ngày trong không gian, nhưng khi chúng trở nên tinh vi hơn thì những sứ mệnh sau đó kéo dài gấp đôi thời gian trên.

Nhà sử học không gian Dwayne Day cho biết: "Lúc đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh, khả năng do thám của Mỹ nhờ vào Hexagon thật đáng kinh ngạc. Quân đội Mỹ muốn biết kẻ địch định làm gì, ở đâu và đặc biệt là nếu họ chuẩn bị xâm lược Tây Âu. Và Hexagon đã giúp cho các nhà hoạch định Mỹ rất nhiều"

Lê Hiếu (tổng hợp)
.
.