Kyrgyzstan – “Miếng bánh thơm” của các cường quốc

Thứ Sáu, 09/07/2010, 03:45
Những cuộc bạo động xung đột sắc tộc đẫm máu gần đây đã cho thấy ngọn lửa bạo lực tại Kyrgyzstan còn lâu mới bị dập tắt kể từ sau vụ đảo chính tháng 4/2010. Đâu là những tác nhân chính châm ngòi cho những sự kiện trên tại quốc gia Trung Á này? Nhiều nhà phân tích loại trừ khả năng đây là một cuộc cách mạng tự phát bên trong Kyrgyzstan mà nó được bắt nguồn từ bên ngoài.

Thực tế thì Kyrgyzstan là trung tâm xung đột quyền lợi giữa các cường quốc trong khu vực và quốc tế. Tất cả đều muốn có được “miếng bánh thơm Kyrgyzstan”.

Tại khu vực Trung Á, Kyrgyzstan chiếm một vị trí địa lý vô cùng quan trọng. Chiến lược gia người Anh Halford Mackinder gọi đây là một điểm mấu chốt địa chính trị của thế giới: một vùng đất vì những đặc tính địa dư chiếm một vị trí trung tâm trong những cuộc tranh giành giữa các cường quốc thế giới.

Ngay sau khi cuộc đảo chính hồi tháng 4/2010 xảy ra tại Kyrgyzstan (những diễn biến của cuộc đảo chính này giống y hệt các cuộc cách mạng màu trước đây do Washington tiến hành như cuộc Cách mạng Hoa hồng tại Gruzia năm 2003, Cách mạng Cam tại Ucraina năm 2004 và thậm chí là cuộc Cách mạng hoa Tulip năm 2005 đem lại quyền điều hành Kyrgyzstan cho Tổng thống thân Mỹ Kourmanbek Bakiev), nhiều phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng đây là màn dàn dựng của người Nga khi áp dụng nhuần nhuyễn những chiêu bài giật dây của phương Tây.

Theo họ, Moskva sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ sự thay đổi chế độ tại Kyrgyzstan. Tuy nhiên, giới phân tích chính trị quốc tế lại có nhận xét khác, trong trường hợp thay đổi chính quyền tại Kyrgyzstan vừa qua, để hiểu được tại sao, ai đã làm gì và ai được hưởng lợi... lại không hề đơn giản như giới truyền thông phương Tây tung tin. Song tựu trung lại, bất kỳ là ai tham gia vào việc thay đổi chính thể tại Kyrgyzstan thì đều có những mối liên quan mật thiết tới vấn đề an ninh quân sự tại khắp lục địa Á - Âu (trải dài từ Trung Quốc tới Nga).

Người biểu tình đốt áp phích có in hình Tổng thống Bakiev.

Thùng thuốc súng chính trị

Những cuộc biểu tình chống Tổng thống Bakiev nổ ra hồi tháng 3/2010 sau khi có những tiết lộ cáo buộc vị tổng thống này cùng gia đình tham ô một số tiền khổng lồ. Năm 2009, ông Bakiev đã cho sửa một điều khoản trong Hiến pháp Kyrgyzstan theo hướng ấn định những điều khoản thừa kế tổng thống trong trường hợp ông này bị tử vong đột ngột hoặc bất ngờ từ chức. Bước đi này, bị dư luận Kyrgyzstan coi là âm mưu thiết lập một triều đại Bakiev, là một trong những nguyên nhân dẫn tới những làn sóng biểu tình phản đối trên cả nước trong thời gian gần đây.

Cụ thể, ông Bakiev đã đưa con trai và người thân vào nắm giữ những vị trí quan trọng trong chính quyền Bishkek, chẳng hạn như vị trí nắm giữ những khoản tiền khổng lồ, ước tính lên đến 80 triệu USD/năm, từ khoản tiền thuê căn cứ Manas của Mỹ và từ những hợp đồng khác.

