Italia: Tổ chức phát xít mới giả danh cảnh sát

Thứ Bảy, 13/08/2005, 08:26

Cảnh sát Genoa vừa bắt giữ hai thủ lĩnh của một tổ chức phát xít mới hoạt động dưới bình phong tổ chức cảnh sát chuyên thu thập tin tức tình báo và chống khủng bố.

Hai thủ lĩnh của tổ chức phát xít mới vừa bị cảnh sát bắt giữ là Gaetano Saya và Ricardo Sindoca - được cho là có quan hệ hết sức mật thiết với chi nhánh của Hội Tam điểm P-2 Masonic và một tổ chức bí mật từ thời Chiến tranh lạnh có tên Gladio. Mở rộng điều tra vụ án, khoảng 25 thành viên của lực lượng cảnh sát thường trực quốc gia Carabinieri, cảnh sát hải quan và cảnh sát trại giam cũng đang bị chính thức điều tra.

Cảnh sát cũng đã tiến hành hàng chục vụ lùng sục tại các vùng Zenoa, Liguria, Piedmont, Lombardy, Emilia Romagna, Tuscany, Lazio, Molise, SicilySardinia. Vụ điều tra này sắp tới còn được mở rộng tới các nhân viên của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (SISMI).

Năm 2004, Saya và Sindoca đã thành lập nên Trung tâm Nghiên cứu chiến lược chống khủng bố (DSATS) và tuyên bố tổ chức này có liên hệ với cả chính quyền của Tổng thống Bush và đảng Likud của ông Ariel Sharon ở Israel.

Một số cảnh sát Italia đã bị lừa tham gia hoạt động trong tổ chức này vì nghĩ rằng đây là một tổ chức hợp pháp. Saya và Sindoca là hai thủ lĩnh của Destra Nazionale-Nuovo MSI - một chi nhánh của đảng phát xít mới MSI. Tổ chức này được biết đến một cách không chính thức với cái tên Fiamma Tricolore (Ngọn lửa ba màu). Cảnh sát tạm thời đóng cửa trang web của Destra Nazionale-Nuovo MSI. Lần cuối cùng nó được cập nhật là vào ngày 3/7.

Hiện nay, các công tố viên ở Genoa và Milan nghi ngờ trung tâm tình báo giả mạo này có thể còn liên quan đến nhóm các điệp viên bí mật của Mỹ bắt cóc Imam Abu Omar (Moustapha Hassan Nasr) tại một đường phố ở Milan năm 2003. Omar là một người tị nạn chính trị tại Italia, đã bị một đội 13 nhân viên bí mật của Lực lượng đặc nhiệm Bộ Quốc phòng Mỹ, lính đánh thuê và các điệp viên CIA bắt cóc đưa sang Ai Cập, và nhóm điệp viên này hiện đang bị Italia phát lệnh truy nã quốc tế. Hiện có rất nhiều bằng chứng cho thấy đội đặc nhiệm này của Mỹ làm việc phối hợp với một cơ quan tình báo tại Italia.

Hệ thống tình báo được cho là một chi nhánh của Gladio bao gồm 6 chi nhánh đang hoạt động tại Italia, Bắc Mỹ và Trung Đông trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh. Hội Tam điểm P-2 được lãnh đạo bởi một người theo chủ nghĩa phát xít Licio Gelli, có mối liên hệ mật thiết với cựu Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Haig và trợ lý ngoại giao của ông ta Michael Ledeen. Những điệp viên của SISMI có liên quan đến nhóm này bao gồm Francesco Pazienza và Rocco Martino.

Rocco Martino chính là người cung cấp tài liệu về việc Iraq mua uranium của Nigeria. Thông tin này sau đó được chuyển tới Washington và được Tổng thống Bush sử dụng để cáo buộc Saddam Hussein mua uranium của Nigeria. Sự thật chưa rõ thế nào nhưng sự cáo buộc này đã khiến CIA phái Đại sứ Joseph Wilson tới Niger và gây ra một chiến dịch trả đũa lật tẩy vợ của Wilson là một điệp viên CIA, đồng thời phơi bày hệ thống chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tuyệt mật của CIA.

Các nguồn tin từ Italia cho biết, vụ án tại Milan chống lại tình báo Mỹ và vụ bắt giữ những kẻ giả danh ở Genoa có thể có mối liên hệ với nhau theo cách khác. Trưởng chi nhánh của CIA tại Milan, Robert Seldon Lady, một người gốc Honduras, trước khi được chuyển tới Milan đã từng là chỉ huy một đơn vị bí mật của Mỹ ở Honduras,  El SalvadorNicaragua có nhiệm vụ thâm nhập vào các tổ chức chống Mỹ và kiểm soát các tổ chức này.

Hiện nay, Lady có nhiệm vụ tiến hành một chiến dịch tương tự nhằm biến Abu Omar và những người khác thành điệp viên của CIA. Theo nguồn tin của tình báo Albani, Abu Omar đã cung cấp cho tình báo Mỹ tin tức về các nhóm Hồi giáo vũ trang hoạt động tại Albani.

Người ta cũng cho rằng phó chỉ huy xấu số của SISMI, Nicola Calipari, là người biết rõ về những thông tin tại Iraq có liên quan giữa việc kiểm soát khủng bố ở Iraq và các nơi khác với “một bên thứ ba” tại “một đất nước chống khủng bố”. Calipari đã bị lính Mỹ bắn chết khi đang đưa một con tin người Italia và nhà báo Giuliana Sgrena tới sân bay quốc tế Baghdad để về nước. Phía Mỹ khăng khăng cho rằng vụ bắn giết này là vô tình nhưng sự thật có thể không phải như vậy.

Abu Omar có thể đã trở thành “củ khoai tây nóng trong tay người Mỹ” sau khi Calipary phát hiện ra những mối liên hệ giữa người Mỹ và các nhóm khủng bố ở Iraq cũng như ở các nơi khác trên thế giới. Chính vì thế người Mỹ đã quyết định tiến hành một chiến dịch “di lý” anh ta sang Ai Cập để bảo mật thông tin. Abu Omar, một nguồn tin tình báo đáng tin cậy, có thể cũng đã biết được khá nhiều về quan hệ giữa tình báo Mỹ và các nhóm khủng bố

Trần Lợi (theo AGI)
.
.