Những nhà tù bí mật trên đất Mỹ:

Khủng bố cấp hai và khủng bố cấp ba (kỳ cuối)

Thứ Ba, 02/02/2016, 20:50
Will Potter viết: "Nếu đã có những nhà tù bí mật cho những kẻ khủng bố "cấp hai" thì theo sau nó sẽ là những nhà tù bí mật cho "những kẻ khủng bố cấp ba" và "những kẻ khủng bố cấp bốn"...


Những nhà tù bí mật nằm ngoài tầm mắt công chúng

Thật ra, các nhà tù bí mật trên đất Mỹ không phải đến năm 1963 mới có, mà ngay từ năm 1941, khi phát xít Nhật tấn công Trân Châu Cảng dẫn đến việc nước Mỹ tuyên chiến với phe Trục (gồm Đức, Italia, Nhật Bản) thì Chính phủ Mỹ đã nhanh chóng thiết lập những "trại quản chế" để giam lỏng 12.000 người Mỹ gốc Nhật trong suốt thời gian diễn ra Chiến tranh Thế giới thứ II theo lệnh Tổng thống Franklin D. Roosevelt.

Tất cả những người gốc Nhật ở độ tuổi trưởng thành đều phải điền vào một bảng, gồm những câu hỏi đánh giá "chất Mỹ" của họ, và hai câu hỏi cuối cùng trong bảng đó mang tính quyết định về việc có hay không lòng trung thành của họ đối với nước Mỹ.

Ngay cả khi được ra sân chơi, tù nhân vẫn bị xích cả tay lẫn chân.

Tuy nhiên, Trung tướng John L. DeWitt, người đứng đầu lực lượng phòng thủ bờ Tây nước Mỹ có ý chê trách phương pháp này. Ông nói: "Tôi không muốn bất kỳ ai trong số họ ở đây. Họ là một yếu tố nguy hiểm. Không có cách nào để xác định lòng trung thành của họ. Và dù họ là một công dân Mỹ nhưng họ vẫn là một người Nhật. Quốc tịch Mỹ chưa hẳn đã là thước đo để khẳng định rằng họ sẽ không phản bội chúng ta...".

Trước khi trại quản chế đi vào hoạt động, Chính phủ Mỹ đã sử dụng "Bảng thống kê tạm giữ" (custodial detention index) để xác định và giám sát các nhà hoạt động chính trị, trong số này có nhiều người Nhật. Sau ngày Trân Châu Cảng bị tấn công, FBI đã tiến hành bắt giữ và đưa họ đến các trại quản chế.

Nhằm tránh sự tò mò của giới truyền thông, cũng như không muốn bị hiểu nhầm là rập khuôn Đức Quốc xã, Chính phủ Mỹ quyết định không sử dụng cái tên trại tập trung (concentration center) mà chỉ gọi là trại quản chế. Tại những trại này, nhà cửa là nhà lắp ghép, bao quanh bởi những hàng rào dây thép gai. Nó quá lạnh vào mùa đông và rất nóng vào mùa hè, những người bị quản chế được phát thức ăn theo kiểu lính. Nhiều người đã chết do thiếu sự chăm sóc về y tế hoặc do quá căng thẳng. Nếu họ cố tình bỏ trốn, lính canh sẽ bắn họ ngay lập tức.

Tháng 10-2011, Cục Quản lý trại giam Liên bang Mỹ tiết lộ rằng các nhà tù liên bang hiện đang giam giữ 362 người có liên quan đến khủng bố. Tuy nhiên, không một thông tin nào cho biết vì sao phạm nhân lại bị chuyển đến giam giữ tại các cơ sở CMU, hoặc làm cách nào để họ có thể kháng án. Nhà báo Will Potter viết: "Mục đích của các cơ sở CMU là để cô lập những tù nhân mà cộng đồng và các phong trào xã hội đối kháng xem những tù nhân ấy là động lực quan trọng, thúc đẩy cho các hoạt động của họ, và những nhà tù bí mật nằm ngoài tầm mắt công chúng được dựng lên là để phục vụ cho các vụ việc này".

