Kế hoạch chiến tranh sinh học ở Mỹ của Nhật Bản bị đổ bể

Thứ Sáu, 12/07/2019, 08:21
Chiến dịch “Hoa anh đào vào ban đêm” là kế hoạch năm 1945 do tướng Shiro Ishii phát triển để tiến hành chiến tranh sinh học tấn công các trung tâm dân sự vùng Nam California của Mỹ trong những tháng cuối cùng Chiến tranh Thế giới lần 2, sử dụng mầm bệnh do các thành viên Đơn vị 731 nằm dưới sự lãnh đạo của Ishii tạo ra.

Kế hoạch dự kiến bắt đầu vào ngày 22-9-1945, nhưng không được thực hiện vì Nhật Bản đầu hàng Mỹ vào ngày 15-8-1945. Arata Mizoguchi, sĩ quan chỉ huy thuộc Hải quân Nhật Bản, cho biết chỉ có 3 chiếc I-400 được xây dựng vào ngày 15-8, nhưng ước tính vào ngày 2-9, thêm 2 hoặc 3 chiếc nữa sẽ được xây dựng trước thời hạn nếu cuộc chiến diễn ra theo đúng kế hoạch.

Vũ khí sinh học

Trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ 2 và cuối Chiến tranh Thế giới lần 2, người Nhật “nhồi nhét” mầm bệnh dịch hạch, bệnh tả, đậu mùa, bệnh than cũng như một số bệnh khác vào những quả bom thả xuống hàng ngũ binh sĩ và kể cả dân thường Trung Quốc.

Theo Hội nghị chuyên đề quốc tế về tội ác chiến tranh vi trùng năm 2002, số người thiệt mạng trong cuộc chiến tranh vi trùng của quân đội Hoàng gia Nhật Bản và các thí nghiệm trên con người là khoảng 580.000. Theo các nguồn khác, “hàng chục ngàn, và có lẽ có tới 400.000 người Trung Quốc đã chết vì bệnh dịch hạch, bệnh tả, bệnh than và các bệnh khác” do chiến tranh sinh học.

Trong vài tháng đầu chiến tranh với Mỹ sau vụ tấn công Trân Châu Cảng, Nhật Bản cũng đã lên kế hoạch sử dụng vũ khí sinh học chống lại người Mỹ. Trong trận chiến Bataan vào tháng 3-1942, người Nhật toan tính thả hơn 90kg bọ chét mang mầm bệnh dịch hạch và khoảng 150 triệu côn trùng, trong 1/10 cuộc tấn công riêng biệt. Tuy nhiên, sự đầu hàng của các lực lượng Mỹ khiến kế hoạch không cần thiết.

Đầu tháng 7-1944 trong Trận Saipan, khi chiến tranh đang diễn ra chống lại Nhật Bản, bọ chét bị nhiễm bệnh dịch hạch một lần nữa được dự định sẽ sử dụng để tấn công quân đội Mỹ. Tuy nhiên, tàu ngầm Nhật Bản mang bọ chét đã bị tàu ngầm Swordfish của Mỹ đánh chìm ngoài khơi đảo Chichi Jima nằm trong quần đảo Ogasawara ở Thái Bình Dương. Trong trận chiến Iwo Jima, một cuộc tấn công sinh học khác được cân nhắc để chống lại người Mỹ.

Phi công Shoichi Matsumoto sau đó kể lại việc hai tàu lượn mang mầm bệnh đáng lẽ phải được triển khai trong trận chiến, nhưng những chiếc tàu lượn - được cho là cất cánh từ lục địa Nhật Bản đến sân bay thành phố Matsumoto thuộc tỉnh Nagano vùng Chubu để chuẩn bị cho cuộc tấn công - không bao giờ đến đích. Trên thực tế, quân đội Nhật Bản đã dựa vào vũ khí sinh học nhiều năm trước khi Chiến tranh Thế giới lần 2 nổ ra.

Nhật Bản có một đơn vị quân đội đặc biệt gọi là Đơn vị 731 chỉ dành cho chiến tranh sinh học và hóa học được tạo ra từ khoảng đầu thập niên 1930. Đơn vị 731 làm việc dưới sự lãnh đạo của Shiro Ishii, thử nghiệm nhiều loại bệnh và hóa chất nguy hiểm trên cơ thể đàn ông, phụ nữ, trẻ em và thậm chí cả trẻ sơ sinh.

Một mẫu mầm bệnh.

Người Nhật không chỉ thực hiện những thí nghiệm tàn khốc này đối với các tù nhân bị bắt hoặc lính địch bị thương; thay vào đó, họ đã thực hiện các ca thử nghiệm tàn nhẫn có khả năng gây chết người trên bất kỳ ai mà họ có thể tìm thấy. Nhờ những nỗ lực của Đơn vị 731, quân đội Nhật Bản đã nhanh chóng sẵn sàng đưa tất cả các nghiên cứu vào sử dụng và phá hoại bằng vũ khí sinh học.

