Kết luận cuối cùng về tai nạn thảm khốc của máy bay Concorde

Thứ Bảy, 29/09/2007, 16:10
7 năm sau vụ tai nạn máy bay siêu âm Concorde, cuộc điều tra đã chính thức có kết luận cuối cùng vào hôm 20/9 vừa qua.

Theo đó, một nguyên nhân quan trọng đã được các nhà điều tra phát hiện là một lỗi thiết kế ở phần chứa nhiên liệu và điều đáng nói nhất là mặc dù nhà sản xuất cũng như công ty khai thác những chiếc máy bay dân dụng nhanh nhất thế giới này từng nhận thức được lỗi thiết kế trên nhưng chưa bao giờ có kế hoạch sửa chữa.

Thanh lịch và thần tốc, máy bay siêu âm Concorde từng là một "ngôi sao" trên bầu trời hàng không dân dụng thế giới trước khi nó được đặt vào Viện Bảo tàng Hàng không Pháp Bourget. Concorde vĩnh viễn không bao giờ còn được cất cánh lên bầu trời sau vụ tai nạn thảm khốc diễn ra ngày 25/7/2000 tại Gonesse (tỉnh Val-d'Oise).

7 năm sau vụ tai nạn làm 113 người bị chết, trong đó có đến 79 người Đức, cuộc điều tra đã có hồi kết. Chỉ còn vài thủ tục cần hoàn tất, thẩm phán điều tra sẽ cho đóng hồ sơ khổng lồ của vụ án này trong vài tuần tới. Kết thúc những công việc điều tra về nguyên nhân của vụ tai nạn, nhiều người sẽ được triệu tập vào một phiên tòa dự kiến mở vào năm 2008.

Theo đó, Công ty Hàng không của Mỹ (Continental Airlines) và một trong những người phụ trách kỹ thuật của công ty này bị truy tố cùng 2 kỹ sư của Công ty Aérospatiale (công ty thiết kế và chế tạo những chiếc máy bay Concorde) và một thành viên của Tổng cục Điều hành hàng không dân dụng Pháp (DGAC). Hãng Hàng không Air France và Cơ quan Quản lý sân bay Paris (ADP) không hề có liên quan gì.

Trở lại vụ việc, 16 giờ 42 phút ngày 25/7/2000, chiếc máy bay Concorde do Air France khai thác cất cánh từ sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle trên lộ trình bay sang New York, Mỹ.

2 phút sau đó, điều không thể tưởng tượng đã xảy ra. Do không thể đạt độ cao cho phép, chiếc máy bay siêu âm đã đâm xuống khách sạn Hotelissimo ở làng Gonesse, làm chết toàn bộ hành khách trên máy bay cùng 4 người khác tại khách sạn.

Điều tra ban đầu cho thấy một miếng titan dài 42cm là nguyên nhân chính gây ra vụ tai nạn. Sau khi bị tung ra từ một chiếc máy bay DC10 của Hãng Hàng không Continental Airlines, miếng titan này đã nằm trên đường băng và chiếc Concorde cán phải.

Trong báo cáo đầu tiên của Văn phòng điều tra tai nạn (BEA) ghi rõ miếng kim loại trên đã cắm vào lốp của chiếc Concorde khiến nhiều miếng cao su từ chiếc lốp máy bay văng ra và đâm thủng thùng chứa nhiên liệu ở cánh khiến máy bay bốc cháy.

Các chuyên gia tư pháp ngay sau đó đã đưa ra thêm một giải thích làm sáng tỏ vụ tai nạn. Theo họ, bình nhiên liệu của Concorde đáng lý có thể chịu đựng được những miếng cao su văng ra từ lốp máy bay nếu các nhà sản xuất và công ty khai thác khắc phục được một lỗi nằm ở phần chứa nhiên liệu.

Thực tế cho thấy, trong một báo cáo năm 2004, chính nhà sản xuất và Công ty Air France đã viết: “Lỗi thiết kế trên đã không được xác định ngay khi chiếc Concorde đầu tiên được đưa vào khai thác (1974), nhưng nó đã được phát hiện sau những sự cố nhỏ trong năm 1979”.

Năm đó, sau khi khởi hành từ Washington, một chiếc Concorde đã bị nổ lốp, những mảnh cao su từ lốp máy bay sau đó văng ra làm hư hại thùng chứa nhiên liệu, nhưng rất may đã không có tai nạn xảy ra. Những sự cố như vậy liên tục được lặp lại sau đó.

Cũng theo báo cáo trên, các chuyên gia chỉ rõ rằng một giải pháp công nghệ có thể sửa được lỗi thiết kế trên vào những năm 80 của thế kỷ trước. Nhưng thực tế, điểm yếu trên của chiếc máy bay Concorde đã không bao giờ được sửa chữa.

Trong cuộc nghiên cứu năm 2005, các chuyên gia cho biết rõ ràng những sự cố lặp đi lặp lại nhiều lần đối với máy bay Concorde trước đây là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn tại Gonesse. Và kết luận này là trong tâm điểm của cuộc điều tra, từ đây sẽ xác định được trách nhiệm thuộc về ai

Hải Hà (tổng hợp)
.
.