Ký ức kinh hoàng vụ thử nghiệm khí mù tạc trên 6 vạn lính da màu

Thứ Ba, 24/09/2019, 22:01
Là một anh lính trẻ của quân đội Mỹ dưới thời Đại chiến tranh thế giới lần thứ II (CTTGII), Rollins Edwards thừa hiểu quân lệnh như sơn, vì thế khi các sĩ quan dẫn Edwards cùng hàng tá đồng đội khác vào trong một cái buồng khí dựng bằng gỗ và đóng cửa lại, anh ta đã không hề phàn nàn.

Tiếp đó, một thứ mùi kỳ lạ trộn lẫn giữa mùi mù tạc và một tác nhân tương tự gọi là Lewisite (gây kích thích và kích ứng phổi) được bơm vào trong phòng.

Ngày nay ở tuổi 93, cựu binh già Rollins Edwards thảng thốt nhớ lại: “Trời thần, có cảm giác như tụi tôi ngồi lên lò than hồng! Cả đám la hét ỏm tỏi, nháo nhào tìm mọi cách để ra khỏi phòng. Và rồi một số người ngất xỉu. Cuối cùng họ cũng mở cửa và để chúng tôi ra ngoài, ai nấy đều tiều tụy lắm, khác với lúc hớn hở vào bên trong”.

Chương trình thử nghiệm tuyệt mật

Anh lính Rollins Edwards nằm trong số 6 vạn người lính trở thành đối tượng thí nghiệm cho một chương trình tuyệt mật của Chính phủ Mỹ (chương trình này chính thức được giải mật vào năm 1993) nhằm thử nghiệm khí mù tạc và các loại tác nhân hóa học khác ngay chính trên cơ thể lính Mỹ.

Có một lý do cụ thể mà Edwards đã được chọn: anh là người Mỹ gốc Phi. Cụ ông Edwards nhớ lại: “Họ nói rằng chúng tôi được thử nghiệm để xem liệu những loại khí này tác động ra sao trên làn da màu”. Một cuộc điều tra của Hãng tin NPR đã khám phá ra một bằng chứng rằng trải nghiệm của ông Edwards không phải là duy nhất.

Cựu binh da màu Rollins Edwards thời còn trong quân ngũ năm 1945 tại Căn cứ không quân Clark ở Philippines. Ảnh nguồn: Rollins Edwards. 

Lần đầu tiên, NPR đã theo dõi một số quân nhân được sử dụng cho các thí nghiệm dựa trên chủng tộc. Không chỉ người lính Mỹ gốc Phi mới bị đưa vào thí nghiệm, mà lính Mỹ gốc Nhật cũng tham gia vào chương trình này, họ đóng vai trò ủy nhiệm để các nhà khoa học có thể khám phá dùng bao nhiêu khí mù tạc và các chất hóa học khác mới ảnh hưởng lên binh lính Nhật.

Các binh sĩ gốc người Puerto Rico cũng không thoát. Những người lính da trắng nhập ngũ được sử dụng như các nhóm kiểm soát khoa học. Các phản ứng của họ được dùng để thiết lập nên cái gọi là “bình thường” và sau đó được dùng để so sánh với các nhóm lính ít người.

Tất cả những cuộc thử nghiệm với khí mù tạc trong thời kỳ CTTGII đều diễn ra trong vòng bí mật và chúng không được lưu trữ trong các hồ sơ quân sự chính thống. Hầu hết đều không có bằng chứng về những gì mà “các chuột bạch” đã trải qua.

Các đối tượng thí nghiệm không được chăm sóc sức khỏe hay bất kỳ hình thức theo dõi nào, cũng như họ bị bắt buộc phải tuyên thệ giữ bí mật về các cuộc thử nghiệm dưới hình thức bị đe dọa sẽ bị sa thải hoặc cho ngồi tù, khiến cho nhiều binh sĩ không nhận được chăm sóc y tế thích hợp đối với các chấn thương của họ và cũng bởi vì họ chẳng thể nói cho các bác sĩ về chuyện gì đã xảy ra.

Đại tá quân đội Steve Warren, Giám đốc chiến dịch báo chí tại Lầu Năm Góc, người đã thừa nhận các phát hiện của Hãng tin NPR và đã nhanh chóng chỉ ra khoảng cách ngày hôm nay giữa quân đội Mỹ và các thử nghiệm trong thời CTTGII, ông Warren nhấn mạnh: “Điều đầu tiên mà tôi muốn nhấn mạnh là Bộ Quốc phòng không nên tiến hành thử nghiệm vũ khí hóa học thêm nữa. Và tôi nghĩ rằng Lầu Năm Góc đã đi rất xa so với các tổ chức khác ở Mỹ về vấn đề chủng tộc”.

Âm mưu xung quanh những người lính da màu

Bà Lee là một thành viên của tổ chức Caucus Da màu quốc hội (CBC), đại diện cho một tiểu ban về các vấn đề cựu binh Mỹ gốc Phi cho rằng Chính phủ Mỹ nên thừa nhận những người lính đã bị dùng làm đối tượng cho các thử nghiệm trong khi hầu hết những người này đều đã bước vào tuổi lão niên 80, 90 tuổi.