Kyrgyzstan là một trong những quốc gia nghèo nhất Trung Á: hơn 40% dân số sống dưới mức nghèo khổ. Ông Bakiev đã cử con trai Maxim của mình làm người đứng đầu Cơ quan Đầu tư phát triển và Đổi mới, một vị trí có thể kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm của đất nước, trong đó có mỏ vàng Kumtor.

Cuối năm 2009, ông Bakiev đã cho tăng thuế đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và đầu năm 2010 thì cho áp những biểu thuế mới trong lĩnh vực viễn thông. Ông ta còn tư nhân hóa tập đoàn điện lớn nhất Kyrgyzstan. Nhưng điều đáng nói là tập đoàn điện sau khi được tư nhân hóa này đã nâng giá điện lên gấp đôi vào tháng 1/2010.

Dư luận Kyrgyzstan còn cho rằng, gia đình Bakiev có 3% cổ phần trong tập đoàn này. Giá khí đốt tại các thành phố lớn cũng tăng 1.000%, trong khi mùa đông tại Kyrgyzstan đang tới gần khiến nhu cầu sử dụng khí đốt rất cao. Phe đối lập Kyrgyzstan còn tố cáo Maxim Bakiev tổ chức tư nhân hóa mạng lưới viễn thông quốc gia để đền đáp công lao cho một người bạn có công ty tại Canaries... Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ai đã lợi dụng sự phản đối của người dân Kyrgyzstan để xóa sổ chính thể Bakiev?

Làn sóng biểu tình tại Kyrgyzstan đã được thổi bùng lên sau khi chính phủ quyết định tăng gấp 4 lần giá năng lượng và dịch vụ truyền thông vào tháng 3/2010. Trong những ngày đầu bạo loạn, hồi đầu tháng 3, bà Roza Otounbaieva đã được chỉ định làm phát ngôn viên Phong trào thống nhất, tập hợp các đảng đối lập ở Kyrgyzstan. Thời đó, bà Otounbaieva đã kêu gọi Mỹ cần có ý kiến về những sai phạm của chính Bakiev nhưng Washington không có hồi đáp.

Theo những nguồn tin đáng tin cậy từ Nga, cùng vào thời điểm đó, bà Roza Otounbaieva đã tiến hành đàm phán với Thủ tướng Nga Vladimir Putin về tình hình tồi tệ tại Bishkek. Ngay sau khi chính quyền Bakiev bị lật đổ và chính quyền lâm thời của bà Otounbaieva đang hình thành, Moskva là người đầu tiên thừa nhận chính quyền lâm thời và đề xuất hỗ trợ 300 triệu USD để chính quyền Otounbaieva ổn định tình hình, đồng thời chuyển một phần khoản cho vay 2,15 tỉ USD, được Nga ký năm 2009 với chính quyền Bakiev nhằm xây dựng một nhà máy thủy điện tại Naryn. Khoản tiền 2,15 tỉ USD này được Moskva chấp nhận sau khi Bakiev quyết định đóng cửa căn cứ quân sự Manas của Mỹ.

Những cuộc bạo động hồi tháng 3/2010 lại làm tất cả mọi người bất ngờ, đầu tiên là ông Bakiev và người Mỹ. Sự bình tĩnh của quân đội, cảnh sát và biên phòng Kyrgyzstan trong những ngày đầu của bạo loạn đã khiến người ta nghĩ đến một sự phối hợp phức tạp và tỉ mỉ, được lên kế hoạch từ trước. Cho đến giờ, vẫn chưa có ai chứng minh một cách rõ ràng được rằng liệu đó có phải là sự giật dây từ bên ngoài Kyrgyzstan hay không và nếu có thì đó là hành động của FSB Nga hay CIA Mỹ hoặc một cơ quan tình báo nước ngoài nào khác?

