Khi CIA và những tờ báo lớn cùng “nhấn chìm” loạt bài điều tra của một nhà báo

Thứ Năm, 05/11/2015, 08:30
Gary Webb là một nhà báo đã dốc sức điều tra và cho ra đời loạt bài vạch trần “Liên minh đen tối” của CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) mà không thể ngờ rằng tác phẩm này sẽ dẫn đến bi kịch khiến ông phải từ bỏ sự nghiệp và tự kết liễu cuộc đời mình tại nhà riêng ở Carmichael, California vào ngày 10/12/2014.
Ban biên tập tạp chí San Jose Mercury News trong tuần cuối tháng 10 này vừa cho đăng lại loạt bài gây tranh cãi của nhà báo Webb như một cách thanh minh cho ông và tìm sự đồng tình từ dư luận, dù đã muộn màng.

Gary Webb bén duyên với báo chí từ nhỏ, ông viết những bài báo đầu tiên khi còn đang theo học tại Trường cấp 3 ở bang Indiana. Bỏ dở khóa học báo chí tại Trường đại học Bắc Kentucky, ông bắt đầu làm việc cho tờ Kentucky Post từ năm 1978 và lập gia đình một năm sau đó. Sau một thập kỷ với nhiều lần chuyển chỗ làm tại bang Ohio, Webb và gia đình quay về California, nơi ông đến làm việc cho tờ San Jose Mercury News vào năm 1988.

Nhà báo Gary Webb.

Chỉ sau một năm làm việc cho tờ báo này, Webb đã nổi tiếng với loạt bài viết về trận động đất Loma Prieta xảy ra tại khu vực đồi núi ở Santa Cruz khiến 63 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương. Tháng 7/1995, Webb nhận được cuộc gọi từ một cô gái xưng tên là Coral Baca, muốn Webb điều tra về việc làm thế nào "một người có mối liên hệ với CIA" lại lừa người bạn trai bán lẻ ma túy của cô ta trắng tay.

Thông tin cô gái cung cấp khiến Webb phải quan tâm. Gần 6 tháng sau đó, Webb đã thảo luận với cấp trên của mình là Dawn Garcia và quyết định theo đuổi câu chuyện này. Nhờ Baca, Webb đã thâm nhập được vào đường dây buôn bán ma túy địa phương. Sau đó, Webb phát hiện ra đầu nậu cung cấp ma túy từ Nicaragua tới Los Angeles là tên Oscar Danilo Blandón - một kẻ ủng hộ Contras. Webb đã đến tận Nicaragua rồi lại lặn lội từ San Francisco đến Miami và ngược lại để lần tìm Blandón. Rồi ông điều tra được Blandón có liên hệ với tay buôn ma túy Ricky Donnell Ross tại Mỹ.

Nỗ lực không ngừng nghỉ điều tra của Webb dần làm hiện lên mối liên kết giữa những kẻ buôn ma túy và Contras. Viết xong, Webb gửi loạt bài 4 kỳ cho các biên tập viên và không thể ngờ rằng bài báo phải mất 4 tháng để xét duyệt. Những biên tập viên đã tranh luận hàng tuần. Họ hoàn thành việc chỉnh sửa và rút gọn thành 3 bài vào ngày 25/7, và lên kế hoạch bài đầu tiên sẽ được đăng vào ngày 18/8/1996.

Loạt bài 3 kỳ của Webb có tựa đề “Liên minh đen tối” với nội dung vạch trần việc nhóm phiến quân Contras tại Nicaragua được Mỹ hỗ trợ đã tuồn ma túy vào những khu vực nghèo khó của Los Angeles để kiếm tiền mua vũ khí và CIA biết về điều này nhưng vẫn làm ngơ. Loạt bài được đăng tập trung vào 3 nhân vật Ricky Ross, Oscar Danilo Blandon và Norwin Meneses (tên buôn ma túy người Nicaragua). Trong bài báo của mình Webb đưa ra kết luận: "Đó là một trong những liên minh kỳ lạ nhất trong lịch sử hiện đại". Và Webb cũng không ngờ loạt bài này về sau sẽ mang thảm kịch đến với mình.

Ngay lập tức, bài báo thu hút hàng chục ngàn độc giả ồ ạt truy cập vào trang mạng của tờ San Jose Mercury News và trở thành một hiện tượng trong thời điểm Internet vẫn ở giai đoạn sơ khai. Chính Webb đã đề xuất đăng bài trên báo mạng khiến San Jose Mercury News trở thành tạp chí tiên phong tại Mỹ ở thời điểm đó chú trọng vào báo điện tử. Nội dung bài báo của Webb được lan truyền qua Internet, radio, truyền hình và đến tai các chính trị gia. Bà Maxine Waters, một nghị sĩ của khu vực Trung Nam Los Angeles (điểm nóng trong cuộc chiến chống ma túy), đã yêu cầu Quốc hội tiến hành điều tra về trách nhiệm của CIA trước tình trạng ma túy lan tràn trong cộng đồng khu vực.

Hầu hết những chi tiết Webb viết đều có sự chính xác nhất định, tuy nhiên việc khẳng định vấn nạn ma túy bắt nguồn từ lực lượng nổi dậy Contras tại Nicaragua đã được CIA biết rõ và bỏ qua mà không hề nhắc đến phản hồi của cơ quan này đã khiến loạt bài của Webb lại mang tính chủ quan. Vấn đề chính là loạt bài của Webb được đưa ra dựa trên các luận điểm nhiều hơn những chi tiết thực tế nên đã tạo ra nhiều sơ hở. 

