Khó khăn của các cơ quan tình báo phương Tây trong cuộc chiến với Al-Qaeda

Thứ Năm, 22/05/2008, 10:00
Điều làm các cơ quan tình báo phương Tây đau đầu nhất là cách thức đưa điệp viên để cài cắm vào nội bộ Al-Qaeda dường như không thể thực hiện.

Thủ đoạn dùng tiền để mua chuộc không còn tác dụng

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, các cơ quan tình báo phương Tây đã có những thành công đáng kể trong cuộc chiến tình báo gián điệp, một trong những kinh nghiệm và thành công quan trọng là dùng tiền mua chuộc người của đối phương.

Vào những năm 80 của thế kỷ XX, CIA không những có thể thành công để mua chuộc các quan chức Liên Xô đào tẩu sang Mỹ và châu Âu, mà CIA còn dùng tiền để mua chuộc các lực lượng du kích Afghanistan để chống lại Liên Xô.

Còn sau khi sự kiện 11/9 nổ ra, tình báo Mỹ cũng định áp dụng chiêu thức này, nhưng đã không thành công như họ mong muốn. Mỹ từng tuyên bố sẽ thưởng rất lớn cho những ai cung cấp thông tin tình báo hoặc tiêu diệt được hai nhân vật lãnh đạo của Al-Qaeda là Bin Laden và Ayman al-Zawahiri, cụ thể với mức thưởng mỗi tên là 25 triệu USD.

Nhưng thực tế cho thấy, cách thức dùng tiền để mua chuộc các phần tử Hồi giáo quá khích làm đặc tình của CIA không đạt hiệu quả gì, đặc biệt là với các phần tử khủng bố tại Afghanistan và Pakistan. Al-Qaeda thường xuyên tăng cường các biện pháp, thủ đoạn bảo vệ nội bộ rất chặt chẽ.

Trong công tác tuyển chọn, chúng ngày càng nhấn mạnh tiêu chuẩn trung thành với bộ lạc và trung thành cá nhân để quyết định lựa chọn thế hệ kế cận của Al-Qaeda.  Tiền và sức hấp dẫn của các loại vật chất khác cơ bản không thuyết phục được các phần tử Hồi giáo quá khích phản bội lại tín ngưỡng và tôn giáo.

Việc cài cắm điệp viên nội gián rất khó khăn

Điều làm các cơ quan tình báo phương Tây đau đầu nhất là cách thức đưa điệp viên để cài cắm vào nội bộ Al-Qaeda dường như không thể thực hiện. Nguyên nhân có rất nhiều, cả chủ quan và khách quan, nhưng tựu chung lại là:

Các cơ quan tình báo phương Tây đang phải đối mặt với một tổ chức khủng bố có kỷ luật rất chặt chẽ. Al-Qaeda luôn ý thức rõ rằng chúng đang là mục tiêu phải xâm nhập của các cơ quan tình báo phương Tây, vì vậy chúng đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa rất phức tạp và tinh vi để ngăn ngừa việc cài cắm nội gián.

Chẳng hạn như chúng thường xuyên thay đổi hình thức và địa điểm huấn luyện tân binh. Các thành viên mới đều phải trải qua sự kiểm tra, thẩm định lý lịch chặt chẽ. Mỗi thành viên được phân công nhiệm vụ nhất định, rất ít có cơ hội tiếp xúc với giới lãnh đạo của tổ chức.

Vài năm gần đây, Al-Qaeda không tuyển dụng người Afghanistan vì chúng cho rằng các tổ chức khủng bố ở Afghanistan có thể đã bị cơ quan tình báo nước này xâm nhập.

Trong cuộc chiến tình báo của các nước phương Tây với Al-Qaeda, phương Tây luôn coi trọng tình báo kỹ thuật, ít chú ý đến tình báo con người, vì vậy việc cài cắm nội gián không được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, CIA và FBI không cài cắm được đặc tình vào nội bộ của Al-Qaeda còn do họ thiếu các quan chức, nhân viên tình báo có thể tiến hành tuyển mộ các đặc tình, nội gián người Arập.

Các cơ quan tình báo phương Tây có một thời không ưu tiên phát triển nguồn lực con người, mà luôn đặt hy vọng vào các loại vệ tinh gián điệp và các trang thiết bị công nghệ cao.

Các cơ quan tình báo phương Tây đã thiếu sự phối hợp, hiệp đồng bí mật, điều này càng gây khó khăn trong việc cài cắm điệp viên vào nội bộ của Al-Qaeda. Tháng 1/2008, Cảnh sát Tây Ban Nha bắt giữ 14 phần tử bị tình nghi có âm mưu khủng bố hệ thống đường sắt ở các thành phố ở châu Âu.

Nhưng tại phiên tòa, tòa án đã công khai rằng phía cảnh sát sở dĩ điều tra và phá án được là do một đặc tình người Pakistan làm việc cho Cơ quan Tình báo Pháp cung cấp tin tức. Việc này dẫn đến hậu quả thân phận của đặc tình trên bị lộ, làm phía Pháp rất tức giận. Giới lãnh đạo Tây Ban Nha cũng tỏ ra tiếc nuối, nhưng cho biết họ không còn sự lựa chọn nào khác.

Các cơ quan tình báo phương Tây rất khắt khe trong việc tuyển mộ những người có "lý lịch đen" liên quan đến các tổ chức khủng bố. Các cơ quan tình báo Mỹ và châu Âu khi tiến hành tuyển mộ các đặc tình có “dấu vết đen” đều thẩm định rất chặt chẽ, vì vậy rất khó có thể tuyển chọn những đặc tình thực sự có quan hệ mật thiết trước đó với Al-Qaeda.

Tuy nhiên, các cơ quan tình báo phương Tây vẫn quyết tâm bằng mọi giá cài người vào mạng lưới Al-Qaeda. Bởi lẽ mạng lưới của Al-Qaeda cũng có những điểm yếu và tổ chức này thường phải bổ sung lực lượng mới, đây là cơ hội cho điệp viên và đặc tình của phương Tây cài cắm vào. Chẳng hạn như ngày 6-3 vừa qua, trên một trang mạng, một viên chỉ huy của Al-Qaeda là Mustafa Address Abuja đã công khai quảng cáo tuyển mộ các nhân viên mới để đến tác chiến với quân Mỹ và NATO tại Afghanistan, đặc biệt cần các kỹ sư và các bác sĩ.

Thực tế cũng cho thấy vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX, một người sinh ra ở Morocco tên là Omar Nasri đã làm đặc tình cho Cơ quan Tình báo Pháp và xâm nhập vào hai trại huấn luyện khủng bố tại Afghanistan cũng như có quan hệ cá nhân với một số nhân vật cao cấp trong giới lãnh đạo Al-Qaeda.

Năm 2006, tình báo Mỹ cũng xây dựng được một đặc tình và dựa vào các tin tức tình báo của người này cung cấp, quân Mỹ đã tiêu diệt trùm khủng bố của Al-Qaeda tại Iraq là Zarqawi. Thời gian qua, FBI và các cơ quan an ninh châu Âu cũng đã mua chuộc một số đặc tình để phát hiện và bắt giữ các nhóm khủng bố nhỏ tại Miami, London, New York, Copenhagen.

Thành công như vậy, các cơ quan tình báo phương Tây vẫn không từ bỏ ý định và mục tiêu của mình. Chỉ cần một ngày cuộc chiến chống khủng bố chưa kết thúc thì cuộc chiến tình báo của phương Tây đối với Al-Qaeda vẫn tiếp tục và họ vẫn có khả năng cài người vào nội bộ Al-Qaeda

Thanh Trung (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.