Không quân Mỹ đã sử dụng máy bay Liên Xô (cũ) như thế nào

Thứ Tư, 24/01/2007, 15:30
Mới đây, Bộ Chỉ huy Không quân Mỹ (USAF) đã chính thức thừa nhận: Từ năm 1977 - 1988, khi đào tạo các phi công lái máy bay tiêm kích, họ đã sử dụng những máy bay do Liên Xô sản xuất. Chịu trách nhiệm lái những chiếc máy bay  này là những huấn luyện viên ưu tú thuộc những phi đội đặc biệt gọi chung là "Aggressors".

Hai lần chạm trán

Trong cuộc chiến tranh lạnh, người Mỹ đã biết học tập và áp dụng kinh nghiệm hết sức quý báu của đối phương. Nhưng ban đầu họ chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này bởi vì còn quá tự tin vào tính ưu việt của lực lượng máy bay tiêm kích Mỹ so với Liên Xô.

Thói kiêu ngạo của người Mỹ đã bị cuộc chiến tranh Triều Tiên dập tắt khi những chiếc MiG-15 của Liên Xô khiến những chiếc F-86 Sabre của Mỹ phải lao đao. Sau những cuộc không chiến đầu tiên giữa máy bay chiến đấu Mỹ và máy bay chiến đấu Liên Xô, người Mỹ bắt đầu thực sự mở cuộc săn lùng máy bay Liên Xô.

Mỹ treo giải 1,5 triệu USD (một số tiền cực lớn lúc đó) cho bất kỳ phi công Liên Xô nào đem theo máy bay chạy sang hàng ngũ Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ không thực hiện được ý đồ "sưu tầm" máy bay MiG-15, trước hết là vì các phi công Liên Xô không phải loại người dễ bị mua chuộc.

Hơn nữa, họ không được phép bay xuống dưới vĩ tuyến 38 - đường ranh giới tạm thời giữa hai miền Nam và Bắc Triều Tiên hồi đó.

Tuy vậy, sau khi chiến sự chấm dứt thì người Mỹ đã giải quyết được mong muốn này. Ngày 20/9/1953, một phi công Bắc Triều Tiên là Trung úy Kim Xum-nô đã lái chiếc MiG-15 bay xuống lãnh thổ Nam Triều Tiên.

Chiếc máy bay này lập tức được chuyển tới căn cứ không quân Rite-Peterson ở Mỹ. Trong suốt năm 1954, viên phi công Mỹ Tom Collins đã dùng chiếc máy bay này để thực hiện chương trình thử nghiệm bay so sánh.

Vì vậy, phía Mỹ đã biết được những tính năng chủ yếu của con át chủ bài của Không quân Liên Xô. MiG-15 đã được các chuyên gia Mỹ đánh giá rất cao.

Các chuyên gia Xôviết cũng có điều kiện nghiên cứu loại máy bay E-86 Babre của Mỹ. Nhưng khi rơi vào tay Liên Xô thì chiếc máy bay này đã hư hỏng, không còn bay được nữa. Bởi vậy, các chuyên gia Liên Xô phải tốn khá nhiều thời gian và công sức nhưng kết quả nghiên cứu vẫn hạn chế.

Sau đó 20 năm, các máy bay chiến đấu Mỹ và Liên Xô lại có dịp chạm trán nhau lần thứ hai, lần này là trên bầu trời Việt Nam. Tuy được đào tạo rất bài bản ở Liên Xô và Trung Quốc nhưng các phi công Việt Nam vẫn sáng tạo chiến thuật riêng, nhờ đó, những chiếc MiG-17 của Liên Xô do họ lái thường xuyên giành được thắng lợi trong các cuộc không chiến với loại máy bay Fantome của Mỹ.

Và khi trên bầu trời Việt Nam xuất hiện loại máy bay siêu thanh MiG-21 trang bị loại tên lửa tự định hướng thì người Mỹ chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán.

Quà tặng của Tổng Thống Ai Cập

Chính vào quãng thời gian chiến tranh Việt Nam, người Mỹ đã nảy ra ý tưởng thành lập những chương trình huấn luyện bay đặc biệt. Ngày 3/5/1969, tại căn cứ không quân MiramarCalifornia đã khai giảng khóa huấn luyện bay được đặt tên là Top Gun.

Lúc đầu, đóng vai trò kẻ địch giả định là hai loại máy bay Mỹ A-4 Skyhawk và F-3 Freedom Fighter được sơn màu theo kiểu MiG ở Việt Nam. Những chiếc máy bay này được các phi công chuyên lái loại máy bay F-4 Fantome II sử dụng để rèn luyện những kỹ năng bay của mình.