Ngày 7/4/2010, sau khi mất quyền kiểm soát tình hình, ông Bakiev đã vội vã quay sang cầu viện Mỹ. Nhưng nhận thấy tình hình nghiêm trọng khi mà máu của người biểu tình đã đổ quá nhiều trên các đường phố, Mỹ đã xúi ông Bakiev và gia đình về cố thủ tại thành phố Osh, chờ thời cơ quay lại nắm quyền. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Thông qua chính phủ và giới lãnh đạo quân đội, cảnh sát và các lực lượng biên phòng, Bakiev đã từ chức ngày 16/4 và chạy sang Kazakhstan láng giềng. Theo những tin tức cuối cùng, ông Bakiev đã được chấp thuận tị nạn chính trị tại Belarus sau khi nộp 200 triệu USD.

Chính quyền mới tại Kyrgyzstan tuyên bố mở một cuộc điều tra quốc tế nhắm vào những tội ác của Bakiev. Một hồ sơ vụ án đã được lập trong đó quy tội tất cả những người thân của ông Bakiev. Không còn lựa chọn nào khác, Bakiev phải chạy trốn. Nhiều ngày trước cuộc đào tẩu này, quân đội và cảnh sát Kyrgyzstan đã chọn đứng về phe đối lập.--PageBreak--

Chốt chặn địa chính trị

Hiện nay, Kyrgyzstan giữ một vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực và thế giới. Phía đông và nam tiếp giáp với Trung Quốc, phía bắc và tây tiếp giáp với các nước Trung Á giàu tài nguyên dầu mỏ như Kazakhstan, Uzbekistan, Tadjikistan. Kyrgyzstan có rất nhiều tài nguyên khoáng sản quý như vàng, uranium, than đá và dầu mỏ.

Năm 1997, mỏ vàng Kumtor bắt dầu được đưa vào khai thác và là một trong những mỏ vàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả những nguồn tài nguyên trên, Kyrgyzstan còn có nguồn thu từ việc cho thuê các căn cứ quân sự. Người Mỹ mở căn cứ không quân Manas tại đây chỉ 3 tháng sau khi chính quyền Bush mở cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu tháng 9/2001. Sau đó ít lâu, người Nga cũng thiết lập một căn cứ quân sự tại đây, không xa căn cứ Manas của Mỹ. Kyrgyzstan là quốc gia duy nhất trên thế giới tiếp nhận cùng lúc các căn cứ quân sự của cả Mỹ và Nga. Tóm lại, Kyrgyzstan còn hơn cả Thổ Nhĩ Kỳ, luôn là miếng mồi địa chính trị bị săn lùng.

Sau những diễn biến phức tạp tại Kyrgyzstan hồi tháng 4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cố gắng bảo vệ Bakiev với hy vọng rằng họ có thể giải tán biểu tình, đập tan những vụ bạo loạn và đưa con người của cuộc cách mạng hoa Tulip trở lại nắm quyền. Chả thế mà trong thời gian đầu, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã kêu gọi phe đối lập ở Kyrgyzstan đối thoại hòa giải với Tổng thống Bakiev.

Vị trí địa lý chiến lược của Kyrgyzstan.

Người ta nhớ lại: đến ngày 7/4, thời điểm cao trào nhất của bạo động, trong khi chưa có lối thoát nào cho tình hình lúc đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley vẫn tuyên bố với báo giới rằng: "Chúng tôi mong muốn Kyrgyzstan phát triển như những gì chúng tôi mong muốn cho các nước khác trong khu vực. Và để có được điều đó Kyrgyzstan phải có một chính phủ ổn định. Chúng tôi là đồng minh của chính phủ này trong trường hợp chúng tôi nhận được sự trợ giúp trong các vấn đề quốc tế như tại Afghanistan".

