Kế hoạch ứng phó với chiến tranh hạt nhân từ 37 năm trước của Mỹ

Thứ Năm, 21/09/2017, 11:28
Giới quan sát quốc tế đi đến nhận định rằng, nước Mỹ đã chuẩn bị sẵn kế hoạch đối phó với thảm họa chiến tranh hạt nhân nếu nó xảy ra. Đó là một kế hoạch được thông qua từ thời Tổng thống Jimmy Carter và đã được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) giải mật đăng tải trên tạp chí Foreign Policy.

Trước động thái của giới lãnh đạo Triều Tiên liên tục thử tên lửa và hạt nhân, đẩy khu vực Đông Bắc Á đến sát bờ vực chiến tranh, bất chấp mọi lời tố cáo lẫn khuyến cáo từ nhiều cường quốc trong khu vực và thế giới, ngày 16-9, tại một nhà chứa máy bay trong căn cứ quân sự Andrews, ngoại ô Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump hùng hồn tuyên bố: "Chúng ta sẽ bảo vệ người dân, quốc gia và nền văn minh này trước bất kỳ kẻ nào đe dọa tới cuộc sống của chúng ta, bao gồm cả Triều Tiên, những người một lần nữa cho thấy thái độ coi thường các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế".

Lời tuyên bố của người đứng đầu Nhà Trắng một lần nữa cho phép giới quan sát quốc tế đi đến nhận định rằng, nước Mỹ đã chuẩn bị sẵn kế hoạch đối phó với thảm họa chiến tranh hạt nhân nếu nó xảy ra. Đó là một kế hoạch được thông qua từ thời Tổng thống Jimmy Carter và đã được Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) giải mật đăng tải trên tạp chí Foreign Policy.

Tổng thống Jimmy Carter và Cố vấn An ninh quốc gia Zbigniew Brezinski.

Chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ vào tháng 1-1977, Jimmy Carter đã có trong tay đầy đủ những báo cáo của các quan  chức hàng đầu của CIA và Bộ Quốc phòng về kế hoạch của Liên Xô chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân với các chương trình nghiên cứu-thử nghiệm vũ khí hạt nhân cùng việc đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ như hàng trăm hầm ngầm bí mật dưới lòng đất, quan trọng hơn cả là trong tình huống xảy ra chiến tranh hạt nhân, chính phủ Liên Xô vẫn duy trì sự chỉ đạo đối với lực lượng vũ trang và toàn dân. Đây là điều được Tổng thống J.Carter chú trọng hơn hết và ông đã cùng đội ngũ cố vấn cấp cao của mình xây dựng một kế hoạch ứng phó chi tiết đối với từng tình huống trong gần cả nhiệm kỳ của mình.

Ngày 25-7-1980, Tổng thống J. Carter chính thức phê chuẩn Chỉ thị số 59 (President Directive 59- gọi tắt là PD59) về chiến thuật "xung đột vũ khí hạt nhân có kiểm soát". Theo đó, kho vũ khí hạt nhân mang tính răn đe mà nước Mỹ triển khai lâu nay sẽ được đưa vào biên chế tấn công thường trực, hướng tới các mục tiêu chiến lược ở Liên Xô và khối Đông Âu, cũng như tại Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Mục đích chính của PD59 là phải khiến cho đối thủ, kẻ đe dọa hoặc tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân nhằm vào nước Mỹ phải chịu những thiệt hại kinh tế nặng nề, lực lượng phòng thủ của đối thủ cũng sẽ bị vô hiệu hóa. Phần mở đầu tài liệu PD59 nêu rõ tham vọng của kế hoạch siêu mật: "Đối thủ sẽ mất khả năng sử dụng sức mạnh quân sự của mình cùng với việc phải gánh chịu những tổn thất lớn". 

