Iran trả tự do cho nữ nhà báo Mỹ R.Saberi

Thứ Ba, 02/06/2009, 03:00
Ngày 11/5 vừa qua, Tòa Thượng thẩm Iran đã giảm mức án từ 8 năm tù giam xuống còn 2 năm án treo đối với nữ nhà báo Mỹ Roxana Saberi. Chính quyền của Tổng thống Barack Obama hoan nghênh quyết định này. Dư luận xã hội Mỹ và Iran nói riêng, cũng như dư luận thế giới nói chung coi đây là quyết định rất nhân đạo của chính quyền Iran.

Phiên xét xử của Tòa Thượng thẩm Iran ngày 11/5 diễn ra đằng sau cánh cửa đóng kín và kéo dài không đến một tiếng đồng hồ. Kết thúc, hình phạt từ 8 năm tù giam xuống còn 2 năm cho hưởng án treo. Người bào chữa chính cho nữ nhà báo Roxana Saberi, luật sư Abdolsamad Khorramshahi, cho rằng việc Tổng thống Iran đích thân can thiệp để giải phóng cho thân chủ của ông “rõ ràng có động cơ chính trị”.

Theo lời ông, Tổng thống M.Ahmadinejad đã gửi thư riêng cho tòa án, kêu gọi xem xét lại cẩn thận bản án. Trong quá trình xét xử R.Saberi, cũng đã có sự can thiệp của Ban lãnh đạo tinh thần Iran, bởi chính tòa án này là bộ máy của lãnh tụ tối cao, Giáo chủ Ali Khamenei.

Cần nhắc lại rằng, năm 2006, chính quyền Iran đã thu hồi giấy phép làm báo của R.Saberi, nhưng cô vẫn tiếp tục hành nghề. Những chủ đề phóng sự của R.Saberi là những vấn đề rất nhạy cảm đối với Iran, cũng như đối với dư luận thế giới, chẳng hạn: Chương trình hạt nhân của Iran, sự tài trợ của Iran cho phong trào Hamas ở Palestine...

Nói tóm lại tất cả các phóng sự của R.Saberi đều nhằm minh chứng cho những gì mà phương Tây phê phán chính quyền Iran. Bởi thế, không có gì là ngạc nhiên khi R.Saberi bị chính quyền Iran bắt hồi tháng 1/2009, báo chí Mỹ và nhiều nước phương Tây khác đã làm rùm beng cho rằng “đây là vụ bắt bớ chính trị”. Sự việc càng trở nên ồn ào, khi tháng 4 vừa qua, nữ nhà báo Mỹ R.Saberi bị khép vào tội “hoạt động gián điệp”.

Nữ nhà báo R.Saberi năm nay 32 tuổi, có 2 hộ chiếu, vừa mang quốc tịch Mỹ, vừa mang quốc tịch Iran. Cha cô là người Pers - một dân tộc của Iran và mẹ là người Nhật Bản, họ thuộc lớp người đã định cư ở Mỹ nhiều đời. Nhưng chính quyền Tehran không chấp nhận 2 quốc tịch, mà chỉ coi R.Saberi là công dân Iran và xử tội cô theo luật pháp Iran.

Sau khi đã có những cuộc trao đổi ý kiến giữa lãnh đạo 2 nước, kể cả giữa 2 tổng thống, ngày 11/5, tại Tehran đã mở phiên Tòa Thượng thẩm. Bên luận tội khẳng định R.Saberi đã chuyển cho các điệp viên Mỹ một báo cáo tuyệt mật về chính sách của chính quyền Iran đối với Iraq, mà cô đã thu thập được trong thời gian làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu chính sách đối nội của Iran. R.Saberi còn sang Israel mấy lần, đối với công dân Iran như vậy là phạm tội. Ngoài ra, cô còn có những quan hệ tình dục làm hư hỏng nhiều quan chức Nhà nước Iran.

Về phía mình, R.Saberi thừa nhận trước tòa, quả thực có một bản báo cáo mật đã rơi vào tay cô và Saberi đã chuyển cho người Mỹ. Saberi đã xin lỗi về điều đó. Ngoài ra, cô thừa nhận đã sang Israel 2 lần với ý định tìm việc làm. Còn quan hệ tình dục với các quan chức chính quyền Iran, Saberi kiên quyết bác bỏ.

Luật sư A.Khorramshahi thì tuyên bố trước tòa rằng, Mỹ không phải là quốc gia thù địch của Iran, nghĩa là Mỹ hoàn toàn khác so với Israel, bởi vậy những mối tiếp xúc của nữ nhà báo Saberi với các quan chức chính thức của Mỹ không nhất thiết bị coi là “đã chuyển những thông tin có giá trị”.

Căn cứ vào bản luận tội của công tố viên và quá trình xét xử trước đó; vào sự bào chữa của luật sư cũng như của chính bị cáo, Tòa Thượng thẩm Iran đã tuyên phạt Roxana Saberi 2 năm án treo và bị cấm hoạt động báo chí ở Iran trong vòng 5 năm tới. Ngay sau phiên tòa, Roxana Saberi đã được trả tự do và được phép trở lại Mỹ trong thời gian sớm nhất.

Theo dõi vụ án này, ban đầu nhiều người cho rằng Tehran đã hành động đối đầu một cách nông nổi, nhưng trên thực tế rõ ràng Ban lãnh đạo Iran tỏ ra khôn khéo và họ đã giành phần thắng.

Qua đây, trước hết Tehran muốn thể hiện với Washington chính sách mềm dẻo của mình và khả năng giải quyết được cả những vấn đề gay cấn. Thứ hai, Tổng thống Ahmadinejad và các thủ lĩnh khác của Iran tỏ ra khoan dung độ lượng bảo vệ các quyền của nữ nhà báo bị coi là hoạt động gián điệp. Thứ ba, đây cũng là lời cảnh báo gián tiếp đối với những người đang hoạt động báo chí ở Iran phải biết giữ mình trong khuôn khổ cho phép, đặc biệt trong bối cảnh sắp tiến hành cuộc bầu cử tổng thống ở nước này

Linh Vũ (tổng hợp)
.
.