Iran treo cổ gián điệp Israel

Thứ Tư, 12/01/2011, 09:15
Ngày 28/12/2010, Iran thông báo đã hành hình bằng cách treo cổ một gián điệp của Cơ quan Tình báo của Israel (Mossad). Theo Viện Công tố tối cao Iran, người này có liên hệ với Mossad từ 6 năm nay và bị bắt vào năm 2008 khi đang tìm cách chạy trốn khỏi Iran cùng với vợ. Kể từ năm 2008 đến nay, đây là người Iran thứ hai bị hành hình treo cổ với tội danh làm gián điệp cho Israel.

Thông tấn xã Iran IRNA cho biết, người Iran vừa bị treo cổ tên là Ali Akbar Siadat. Sau khi bị chính quyền kết án vì tội làm gián điệp cho tình báo Israel từ năm 2004, Ali Akbar đã bị hành quyết sáng ngày 28/12 tại nhà tù Evine ở thủ đô Tehran.

Theo Viện Công tố tối cao Iran, Ali Akbar Siadat và vợ của anh ta đã bị Cảnh sát Iran bắt giữ vào năm 2008 vì tội tự ý rời bỏ Iran khi chưa được phép của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sau đó Siadat đã được trả tự do nhưng đến năm 2009 bị bắt trở lại vì tàng trữ và cất giấu các tài liệu mật trái phép.

Ali Akbar Siadat đã bị cáo buộc cung cấp cho Israel những thông tin nhạy cảm về khả năng quân sự của Iran, bao gồm chi tiết về cuộc diễn tập quân sự, cơ sở, máy bay chiến đấu phản lực, các chuyến bay quân sự, tai nạn hàng không và tên lửa, vị trí bố trí các căn cứ quân sự của Iran và chương trình phát triển vũ khí tên lửa của Lực lượng cách mạng Hồi giáo Iran.

Trong năm 2008, Iran cũng đã xử tử một công dân khác của mình là Ali Ashtari, một nhân viên bán hàng điện tử, bị kết án vì cung cấp thông tin về chương trình hạt nhân của Iran và các dữ liệu nhạy cảm khác cho Cơ quan Tình báo Mossad. Một tòa án của Iran vào năm 2000 cũng đã kết án 10 người Iran làm gián điệp cho Israel trong một phiên tù xử kín, các bị cáo trên bị kết án tù từ 4 đến 13 năm. Nhưng tất cả đã được phóng thích trước thời hạn từ áp lực quốc tế.

Các bản án tử hình mới nhất được Iran đưa ra sau khi Israel tiếp tục yêu cầu Tehran cắt giảm chương trình hạt nhân của mình. Theo luật Iran, tội hoạt động gián điệp sẽ bị trừng phạt bằng cái chết. Iran và Israel đã trở thành kẻ thù của nhau kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran, năm 1979. Từ đó đến nay, việc Tehran thông báo định kỳ việc bắt giữ những người bị nghi ngờ làm gián điệp cho Israel.

Vài năm gần đây, quan hệ giữa Iran và Israel vốn đã căng thẳng lại càng tăng thêm, chủ yếu là do chương trình hạt nhân của Iran và những lời tuyên bố của Tổng thống Mahamoud Amadinejad muốn xóa tên Israel trên bản đồ thế giới. Tehran thường xuyên tố cáo Israel tiến hành các hoạt động thù địch chống Iran như việc do thám chương trình hạt nhân của họ. Trong khi đó, Israel lại luôn nghi ngờ Iran tìm cách trang bị vũ khí hạt nhân. Nhiều quan chức Israel đã từng tuyên bố không loại trừ khả năng dùng biện pháp quân sự để vô hiệu hóa chương trình hạt nhân của Iran.

Mỹ và phương Tây vẫn một mực cho rằng, Iran muốn mượn cớ phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình để phục vụ cho các chương trình, dự án quân sự gây đe dọa đến an ninh và ổn định trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, Iran vẫn luôn một mực khẳng định rằng, chương trình phát triển năng lượng hạt nhân của họ không nhằm mục đích nào khác ngoài mục đích hòa bình, phục vụ cho nhu cầu sử dụng điện trong nước cũng như phát triển nền kinh tế đất nước.

Israel cho biết, họ mong muốn giải quyết vấn đề hạt nhân Iran thông qua các kênh ngoại giao nhưng không loại trừ sẽ thực hiện hành động quân sự.

Nhà tù Evin, nơi Ali Akbar Siadat bị hành hình hôm 28/12/2010.

Cuối tháng 11/2010, Iran đã cáo buộc Cơ quan Tình báo Israel, Mỹ và Anh đứng đằng sau hai vụ khủng bố nhằm vào các chuyên gia hạt nhân của Iran. Cũng liên quan đến hoạt động gián điệp của Israel, báo chí Ai Cập ngày 24/12 đưa tin lời khai của Tarek Abdel Razzak, công dân Ai Cập bị cáo buộc làm gián điệp đã giúp khám phá 3 mạng lưới tình báo đang làm việc cho Israel tại Liban và Syria. Razzak, 37 tuổi, chủ của một công ty xuất nhập khẩu, bị bắt hồi tháng 5/2010, với cáo buộc làm gián điệp cho Israel cùng 2 người Israel hiện đang bỏ trốn và lệnh bắt những người này đã được ban bố.

Nhật báo Al-Masri al-Yom của Ai Cập dẫn một nguồn tin an ninh thân cận cho biết, Ai Cập đã thông báo cho Liban và Syria về hoạt động của điệp viên Ai Cập. Razzak khai rằng, đã được 2 người liên lạc Israel đưa đi Syria nhiều lần với một tên giả, để nhập hàng hóa của Syria, song mục tiêu chính của những chuyến đi này là trả những khoản tiền lớn cho một quan chức an ninh Syria đang làm việc trong một bộ phận nhạy cảm.

Trong khi đó, báo Al Shourouk khẳng định Ai Cập đã cung cấp cho các điều tra viên bản sao báo cáo được chuyển tới tình báo Israel thông qua một chuyên gia hóa học Syria đang làm việc trong bộ phận an ninh có liên quan tới chương trình hạt nhân của Syria. Razzak thú nhận chuyên gia người Syria (bị xét xử tháng trước) đã làm việc cho Israel suốt 13 năm qua.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 28/12/2010, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad khẳng định, Iran hiện là một quốc gia hạt nhân. Phát biểu này của ông Ahmadinejad được cho là ngụ ý Tehran đã nắm bắt được công nghệ hạt nhân phục vụ các mục đích năng lượng. Kênh truyền hình Press TV dẫn lời ông Ahmadinejad nhấn mạnh Mỹ cùng các đồng minh đã gia tăng áp lực chính trị và đưa ra những nghị quyết chống Iran do chương trình hạt nhân của nước này, song toàn bộ nỗ lực của Mỹ và đồng minh đã thất bại và Iran nay đã trở thành một quốc gia hạt nhân.

Tổng thống Iran cũng khẳng định, cách duy nhất để giải quyết tranh cãi xung quanh chương trình năng lượng hạt nhân của Tehran là hợp tác chứ không phải đối đầu, và Iran sẵn sàng hợp tác trên cơ sở các lợi ích của nước này

Nguyễn Lê Bảo Phương (tổng hợp)
.
.