Với kiểu chiến tranh mới đáng sợ mà hiệu quả này, người Nhật rất muốn gieo rắc những thiệt hại khủng khiếp đối với Mỹ vào cuối Chiến tranh Thế giới lần 2.

Vào cuối Chiến tranh Thế giới lần 2, các nhà khoa học thuộc Đơn vị 731 đã phá hủy hầu hết bằng chứng của chương trình. Tuy nhiên, một số động vật thử nghiệm bị nhiễm bệnh đã được thả ra gây bệnh dịch hạch cho khoảng 30.000 người tại Pingfang (Trung Quốc) trong vòng 3 năm đầu tiên sau chiến tranh.

Sau khi Nhật Bản đầu hàng, Mỹ bắt đầu cảm thấy hứng thú với những “thí nghiệm” của Đơn vị 731. Để đổi lấy thông tin, chính quyền Mỹ đã chôn vùi tội ác của Đơn vị 731 đồng thời miễn truy cứu trách nhiệm đối với tướng Ishiiro cùng với những kẻ liên quan bất chấp sự phản đối của Liên Xô.

Tướng Shiro Ishii, lãnh đạo Đơn vị 731.

Tướng Shiro Ishii qua đời trong yên bình ở tuổi 67. Nhiều nhà khoa học tham gia Đơn vị 731 đã có những sự nghiệp nổi bật về chính trị, học thuật, kinh doanh và y tế.

Phải đến thập niên 1950, khi Giáo sư Nhật Bản Tsuneishi Keiichi, người đã nghiên cứu rất nhiều về vấn đề này thuyết phục được nhà văn Morimura Seiichi viết cuốn sách tựa đề “The Devils gluttony” (tạm dịch: Quỷ dữ háu đói), sự thật mới được phơi bày. Liên Xô cũng mở một phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh để đáp trả việc rất nhiều người Nga trở thành nạn nhân nghiên cứu của Đơn vị 731.

Phiên tòa tội ác chiến tranh Khabarovsk năm 1949 buộc tội tất cả 8 nhà nghiên cứu Nhật Bản và 4 quân nhân và kết án họ làm việc trong các trại lao động Liên Xô trong 2 đến 5 năm.

Là một phần của thỏa hiệp chính trị, các tù nhân Nhật Bản còn lại đã được thả ra và trở về Nhật Bản vào năm 1956, và nhà sử học Sheldon Harris nghĩ rằng có khả năng các nhà nghiên cứu đã cung cấp cho Liên Xô thông tin về dữ liệu nghiên cứu tuyệt mật của Đơn vị 731 để đổi lấy sự khoan hồng.

Kế hoạch hủy diệt

Một trong những khoảnh khắc khó quên nhất của cuộc chiến đã đến trong những ngày cuối cùng của nó. Khi lực lượng Đồng minh chấp nhận Đức đầu hàng, sự chú ý chuyển sang Nhật Bản - một kẻ thù vẫn đứng vững. Bom hạt nhân đầu tiên trên thế giới đã buộc Nhật Bản phải chấp nhận đầu hàng đồng thời phát đi tín hiệu cho các quốc gia trên thế giới thấy một quả bom hạt nhân có thể nguy hiểm đến mức nào.

Mặc dù Mỹ lần đầu tiên triển khai loại vũ khí hủy diệt mới và đáng sợ này, nhưng không phải là quốc gia duy nhất sử dụng một phương tiện hủy diệt cuối cùng.

Giống như Mỹ trong những tháng trước vụ đánh bom ở Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản cũng chuẩn bị cho khả năng tiến hành một loại chiến tranh hoàn toàn mới đối với kẻ thù của mình. Tuy nhiên, Nhật Bản không muốn nhắm mục tiêu vào bất kỳ quốc gia Đồng minh nào mà giới lãnh đạo chính trị và quân sự của họ muốn tấn công vào lãnh thổ Mỹ một lần nữa - nhưng lần này là trên đất liền.

San Diego and Tijuana, Mexico, nhìn từ trên không.

Theo yêu cầu của Hoàng đế Nhật Bản, các chuyên gia quân sự đã phát triển một kế hoạch có tên mã là “Chiến dịch Hoa anh đào vào ban đêm” - một kế hoạch sẽ gây chết chóc khủng khiếp vùng Nam California bằng chiến tranh sinh học. Mặc dù chiến dịch không bao giờ có cơ hội được triển khai song quá trình phát triển của nó được đánh giá là hết sức cẩn trọng. Tokyo hy vọng Chiến dịch Hoa anh đào vào ban đêm có thể xoay chiều Chiến tranh thế giới lần 2 và đi đến một kết thúc khác, trong đó Nhật Bản sẽ là phía chiến thắng.