Bà Lee xúc động nói: “Chúng ta nợ họ một khoản nợ khổng lồ, và không biết làm thế nào để trả hết núi nợ đó”.

Khí mù tạc làm hỏng ADN chỉ trong vòng vài giây sau khi nó tiếp xúc với da. Chưa hết, nó còn để lại những vết thương phồng rộp và bỏng đau rát mà có thể dẫn đến tình trạng nghiêm trọng, và đôi khi còn đe dọa đến tính mạng bằng những bệnh ngặt nghèo như bệnh bạch cầu, ung thư da, khí thủng và hen suyễn.

Năm 1991, lần đầu tiên giới chức liên bang Mỹ đã lên tiếng thừa nhận rằng quân đội đang tiến hành các thử nghiệm khí mù tạc đối với quân nhân mới nhập ngũ trong thời kỳ CTTGII.

Bức chân dung cựu binh Louis Bessho chụp năm 1969 (trái). Mệnh lệnh của quân đội Mỹ từ tháng 4 -1944 áp dụng cho binh sĩ Mỹ gốc Nhật bao gồm cả cựu binh, người tham gia vào thử nghiệm khí mù tạc ở Kho vũ khí Edgewood (phải). Ảnh nguồn: Army Service Forces, Headquarters Camp Wolters Texas.

Dựa theo các hồ sơ và báo cáo được giải mật và công bố ngay sau đó thì có 3 loại thử nghiệm được tiến hành: 1) Thử nghiệm màng, trong đó khí mù tạc lỏng được áp dụng trực tiếp lên da của các đối tượng thí nghiệm; 2) Thử nghiệm thực địa, các đối tượng thử nghiệm được cho tiếp xúc với khí ở ngoài trời nhằm mô phỏng các kiểu thiết lập chiến đấu; 3) Thử nghiệm buồng khí, các quân nhân trẻ sẽ bị khóa cửa các buồng khí trong lúc đó khí mù tạc sẽ được bơm vào bên trong. Tuy nhiên ngay cả khi chương trình đã được giải mật thì những thí nghiệm dựa trên chủng tộc vẫn nằm trong vòng bí mật cho đến khi một nhà nghiên cứu ở Canada tiết lộ một số chi tiết trong năm 2008.

Theo đó bà Susan Smith, một sử gia y khoa tại Đại học Alberta (Canada) đã cho công bố một bài viết đăng trên Thời báo Luật, Y học & Đạo đức, trong bài báo này, tác giả Susan Smith đã đề xuất ý tưởng rằng binh lính da màu và gốc Puerto Rico đã được thử nghiệm trong một nghiên cứu gọi là “Lính hóa học lý tưởng”.

Nếu họ đủ sức đương đầu với hóa chất thì sẽ được đưa ra chiến đấu ở tiền tuyến, trong khi đó lính da trắng ở lại hậu phương để bảo vệ khí. Thời điểm khi công bố, bài viết đã nhận được rất ít sự chú ý của truyền thông.

Mặc dù mất nhiều tháng gửi các yêu cầu lấy hồ sơ liên bang, nhưng Hãng tin NPR vẫn không được cấp quyền tiếp cận với hàng trăm tài liệu mật liên quan đến các thử nghiệm mà từ đó có thể xác nhận những động cơ đứng sau chương trình vũ khí tuyệt mật này. Vì lẽ đó mà phần lớn những gì mà chúng ta biết về các vụ thử nghiệm đều do các cựu binh đang còn sống kể lại.

Cựu binh Juan Lopez Negron (người gốc Puerto Rico) kể rằng ông đã tham gia vào các thử nghiệm được biết đến dưới tên gọi là San Jose Project. Các tài liệu quân sự cho thấy hơn 100 đợt thử nghiệm đã diễn ra trên đảo Panama, sở dĩ nơi này được lựa chọn vì nó có kiểu khí hậu tương tự với khí hậu ở các hòn đảo trên biển Thái Bình Dương. Theo một số tài liệu quân sự mà Hãng tin NPR có được thì chức năng chính của Dự án San Jose là thu thập dữ liệu dựa trên “hành vi của các tác nhân hóa học gây chết người”.

Cựu binh hiện đã 95 tuổi Lopez Negron kể rằng ông và các quân nhân khác đã được gửi tới một cánh rừng già và bị “oanh tạc” bởi khí mù tạc được xịt bởi các máy bay quân sự Mỹ bay lượn trên đầu. Cụ Negron xúc động kể: “Chúng tôi còn có quân phục để bảo vệ chính mình, muông thú thì không. Chủ yếu là thỏ, chúng chết sạch”. Cựu binh Lopez Negron nói rằng ông và những người đồng đội khác bị cháy da và đổ bệnh ngay tức thì.

