Kế hoạch tấn công CHDCND Triều Tiên bằng vũ khí hạt nhân năm 1969

Thứ Hai, 19/07/2010, 08:30
National Security Archive (NSA) - một tổ chức nghiên cứu phi chính phủ - mới đây đã tiết lộ số tài liệu có được theo luật Tự do thông tin (FIA) liên quan đến kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân chống CHDCND Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1969.

Tài liệu tiết lộ: sau khi những chiếc máy bay chiến đấu của CHDCND Triều Tiên bắn rơi một chiếc máy bay do thám của quân đội Mỹ, Tổng thống Nixon và Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger lúc đó đã nghiên cứu một loạt những kế hoạch đáp trả bằng quân sự, trong đó có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Kế hoạch có tên mã là Operation Freedom Storm (Chiến dịch Bão tự do.)

Vào ngày 15/4/1969, chiếc máy bay do thám của Mỹ EC-121 cất cánh từ một căn cứ ở Nhật Bản để thực hiện nhiệm vụ như hàng chục lần trước đó - bay trên những vùng biển quốc tế để thu thập những tín hiệu, những cuộc giao tiếp radio cũng như những thông tin tình báo khác. Nhưng không may là lần này EC-121 đã bị những chiếc máy bay chiến đấu của CHDCND Triều Tiên chặn lại và bắn rơi trên biển Nhật Bản, 31 người Mỹ trên chiếc máy bay thiệt mạng.

Tháng 6/1969, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Melvin Laird gửi đến cho Cố vấn An ninh quốc gia Henry Kissinger bản phác thảo về những lựa chọn đáp trả quân sự bằng 2 con đường chiến tranh quy ước và chiến tranh hạt nhân. Trong đó bao gồm kế hoạch "tiến hành những cuộc tấn công nhằm vào những mục tiêu quân sự ở CHDCND Triều Tiên với sự sử dụng một vũ khí hạt nhân cho mỗi mục tiêu". Bản phác thảo đề nghị một "cuộc tấn công trừng phạt" đánh vào 12 mục tiêu được lên danh sách là những trung tâm chỉ huy quân đội, sân bay và căn cứ hải quân của CHDCND Triều Tiên.

Một cựu phi công chiến đấu Mỹ - Bruce Charles - nói với Đài Phát thanh National Public Radio ở Washington là lúc đó ông đã được cảnh báo về một cuộc tấn công hạt nhân vào vài giờ trước khi chiến dịch thật sự theo kế hoạch diễn ra. Bruce Charles - phi công lái máy bay vũ trang vũ  khí hạt nhân đóng ở căn cứ không quân Kunsan, Hàn Quốc  - cho biết ông được gọi lên gặp sĩ quan chỉ huy: "Khi tôi đến trình diện đại tá, sự  việc có vẻ như rất đơn giản. Ông ấy mô tả vụ máy bay EC-121 bị bắn rơi giữa biển cách đó khoảng 160km. Rồi đại tá nói tôi chuẩn bị tấn công mục tiêu".

Charles nói chiếc F-4 của ông được trang bị một quả bom hạt nhân B61 (khoảng 330 kiloton) có sức mạnh hơn quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima đến 20 lần. Sân bay mục tiêu của Charles cũng chính là nơi mà không quân CHDCND Triều Tiên thực hiện cuộc tấn công chiếc EC-121 của Mỹ.

Mặc dù không có bằng chứng tài liệu nào xác nhận những gì mà Charles nói, nhưng tài liệu được NSA tiết lộ cũng có ghi rằng "những chiếc  máy bay chiến thuật của USAF trang bị vũ khí hạt nhân sẽ sẵn sàng trước 15 phút ở ROK (Hàn Quốc) để tấn công các sân bay của CHDCND Triều Tiên". Charles cũng có nhiệm vụ trực chiến trong SIOP - kế hoạch chiến tranh hạt nhân với Liên Xô.

Mới đây, Robert Wampler - nhà sử học làm việc cho National Security Archive (NSA), một dự án khoa học của Đại học George Washington - đã đưa 16 tài liệu lên trang web của NSA trong số khoảng 1.700 tài liệu ông đang nghiên cứu.

Số tài liệu này cho thấy Tổng thống Nixon đã rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn khi phải lựa chọn quyết định tấn công trả đũa Triều Tiên như thế nào để đạt hiệu quả mà không gây chiến tranh lan rộng hơn.

Tài liệu tiết lộ, 2 tháng sau vụ không quân CHDCND Triều Tiên bắn rơi chiếc EC-121, lựa chọn sử dụng vũ khí hạt nhân được chuyển đến Nixon.

Xác của kỹ thuật viên điện tử không quân Richard Edson Sweeney trên máy bay EC-121 được đưa từ tàu USS Tucker lên bờ tại một cảng ở Nhật Bản.

Morton Halperin, thời gian đó làm việc trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC), tin rằng Nixon đã có quyết định đánh trả Triều Tiên, nhưng ông lại không biết đến giải pháp vũ khí  hạt nhân. Hai ngày sau vụ máy bay do thám EC-121 bị bắn rơi, Tổng thống Nixon đã tổ chức một cuộc họp báo.

Và những gì Nixon nói khiến cho nhiều người trong Quốc hội có kết luận là Tổng thống không chọn biện pháp trả đũa. Do đó mà Nixon được nhiều người tán dương vì sự kiềm chế không trả đũa quân sự này, Halperin nhớ lại.

Dan Sneider ở Trung tâm Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của Đại học Stanford nói, các tài liệu được đưa lên Internet của NSA cũng cho người ta thấy rằng, sau ngần ấy năm, các đời tổng thống Mỹ tiếp theo đều gặp phải những vấn đề tương tự với CHDCND Triều Tiên. Bởi vì, theo Dan Sneider, một cuộc tấn công trả đũa luôn tiềm ẩn nguy cơ một cuộc chiến tranh lan rộng vô cùng nguy hiểm. Đó chính xác là sự khó khăn của Tổng thống Obama sau khi xảy ra vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm trong tháng 3 năm nay bởi một quả ngư lôi.

Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên bác bỏ mọi cáo buộc nước này liên quan đến vụ việc. Kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công trả đũa CHDCND Triều Tiên của Tổng thống Nixon cũng tương tự như các mưu đồ trước đó của Nixon nhằm "đánh gục" (theo lời của Nixon) nền độc lập và các lực lượng cách mạng ở Việt Nam - đó là kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật phá hủy hệ thống đê ở Bắc Việt Nam để gây ra trận lụt khủng khiếp. Nixon cũng có kế hoạch đánh bom phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng giao thông xã hội thành thị của CHDCND Triều Tiên

Thanh Phong (tổng hợp)
.
.