Jonna Mendez - Bậc thầy về hoá trang cho điệp viên

Thứ Năm, 12/02/2009, 20:35
Người phụ nữ này là chỉ huy Đơn vị hóa trang (CDD) của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), đã làm thay hình đổi dạng cho biết bao nhiêu điệp viên CIA hoạt động khắp nơi trên thế giới.

Jonna Mendez sinh năm 1945 tại bang Kentucky trong một gia đình có 6 đời hành nghề nhiếp ảnh. Vì vậy mong ước lớn nhất của Jonna là trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Trong thời gian theo học trung học tại thành phố Wichita, bang Kansas, Jonna từng được trao tặng nhiều giải thưởng nhiếp ảnh của thành phố và cả của bang Kansas.

Năm 1964, khi đang theo học Đại học Wichita, tài năng nhiếp ảnh của Jonna đã khiến CIA phải quan tâm. Nhưng phải đợi đến năm 1966, CIA mới đặt vấn đề tuyển dụng sau khi đã đạt được thỏa thuận rằng người phụ nữ sau này trở thành bậc thầy hóa trang của CIA sẽ vừa cộng tác với CIA, vừa học tiếp đại học và quan trọng nhất là được đeo đuổi công việc chụp ảnh mà mình yêu thích.

Những điều kiện mà Jonna đề ra liền được Giám đốc CIA Richard Helms chấp thuận. Và thế là Jonna trở thành điệp viên CIA vào tháng 11/1966.

Từ tháng 7/1967, dưới lốt một nhiếp ảnh gia cộng tác với nhiều tạp chí ở Mỹ, Jonna được điều động đến hoạt động tại châu Âu. Jonna qua lại nhiều quốc gia, cả Tây Âu và Đông Âu để ghi lại vô vàn ảnh chụp, trong đó có những bức ảnh được CIA khai thác để phục vụ cho công tác tình báo.

Năm 1970, ở tuổi 25, Jonna đã là một sĩ quan của Đơn vị kỹ thuật của CIA chuyên nghiệp trong lĩnh vực thu thập thông tin tình báo bằng hình ảnh và được giữ lại công tác tại trụ sở CIA ở Langley đến năm 1975 để làm nhiệm vụ huấn luyện nghiệp vụ cải trang để thu thập thông tin tình báo bằng hình ảnh cho các điệp viên mới tuyển dụng, kể cả điệp viên của nhiều cơ quan tình báo nước ngoài.

Năm 1978, Jonna chuyển sang làm việc tại Đơn vị Hóa trang (CDD) của CIA và chính môi trường này đã phát huy hết năng lực của người nữ điệp viên này. Chiến công nổi bật nhất của Jonna là tham gia giải cứu 6 nhân viên ngoại giao người Mỹ lưu lạc tại Iran trong vụ bắt giữ con tin tại Sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran vào tháng 11/1979. 6 nhân viên ngoại giao Mỹ này không có mặt tại Sứ quán Mỹ khi xảy ra vụ bắt giữ con tin nên đã tìm cách liên lạc với Sứ quán Canada để được hỗ trợ đào thoát khỏi Iran đến một quốc gia thứ ba.

Được Thủ tướng Canada Joe Clark bật đèn xanh, Bộ Ngoại giao Canada đã phối hợp với CIA tìm cách giải thoát 6 nhân viên ngoại giao Mỹ. Và nhiệm vụ khó khăn này được Stanfield Turner, Giám đốc CIA vào thời kỳ đó, đích thân giao cho Jonna. Cải trang thành một khách du lịch người Canada, Jonna đã đặt chân được đến thủ đô Tehran. Tại đây, Jonna tìm cách liên lạc với các nhân viên ngoại giao Mỹ, chụp hình họ sau khi đã hóa trang gương mặt, tạo ra nhân thân mới để Sứ quán Canada cấp giấy thông hành là công dân Canada.

