Khi kẻ giết người kiếm tiền trong… tù

Thứ Bảy, 12/06/2021, 11:38
Cũng như nhiều quốc gia khác, Mỹ cho phép tù nhân lao động trong tù nhằm mục đích tạo thêm thu nhập và thúc đẩy việc hoàn lương của họ. Nhưng không phải tù nhân nào cũng được hàng ngày dành vài tiếng ngoài song sắt, đặc biệt là các đối tượng giết người hàng loạt.

Không ai muốn nhận vào làm tại cơ sở của mình một người phạm tội danh nghiêm trọng, có vấn đề tâm lý, hay sắp bị tử hình cả. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa những kẻ sát nhân thiếu cách kiếm tiền sau song sắt. Thậm chí chúng còn có thể trở nên… giàu hơn cả lúc chưa bị bắt vào tù.

Một niềm say mê kỳ lạ

Truyền thông nước Mỹ phản ứng rất nhanh với những vụ giết người hàng loạt. Tất cả mọi thứ có từ trước đều bị dẹp qua một bên để đăng tải thông tin 24/24 về những kẻ giết người và tội ác của chúng. Các ông chủ tờ báo, đài truyền hình,… hiểu rất rõ người đọc của họ phần vì sợ, phần vì tò mò nên mới “khát” thông tin đến mức vậy. Điều họ không hiểu là mình đã vô tình tiếp tay biến các đối tượng tội phạm trở thành người nổi tiếng.

Ở Mỹ, công chúng thường xuyên mua kỷ vật của người nổi tiếng như một cách thể hiện lòng hâm mộ. Những kẻ giết người hàng loạt được coi là người nổi tiếng, vì thế có hẳn một website bán hàng mang tên “Serial Killers Ink” chuyên bán giấy tờ, tranh vẽ,… của những đối tượng sát nhân như Charles Manson, Dennis Rader, Ed Gein,… cho các nhà sưu tầm.

Vào ngày 26-2-2012, thiếu niên người Mỹ da đen tên là Trayvon Martin sau khi ra khỏi cửa nhà người bà con thì bất ngờ bị thành viên tổ bảo vệ dân phố George Zimmerman chặn đường. 

Không biết ai đã thông báo cho George rằng có đối tượng khả nghi lảng vảng trong khu vực, và chẳng vì lý do gì mà ông ta kết luận ngay rằng Trayvon chính là kẻ tình nghi. 

George sử dụng vũ lực để trấn áp cậu thiếu niên, rồi trong khi hai bên giằng co, ông ta bắn chết Trayvon. George khai trước toà rằng mình bắn vì mục đích tự bảo vệ, nhưng kết quả giám nghiệm hiện trường và thái độ phân biệt chủng tộc của bị cáo cho thấy ông ta không trung thực.

Kẻ giết người George Zimmerman cầm khẩu súng mà hắn đã dùng để bắn Trayvon Martin.

Giữa lúc phiên toà đang diễn ra thì George Zimmerman bất ngờ đem đi đấu giá khẩu súng đã giết chết Trayvon Martin. Khẩu súng là tài sản cá nhân của George và ông ta có toàn quyền quyết định về nó sau khi được toà án trả về. Nhà đấu giá không công bố danh tính người đã mua khẩu súng. Tuy vậy, theo thông tin nội bộ khẩu súng đã được mua với giá 138.900 USD.

Vấn đề phân biệt chủng tộc đóng một vai trò quan trọng trong cái chết của Trayvon Martin. Chỉ vì màu da của mình mà Trayvon bị một dân phòng da trắng nghiễm nhiên coi là tội phạm tình nghi trong khi không có bằng chứng nào. 

Ngoài ra ngay khi George còn đang hầu toà đã có nhiều đối tượng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan lên tiếng ủng hộ bị cáo. Theo nhiều chuyên gia thì rất có thể một kẻ như vậy đã mua khẩu súng giết người trong phiên đấu giá.

Nhưng cũng không thiếu những người bình thường có “thú vui” sưu tầm kỷ vật của kẻ giết người hàng loạt. Tên sát nhân David Berkowitz, kẻ đã giết 6 người trong vòng một năm dưới bí danh “Son of Sam”, viết trong bức thư gửi một nhà báo: “Người Mỹ coi những kẻ như tôi giống như diễn viên, tội ác của chúng tôi như phim ảnh hay truyện trinh thám. Anh hãy nhìn cách họ “ngấu nghiến” những cuốn sách hay phim tài liệu về sát nhân thì biết… Việc mua kỷ vật liên quan đến những kẻ giết người cũng là một cách tự giải trí đối với họ”.