Đến ngày 15/4, khi Bakiev dường như không còn cơ hội quay trở lại nắm quyền, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố không ủng hộ bất cứ ai, kể cả Tổng thống bị lật đổ Bakiev hay phe đối lập. Trong một thông báo thể hiện sự thận trọng tối đa, nhất là liên quan tới căn cứ Manas, Philip Crowley cho biết: "Chúng tôi muốn tình hình được giải quyết trong hòa bình và chúng tôi không ủng hộ bất cứ phe nào tại Kyrgyzstan". Nhưng sau khi thương thảo với lãnh đạo phe đối lập Roza Otounbaieva, Bộ Ngoại giao Mỹ và Tổng thống Obama đã nhanh chóng chấp nhận chính quyền mới tại Kyrgyzstan.

Ai đứng đằng sau vụ đảo chính tại Kyrgyzstan?

Mặc dù có nhiều phương tiện truyền thông nói đến vai trò của các cơ quan tình báo Nga trong vụ đảo chính tại Kyrgyzstan, nhưng vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh điều đó. Trong một tuyên bố trong chuyến thăm Mỹ ngày 14/4/2010, một tuần sau khi diễn ra bạo động tại Kyrgyzstan, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev cho biết ông rất quan ngại về vấn đề ổn định tại Kyrgyzstan: "Nguy cơ Kyrgyzstan bị chia cắt làm hai là khó tránh khỏi. Do đó trách nhiệm của chúng tôi là giúp đỡ đối tác Kyrgyzstan tìm ra giải pháp hòa giải tốt nhất". Ông Medvedev thậm chí còn hình dung ra cả những kịch bản tồi tệ nhất đến với Kyrgyzstan: bất ổn, chính phủ bất lực trước những người biểu tình quá khích, giống như tình hình Afghanistan hiện giờ.

Tại hội nghị về giải trừ vũ khí hạt nhân tại Praha, Cộng hòa Séc, cố vấn về vấn đề Nga tại Nhà Trắng, Michael McFaul, cho biết về tình hình Kyrgyzstan: "Đây không phải là một cuộc đảo chính chống lại người Mỹ và cũng không phải do người Nga dàn dựng".

Về lý thuyết, nước Mỹ hoàn toàn có lý do để tin rằng họ có thể làm việc được với lãnh đạo của chính phủ mới tại Kyrgyzstan. Bản thân bà Roza Otounbaieva từng làm đại sứ Kyrgyzstan tại Washington trong thập niên 90 của thế kỷ trước. Nhân vật số hai của chính phủ lâm thời Kyrgyzstan, cựu phát ngôn viên của Quốc hội Omourbek Tekebaiev, một trong những nhân vật chính trong cuộc cách mạng hoa Tulip, cũng từng được Mỹ nâng đỡ rất nhiều trên bước đường chính trị.

Một số phương tiện truyền thông phương Tây muốn tìm cách chứng minh rằng, sự giật dây của Moskva trong vụ đảo chính gần đây tại Kyrgyzstan theo kịch bản cách mạng màu là nhằm cân bằng lại sự hiện diện của Mỹ tại Trung Á. Tuy nhiên, cũng có những tình tiết cho thấy đây có thể là một sự thay đổi chính quyền Kyrgyzstan lần thứ hai của Mỹ sau khi nhận thấy Bakiev đang làm thân với Trung Quốc về vấn đề kinh tế. Điều dễ nhận thấy nhất hiện nay là cả Moskva và Washington đều muốn tránh né vấn đề Kyrgyzstan.

Ngày 15/4, Kanat Saudabayev, Chủ tịch Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE) khẳng định việc sơ tán thành công Tổng thống Bakiev là kết quả của những cố gắng hợp tác giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev!

Đương nhiên, Washington và Moskva đều rất mong hiện diện tại Kyrgyzstan cho dù chính phủ ở đó có thuộc về ai. Tuy nhiên, điều ít ai nhận thấy nhưng cũng là lẽ đương nhiên là mong muốn của Trung Quốc trong việc thiết lập quan hệ ổn định với nước láng giềng Kyrgyzstan

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.