Sau khi Nhật Bản tấn công thành công vào Trân Châu Cảng năm 1941, đó là một điều chắc chắn mà Nhật Bản háo hức mong chờ. Trong những tháng sau Trân Châu Cảng, người Nhật bắt đầu chuẩn bị một loạt kế hoạch tấn công khác nhau dựa trên cơ sở sinh học nhằm làm tê liệt sức mạnh của Mỹ.

Tàu ngầm I-400.

Tất nhiên, các trận chiến mà Nhật Bản phải đối mặt trong suốt Chiến tranh Thế giới lần 2 đã chứng tỏ nhiều vấn đề thách thức, và các cơ hội sử dụng chiến tranh sinh học dường như đều gặp thất bại. Tuy nhiên, sự thật khó chịu đó vẫn không làm lùi bước các nhà lãnh đạo Nhật Bản, giới chuyên gia quân sự, hay chính Shiro Ishii.

Thay vào đó, Ishii nhận một nhiệm vụ mới: khi Đức đầu hàng và Nhật Bản chuẩn bị đối đầu toàn diện của Mỹ, Ishii được yêu cầu phát triển một kế hoạch tấn công quy mô lớn làm tê liệt quốc gia địch.

Do đó, Chiến dịch Hoa anh đào vào ban đêm ra đời và Ishii đã tranh thủ những tháng cuối cùng của Chiến tranh thế giới lần 2 để phác thảo kế hoạch và chuẩn bị mọi chi tiết cho nhiệm vụ táo bạo này. Chiến dịch Hoa anh đào vào ban đêm đòi hỏi sự phối hợp của tàu ngầm, máy bay. Vào ngày 25-3-1945, hoạt động của Ishii đã hoàn tất.

Theo kế hoạch, 5 chiếc tàu ngầm tầm I-400 sẽ rời khỏi bờ biển Nhật Bản và đi qua Thái Bình Dương, mỗi chiếc mang theo 3 máy bay Aichi M6A Seiran - kiểu thủy phi cơ tấn công phóng đi từ tàu ngầm được thiết kế cho Hải quân Hoàng gia Nhật Bản. Khi đến gần San Diego vào ban đêm, các tàu ngầm sẽ nổi lên và phóng máy bay về phía bờ biển.

Khi ở trên không, các máy bay sẽ thả những quả bom chứa đầy bọ chét mang bệnh dịch hạch. Sau khi máy bay hoàn thành nhiệm vụ, Chiến dịch Hoa anh đào vào ban đêm coi như gần hoàn tất - tất cả những gì còn lại là sự lây lan của dịch bệnh và sự chết chóc khắp San Diego và lan rộng ra các khu vực dân cư khác.

Sau khi bom phát nổ và bọ chét mang mầm bệnh lây lan từ người này sang người khác, hộ gia đình đến hộ gia đình, người Nhật dự đoán rằng hàng chục ngàn người sống ở California sẽ chết do dịch bệnh.

Sau khi nhà văn Morimura Seiichi viết cuốn sách tựa đề “The Devils gluttony” (tạm dịch: Quỷ dữ háu đói), sự thật về Đơn vị 731 mới được phơi bày.

Quân đội Nhật Bản đã phê duyệt các kế hoạch của Ishii và chỉ còn chờ đến ngày tiến hành chiến dịch. Tuy nhiên, điều không may là kế hoạch chiến tranh sinh học của Nhật Bản lại gặp thất bại một lần nữa.

Sau khi chi tiết chiến dịch được công bố, Hải quân Hoàng gia Nhật Bản quyết định rằng toàn bộ kế hoạch là quá rủi ro và không thực tế để thực hiện. Thay vào đó, Hải quân muốn dành những nỗ lực của mình để bảo vệ các đảo Nhật Bản gần đó, đồng thời các quan chức không muốn mất bất kỳ tàu ngầm I-400 được đóng hoàn toàn mới nào cho nhiệm vụ liều lĩnh như vậy.

Chiến dịch Hoa anh đào vào ban đêm dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 22-9-1945 nhưng cuối cùng toàn bộ kế hoạch đã không bao giờ hoàn thành bởi vì Nhật Bản đầu hàng lực lượng đồng minh vào ngày 15-8-1945.

Mặc dù người Nhật dành rất nhiều nỗ lực nghiên cứu để buộc kẻ thù phải quỳ gối bằng chiến dịch hủy diệt bằng vũ khí sinh học, nhưng loại vũ khí hoàn toàn mới và kế hoạch táo bạo đầy tham vọng của Nhật Bản đã không bao giờ có cơ hội gây chết người hàng loạt.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.