Israel âm thầm chuẩn bị cuộc chiến chống Iran

Thứ Tư, 06/06/2012, 18:45

Trong khi cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân giữa Iran và quốc tế tại Iraq kết thúc hôm 25/5 vừa qua không đạt được kết quả gì thì lại nổi lên nguồn tin cho rằng Israel đang âm thầm che giấu Mỹ chuẩn bị một cuộc đánh phủ đầu Iran.

Khả năng Israel tấn công phá hoại các cơ sở hạt nhân của Iran vốn có từ lâu nhưng thời gian gần đây lại nổi lên như một vấn đề "cần làm ngay" của Tel-Aviv. Tuy nhiên, muốn đánh Iran, ít nhiều Israel cũng phải "xin phép" Mỹ. Như đã biết, hiện Mỹ lại đang vướng vào cuộc chiến Afghanistan, Iraq… và chính quyền Obama cũng đang muốn chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và đáng kể nhất là nước Mỹ đang trong thời kỳ bầu cử tổng thống, nên khả năng Mỹ bật đèn cho đồng minh Israel tấn công Iran tạm thời bị hoãn lại.

Sau nhiều lần Thủ tướng Israel Netanyahu sang thuyết phục Mỹ tấn công Iran đều thất bại, Tel-Aviv đã âm thầm chuẩn bị một cuộc chiến chống Iran cho riêng mình? Trước khi trả lời cho câu hỏi này, có lẽ cần điểm lại lịch sử những vụ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân ở các nước Trung Đông trước đây.

Thủ tướng Israel Netanyahu nhiều lần sang thuyết phục Tổng thống Obama cho phép tấn công Iran nhưng đều thất bại. Đó có thể là lý do Israel tự chuẩn bị cho mình cuộc chiến chống Iran.

Năm 1976, Iraq khởi công xây một nhà máy điện hạt nhân, mang tên Osirak. Nhà máy điện này dùng kỹ thuật của Pháp, với lò nguyên tử mang tên Osiris. Lò này được Pháp thiết kế đặc biệt để không thể dùng được vào mục đích quân sự. Nhưng Israel không nghĩ vậy. Nằm một mình giữa các nước đối nghịch vây quanh, Israel rất lo ngại là sẽ bị các nước này tấn công. Khi Iraq bắt đầu chương trình điện hạt nhân, Israel lo ngại là nhà máy này sẽ được dùng để làm bom nguyên tử. Một quả bom nguyên tử sẽ dễ dàng xóa sổ phần rất lớn dân số Israel.

Thủ tướng Israel bấy giờ, Yitzak Rabin, bắt đầu chuẩn bị đối phó với lò nguyên tử này. Sau khi Rabin thất cử năm 1977, Thủ tướng Menachem Begin tiếp tục nỗ lực này. Qua đường ngoại giao, Begin cố gắng thuyết phục Pháp, Italia ngưng giúp Iraq. Rồi nói với Mỹ, khi đó về phe với Iraq vì nước này tranh chấp với Iran, giúp chặn dự án này. Các nỗ lực ngoại giao không thành công, Begin bắt đầu cho chuẩn bị giải pháp tình báo và quân sự.

Tháng 4/1979, khối kiến trúc cho lò nguyên tử đang chuẩn bị chở từ Pháp qua Iraq thì bị đặt bom nổ. Tình báo Israel bị nghi là thủ phạm. Tháng 6-1980, một nhà khoa học Ai Cập, Yehia El-Mashad, làm việc trong chương trình hạt nhân Iraq, bị giết chết. Người ta lại nghi ông này bị tình báo Israel ám sát.

Muốn trấn an Israel, Pháp đặt điều kiện với Iraq là lò nguyên tử này sẽ đặt dưới sự điều hành của Pháp trong 10 năm.

Trong lúc đó phi công Israel cũng tập đánh bom. Vấn đề là không thể đánh bom trải thảm lung tung rồi hy vọng một trái trúng, mà phải đánh bom sao cho chính xác rồi bay về mà không bị phòng không Iraq bắn hạ. Trong lúc tập, 3 phi công Israel bị tai nạn chết.

Nhưng Israel chưa kịp làm gì thì đã có người khác làm trước: chiến tranh Iraq-Iran bùng nổ. Iran điều 2 chiếc F-4 Phantom đánh bom Osirak. Nhưng rồi, Pháp lại sửa nhà máy điện lại.