Sau khi David Berkowitz  bị bắt, các giấy tờ, vật dụng của hắn không biết vì sao rơi vào tay một số cá nhân. Những người này đã bán số “kỷ vật” này mặc cho sự phản đối của David. Phải nhiều năm sau Chính phủ Mỹ mới đề ra đạo luật cấm những kẻ giết người kiếm lợi từ chính tội ác của chúng. 

Đạo luật này được đặt tên là “Son of Sam” vì mục đích của nó là ngăn chặn những trường hợp tương tự như của David xảy ra. Tuy vậy không phải bang nào của Mỹ cũng áp dụng luật “Son of Sam”, vô tình để lại một lỗ hổng cho các đối tượng buôn bán kỷ vật giết người.

Một bộ sưu tập những bức tranh mà John Wayne Gacy vẽ trong tù.

Những kẻ làm giàu sau song sắt

Khó có kẻ sát nhân hàng loạt nào trong lịch sử bì được với Jeffrey Dahmer. Hắn chỉ bị bắt sau nạn nhân thứ 16 và cảnh sát phát hiện ra những mảnh thân thể còn lại của các nạn nhân khác. Jeffrey đã dụ nhiều trẻ vị thành niên đến nhà của hắn, giết chết họ rồi sau đó dùng cưa máy chặt xác nạn nhân ra thành từng mảnh để phi tang. 

Hắn cũng sở hữu một chút tài năng hội họa  và trong tù vẫn tiếp tục vẽ tranh. Những bức tranh của hắn được bán ra ngoài với mức giá rất cao. Đôi khi người mua tranh còn gửi thêm tiền quyên góp cho Jeffrey nữa. Sau khi Jeffrey Dahmer bị một bạn tù đánh chết, người ta tìm ra trong người hắn 4.284 USD. Hắn còn có hơn 12.000 USD trong tài khoản ngân hàng.

John Wayne Gacy, kẻ được biết dưới biệt danh “tên hề giết người”, thường xuyên đóng vai hề trong những chương trình từ thiện tổ chức cho bệnh nhân thiếu nhi. Hắn sử dụng cơ hội này để tiếp cận và tạo lòng tin với các trẻ em trai. Hắn đã lừa hãm hiếp và giết chết ít nhất 33 nạn nhân trẻ từ năm 1972 đến 1978.

Sau khi vào tù, Gacy bắt đầu vẽ tranh. Đối tượng chính trong tranh của Gacy là những anh hề, đôi khi lại là chính hắn trong trang phục hề. Vì khi đó luật “Son of Sam” chưa được ban hành nên hắn ta được quyền bán tranh kiếm tiền. Kẻ giết người đã bán 19 bức tranh trong các buổi đấu giá với bức tranh đắt giá nhất đạt mức 20.000 USD. 

Gacy chịu án tử hình vào năm 1994, và toàn bộ những bức tranh còn lại được để lại cho luật sư của hắn. Hai người đàn ông đã mua lại toàn bộ 25 bức tranh này và tổ chức họp lại gia đình các nạn nhân của John Wayne Gacy. Trước sự chứng kiến của 3.000 người, họ thiết lập giàn lửa thiêu huỷ số tranh trên.

Charles Manson không tự tay giết người, nhưng giáo phái do hắn lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về cái chết của nữ diễn viên Sharon Tate, đứa con do cô mang trong bụng và năm vị khách của cô. Vào đêm ngày 8-8-1969, bốn tín đồ của giáo phái Mason đã xông vào nhà nữ diễn viên, dùng dao đâm chết các nạn nhân và lấy máu họ viết lên tường. Cả Charles Manson và bốn kẻ giết người đều bị kết án tù chung thân.

Trước khi trở thành thủ lĩnh giáo phái, Charles Manson là một nhạc sỹ guitar có một chút tiếng tăm. Hắn quá hiểu việc sử dụng danh tiếng của mình để kiếm tiền nên ngay khi vào tù đã bắt đầu vẽ tranh đem bán. Những người bạn của hắn ngoài tù còn sản xuất áo phông, đề-can,… để bán cho những người tò mò. 

Trong gần 50 năm sống trong tù, Charles Manson ước tính đã kiếm được tổng cộng 400.000 USD. Số tiền này tuy vậy đang bị “đóng băng” do tranh chấp quyền thừa kế giữa người nhà của Charles sau khi hắn ta chết vì bệnh ung thư năm 2019.

Jeffrey Dahmer trong một phiên tòa.

