Không quân Mỹ điều khiển máy bay không người lái của CIA

Thứ Sáu, 02/05/2014, 12:10

Trong bộ phim tài liệu mang tên "Drone" (Máy bay không người lái) trình chiếu vào ngày 15/4, một cựu chuyên viên điều khiển máy bay không người lái tên là Brandon Bryant đã khẳng định với các nhà báo rằng có đến 4 đơn vị không quân Mỹ đã được giao phụ trách việc điều khiển các thiết bị bay cả thám báo và tấn công ở Afghanistan, Pakistan, Yemen, Somalia và nhiều nơi khác.

Đại bản doanh điều khiển máy bay được đặt bên trong căn cứ Không quân Creech ở sa mạc Mojave, cách thành phố Las Vegas 45 km về phía tây bắc. Đây là căn cứ điều khiển máy bay lâu đời của không quân Mỹ, kể từ khi cường quốc quân sự này triển khai chương trình máy bay không người lái vào đầu thập niên 90 thế kỷ XX.

Bên trong căn cứ này có các đơn vị điều khiển máy bay không người lái, trong đó có một đơn vị mang tên 432 được giao quản lý 4 phi đội máy bay không người lái tiêu chuẩn Predator và Reaper, thực hiện các nhiệm vụ thám báo và cả tấn công các mục tiêu từ trên không ở chiến trường Afghanistan.

Bên cạnh 432 còn có một nhóm đơn vị đặc biệt mang tên Nhóm tác chiến 732, được cho là có sứ mệnh bao trùm hơn cả 432, tác chiến bằng máy bay không người lái điều khiển từ xa trên phạm vi toàn cầu và trong thời gian suốt năm.

Nhóm tác chiến này cũng bao gồm 4 phi đội máy bay không người lái có liên hệ với CIA. Đầu tiên là Phi đội Thám báo số 30 thực hiện nhiệm vụ bay thử máy bay RQ-170 Sentinel, loại máy bay không người lái tàng hình của CIA. Thiết bị bay này lần đầu được dư luận chú ý sau khi một chiếc gặp sự cố và rơi ở Iran, bị quân đội Iran tịch thu vào tháng 12/2011.

Kế đến là các phi đội số 22 và 867 phụ trách điều khiển các máy bay Reaper, thế hệ mới của loại Predator và được trang bị vũ khí tối tân để thực hiện nhiệm vụ vừa trinh sát vừa tấn công. Quan trọng nhất và đáng chú ý nhất chính là đơn vị thứ tư, Phi đội Thám báo số 17. Đây là đơn vị lớn nhất, được cho là bao gồm đến 300 nhân sự và vận hành 35 chiếc Predator, đủ để thực hiện cùng lúc 5 hoặc 6 nhiệm vụ trong khoảng thời gian 24/24 giờ. Phi đội này hoạt động sâu bên trong căn cứ Creech, được bảo mật tối đa, đến ngay cả các quan chức quân đội cấp cao cũng không thể tiếp cận.

Máy bay không người lái Reaper, thế hệ mới của Predator và được trang bị vũ khí tối tân để tấn công các mục tiêu nghi là khủng bố

Các cựu chuyên viên điều khiển máy bay không người lái cho biết Phi đội số 17 là "viên kim cương" của chương trình máy bay không người lái của Mỹ. Bên trong phòng điều khiển, các nhân viên điều khiển nhân các hình ảnh video do máy bay gửi về để xử lý và lưu trữ bí mật, do đó Phi đội số 17 phải được tách biệt với các đơn vị khác.

Khi thành lập vào năm 2002, Phi đội số 17 hoạt động như một đơn vị chính quy thông thường, đến năm 2004 chuyển sang phục vụ cho "khách hàng" mới là CIA, khi đó cũng bắt đầu triển khai chương trình máy bay không người lái ở Pakistan. Các chuyên viên điều khiển máy bay nhận lệnh hành động từ các nhà phân tích ở CIA, và CIA là nơi quyết định có thực hiện phi vụ tấn công hay không và ai là người thực hiện phi vụ đó.

Tính đến nay, chương trình máy bay không người lái của CIA tại Pakistan đã được triển khai 10 năm, gây ra cái chết cho 2.400 người, trong đó có hơn 1.000 dân thường, chưa kể hàng ngàn người khác bị thương.

Cựu chuyên viên điều khiển Brandon Bryant cho rằng, sở dĩ ông phải lên tiếng trong bộ phim tài liệu "Drone" là vì ông không thể chịu được sự "dối trá" của chính quyền Tổng thống Barack Obama về vấn đề quân đội (cụ thể là không quân) hay CIA trực tiếp điều khiển máy bay không người lái.

Bryant cho biết, từ lâu nay, trong nội bộ quân đội Mỹ, ai cũng biết chuyện không quân điều khiển máy bay từ xa, cho nên việc một số quan chức chính quyền Obama trong một báo cáo điều trần gửi Quốc hội vào cuối năm 2013 trong đó tuyên bố sẽ "chuyển giao" quyền kiểm soát chương trình máy bay không người lái cho quân đội là một trò lừa dối không khai, một "lời nói dối ẩn chứa trong sự thật".

Điều này khiến cho dư luận bất bình vì bị lừa dối suốt một thời gian dài. CIA có thể chỉ là "khách hàng" thuê mướn lực lượng Không quân Mỹ làm "dịch vụ" điều khiển, quản lý giúp chương trình máy bay không người lái. Và cái mác CIA cũng thuận tiện cho việc bưng bít thông tin trước dư luận với lý do "hoạt động bí mật của cơ quan tình báo".

Mặt khác, ông Bryant cũng cho rằng trước tới giờ, dư luận quan tâm chương trình máy bay không người lái chỉ chú ý đến CIA với danh nghĩa chủ trì chương trình, và bây giờ là lúc công khai hóa vai trò của những người trực tiếp thực hiện các phi vụ máy bay không người lái. Tuy nhiên, việc công khai hóa vai trò của không quân trong chương trình máy bay không người lái cũng đặt ra một số thách thức về mặt pháp lý cho lực lượng này.

Lâu nay, chương trình máy bay không người lái của CIA đã bị Liên Hiệp Quốc và các tổ chức tư pháp quốc tế chú ý, đặt vấn đề về pháp lý. Cho nên, khi vai trò được công khai hóa sẽ đặt các nhân sự Không quân Mỹ vào tình thế đối mặt với các cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế, về lý thuyết thì có khả năng bị truy tố, xét xử về tội phạm chiến tranh hoặc vi phạm nhân quyền.

Ngoài ra, mọi người sẽ vô cùng ngạc nhiên trước sự thật là lâu nay CIA đã "chỉ huy" quân đội thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố bên ngoài lãnh thổ Mỹ - một điều trái ngược với thực tế là CIA và quân đội luôn luôn cạnh tranh nhau vị thế "ông trùm" về bảo đảm an ninh cho nước Mỹ, trong đó quân đội luôn luôn được đánh giá là cơ quan đi đầu, còn CIA cho dù có nỗ lực vũ trang hóa cũng chỉ là lực lượng hoạt động bí mật, với vai trò chủ đạo là thu thập thông tin tình báo có giá trị cao nhằm giúp Nhà Trắng nắm bắt được các bí mật của đối phương

Phạm Khôi Nguyên (tổng hợp)
.
.