Nội các Israel cuối cùng bỏ phiếu đánh bom nhà máy này trước khi Pháp chở chất phóng xạ tới. Ngày 7/6/1981, 8 chiếc F-16A của Israel cất cánh bay qua không phận Jordan và Arập Xêút trên đường tới Iraq. Đường bay xa, máy bay mang theo bình xăng phụ, lúc tiêu hết nhiên liệu thì thả xuống sa mạc. Tới nơi, mỗi máy bay ném xuống 2 quả bom Mark 24, cách nhau từng 5 giây. Trong 16 trái, có ít nhất 8 trái bắn trúng mục tiêu. Tất cả trận đánh chỉ mất dưới 2 phút.

Đó là lần đầu tiên Israel ra tay chặn một nước Arập không cho phát triển công nghệ hạt nhân, nhưng sẽ không phải là lần cuối cùng.

Hình vệ tinh chụp lò hạt nhân của Syria trước và sau khi bị Israel đánh bom năm 2007.

Năm 2007, Israel lại đánh nữa, lần này vào đất Syria. Mục tiêu là một cơ sở hạt nhân bí mật, người ngoài không ai biết. Israel cũng chỉ biết về kế hoạch hạt nhân của Syria sau khi bắt được tin “kỹ sư Syria đi Triều Tiên mua chất phóng xạ bị nổ chết”.

Trận không kích này diễn ra ngày 6/9/2007. Hãng CNN lúc đầu đưa tin Israel đánh bom một kho đạn của phiến quân Hezbollah. Toàn thể các chính quyền Arập khác im lặng không phản ứng gì. Syria lên án mạnh mẽ nhưng cuối cùng thì Cơ quan Nguyên tử Liên Hiệp Quốc (IAEA) xác nhận cơ sở này có cấu trúc của một lò hạt nhân và có dấu vết của chất phóng xạ uranium.

Với những động thái như vậy trong quá khứ, liệu sẽ có lần thứ 3 không? Chính vì Israel có quá khứ không kích vào đất của người khác để ngăn chặn vũ khí hạt nhân ở Trung Đông, ai ai cũng cho rằng sẽ có lúc Israel không kích Iran để ngăn chặn bom nguyên tử mà Tel-Aviv cho là Tehran có (trong khi Iran luôn khẳng định là họ chỉ phát triển hạt nhân để sản xuất điện chứ không hề có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân như phương Tây quy chụp).

Dư luận này được nâng cao hơn vào đầu tháng 2/2012, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trả lời phóng viên David Ignatius của báo Washington Post và được phóng viên này thuật lại - nhưng không trích dẫn nguyên văn - "có khả năng rất cao là Israel sẽ tấn công Iran vào tháng 4, tháng 5, hay tháng 6/2012".

Theo lời thuật của David Ignatius thì  tháng 4 tới tháng 6 được xem là hạn chót để tấn công, trước khi Iran chứa chất phóng xạ dưới hầm sâu và lúc đó chỉ còn có Mỹ mới có khả năng quân sự để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran.

Trong khi đó, Israel không thể chờ Mỹ hành động. Mỹ sẽ chỉ ra tay nếu các cơ quan tình báo có đủ dữ kiện để kết luận Iran đang chế tạo bom, mà điều đó thì giới tình báo Mỹ chưa sẵn sàng để kết luận.

Khác với tình báo Mỹ, tình báo Israel tin chắc như đinh đóng cột rằng Iran đang sản xuất vũ khí hạt nhân. Thiếu tướng Aviv Kochavi, người đứng đầu tình báo Israel, công khai nói tại một hội nghị ở Jerusalem là Iran đang có đủ chất phóng xạ để làm 4 quả bom nguyên tử - tin này theo Reuters. Ông nói lên điều này trong cùng ngày báo Washington Post đăng lời của Bộ trưởng Panetta. Đài NBC phỏng vấn các viên chức Mỹ và Israel, tất cả đều là các viên chức có thông tin từ tình báo nước họ. Các viên chức này ước lượng xác suất Israel đánh Iran là cao hơn 50-50.

Phóng viên Ignatius cũng tường thuật là cả Bộ trưởng Panetta lẫn Tổng thống Barack Obama đang muốn Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel đừng không kích Iran, vì cho rằng các biện pháp trừng phạt của quốc tế đang chứng tỏ hiệu lực.

