Tòa án Hình sự Quốc tế: Hữu danh nhưng có vô thực?

Thứ Hai, 19/01/2015, 22:45
Định chế được xem là biểu tượng của công lý hình sự quốc tế phải thay đổi nhãn quan và không nên chỉ truy tố hay xét xử đối với các nguyên thủ châu Phi. Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) sao không quan tâm đến những trường hợp bạo lực ở nơi khác, nhất là tại Iraq từ năm 2003, ở Afghanistan, Chechnya, Palestine, Bangladesh?

ICC đã điều tra sơ bộ tại nhiều quốc gia khác trên thế giới như Honduras, Ukraina, Iraq, Colombia, Gruzia, Palestine… nhưng chưa bao giờ đến mức đem ra truy tố như tại châu Phi. Điều này khiến người ta có cảm tưởng Tòa án quốc tế này chỉ chăm chăm vào lục địa đen.

Tòa án bị quy kết “phân biệt chủng tộc"

Kỳ họp thứ 13 của Đại hội đồng các quốc gia trong Quy chế Roma của ICC đã diễn ra từ ngày 8 đến 17/12/2014 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở New York. Trong kỳ họp này, Bộ trưởng Tư pháp Sénégal Sidiki Kaba đã được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng với nhiệm kỳ 3 năm. Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ châu Phi được bầu vào chức danh đó.

Vị tân Chủ tịch cho biết, các ưu tiên của nhiệm kỳ 3 năm tới sẽ là hòa hợp ICC với tất cả các khu vực trên thế giới, đặc biệt là với châu Phi; phát triển sự hợp tác giữa ICC và các quốc gia; tăng cường tính bổ sung và sự phổ quát của Quy chế Roma. Tuy nhiên, một số quốc gia như Kenya, Uganda và Tanzania đã chỉ trích ICC cho dù vẫn bày tỏ sự hậu thuẫn.

Với việc bổ nhiệm một nguyên thủ châu Phi vào chức Chủ tịch Đại hội đồng, ICC mong rằng sẽ trấn an được châu Phi giữa lúc các mối quan hệ với lục địa này căng thẳng hơn bao giờ hết. Quả thật từ nhiều tháng nay, ICC đã bị lên án là chỉ nhắm vào các quốc gia châu Phi.

Việc truy tố hai tổng thống châu Phi đang tại vị là Uhuru Kenyatta của Kenya và Omar El Bechir của Sudan đã góp phần tô đậm thêm hình ảnh của một nền công lý quốc tế bất công cho châu Phi. Vì những lý do khác nhau, bà biện lý Fatou Bensouda của ICC mới đây đã quyết định rút lại cáo trạng về tội ác chống nhân loại đối với Tổng thống Kenya và chấm dứt việc điều tra về những tội ác chiến tranh ở Darfour, nơi mà một lệnh bắt giữ đã được ban ra với Tổng thống Sudan.

Bất chấp thắng lợi của lục địa đen, Tổng thống Uganda tuyên bố, ông sẽ đệ trình một bản kiến nghị trong Hội nghị Thượng đỉnh Liên hiệp châu Phi vào cuối tháng 1/2015 để tất cả các quốc gia châu Phi rút khỏi ICC. Đây là đề tài của cuộc thảo luận từ năm trước trong Liên hiệp châu Phi vì cáo buộc ICC là "phân biệt chủng tộc". Thật vậy, mọi thủ tục điều tra từ trước đến nay đều nhắm vào châu Phi. Đó là một chính sách bên trọng bên khinh luôn bị các quốc gia châu Phi lên án.
Biện lý Fatou Bensouda.

Tuy nhiên, dù người ta có thể chê trách ICC về sự phân biệt nhưng các nguyên thủ quốc gia châu Phi chỉ có thể tự trách mình thay vì chỉ trích một định chế mà họ đã tự do gia nhập. Có 34 quốc gia châu Phi trong tổng số 53 quốc gia đã phê chuẩn Quy chế Roma.

Ngoài ra, phần lớn những cuộc điều tra của ICC đều do yêu cầu của các nước châu Phi: Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Congo, Mali và Uganda, cho dù sau đó các nước này đã rút lại đơn kiện. Hội đồng Bảo an LHQ đã đề nghị với ICC điều tra về trường hợp của Darfour ở Sudan và về Libya, hai quốc gia không nằm trong Quy chế Roma.

Phòng sơ thẩm của ICC đã cho phép biện lý Fatou Bensouda điều tra về Bờ Biển Ngà. Rõ ràng là động thái của một số quốc gia châu Phi có mâu thuẫn. Chẳng lẽ những quốc gia phê chuẩn Quy chế Roma không hiểu rõ các điều khoản của tài liệu mà họ đã ký kết?