Sau khi loạt bài về "Liên minh đen tối" tạo nên một cơn địa chấn, phóng viên Webb bỗng chốc phải đối mặt với những sự phủ nhận, đả kích đầy cay nghiệt. Nhà báo Eliane Shannon, người chuyên viết về vấn nạn ma túy, đã trả lời phỏng vấn tờ Time sau khi loạt bài về "Liên minh đen tối" được đăng rằng, ý tưởng của Webb là "huyễn hoặc".

Tờ Los Angeles. Times đăng một loạt bài 3 kỳ cô đọng lại nội dung hơn 100 bài phỏng vấn thực hiện tại San Francisco, Los Angeles, Washington và Managua mà họ coi là "bằng chứng cho thấy lý lẽ của Webb là sai lầm". Một sự kiện đầy bất ngờ đã xảy ra khi những tờ báo tên tuổi như New York Times, Washington Post và Los Angeles Times cùng hợp lực đồng loạt đăng những bài báo nhằm "nhấn chìm" câu chuyện của Webb. Điều đáng nói là Jack E. White, nhà báo của tờ Time, nhận xét rằng, chính bài điều tra bóc mẽ của những tờ báo trên cũng có vấn đề bởi họ chỉ chăm chăm mổ xẻ moi móc những khiếm khuyết trong bài của Webb mà không chú ý đến việc tìm hiểu thực sự về trách nhiệm và vai trò của CIA.

Tuy nhiên, cú sốc lớn hơn đối với Webb là bị chính người trong Ban biên tập quay lưng lại với ông. Chủ bút của San Jose Mercury News đã điều Webb đến cơ quan thường trú của báo tại Cupertino. Sau đó, vào tháng 5/1997, Tổng Biên tập Jerry Ceppos còn đăng bài thừa nhận loạt bài “Liên minh đen tối” đã không đáp ứng được tiêu chuẩn của tờ báo. Webb sau đó nộp đơn thôi việc và quyết định viết một cuốn sách để bảo vệ loạt bài của ông. Nhưng đến cuối mùa hè năm 1997, tất cả 25 nhà xuất bản đều từ chối in sách của Webb. Quyết định "chia tay" với nghề báo, Webb chấp nhận làm một điều tra viên cho cơ quan lập pháp bang California.

Thật ra, vấn đề mà Webb đề cập không phải là hoàn toàn mới đối với truyền thông Mỹ. Từ tháng 4/1989, Tiểu ban về khủng bố, ma túy và chiến dịch quốc tế của Thượng viện Mỹ do nghị sĩ John Kerry đứng đầu đã tiến hành điều tra gắt gao trong 3 năm và kết luận rằng các quan chức CIA đã nhận thức được hoạt động buôn lậu của Contras nhưng không hề đề cập tới chi tiết CIA có cố tình giấu giếm điều này hay không. Trước đó, vào tháng 12/1985, Hãng tin AP đã đưa thông tin cho rằng Contras "buôn lậu ma túy nhằm tăng tài chính cho cuộc nổi dậy của họ ở Nicaragua".

Năm 1986, tờ San Francisco Examiner cũng đưa tin bài với nội dung tương tự nhưng vấn đề này không gây được sự chú ý. Khi loạt bài của Webb xuất hiện thì tác động của vụ việc này tới công chúng mới đạt được một tầm vóc mới bởi nhà báo này đã khắc họa được rõ nét hành trình của ma túy sau khi được Contras tuồn vào Mỹ và nguồn tiền thu được sẽ đi đến đâu; bên cạnh đó ông còn tập trung phản ánh ảnh hưởng của việc này tới cộng đồng người da màu ở Los Angeles. Loạt bài của Webb cũng là cảm hứng để một đạo diễn nổi tiếng của Mỹ làm bộ phim “Kill the Messenger” có nội dung xoay quanh cuộc đời của Webb và cuộc điều tra của ông về "Liên minh đen tối".

Năm 1998, một số sự kiện tưởng như tạo tia hy vọng mới cho Webb khi trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, Tổng thanh tra CIA Frederick P. Hitz cho biết, sau khi xem xét vấn đề, ông tin rằng CIA đúng là "một kẻ bàng quan" trong cuộc chiến chống ma túy tại Los Angeles. Nghị sĩ Juanita Millender-McDonald, trong cuộc họp Quốc hội cùng năm, cho rằng "CIA đã cố tình tảng lờ những thông tin chỉ ra việc buôn bán ma túy của Contras". Trong khi đó, Webb không hề nhận được bất cứ đề nghị hợp tác làm việc nào trong ngành báo chí. Ông dần trở nên xa cách với gia đình, luôn giữ kín những đau buồn trong lòng và che giấu nó với những người thân thích. Không những vậy, mối quan hệ với người vợ Sue Webb cũng bị rạn nứt trong khi con cái ông lớn dần và trở nên tự lập hơn.

Cuối cùng, không chịu nổi sự cô đơn và thất vọng với cuộc sống, Webb đã tự sát bằng súng tại nhà riêng ở Carmichael, California, để lại tiếc thương cho nhiều người.

Lê Miên Tường (tổng hợp)
.
.