Nội dung của chỉ thị còn cho biết cách chính phủ được duy trì như thế nào trong tình huống nước Mỹ bị tấn công hạt nhân thì khi đó, nhiệm kỳ và vai trò của tổng thống sẽ được thực thi để cùng lúc hoàn thành ba chức năng chính: người điều hành chính phủ, người đứng đầu nhà nước và tổng tư lệnh quân đội.

Một trong những tác giả-cố vấn giúp Tổng thống J.Carter xây dựng Chỉ thị PD59 là Ray Derby, chuyên gia tình huống khẩn cấp và phản ứng thảm họa. Ray Derby từng làm việc cho khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc thiết kế những tình huống sơ tán cho các binh đoàn không tham gia chiến đấu được diễn tập. Trong ban cố vấn của J. Carter, Ray Derby chỉ đạo các công việc của chính phủ để chuẩn bị cho mối đe dọa tấn công hạt nhân, hóa học và sinh học. Hàng loạt căn cứ hạt nhân trên khắp nước Mỹ cũng do Ray Derby lên ý tưởng. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống J.Carter, kế hoạch đề phòng tấn công hạt nhân được đặt tên là "Kế hoạch Khẩn cấp Liên bang", yêu cầu mọi cơ quan chính phủ phải lên thiết kế, phát triển và xây dựng một cơ sở ngầm riêng biệt.

Trung tâm tình huống khẩn cấp FEMA trong núi Weather.

Tuy tinh thần của chỉ thị là nhằm đảm bảo trong tình huống khẩn cấp, các cơ quan chính phủ vẫn có thể hoạt động trong hầm trú ẩn. Tuy nhiên, đa số cơ quan đã không thực hiện nghiêm túc điều này bởi nhân viên của họ không rõ bản thân có nằm trong diện được ưu tiên sơ tán hay không.

Để buộc họ chấp hành nghiêm túc hơn thì phải có sự phân cấp theo thứ tự ưu tiên để kế hoạch sơ tán diễn ra trong trật tự. Ray Derby đề ra kịch bản như sau: Ngay lúc "quả bom" được phóng đi, Tổng tham mưu trưởng lực lượng liên quân sẽ ra lệnh cho 60 quan chức cấp cao di chuyển tới một căn cứ đặc biệt nằm trong lòng núi Weather ở Berryville, bang Virginia.

"Trái tim" của căn cứ này là khu hầm tránh bom hạt nhân (nếu đối thủ trả đũa) được bảo vệ bởi những bức tường dày 1m, có hệ thống hút gió, khu vực sơ cứu, hệ thống camera an ninh và phòng tắm khử độc. Khu hầm được xây để chống chịu vụ nổ hạt nhân có đương lượng nổ từ 30-50 kiloton, đồng thời cũng có thể chống đỡ những thảm họa tự nhiên hay những vụ tấn công khủng bố. Trong hầm có hệ thống nước nóng, pin năng lượng mặt trời và thiết bị kiểm soát độ ẩm. Người sống trong hầm còn có phương tiện giải trí như rạp chiếu phim, phòng chơi game và cả phòng học cho trẻ em.

Nhà Trắng đã yêu cầu Lầu Năm Góc phải trao đổi thông tin hàng ngày với tổng thống trú ẩn trong núi Weather vì nếu để xảy ra sự cố "không phối hợp" giữa các căn cứ sẽ làm giảm đi hiệu năng bảo vệ và những bộ phận bị cô lập sẽ không cầm cự được lâu cũng như sẽ trở thành mục tiêu bị tấn công. Chỉ thị PD-59 còn cho phép sử dụng tình báo công nghệ cao để tìm kiếm mục tiêu vũ khí hạt nhân rồi tấn công đáp trả.

Ngoài căn cứ trong núi Weather còn có các điểm trú ẩn khác gần Hagerstown ở Maryland và Martinsburg ở Tây Virginia. Đội ngũ nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) sẽ được đưa tới một căn cứ thủy quân lục chiến ở Quantico, Virginia. Bộ Ngoại giao thì sơ tán tới thị trấn Front Royal. Các cơ quan còn lại sẽ trú ẩn và tiếp tục hoạt động trong các trường học nằm trong hoặc gần khu vực ga tàu điện ngầm ở thủ đô Washington D.C.