Ngay cả các thẩm phán liên bang đôi khi cũng không hay biết gì về các cơ sở CMU. Năm 2007, nhà hoạt động vì môi trường Daniel McGowan bị kết án 7 năm tù giam và phải đối diện với cáo buộc khủng bố. Tại phiên tòa, các luật sư biện hộ cho McGowan đưa ra ý kiến nếu bị tù như một kẻ khủng bố, có thể McGowan sẽ bị giam vào một nhà tù bí mật. Thẩm phán Ann Aiken, chủ tọa phiên tòa khi đó đã nói: "Bây giờ các luật sư lại còn gợi ra nỗi ám ảnh rằng bất kỳ phạm nhân nào phạm tội với tình tiết tăng nặng - như khủng bố chẳng hạn - sẽ phải bị đày vào buồng biệt giam của nhà tù Penitentiary. Đây rõ ràng là một lý lẽ cảm tính bởi lẽ không có bất kỳ một dữ kiện nào để khẳng định điều đó".

Ở góc độ tòa án, những phản bác của thẩm phán Aiken không sai bởi lẽ việc tìm hiểu thông tin chi tiết về đời sống tù nhân trong những nhà tù này vô cùng khó và cho đến nay, nó vẫn hoàn toàn đúng. Will Potter viết: "Tôi đã được phép vào thăm Daniel McGowan ở một cơ sở của CMU và là nhà báo đầu tiên, duy nhất tính đến thời điểm hiện tại, được vào thăm cơ sở này. Khi tôi kể lại chi tiết về chuyến thăm trong cuốn sách "Green Is the New Red” (tạm dịch:- Xanh là loại màu đỏ mới), giám thị nhà tù đã đe dọa trừng phạt McGowan nếu ông ta trả lời phỏng vấn. Sau đó, quả thật McGowan đã bị trừng phạt ông khi kể về nhà tù này cho tờ Huffington Post.

Daniel Gerard McGowan sinh năm 1974, là một nhà hoạt động vì công lý, môi trường và xã hội Mỹ, đã bị bắt và bị buộc tội tại Tòa án liên bang với nhiều tội danh - trong đó có  việc đốt phá Công ty Superior Lumber ở Glendale, Oregon vào ngày 2-1-2001, và nông trại Jefferson Poplar Farms ở Clatskanie, Oregon vào ngày 21-5-2001 (sau này tổ chức tranh đấu vì môi trường có tên "Mặt trận giải phóng trái đất - ELF" đã đứng ra nhận nhận trách nhiệm về những vụ đốt phá nêu trên). Do nhận tội nhưng không hợp tác đồng thời có những câu nói bị bồi thẩm đoàn quy kết là khủng bố, ngày 9-11-2006, McGowan đã bị kết án 7 năm tù giam và bị giam ở nhà tù Penitentiary, thành phố Terre Haute, bang Indiana. Đến tháng 6-2013, ông mới được tha..

Giường tiêm thuốc độc ở nhà tù liên bang Terre Haute.

Nằm ở thành phố Terre Haute, nhà tù liên bang Terre Haute là một phần của Hệ thống cải huấn liên bang - viết tắt là FCC. Được điều hành bởi Văn phòng Liên bang của Cục Quản lý trại giam và một bộ phận của Bộ Tư pháp Mỹ, Terre Haute có một khu giam giữ được gọi là "Đơn vị đặc biệt", dành riêng cho các nam tù nhân đã bị kết án tử hình. Những người này được chuyển từ các nhà tù liên bang và tiểu bang khác đến đây để đợi ngày bị tiêm thuốc độc... Trong số những người gần đây nhất bị tiêm thuốc độc tại Terre Haute là Timothy McVeigh, Juan Raul Garza, Louis Jones và McVeigh, những người đã bị kết án về các vụ đánh bom thành phố Oklahoma. Hiện tại, vẫn còn 58 tù nhân đang chờ đến lúc đi về bên kia thế giới.