Cụ Negron bần thần kể: “Tôi bị sốt rét rất dữ và trải qua 3 tuần nhập viện điều trị. Hầu như người lính nào cũng đổ bệnh”. Cựu binh Rollins Edwards nhớ lại cảnh ông đã bò trên các cánh đồng sau 1 ngày tiếp xúc với khí mù tạc và người lính trẻ phải trả giá. Edwards rầu rĩ kể: “Hai tay tôi như thối rữa”. Cựu binh Edwards chưa từng từ chối hay trả lời về những thí nghiệm mà ông đã trải qua khi chúng diễn ra. Áp lực rất rõ ràng, và nó đang đè lên vai những người lính da màu.

Cụ Edwards bức xúc: “Họ nói gì tụi tôi làm đó, và không hỏi tại sao”. Suốt buổi phỏng vấn, cựu binh Edwards không ngừng gãi vào da trên tay, chân mình, chúng vẫn còn nổi mẩn đỏ do vũ khí hóa học gây ra từ cách đây hơn 70 năm. Trong những lần bệnh bộc phát, da của cụ Edwards rơi từng mảng xuống nền nhà y như vảy cá. Suốt nhiều năm, cụ đã mang theo 1 cái lọ chứa đầy mảnh da nhằm thuyết phục những người khác tin vào các thử nghiệm mà cụ đã trải qua.

Nhưng trong khi cựu binh Rollins Edwards muốn người khác biết về chuyện đã xảy ra với mình, thì những cựu binh khác như Louis Bessho lại muốn quá khứ chìm sâu vào dĩ vãng.

Con trai cựu binh Bessho, ông David Bessho, thời niên thiếu đã biết đến hoàn cảnh đi lính của cha mình. Một đêm nọ, lúc đang ngồi trong phòng khách, ông David Bessho đã hỏi cha mình về tấm bằng khen của quân đội treo trên tường nhà. Ngày nay sau khi hưu trí từ quân đội, ông David Bessho nói rằng tấm bằng khen như vô nghĩa với những mưu đồ ẩn bên trong nó.

Các quân nhân thực hành sử dụng dụng cụ phòng độc tại Kho vũ khí Edgewood ở Maryland hồi đầu thập niên 1940. Ảnh nguồn: Army Signal Corps via National Archives.

David Bessho tỏ vẻ nghi ngờ: “Nhìn chung bằng khen chỉ chung chung về một việc tốt. Nhưng ở đó có vẻ không bình thường”. Bằng khen cho cựu binh Louis Bessho được trao bởi Văn phòng dịch vụ chiến tranh hóa học (gọi tắt là Quân đoàn hóa học) viết rằng: “Những quân nhân này đã vượt xa quân lệnh bằng cách tự chống chọi với đau đớn, khó chịu và chấn thương vĩnh viễn vì mục đích tiến bộ trong việc bảo vệ các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ”.

Trong 1 danh sách dài viết trên tấm bằng khen, tên của cựu binh Louis Bessho đứng ở vị trí thứ 10, và có những cái tên quân nhân gây tò mò, như Tanamachi, Kawasaki, Higashi, Sasaki. Hơn 2 tá người Mỹ gốc Nhật xếp thành một hàng. Ngay buổi tối hôm đó, ông David Bessho nhớ lời cha nói: “Họ (Bộ quốc phòng Mỹ) muốn thử nghiệm xem liệu vũ khí hóa học có cùng tác động lên người Nhật như cách mà họ đã áp dụng lên người da trắng hay không. Cha đoán là họ sẽ dùng thứ đó lên người Nhật”.

Các tài liệu được công bố bởi Bộ Quốc phòng Mỹ hồi thập niên 1990 đã cho thấy rằng quân đội đã phát triển ít nhất là 1 kế hoạch mật dùng khí mù tạc để chống lại người Nhật. Kế hoạch này đã được phê chuẩn bởi quan chức chiến tranh hóa học cao cấp nhất của quân đội, có thể “hạ thủ dễ dàng 5 triệu người”.

Lính Mỹ gốc Nhật, lính Mỹ gốc Phi và lính gốc Puerto Rico đã bị giới hạn trong các đơn vị tách biệt dưới thời CTTGII. Họ được xem là kém cỏi hơn so với các đồng đội người da trắng, và phần đa các chủng tộc lính này thường chỉ được bố trí các công việc quèn như nấu ăn và lái xe chở rác.

Bà Susan Matsumoto kể rằng ông xã bà Tom (người đã mất từ năm 2004 vì căn bệnh viêm phổi) nói trấn an với bà xã rằng mình vẫn ổn khi trải qua cuộc thử nghiệm vì rằng ông cảm thấy “bản thân đã chứng minh mình là một công dân Hoa Kỳ tốt”.

Bà  Matsumoto nhớ cảnh các điệp viên FBI đã đến nhà mình trong thời chiến, ép buộc hai vợ chồng phải đốt sạch sách và âm nhạc Nhật để chứng minh lòng ái quốc của họ với Mỹ quốc. Sau đó, hai ông bà được gửi tới một trại giam ở Arkansas. Bà quả phụ Matsumoto nói rằng chồng bà đã chịu cảnh giám sát trong quân đội, song mặc dầu vậy ông vẫn tự hào về nước Mỹ.

Thanh Hải (tổng hợp)
.
.