Đến ngày 27/1/1980, Jonna đã cùng 6 nhân viên ngoại giao Mỹ an toàn rời sân bay Tehran đến thành phố Zurich của Thụy Sĩ rồi sau đó chuyển tiếp máy bay về lại Mỹ. Vì thành tích này, Jonna đã được Quốc hội Mỹ tặng thưởng Huân chương Vàng của Quốc hội và sau đó được đề bạt vào chức vụ Phó chỉ huy CDD. Năm đó Jonna vừa tròn 35 tuổi và là một trong những chỉ huy đơn vị nghiệp vụ trẻ tuổi nhất của CIA.

Năm 1982, Jonna nằm trong danh sách điệp viên CIA được quy hoạch để đào tạo thành lãnh đạo trẻ của CIA trong tương lai. Đây là lý do khiến Jonna phải tạm gác các hoạt động tình báo để được tái đào tạo tại trung tâm tình báo quốc gia ở bang Florida và Học viện Hành chính quốc gia ở bang Maryland. Sau khi hoàn thành xuất sắc các chương trình đào tạo, Jonna tiếp tục được cử đến nhiều quốc gia châu Á để hoạt động tình báo với tư cách là chuyên viên hóa trang, thay đổi nhân dạng nhân thân và thu thập thông tin tình báo bằng hình ảnh. Jonna được xem là một trong những điệp viên CIA có công lớn trong việc thiết lập mối quan hệ bí mật giữa CIA và lực lượng vũ trang Mujaheeden ở Afghanistan.

Cuốn sách "Spy Dust" được Jonna Mendez viết chung với chồng là Antonio Mendez.

Mãi đến năm 1986, Jonna mới quay về Mỹ và được điều động đến nhận nhiệm vụ tại một số quốc gia Nam Mỹ như Argentina, Brazil, Bolivia và Peru. Dưới lốt nhiều nhân vật khác nhau, Jonna đã huấn luyện cho các điệp viên nội gián người bản địa các nghiệp vụ hóa trang, cải trang, thu thập thông tin và cả làm giấy tờ giả. Đây cũng là đợt công tác cuối cùng của Jonna ở hải ngoại.

Năm 1988, Jonna quay về Mỹ để làm việc tại CDD  trên cương vị phó chỉ huy đơn vị nghiệp vụ này và đến năm 1990 là chỉ huy của CDD. Trên cương vị mới, Jonna đã triển khai một kế hoạch cải tiến các hoạt động hóa trang, cải trang, thu thập thông tin bằng hình ảnh. Jonna được xem là bậc thầy trong thay đổi hình dạng cho các điệp viên CIA hoạt động khắp nơi trên thế giới. Những nỗ lực của Jonna đã giúp cho hoạt động tình báo của CIA phát huy hiệu quả.

Sau hơn hai thập niên hoạt động mẫn cán, Jonna thôi làm việc cho CIA vào năm 1993 nhưng vẫn được mời làm cố vấn cho CIA và Hội đồng Tình báo quốc gia cùng nhiều cơ quan tình báo khác như Cơ quan Tình báo Quốc phòng, Cơ quan Tình báo Hải quân... Jonna còn được mời giảng dạy nghiệp vụ tình báo tại các trung tâm huấn luyện tình báo quốc gia.

Năm 2000, Jonna được bầu vào ban lãnh đạo của Viện Bảo tàng Gián điệp quốc tế ở thủ đô Washington với tư cách là bậc thầy hóa trang của ngành tình báo Mỹ.

Từ năm 2002, Jonna còn được mời làm cố vấn cho  kênh truyền hình Discovery Channel chuyên đề trong lĩnh vực tình báo. Jonna cũng cho xuất bản nhiều cuốn sách về đề tài tình báo trong đó nổi tiếng nhất là cuốn “Spy Dust” mà bà viết chung với chồng là Antonio Mendez, cũng là một chỉ huy của CIA

Hoàng Phú (theo CiCentre)
.
.