Liệu có thay đổi?

Việc buôn bán kỷ vật có liên quan đến tội phạm giết người hàng loạt càng ngày vấp phải sự phản đối từ gia đình các nạn nhân và giới luật gia. Vào năm 2012, một trang web đấu giá đã rao bán một bức tranh của Anthony Sowell, kẻ đã bắt cóc, hãm hiếp và giết chết 11 phụ nữ. Bức tranh vẽ cảnh 11 nấm mộ của các nạn nhân trong trí tưởng tượng của Anthony. 

Người nhà của các nạn nhân kêu gọi thành công một cuộc biểu tình lớn nhằm phản đối trang web đấu giá và yêu cầu họ trả lại bức tranh. Không những cuộc biểu tình đã đạt được thành công mà nó còn thúc đẩy các nhà lập pháp nghiêm túc xem xét việc sửa đổi và mở rộng đạo luật “Son of Sam”.

Việc cấm kẻ thủ ác kiếm tiền trong tù không quá khó. Vấn đề là cấm những người khác sản xuất kỷ vật về kẻ giết người và tội ác của họ. Cũng giống như fan hâm mộ in hình thần tượng trên áo phông, thiệp,… cũng có những người làm thế với các tên giết người hàng loạt. Bất kỳ ai chỉ cần vài cú nhấp chuột trên website bán hàng thủ công Etsy cũng có thể tìm thấy vô số áo phông, vòng tay, đề can đăng tải hình ảnh về những tên sát nhân.

Luật “Son of Sam” chỉ cấm việc kiếm tiền từ sách, ảnh, phim,… do tự tay kẻ giết người làm ra. Những sản phẩm do người khác làm hoàn toàn không bị cấm. Các nhà vận động mong muốn Chính phủ Mỹ sẽ cấm hoàn toàn việc bán kỷ vật liên quan đến các vụ giết người. Dẫu vậy, không phải ai cũng đồng tình với ý kiến này. 

Theo lời luật sư  -  giáo sư Brian Fahl ở trường Đại học luật Marquette: “Nhiều người nhìn nhận rằng việc cấm bán kỷ vật không nên do chính quyền sử dụng quyền lập pháp quyết định, mà nên để cho mỗi người dựa vào chuẩn mực đạo đức của mình”.

Một người chuyên làm đồ lưu niệm về những kẻ giết người bên cạnh sản phẩm của mình.

Một số chuyên gia khác đã chỉ ra rằng trong trường hợp đạo luật được mở rộng, nhiều nhà sưu tầm và các viện bảo tàng có thể phải xem xét lại bộ sưu tập của mình. Quân đội Mỹ sau Thế chiến thứ II đã đem về nước rất nhiều kỷ vật liên quan đến Đức Quốc xã như súng ống, đồng phục, huy hiệu,… 

Những vật dụng này đều ít nhiều liên quan đến tội diệt chủng của quân phát xít Đức. Đấy còn chưa kể việc Mỹ là một trong những nước chủ trì toà án chiến tranh Nuremberg kết tội chính quyền Đức Quốc xã. Có khả năng chính quyền Mỹ sẽ phải tính đến việc kiểm tra tính hợp pháp của hiện vật lịch sử vì việc sửa đổi luật “Son of Sam”.

Về phần mình, gia đình các nạn nhân và những nhà vận động không tỏ ra nản chí. Theo lời người cha của một trong số các nạn nhân của Anthony Sowell: “Tôi tham gia cuộc biểu tình này để truyền đi thông điệp về nỗi đau của gia đình nạn nhân. Kẻ giết người kiếm tiền là một chuyện, nhưng không bậc cha mẹ nào thích thấy con cái của mình bị “thương mại hoá” cả”.

Lời nói của người cha nói trên đã chỉ ra ước mơ của phong trào chống bán kỷ vật. Đó là, đã đến lúc phải thay đổi nhận thức của xã hội về những vụ giết người hàng loạt. Đây là cả một quá trình lâu dài và khó khăn vì cần đến sự tham gia của cả hệ thống chính trị và truyền thông trong khi có rất nhiều người đang hưởng lợi từ hoạt động này. 

Tuy vậy, đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực cho thấy tầm hiểu biết của mọi người về vấn đề này đã được nâng cao. Rất có thể trong tương lai gần, hoạt động buôn bán kỷ vật liên quan đến kẻ giết người hàng loạt sẽ bị xóa bỏ, trả lại sự yên lòng cho gia đình các nạn nhân.

Lê Công Vũ (tổng hợp)
.
.