Với Chỉ thị PD59, Tạp chí Foreign Policy đánh giá: J.Carter là tổng thống Mỹ đầu tiên trong số những tổng thống có nhiệm kỳ trải qua thời kỳ Chiến tranh Lạnh quan tâm nghiêm túc đến vấn đề phòng vệ dân sự. Mục tiêu chính phủ Mỹ muốn đạt được là phải đảm bảo 80% dân số sống sót sau một vụ tấn công hạt nhân. Đó cũng chính là nhân tố dẫn đến sự ra đời của FEMA-Cơ quan Liên bang Đặc trách Tình huống Khẩn cấp.

FEMA chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ lương thực và nhu yếu phẩm cho từng hệ thống hầm ngầm trú ẩn và đảm bảo rằng, các cơ quan chính phủ vẫn có thể tiếp tục vận hành trong tình huống nguy cấp.

Cùng lúc đó, Nhà Trắng có nhiệm vụ đảm bảo sẵn sàng những cơ chế cho một người kế nhiệm tổng thống để lãnh đạo quân đội trong thời gian và sau khi quả tên lửa hạt nhân giáng xuống lãnh thổ Mỹ. Cơ quan Tình báo Nội địa cũng vạch ra kế hoạch để đưa tổng thống an toàn thoát khỏi Nhà Trắng hoặc bảo vệ cho người kế nhiệm trong tình huống tổng thống bị sát hại.

Cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brezinski và Bộ trưởng Quốc phòng Harold Brown cùng tướng William Odom chịu trách nhiệm mở các đợt diễn tập, chuyển vũ khí hạt nhân vào vị trí tấn công thường trực, hướng đến các mục tiêu chấm sẵn trên "bản đồ quân sự" theo đúng Chỉ thị PD 59. Mức độ tuyệt mật của PD59 còn thể hiện ở chỗ ngay cả Ngoại trưởng khi ấy là Edmun Muskie cũng không hay biết gì chỉ thị, bởi Cố vấn An ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski cho rằng, PD59 thuộc về trọng trách của Bộ Quốc phòng và các cơ quan tình báo, "không liên quan gì đến lĩnh vực đối ngoại".

Các văn kiện trong tài liệu giải mật còn chỉ ra rằng, trước ngày Tổng thống J.Carter chuẩn y PD59 khoảng một tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Anh tuyên bố đồng ý cho Mỹ đặt 160 tên lửa hạt nhân cách thủ đô London 97km hướng về phía Liên Xô.

Chuyên gia hàng đầu về Liên Xô Marsall Shulman nhận định: "Dường như chúng ta đánh giá thực lực quân sự của đối thủ hơn nhiều lần khả năng thực tế của họ. Nếu như người Nga tiếp cận được bản chỉ thị này, chắc hẳn họ sẽ bị thuyết phục bởi ý nghĩ rằng, người Mỹ chúng ta đã sẵn sàng gây hấn trước; điều này đồng nghĩa với sự thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân đe dọa sự sống còn cho cả hai phía vì rõ ràng không ai có thể chiến thắng trong cuộc đối đầu hạt nhân". 

Ở khía cạnh này, chuyên gia Marsall Shulman lại là người đánh giá thấp tiềm lực hạt nhân của Liên Xô. Trong những năm cuối thập niên 70, Liên Xô đã bắt đầu đưa vào trang bị những tên lửa hạt nhân tầm trung SS-20.

Đây là các quả tên lửa đặt trên bệ phóng di động, rất dễ che giấu và mang theo 3 đầu đạn hạt nhân mạnh đến 150 kiloton, có sức mạnh hủy diệt quân đội NATO đóng ở Châu Âu trong một cuộc tấn công phủ đầu. Vì vậy, để đối phó, Tổng thống J.Carter ủng hộ quyết định của NATO trong việc triển khai các tên lửa hành trình có trang bị đầu đạn hạt nhân Gryphon, bên cạnh tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân Pershing II ở vài quốc gia Châu Âu.