Một trường huấn luyện bay tương tự - Trường Red Flag - được khai giảng vào năm 1975 tại căn cứ không quân Nellis, bang Nevada. Tại đây, đóng vai "kẻ xâm lược" là các phi công thuộc Phi đội 414 của Binh đoàn Không quân số 57, còn máy bay dĩ nhiên cũng vẫn là máy bay Mỹ.

Máy bay Mỹ.

Điểm cuối cùng này khiến người Mỹ không hài lòng. Họ nhớ đến kinh nghiệm của người Đức và muốn được tập luyện bằng máy bay thực sự của kẻ địch giả định, tức là của Liên Xô.

Những chiếc MiG-17 đầu tiên xuất hiện ở Mỹ khi nào và bằng cách nào thì không một ai biết rõ. Nhưng người ta biết chính xác chiếc MiG-21 đầu tiên đến Mỹ là từ Cận Đông. Một phi công Iraq tên là Munir Redfi đã bị một nữ điệp viên xinh đẹp của Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) tuyển mộ với mục đích bắt cóc chiếc máy bay MiG-21.

Cuộc bắt cóc diễn ra ngày 15/8/1966. Sau khi cất cánh khỏi sân bay vào lúc 7h30’ phút, Munir Redfi lái máy bay về hướng đông. Đến 7h55’ phút, máy bay đã lăn bánh trên đường băng sân bay thuộc căn cứ không quân Hasora ở Israel.

Tuy nhiên, mãi đến năm 1973, người Israel mới chịu vi phạm mọi thỏa thuận trước đó bằng cách chia sẻ bí mật của chiếc MiG-21 với Mỹ. Nhưng "dòng thác" máy bay Liên Xô đổ sang Mỹ là sau năm 1979.

Vào năm đó, sau khi ký kết hòa ước với Israel, Ai Cập bắt đầu thay thế hàng loạt máy bay Liên Xô bằng máy bay Mỹ F-16 và máy bay Pháp Mirage.

Vậy là USAF đã có trong tay khá nhiều máy bay MiG-21 và MiG-23, thậm chí người Mỹ có cả loại máy bay Su-21 (kiểu xuất khẩu). Đến thời kỳ cuối của cuộc chiến tranh lạnh thì mọi  chuyện trở nên đơn giản hơn nhiều: để đối chọi với MiG-29 người Mỹ đã mời các phi công của CHLB Đức là nước có trang bị loại máy bay này sang huấn luyện, còn để chiến đấu với Su-21 thì người Mỹ bay sang Ấn Độ để học tập.

Máy bay Mỹ ở Việt Nam

Còn Liên Xô thì sao? Tuy không chú trọng đến phương tiện kỹ thuật của đối phương như Mỹ, nhưng Liên Xô cũng thực hiện một số việc theo hướng này. Chiếc Messershmitt-109 đầu tiên của Đức mà Liên Xô có được vào năm 1938 là từ Tây Ban Nha. Tây Ban Nha cũng là nơi cung cấp cho Liên Xô chiếc máy bay ném bom Heinkel-111 - loại máy bay ném bom hiện đại nhất của Đức hồi đó.

Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, tại Viện Thử nghiệm bay của Không quân Liên Xô có đủ loại máy bay của tất cả các nước tham chiến. Nhưng kinh nghiệm từ việc nghiên cứu các loại máy bay đó chủ yếu được sử dụng trong công nghiệp hàng không, còn đối với các phi công thì họ chỉ thỉnh thoảng mới được hướng dẫn cách chiến đấu với một loại máy bay nào đó.

Phải đến cuộc chiến tranh Việt Nam thì các chuyên gia Liên Xô mới có điều kiện hết sức thuận lợi để tiếp xúc với máy bay Mỹ. Sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, một nhóm chuyên gia Liên Xô đã được phép đến căn cứ không quân Đà Nẵng để lựa chọn những mẫu máy bay Mỹ mà quân đội Việt Nam chiếm được.

Phía Liên Xô quan tâm nhất đến loại máy bay tiêm kích siêu thanh F-5 Freedom Fighter, loại máy bay cường kích A-37 và một vài loại khác. Tất cả những máy bay đó đã được nghiên cứu tỉ mỉ tại Viện Nghiên cứu khoa học Trung ương và Viện Nghiên cứu khoa học thuộc Bộ Quốc phòng Liên Xô

Vũ Việt (theo báo chí Nga)
.
.