Iran phá vỡ một mạng lưới gián điệp CIA

Chủ Nhật, 05/06/2011, 09:35

Iran vừa phá vỡ một mạng lưới gián điệp do Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) điều khiển hoạt động bên trong Iran, thu thập thông tin và phá hoại Nhà nước Iran. Đặc biệt, đó không chỉ là một vụ gián điệp bình thường mà còn chứa đựng những vấn đề hậu trường bên trong: cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad và Heidar Moslehi, người đứng đầu Bộ Tình báo và An ninh Iran.

"Mẻ lưới" lớn nhất từ trước đến nay

Báo chí quốc tế trích nguồn thông tấn Iran FARS cho biết: Bộ Tình báo và An ninh Iran hôm 21/5 đã công bố việc phá vỡ một mạng lưới "tình báo và phá hoại" của Mỹ nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran, bắt giữ 30 người. Ngoài ra, 42 người có liên quan đến mạng lưới gián điệp này cũng đã được xác định và nêu danh tính.

Thông báo của Bộ Tình báo và An ninh Iran cũng nêu rõ mạng lưới gián điệp phá hoại này được điều hành bởi các trạm CIA đặt trong các đại sứ quán Mỹ ở nhiều nước khác nhau, trong đó có Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia.

Mục tiêu của mạng lưới gián điệp này là thu thập "thông tin tại các trung tâm nghiên cứu khoa học, các học viện,… đặc biệt là những thông tin liên quan đến năng lượng hạt nhân, công nghiệp quốc phòng và công nghệ sinh học, cũng như các mạng lưới đường ống dẫn dầu và khí đốt của Iran, các trạm kiểm soát biên giới, các mạng viễn thông và điện lực.

Vụ phá vỡ mạng lưới 30 điệp viên CIA nêu trên là điệp vụ lớn nhất từ trước đến nay của tình báo Iran. Gián điệp nước ngoài, nhất là tình báo Anh, Mỹ, Israel hoạt động bên trong Iran là chuyện "không thể không có" trong cuộc đối đầu không khoan nhượng suốt hơn 30 năm qua. Từ điệp viên nội gián cho đến biệt kích do thám, ám sát các nhà khoa học hạt nhân và cả phá hoại bằng công nghệ thông tin nhắm vào các nhà máy điện hạt nhân của Iran,… tất cả đều nhằm mục tiêu kiềm chế Iran, tạo lợi thế về chính trị, ngoại giao cho các đồng minh thân Mỹ trong khu vực.

Reza Kahlili, bí danh của một cựu điệp viên CIA người Iran, đã kể lại với báo chí về các hoạt động gián điệp mà ông ta từng phục vụ cho CIA trong thập niên 80 và 90 thế kỷ XX. Reza Kahlili tự khai mình từng là thành viên trong lực lượng Vệ binh Cách mạng, và làm gián điệp cho CIA trong 10 năm. Được gia đình cho đi du học ở Mỹ (bang California), sau khi về nước, Reza Kahlili xin vào phục vụ trong lực lượng Vệ binh Cách mạng và bắt đầu làm gián điệp cho CIA từ đó.

Trong suốt thời gian làm gián điệp, Reza Kahlili sống cuộc sống hai mặt, cố ép bản thân và gia đình thực hiện nghiêm ngặt tất cả các điều theo giáo luật Hồi giáo để tỏ ra "sùng đạo". Reza Kahlili đã vài lần suýt bị tình báo Iran phát hiện nhưng đều thoát được. Sau đó, Reza Kahlili rời khỏi Iran sang châu Âu, làm tuyển trạch viên cho CIA được vài năm trước khi sang Mỹ định cư tại bang California.

Thỉnh thoảng, báo chí đưa tin tình báo Iran phát hiện và bắt giữ người Iran hoặc người nước ngoài làm gián điệp cho Anh, Mỹ, Israel. Chẳng hạn, tháng 1/2011, một phụ nữ Mỹ bị bắt với cáo buộc làm gián điệp khi mang trong người các thiết bị tình báo. Trước đó, tháng 12/2010, một người đàn ông đã bị treo cổ vì làm gián điệp cho MOSSAD. Tháng 11/2010, một mạng lưới gián điệp của tình báo Israel đã bị phát hiện và bắt giữ vì liên quan đến cái chết của 2 nhà khoa học hạt nhân Iran…

Tất cả những vụ việc tương tự như thế này đều có mẫu số chung là nhắm vào chương trình hạt nhân của Iran, phá hoại bằng mọi cách có thể. 

Cựu điệp viên CIA Reza Kahlili phải che giấu thân phận thật để khỏi bị theo dõi.

Tiếp diễn màn đấu đá quyền lực?

Theo bình luận của báo chí, vụ việc bắt giữ 30 điệp viên CIA đã làm nổi bật vai trò của ông Heidar Moslehi trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, một người bảo vệ trung thành của Nhà nước Iran. Thêm vào đó, ngay sau khi vụ việc được thông báo, Quốc hội Iran lập tức lên tiếng chúc mừng thành công của ông Moslehi, trong khi Tổng thống Ahmadinejad vẫn chưa có ý kiến gì.

Vụ việc càng trở nên nghiêm trọng khi trong số nghi phạm thông đồng với các điệp viên CIA bị nêu danh còn có cả một số quan chức trong Chính phủ Iran, tất cả đều là tay chân thân tín, trung thành của Tổng thống Ahmadinejad, như Phó tổng thống Hamid Baqaei, Chánh văn phòng Esfandiar Rahim Mashaei và khoảng 25 người khác.

Ai cũng biết rằng, Quốc hội Iran là một đối trọng quyền lực của Tổng thống Ahmadinejad, còn Moslehi hiện đang là tâm điểm của cuộc đấu đá quyền lực âm ỉ, đỉnh điểm là việc Tổng thống Ahmadinejad ép ông Moslehi phải từ chức hồi tháng 4 vừa qua nhưng sau đó ông đã được Đại giáo chủ Khamenei phục hồi chức vụ ngay sau đó, kéo theo là lời trách cứ ông Ahmadinejad đã "quá đà" trong việc xử trí các vấn đề nội bộ. Việc các thân tín của ông Ahmadinejad bị bắt trong vụ gián điệp CIA nêu trên được xem là hậu quả tất yếu của vụ đấu đá đó.

Phiên tòa xét xử các điệp viên CIA vừa bị bắt sẽ được mở trong thời gian tới, và chắc chắn tại đó màn đấu quyền lực ở Tehran sẽ lại tiếp diễn

Tiểu Khang (tổng hợp)
.
.