Tuy nhiên, và đây là một yếu tố quan trọng, Mỹ tới nay vẫn chưa quyết định là sẽ phản ứng ra sao nếu Israel không kích thật. Do đó, Israel vẫn có thể nghĩ rằng nếu mình cứ đánh, Mỹ sẽ không đả kích Israel.

Khác với lần đánh Osirak, là đánh vào một nước thân thiện với Mỹ, tại một cơ sở do Pháp điều hành, và làm chết một kỹ sư Pháp; lần này nếu đánh vào Iran, tất cả những yếu tố đó đều không có mặt.

Máy bay Israel ném bom cơ sở hạt nhân của Iraq ngày 7/6/1981.

Một câu hỏi liên quan, là Israel có thực sự đủ sức để đánh bom Iran không. Chuyến bay đánh vào Osirak đã tiêu gần hết xăng cho máy bay Israel rồi. Để bay tới Iran, Israel sẽ còn phải bay xa hơn, băng qua Iraq mới tới Iran.

Nhiều nhà phân tích đã nói tới chuyện này, và hầu hết cho rằng tuy việc đánh tới Iran là khó làm, nhưng không hoàn toàn ngoài tầm của Israel. Nhà bình luận Bret Stephens của báo Wall Street Journal, cũng là một cựu chủ bút cho tờ Jerusalem Post, gọi một cuộc không kích Iran là "nằm ở mép ngoài của khả năng quân sự Israel" nhưng không phải không làm được.

Các viên chức Israel và Mỹ được Đài NBC phỏng vấn đều cho rằng, nếu có không kích Iran, Israel sẽ dùng cả máy bay lẫn tên lửa. Israel có chế tạo tên lửa tầm trung Jericho II, có thể bắn được mục tiêu xa 1.500 dặm. Israel cũng có thể dùng máy bay F-15I với thùng xăng phụ. Đó là chưa kể, Israel cũng có máy bay không người lái, ít tốn xăng, có thể bay xa và bay thấp dưới tầm radar.

Như đọc được suy nghĩ của IsraelMỹ, Iran vài lần lên tiếng cảnh cáo. Trước đây, tất cả những lời đe dọa với thế giới bên ngoài đều do Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad phát biểu. Tuy nhiên, vào ngày 3/2/2012, chính người lãnh đạo tối cao của Iran cảnh cáo thế giới phải tôn trọng chương trình nguyên tử của Iran.

Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei cảnh báo là Mỹ sẽ gánh chịu hậu quả: "Đe dọa hay tấn công Iran sẽ gây thiệt hại cho Mỹ... Các biện pháp phong tỏa sẽ không có ảnh hưởng gì đến quyết tâm tiếp tục con đường nguyên tử của chúng ta... Để đáp lại các đe dọa về phong tỏa dầu hỏa và chiến tranh, chúng ta có các biện pháp của mình và sẽ đưa ra đúng thời điểm". Giáo chủ Khamenei gọi Israel là "cục bướu ung thư, cần phải bị cắt, và sẽ phải bị cắt".

Israel, trong một cuộc họp kín ở Tel-Aviv, báo động là Iran có thể đánh dằn mặt các cơ sở của Israel ở ngoại quốc, như các tòa đại sứ, lãnh sự. Không những vậy, Iran cũng có thể đánh luôn vào các cơ sở tư nhân, tôn giáo, của người Do Thái ở Mỹ, cũng với mục đích dằn mặt Israel - theo một bức thư của người phụ trách an ninh cho tòa Tổng lãnh sự Israel tại Mỹ.

Trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội Iran khóa mới ngày 28/5, Iran tuyên bố sẽ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới vào năm 2014 để đáp ứng nhu cầu điện năng. Động thái này được Israel và Mỹ hiểu là một hành động thách thức nữa trong khi tiến trình đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 dự kiến diễn ra vào tháng 6 này tại Nga cũng sẽ khó đạt được kết quả khả quan gì do quan điểm các bên còn quá xa nhau.  Lo ngay ngáy với “cục bướu ung thư” chưa bị cắt, Israel bắt đầu xoay ra tìm kiếm sự hậu thuẫn của các nước lân bang...

Mộc Thạch - Đan Kô (tổng hợp)
.
.