Kế hoạch phát triển năng lượng hạt nhân của Nhật Bản

Thứ Tư, 20/08/2008, 11:15
Nói đến năng lượng hạt nhân, Nhật Bản gặp khó khăn nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Cho dù nguy cơ động đất là thường trực, song người Nhật Bản vẫn không thoái chí trước kế hoạch phát triển năng lượng hạt  nhân trong tương lai do Thủ tướng Yasuo Fukuda đề xướng và quảng bá tại Hội nghị thượng đỉnh G-8 vừa qua.

Trong vai trò quốc gia chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G-8 năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda, 71 tuổi, đã quyết định quảng bá sử dụng năng lượng hạt nhân. Thủ tướng tin rằng các quốc gia công nghiệp phát triển khác sẽ đi theo hướng của Nhật Bản và đấu tranh chống lại sự thay đổi khí hậu bằng việc xây dựng các nhà máy năng lượng hạt nhân mới.

Khó khăn hơn bất cứ quốc gia nào trong Hội nghị Thượng đỉnh G-8, Nhật Bản luôn bị ám ảnh bởi vấn đề xây dựng chương trình hạt nhân cho đất nước mình. Với 55 lò phản ứng, quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới này đã thỏa mãn được 1/3 nhu cầu điện năng trong nước với công nghệ hạt nhân, và đến năm 2017 Nhật Bản sẽ cố gắng tăng sản lượng điện lên ít nhất 40% bằng vào việc xây dựng thêm các nhà máy hạt nhân mới.

Tuyệt đại đa số công dân Nhật Bản tán đồng chương trình năng lượng hạt nhân của chính phủ. Nước Nhật phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng đến 80% và chính sự phụ thuộc đã khiến nước này gây nên một cơn ác mộng trong lịch sử.

Một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy Nhật Bản tấn công căn cứ Hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng năm 1941 là người Mỹ trước đó đã cấm cung cấp dầu và hàng hóa vào Nhật để cô lập nước này. Khi Nhật Bản lao vào chương trình hạt nhân đầy tham vọng vào năm 1954, người dân trong nước đã sợ hãi một cách chính đáng.

Với thảm họa HiroshimaNagasaki, Nhật Bản trở thành nạn nhân đầu tiên và duy nhất của bom nguyên tử. Để giảm bớt ác cảm của người Nhật đối với năng lượng nguyên tử, quốc gia này đã phát triển chiến dịch giao tiếp quần chúng với “Pluto”, một nhân vật truyện  tranh sắc sảo được tạo nên chủ yếu cho mục đích này. Chiến dịch cuối cùng đã có kết quả.

Không giống như châu  Âu, Nhật Bản không xảy ra phong trào chống hạt nhân rầm rộ khắp nước. Các chuyên gia chiến lược hạt nhân của Nhật Bản sử dụng những công nghệ vốn bị tranh cãi từ lâu ở nước ngoài.

Một công nghệ trong đó là lò phản ứng tái sinh nhanh, trong đó plutonium – sinh ra như là chất thải trong quá trình đốt uranium trong nhà máy năng lượng hạt nhân quy ước – được đốt cháy. Nhật Bản muốn thực hiện ước mơ hoàn toàn không phụ thuộc vào mặt hàng uranium.

Vào cuối năm nay, lò phản ứng tái sinh nhanh Monju của Nhật Bản sẽ được khởi động lại. Nhà máy kiểu mẫu nằm ở vùng bờ biển phía tây Nhật Bản này vốn đã bị đóng cửa vào tháng 12/1995, tức sau 1 năm hoạt động, vì sự cố rò rỉ sodium lỏng, một chất lỏng rất dễ cháy, từ một đường ống dẫn. Lúc đó Nhật Bản đã cố che đậy sự thật về tai nạn này bằng băng hình video giả mạo.

Thất bại, sai sót và giấu giếm là điều xảy ra trong công nghệ hạt nhân Nhật Bản. Tai nạn hạt nhân lớn nhất từ sau vụ Chernobyl đã xảy ra năm 1999 tại nhà máy xử lý uranium Tokaimura, cách Tokyo 115km về phía bắc, khi công nhân dùng tay đổ đầy

Uranium vào bể chứa đã gây ra phản ứng hạt nhân dây chuyền tai hại. Chính phủ sau đó đã cho sơ tán 310.000 người dân. Thảm họa đã gây nhiễm phóng xạ cho nhiều người dân và 2 công nhân mất mạng.

Tuy nhiên, mối lo lắng hiện nay về giá dầu tăng vọt và trái đất đang nóng dần lên đã thúc đẩy Nhật Bản, vốn đã hờ hững với năng lượng hạt nhân, phải xem xét vấn đề này. Không có tranh cãi thuận hay chống về năng lượng hạt nhân, cũng không có sự đối chọi giữa hai đảng phái chính trị của Nhật Bản.

Thậm chí tai họa động đất thường xảy ra với tần số cao cũng không làm Nhật Bản nao núng. Cách đây 1 năm, một trận động đất đã làm lung lay Nhà máy năng lượng hạt nhân Kashiwasaki ở phía tây bắc Nhật Bản (gồm 6 lò phản ứng) mạnh đến mức 1.140 lít chất lỏng phóng xạ trào ra khỏi bể chứa và rò rỉ ra biển.

Sau tai nạn nghiêm trọng này, Nhà máy Kashiwasaki của Công ty điện năng Tokyo (TEPCO) buộc phải đóng cửa. Sau đó TEPCO phải bù đắp sự thiếu hụt của nó một phần với các nhà máy năng lượng than.

Sau những tai nạn đó, Nhật Bản vẫn không chịu từ bỏ việc theo đuổi chiến lược hạt nhân của mình và cố gắng xây dựng những nhà máy năng lượng hạt nhân an toàn hơn. Một trong những đường phay (gây động đất) chạy qua dưới nhà máy Rokkasho ở phần đông bắc đảo chính Honshu.

Rokkasho là trung tâm của chiến lược hạt nhân Nhật Bản. Theo Giáo sư Mitsuhisa Watanabe ở Đại học Tokyo, đường phay bên dưới Nhà máy Rokkasho, kết hợp với một đường phay dưới nước, kéo dài 100km và có thể gây trận động đất mạnh đến 8 độ richter.

Bất chấp sự thật đó, Nhà máy Rokkasho – được xây dựng với giá 116 tỉ USD – vẫn muốn đi vào hoạt động hoàn toàn trong tháng 7 năm nay. Ngay đến sự phản đối của ngư dân địa phương vẫn không thể ngăn cản được dự án quốc gia

Diên San (theo Spiegel)
.
.