Pershing II có thể bay tới Liên Xô chỉ trong chưa đầy 10 phút còn tên lửa Gryphon thì "chạm đến" Moskva trong chưa đầy 1 giờ và radar Liên Xô thì không thể phát hiện nó. Herb Meyer, Phó Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ từng đánh giá rằng, "thời gian cần thiết để những quả tên lửa này bay tới mục tiêu gần bằng thời gian để các lãnh đạo ở điện Kremlin đứng lên khỏi ghế, chưa nói tới việc họ còn phải chạy ra hầm trú ẩn".

Người Mỹ xem hiệu năng của các quả tên lửa này là dấu hiệu thể hiện sự đoàn kết với các đồng minh Châu Âu, là nỗ lực để Liên Xô rút bỏ tên lửa SS-20 khỏi các vị trí có thể đe dọa Châu Âu. Nhưng Liên Xô thì coi đây là các vũ khí giúp Mỹ tấn công trước. Cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev sau này mô tả lại rằng, những quả tên lửa đó giống như "họng súng chĩa vào thái dương" Liên Xô.

Thời gian này, Cơ quan tình báo KGB của Liên Xô được giao nhiệm vụ lập một nhóm nghiên cứu để phát hiện các dấu hiệu Mỹ và các đồng minh phương Tây chuẩn bị tiến hành tấn công hạt nhân phủ đầu như thế nào. Kết quả là một nỗ lực tiến hành hoạt động tình báo quy mô trong khuôn khổ Điệp vụ Ryan (Ryan là một từ viết tắt trong tiếng Nga có nghĩa tấn công bằng tên lửa hạt nhân). Điệp vụ Ryan đã giao nhiệm vụ cho khoảng 300 điệp viên, để tính toán xem Liên Xô có nên phát động chiến tranh hạt nhân trước Mỹ và các nước phương Tây hay không.

Là người đã cùng với các cố vấn kiến tạo nên Chỉ thị PD59 vẫn còn hiệu lực dưới thời của Tổng thống Trump hiện nay, ông Jimmy Carter khi rời khỏi chiếc ghế tổng thống Mỹ rồi có lúc cũng nhận ra rằng, "không ai có thể chiến thắng trong cuộc đối đầu hạt nhân" nên vào năm 1994, ông đã đích thân đến Bình Nhưỡng nỗ lực thực hiện vai trò trung gian hòa giải trong bối cảnh Bình Nhưỡng đã sẵn sàng cho vụ thử tên lửa thứ hai. Cựu Tổng thống Mỹ cho biết, Chủ tịch Kim Nhật Thành lúc bấy giờ đã đồng ý với mọi điều khoản mà ông đưa ra, trong đó có cả việc ngưng chương trình vũ khí, ngưng quá trình làm giàu nhiên liệu và cho phép các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc đến kiểm tra, đồng thời quay trở lại bàn đàm phán song phương với Hàn Quốc.

Đổi lại, Mỹ, Nhật, cùng các nước khác đồng ý cung cấp cho Triều Tiên đủ dầu để sản xuất điện, thay thế cho các nhà máy điện hạt nhân bị đóng cửa theo thỏa thuận. "Nhưng tất cả đã bị ném vào sọt rác"- ông J. Carter khẳng định.

Vài tuần sau cuộc gặp gỡ này, Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời, con trai của ông, Kim Jong-il cũng cam kết với chính phủ của Tổng thống Bill Clinton sẽ tuân thủ theo hiệp ước đã đạt được. Tuy nhiên, năm 2001,  sau khi Tổng thống George W. Bush lên nắm quyền, "thái độ của Mỹ đối với Triều Tiên thay đổi ngay lập tức". Chỉ trong vòng một năm, toàn bộ thỏa thuận khung đạt được đã bị phá vỡ.

Quang Học (tổng hợp)
.
.