Italia: Các hợp tác xã nông nghiệp chống mafia

Thứ Ba, 17/06/2014, 06:35

Trong những năm gần đây, nỗ lực kiểm soát sự thống trị của mafia ở đảo Sicily miền Nam Italia đã lan cả sang môi trường lương thực - thực phẩm nước này. Hiện nay, phong trào các hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ quy mô nhỏ đã xuất hiện trên khắp đảo Sicily, cho đến tận vùng đất nông nghiệp từng nằm trong tay của mafia, và đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu.

Liberra Tera (nghĩa là, vùng đất tự do không chịu sự kiểm soát của mafia) là sáng kiến hợp tác xã của nông dân cùng với các nhà sản xuất để tạo ra các sản phẩm hữu cơ như dầu ô liu, rượu, mì ống, hạt giống v.v… đồng thời cung cấp những việc làm không chịu sự chi phối của mafia trong một đất nước đang rối loạn với nạn thất nghiệp và tham nhũng lan tràn.

Phóng viên ảnh kiêm nhà văn Gabrielle Mastrilli giải thích: "Người dân rất khó mua được thức ăn trên đảo Sicily nếu không chịu bắt tay với mafia. Nhưng hiện nay khi chúng ta tiêu thụ thực phẩm dán nhãn hiệu Libera Terra thì có thể chắc chắn rằng sản phẩm không có liên quan gì đến tội phạm có tổ chức".

Cũng giống như bao người trẻ tuổi khác trên đảo Sicily, trước đây Mastrilli đã phải rời khỏi đảo để tìm kiếm công việc làm không dính líu đến mafia. Gia đình Mastrilli có truyền thống tham gia tổ chức ngành nông nghiệp Sicily chống lại luật lệ của mafia về tiền công, điều kiện làm việc cũng như công việc làm thuê. Với sự ra đời của Libera Terra, mới đây Mastrilli đã trở về đảo để quảng bá cho sáng kiến hợp tác xã chống mafia.

Linh mục Don Luigi Ciotti - một nhà cải cách và là một trong những người sáng lập Libera Terra - nhận thức rất rõ đất nước Italia đang phải sống trong sự kìm kẹp của tội phạm có tổ chức cho nên đã có phản ứng bằng cách tổ chức phong trào chống mafia thông qua giáo dục, công ăn việc làm và hoạt động nông nghiệp.

Don Ciotti tuyên bố: "Tất cả những gì mà chúng tôi canh tác trên mảnh đất Sicily hiện nay đều có thể tìm thấy trên khắp các thị trường ở Italia".

Mastrilli cho biết thêm: "Mafia giống như con rắn độc và rất khó tóm được nó. Mafia xây dựng sân bay ở Sicily để kiểm soát con đường buôn lậu ma túy giữa thành phố cảng Palermo trên đảo và Mỹ. Con đường này mang tên gọi "Tuyến đường Pizza" bởi vì mafia sử dụng nó để vận chuyển hêrôin giấu trong những lon cà chua được dùng trong các hiệu bánh pizza ở Mỹ".

Francesco Galante, lãnh đạo Libera Terra.

Ngày xưa, thành phố Marseilles của Pháp là trung tâm điều chế hêrôin và phân phối ma túy cho khắp châu Âu. Hoạt động này được gọi là "Tuyến đường Pháp" cho đến đầu thập niên 70 thế kỷ trước, sau đó, bọn mafia rút đi - Peter Schneider giải thích. Schneider là giáo sư xã hội học và nhân chủng học Đại học Fordham, ông cùng với vợ nghiên cứu mafia và cộng đồng Sicily từ nhiều năm qua.

Schneider cho biết: "Hêrôin được vận chuyển từ Palermo đến Mỹ trong các container. Nhiều loại  ma túy đến Mỹ trong những lon cà chua mang nhãn hiệu San Marzano".

Francesco Galante - người phát ngôn của Libera Terra - cho biết những vườn nho của Libera Terra trải dài trên sườn núi lộng gió gần San Giuseppe Jato (nằm cách thành phố Palermo chừng 1 giờ đường ôtô) trước đây là tài sản của Bernardo Brusca, trùm mafia bị ngồi tù vào thập niên 80. Galante cho biết Libera Terra mong muốn cung cấp cho thị trường những sản phẩm hữu cơ chất lượng cao, trả lương xứng đáng cho công nhân, đồng thời cố gắng giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp cao ở Sicily.

Angelo Sciortino, nhà sản xuất rượu nho cho Hợp tác xã Nông nghiệp Placido Rizotto, nơi có 40 công nhân đang làm việc trong các vườn nho và nhà máy rượu, giải thích: "Chúng tôi không sử dụng nhiều máy móc trong sản xuất mà tận dụng nguồn lực từ con người. Chúng tôi muốn tạo công ăn việc làm".

Nhãn hiệu của phong trào Addiopizzo được dán trên cánh cửa các doanh nghiệp ở Sicily.

Cách đây 10 năm, khi Placido Rizotto - hợp tác xã được đặt theo tên của một nông dân và lãnh đạo công đoàn bị mafia sát hại năm 1948 - được thành lập, chỉ có vài người muốn làm việc cho hợp tác xã bởi vì phần đông nông dân đều sợ mafia. Khi hệ thống nông nghiệp bắt đầu đứng lên chống mafia thì người dân Sicily cũng có cuộc chiến khác - đó là các doanh nghiệp chống lại luật pizzo (tiền bảo kê) của mafia.

Theo Galante, ở Palermo có khoảng 70 - 80% chủ cửa hàng phải nộp pizzo cho mafia. Phong trào chống pizzo gọi là Addiopizzo nổi lên từ năm 2004, khi một nhóm sinh viên chống mafia quyết định khai trương một quán cà phê ở Palermo và tuyệt đối không nộp pizzo cho bọn tội phạm. Lúc đó, nhóm sinh viên cho dán những tờ giấy khổ nhỏ khắp thành phố Palermo trong đó ghi rõ: "Những người nộp pizzo là những người không có lòng tự trọng".

Ngày nay, biểu tượng của phong trào Addiopizzo được dán trên cánh cửa của các doanh nghiệp ở Sicily, giúp người dân chọn đi đến nhà hàng hay khách sạn không dính líu đến mafia. Ở Corleone - thị trấn được bất tử hóa trong bộ phim "Bố già" (Godfather), Walter Bonano là hướng dẫn viên cho Nhà bảo tàng Chống mafia đã chỉ cho du khách xem bức ảnh chụp Bernardo Provenzano - bố già cuối cùng của Corleone. Hiện nay, căn nhà của Provenzano trở thành cửa hàng bán cà chua hữu cơ được trồng trên những cánh đồng tịch thu từ bố già.

Đối với Libera Terra, mỗi một sản phẩm hữu cơ (không nộp pizzo) được bán trong các cửa hàng ở khắp đảo Sicily là một cách để nhắc nhở mọi người tránh xa mafia. Libera Terra có một loại rượu gọi là Placido Rizotto.

Bonano nói rằng: "Khi uống loại rượu này, chúng ta sẽ nhớ đến những anh hùng trẻ tuổi đã bị mafia sát hại. Đó là một sản phẩm mang tính biểu tượng"

Diên San (tổng hợp)
.
.