Cho dù Đại hội đồng ICC đã góp phần xoa dịu tình hình căng thẳng giữa châu Phi và ICC nhưng đây không phải là lúc hai bên thỏa hiệp, nhất là về vấn đề truy tố các nguyên thủ đang tại vị. Trong hội nghị lần trước, các quốc gia châu Phi thành viên đã thảo ra một tuyên ngôn tái khẳng định mong muốn quy chế của tòa án được sửa đổi nhằm thêm vào điều khoản miễn trừ đối với các nguyên thủ đang tại nhiệm.

Chưa chắc rằng các quốc gia thành viên sẽ ủng hộ sự thay đổi đó vốn đã bị phản bác bởi một vài quốc gia châu Phi và các tổ chức quốc tế bảo vệ nhân quyền. Tuy nhiên, ICC cũng nên xét đến tính đặc miễn tạm thời của các nguyên thủ đã được thừa nhận bởi luật pháp quốc tế và tránh truy tố các nguyên thủ đang tại nhiệm.

Định chế được xem là biểu tượng của công lý hình sự quốc tế phải thay đổi nhãn quan và không nên chỉ truy tố hay xét xử đối với các nguyên thủ châu Phi. Một khi chẳng có quốc gia ngoài châu Phi nào bị đưa ra trước tòa, mối ngờ vực về "phân biệt chủng tộc" sẽ tiếp tục đè nặng lên định chế quốc tế này. Dù sao các quốc gia châu Phi cũng nên củng cố lại hệ thống pháp lý để có những tòa án cơ cấu đủ mạnh có khả năng phán xét mà không cần nhờ đến bên ngoài.

ICC chỉ có thẩm quyền trên lãnh thổ các nước thành viên

Cũng liên quan đến ICC, ngày 31/12/2014 Israel đã bày tỏ sự tức giận trước quyết định gia nhập Quy chế Roma của Palestine. Thủ tướng Netanyahu khẳng định sẽ có sự "đáp trả". Tổng thống Mahmoud Abbas từ lâu đã đe dọa sẽ phê chuẩn Quy chế Roma, điều mà người ta xem như là vũ khí mạnh mẽ chống lại Israel. Thế nhưng, những ai biết rõ cách vận hành của ICC sẽ hiểu rằng việc lên án Israel về tội ác chiến tranh hay tội ác chống lại nhân loại sẽ rất mất thời gian và có nhiều trắc trở.

Trong kịch bản tốt nhất, các kiện cáo mà Palestine dự tính đưa ra sẽ chỉ là một sự phiền nhiễu đối với danh tiếng của những nhà lãnh đạo Israel. Liệu ICC có thúc đẩy việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập và có chủ quyền, mục tiêu chính của Tổng thống Mahmoud Abbas? Chắc chắn là không. Chính quyền Palestine không thể truy tố Israel ra trước pháp luật. Mahmoud Abbas không thể tấn công Israel bằng luật pháp. Đó là một tòa án hình sự, điều này có nghĩa là chỉ có biện lý Fatou Bensouda mới có thể quyết định cáo buộc ai.

Bù lại, phía Palestine có thể đệ đơn khiếu kiện lên ICC, điều này đã được làm từ nhiều năm qua. Nhưng cho đến nay ICC không có thẩm quyền trên lãnh thổ mà các tội ác diễn ra. Khi phê chuẩn Quy chế Roma, Palestine đã đi bước đầu tiên để gia nhập ICC.

Hôm 7/1 vừa qua, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã chấp thuận đơn xin gia nhập ICC của Palestine, như vậy Palestine đã trở thành thành viên của ICC. Quyết định này sẽ cho phép ICC, với trọng trách truy tố những kẻ có tội diệt chủng, tội ác chống nhân loại hay tội ác chiến tranh, điều tra từ ngày 1/4 (ngày quyết định có hiệu lực) về những cáo buộc sát nhân trên lãnh thổ Palestine.

Palestine xin gia nhập ICC nhằm đưa giới chức lãnh đạo Israel ra trước pháp luật về các hành vi tội ác tại Gaza cũng như động thái cho người Israel định cư trên lãnh thổ Palestine. Sự gia nhập này diễn ra sau một năm bùng phát cuộc xung đột tại Dải Gaza, bạo lực gia tăng tại Jerusalem và ngày càng có nhiều quốc gia yêu cầu thừa nhận Nhà nước Palestine. Palestine đã quay sang chọn lựa này sau khi Hội đồng Bảo an LHQ bác bỏ nghị quyết chấm dứt sự chiếm đóng của Israel.

Khi đã xác định Palestine chính thức là thành viên ICC và khi chính phủ nước này đệ đơn kiện Israel, khi đó bà biện lý Fatou sẽ quyết định xem có nên xem xét sơ bộ về những cáo buộc không. Bà không bị buộc phải làm điều đó và có thể quyết định không quan tâm đến hồ sơ. Dù có xem xét sơ bộ nhưng chưa chắc một cuộc điều tra sâu rộng sẽ được thực hiện.