Một phiên bản sạch của… địa ngục

Như đã nói ở trên, sau những vụ trốn trại và bạo động xảy ra tại nhà tù USP Marion, một số quan chức ở Bộ Tư pháp Mỹ đã đề xuất thành lập một nhà tù với những biện pháp quản lý tù nhân chặt chẽ hơn, và nhà tù siêu an ninh ADX-Florence ở bang Colorado đã ra đời.

Bắt đầu hoạt động vào tháng 12-1994, ADX-Florence là nơi giam giữ những tù nhân nam được coi là nguy hiểm nhất cho xã hội. Có thể kể ra đây những nhân vật cộm cán như Zacarias Moussaoui, một trong những kẻ vạch kế hoạch lao máy bay vào tòa tháp đôi ở New York ngày 11-9-2001; Faisal Shahzad, kẻ đánh bom xe Quảng trường Thời đại, New York năm 2010; Ramzi Yousef, kẻ chủ mưu đánh bom Trung tâm thương mại thế giới năm 1993, Ted Kaczynski, Eric Rudolph, Timothy McVeigh, những kẻ đã thực hiện vụ tấn công khủng bố tại thành phố Oklahoma năm 1995; Robert Hanssen, cựu nhân viên FBI đã bán danh sách một số điệp viên của Mỹ cho Liên Xô và Nga; Dzhokhar Tsarnaev, thủ phạm của các vụ đánh bom trong cuộc chạy marathon ở thành phố Boston;, Richard McNair, người được coi là "vua vượt ngục" vì đã lần lượt trốn thoát khỏi 3 nhà tù cấp tiểu bang và liên bang.

Buồng giam tù nhân ở nhà tù ADX Florence.

Bên cạnh đó, còn có "bố già" Bonanno - người cầm đầu gia đình tội phạm Vincent Basciano; Larry Hoover kẻ cầm đầu băng nhóm ma túy Disciples; Barry Mills và Tyler Bingham, thủ lĩnh của băng nhóm Aryan Brotherhood, chuyên bắt cóc đòi tiền chuộc…

Phần lớn các cơ sở của nhà tù ADX-Florence đều nằm trên mặt đất. Tuy nhiên, dưới lòng đất còn có những hành lang ngầm dẫn đến các buồng giam đặc biệt được xây dựng bằng loại vật liệu không phản xạ âm thanh nhằm tránh để tù nhân liên lạc với nhau bằng cách gõ vào tường theo tín hiệu Morse. Tất cả những tù nhân nguy hiểm đều bị giam ở nơi này.

Trong mỗi phòng giam, có một cái bàn, một cái ghế và một chiếc giường - tất cả đều đúc bằng bê tông. Dọc theo hai bên giường, có những cái chốt bằng thép để xích cả chân lẫn tay tù nhân. Nơi đi vệ sinh, tắm rửa cũng được thiết kế lộ thiên để camera dễ dàng quan sát. Đèn điện đặt chìm trong tường, tắt mở từ xa, lúc nào cũng sáng rực. Mỗi ngày, tù nhân bị xích 23 tiếng, chỉ có 1 tiếng cho việc ăn uống, đi vệ sinh hoặc tắm rửa dưới sự giám sát chặt chẽ của 5 quản giáo!

Toàn bộ nhà tù ADX-Florence được bảo vệ bởi hàng trăm máy theo dõi chuyển động và camera, không kể đội ngũ lính canh và chó nghiệp vụ. Nó có tổng cộng 1.400 cánh cửa bằng thép điều khiển từ xa. Một tù nhân nếu muốn vượt ngục thì tối thiểu anh ta phải vượt qua được 42 cánh cửa thép - và đó là điều không tưởng! Tại phòng quản lý trung tâm, các giám thị giám sát tù nhân 24/24 giờ.