Để xác định "có căn bản hợp lý để tiếp tục" sau khi xem xét sơ bộ, biện lý Fatou Bensouda sẽ phân tích nhiều điểm. Ngay cả vấn đề về thẩm quyền cũng ngăn trở tố tụng của Palestine ở nhiều phương diện. Vì thẩm quyền của ICC chỉ hướng đến các tội ác đã xảy ra trên lãnh thổ của một nước thành viên sau khi đã gia nhập.

Kiện Israel về vấn đề Dải Gaza lại càng phức tạp hơn. ICC có thể phán xử rằng, đó là một lãnh thổ do Hamas kiểm soát chứ không phải chính quyền Palestine, do vậy Dải Gaza không thuộc quyền tài phán của ICC. Cũng khó xác định thẩm quyền về lãnh thổ của ICC bắt đầu từ đâu và kết thúc nơi nào. Israel không phải là thành viên ICC nên những gì xảy ra trên lãnh thổ Israel không thuộc thẩm quyền của ICC. Và những tội ác diễn ra tại Đông Jerusalem hay khu Bờ Tây, lãnh thổ do Israel kiểm soát, thì như thế nào?

Giải quyết các vấn đề đó tức là ICC phải tuyên bố về chủ đề hóc búa là biên giới của Nhà nước Palestine. Chắc chắn biện lý Fatou sẽ không muốn dấn thân vào lĩnh vực nguy hiểm vốn liên quan đến cuộc xung đột Israel - Palestine từ nhiều năm qua hơn là đến luật pháp quốc tế.

Theo đoạn mở đầu của Quy chế Roma, ICC được thành lập nhằm mục đích xét xử những kẻ đã thực hiện "các hành vi dã man thách thức trí tưởng tượng và tác động sâu sắc đến lương tâm con người". ICC sẽ khó mà tìm thấy tại khu Bờ Tây hay Dải Gaza những động thái của Israel tương hợp với định nghĩa đó.

"Các khu định cư là vấn đề nhưng liệu người ta có thể gọi đó là những hành vi dã man thách thức trí tưởng tượng không? Tôi không tin như thế. Cho dù có nhiều người đã bị giết nhưng ICC chỉ xét đến các vụ bạo lực ở quy mô rộng và nạn diệt chủng. Có lẽ ICC sẽ quyết định không truy tố" - chuyên gia pháp lý Sabel cho biết.

Vào năm 2004, ICC đã đưa ra một thông cáo rằng: Bức tường phân cách do Israel dựng lên tại khu Bờ Tây là bất hợp pháp, và từ đó nhiều người dân Israel e ngại ICC sẽ ra quyết định truy tố. Thế nhưng trong quá khứ, ICC cho thấy đã hành xử nhiệm vụ một cách nghiêm túc và về nguyên tắc không thù oán với Israel.

Tháng 3/2012, ICC đã từ chối xem xét hơn 400 đơn kiện nhắm vào Israel với lý do Palestine không phải là một nhà nước nên không thuộc quyền tài phán của ICC. Tháng 11/2014, sau khi xem xét sơ bộ về cuộc tấn công của Israel tại Mavo Marmara làm chết 9 công dân Thổ Nhĩ Kỳ, biện lý Fatou Bensouda cho rằng tuy các chứng cứ đã đủ để nói đến tội ác chiến tranh, nhưng sự kiện đó chưa đủ nghiêm trọng để cần đến sự can thiệp của ICC.

Tuy nhiên, Israel cũng không nên xem thường lời đe dọa của Palestine. Cho dù trình tự truy tố có thể mất nhiều năm nhưng không nên bỏ qua khả năng xem xét vụ việc và xét xử của ICC. Ngay cả khi những lời cáo buộc đó chẳng đưa đến đâu ngoài một cuộc điều tra sơ bộ, người ta có thể tin rằng phía Palestine sẽ lợi dụng điều đó cho việc tuyên truyền. Israel đã không có tiếng tốt tại nhiều quốc gia nên tất nhiên sẽ muốn tránh lối quảng cáo đó.

Để đáp trả lại ý đồ gia nhập ICC của Palestine, ngày 3/1/2015 Israel đã đóng băng việc chuyển giao 106 triệu euro tiền thuế cho chính quyền Palestine. Theo Thỏa ước Oslo ký kết năm 1993, Israel sẽ thu thuế rồi chuyển lại cho Palestine mỗi tháng. Số tiền thuế đó chiếm gần một nửa ngân sách Palestine.

Bộ trưởng Tài chính Palestine cho biết rằng, chính quyền của ông đang gặp khó khăn trong việc trả lương cho công chức vì hành vi đóng băng đó. Đây là biện pháp trả đũa đầu tiên của Israel ngay sau khi Palestine chính thức đệ đơn lên LHQ xin gia nhập ICC nhằm mục đích đưa các quan chức có trách nhiệm của Israel ra trước pháp luật.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.