Nếu xảy ra một sự cố nào đó, ngay lập tức giám thị sẽ kích hoạt một nút bấm gọi là "nút hoảng loạn" và 1.400 cánh cửa thép sẽ tự động đóng kín. Trong trường hợp cực kỳ nguy hiểm, tất cả tù nhân sẽ bị dồn vào một khu vực được gọi là "Z-Unit - Đơn vị Z" hoặc "The Black Hole - Hố đen". Mỗi "hố đen" có thể chứa được 148 tù nhân trong điều kiện hoàn toàn không có ánh sáng và cách âm tuyệt đối. Một cựu giám thị ở ADX-Florence mô tả nơi này là "một phiên bản sạch của địa ngục".

Bị giam giữ trong những điều kiện tồi tệ như vậy, hầu hết tù nhân đều bị khủng hoảng tâm lý, và phản ứng của họ là tuyệt thực. Năm 2007, hàng trăm tù nhân không ăn trong suốt nhiều ngày. Tháng 6-2009, Richard Reid, thành viên của tổ chức khủng bố Al-Qaeda - được gọi là "kẻ đánh bom giày" vì đã âm mưu cho nổ một chiếc máy bay thương mại của Hãng Hàng không American Airlines bằng cách giấu chất nổ giấu trong đế giày cũng tuyệt thực!

Năm 2012, 11 tù nhân đã đệ đơn kiện Văn phòng Liên bang Cục Quản lý trại giam với những lý do bị ngược đãi về thể chất và đàn áp về tinh thần. Năm 2013, tạp chí Mother Jones xếp hạng ADX- Florence đứng đầu trong số 10 nhà tù tồi tệ nhất nước Mỹ. Đến tháng 3-2015, các cuộc đàm phán được tiến hành nhưng cũng trong năm này, có 6 tù nhân tự tử vì không chịu nổi những điều kiện sống tại nhà tù ADX.

Và không chỉ ở các nhà tù liên bang, khái niệm "hai hệ thống pháp lý" cũng đã xuất hiện tại một số địa phương. Ở Chicago, Sở Cảnh sát thành phố đã lập ra một trại giam có tên là "Quảng trường Homan" - là một nhà kho nằm ở phía tây thành phố. Nó hoàn toàn không thấy xuất hiện trong các báo cáo chính thức và điều đó có nghĩa là những tù nhân bị giam giữ tại đây không có tên trong hồ sơ dữ liệu của cảnh sát, người thân và bạn bè của tù nhân dù có muốn tìm cũng chẳng bao giờ tìm thấy họ.

Nhà báo Will Potter viết: "Những người bị giam ở đây không được phép gặp  luật sư. Nhiều người bị cảnh sát đánh đập. Họ bị thẩm vấn từ 12 đến 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Không giống như những đồn cảnh sát khác, không ai ghi sổ theo dõi và chịu trách nhiệm với tù nhân còn các luật sư bị từ chối ngay từ cửa ra vào".

Khi các thông tin về CMU bị tiết lộ, Giám đốc Cục trại giam Liên bang Harley Lappin khi ra điều trần trước Quốc hội Mỹ đã nói rằng: "Họ là những tù nhân can tội khủng bố "cấp hai". Chúng tôi không hạn chế họ nhưng chúng tôi muốn kiểm soát mức độ tiếp xúc của họ". 

Will Potter viết: "Nếu đã có những nhà tù bí mật cho những kẻ khủng bố "cấp hai" thì theo sau nó sẽ là những nhà tù bí mật cho "những kẻ khủng bố cấp ba" và "những kẻ khủng bố cấp bốn". Cứ như thế, đến khi từng viên gạch của bức tường pháp lý phân biệt giữa "kẻ khủng bố" và "người bất đồng chính kiến" sụp đổ thì hai thành phần này đều y như nhau trong nhà giam…".

Cao Trí (theo A brief history of secret prisons in the United States)
.
.