Lực lượng tác chiến đặc biệt Hoa Kỳ (SOCOM):

“Lá bài chủ lực” và cuộc chiến bí mật ở 120 quốc gia

Thứ Hai, 12/09/2011, 15:10

Một chiếc trực thăng của Mỹ trong lực lượng NATO rơi trong đêm 5/8 tại tỉnh Wardak, miền Đông Afghanistan làm 31 lính thuộc lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ thiệt mạng. Theo chính quyền Washington thì đa số lính Mỹ thiệt mạng thuộc Navy SEAL, chính là lực lượng đã đột nhập và giết chết Osama bin Laden ở Pakistan vào đầu tháng 5 vừa qua.

Sau sự kiện Osama bin Laden bị tiêu diệt tại căn cứ của y ở Pakistan thì SEAL mới được mọi người biết tới như là một trong những đơn vị bí mật hàng đầu  thuộc Lực lượng Tác chiến đặc biệt Hoa Kỳ (SOCOM) đang tham gia "chiến dịch đen" của quân đội nước này.

Dư luận đang bắt đầu hoài nghi về những đơn vị hiện hoạt động âm thầm như SEAL tại các vùng chiến sự u tối thuộc Yemen hay Somalia... và nhiều nơi khác trên thế giới vẫn đang bị che phủ sau bức màn bí mật. Có chăng Mỹ "vô tình" giấu nhẹm chúng đi và không muốn công khai.

Một cuộc chiến toàn cầu của SOCOM đang được phát động mà không một ai nắm rõ quy mô và phạm vi ảnh hưởng của nó. Chỉ biết, những lực lượng quân đội hùng mạnh đó đang nổi lên dưới trướng của Lầu Năm Góc vẫn âm thầm tiến hành những chiến dịch không tên ở mọi ngóc ngách trên thế giới.

Mầm mống của lực lượng đặc nhiệm

SOCOM ra đời năm 1987, là kết quả từ một thất bại cay đắng của lực lượng quân đội khi cố gắng bất thành giải cứu những con tin bị bắt cóc tại Pakistan. Sau đó không lâu, SOCOM bất ngờ có được một "ngôi nhà riêng", được chu cấp tiền hàng tháng và nằm dưới sự chỉ huy hậu thuẫn của một sĩ quan chỉ huy 4 sao.

SOCOM được tạo nên từ vô số các mảnh ghép là các đơn vị khác nhau đang phục vụ trong quân đội bao gồm lực lượng quân đội Green Berets (Mũ nồi xanh) và Ranger (Biệt kích), lực lượng SEAL. Không đoàn cảm tử và thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, được trang bị trực thăng chuyên dụng, tàu chiến, các nhóm chuyên trách dân sự, lính đặc công nhảy dù và hệ thống kiểm soát không lưu mặt trận, thực hiện những nhiệm vụ tối mật và đặc biệt do chính quyền chỉ định.

Cái gọi là "sứ mệnh" mà hàng trăm ngàn lính SOCOM đang ngày đêm thực hiện có thể kể tới như thanh trừng và tìm bắt các mục tiêu khủng bố trong các chiến dịch truy quét, do thám tầm xa, phân tích các thông tin tình báo do các điệp viên nằm vùng gửi về, đào tạo lực lượng trực chiến "ngoại binh" và các kế hoạch chống lại sự gia tăng của vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Những vũ khí hiện đại bậc nhất của SOCOM.

Một trong những nền tảng cơ sở của SOCOM là Cơ quan Đặc vụ Hoa Kỳ (JSOC), một tổ chức dưới quyền có nhiệm vụ chính là theo dõi dấu vết và tiêu diệt các phần tử khủng bố. Trong danh sách nghi can của JSOC hàng ngày được báo cáo với tổng thống, lực lượng này nêu ra hàng nghìn cái tên, rải rác trên toàn thế giới.

Trên thực thế, JSOC đang tiến hành một chiến dịch bắt và giết người ngoài pháp lý mà John Nagl, cựu cố vấn chống bạo động và nổi dậy của David Petraeus, tướng chỉ huy 4 sao và quyền giám đốc. Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã gọi đây là "cỗ máy giết người chống khủng bố với quy mô công nghiệp".

Chương trình ám sát được tiến hành bởi các đơn vị biệt kích thông qua các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào nhiều quốc gia như Somalia, Pakistan và Yemen. Người ta cho rằng, CIA đã và đang nhúng tay vào những chiến dịch kiểu như vậy, và không nghi ngờ khi chúng là một phần của cuộc chiến toàn cầu được che đậy khéo léo dưới vỏ bọc bảo vệ an ninh của loài người.

Thêm vào đó, mạng lưới các nhà tù bí mật đang ngày càng được mở rộng, chỉ tính riêng tại Afghanistan đã tồn tại tới 20 "điểm đen", rất ít trong số này được "tiết lộ danh tính", dùng phục vụ mục đích tra tấn các nghi phạm mà phía Mỹ cho rằng "có giá trị quyết định" tới sự thành công của từng nhiệm vụ.

Tốc độ phát triển với "quy mô công nghiệp"

Từ một đơn vị chỉ có gần 37.000 lính vào đầu những năm 90, SOCOM ngày nay đã lớn mạnh hơn rất nhiều, với số lượng lính chiến đạt tới trên 60.000. Mức độ phát triển của SOCOM tăng theo cấp số nhân kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001. Ngân sách tăng gần 3 lần, từ 2,3 lên 6,3 tỉ USD.

Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng 2 cuộc chiến tranh dai dẳng tại IraqAfghanistan, lượng tiền chi ra đã gấp gần 4 lần (9,8 tỉ). Điều này không gây ra tranh cãi hay ngạc nhiên với nhiều chuyên gia vì tương quan với nó, số lượng binh lính và mật độ các chiến dịch theo đó được triển khai ở các quốc gia bên ngoài nước Mỹ đã tăng lên 4 lần, và con số này chưa thể dừng lại ở hiện tại khi tình hình thế giới vẫn còn nhiều bất ổn.

Năm 2010, SOCOM đã có mạng lưới trên 75 quốc gia, trong đó dưới thời Tổng thống Bush, con số này đã xấp xỉ 60. Phát ngôn viên của SOCOM, Đại tá Tim Nye cho biết, con số này vẫn chưa dừng lại, và sẽ tăng vượt ngưỡng 120.

Hiện tại, khoảng 60% các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã cung cấp cho Nye nhiều bằng chứng quý báu cho thấy sự lớn mạnh không ngừng của Lầu Năm Góc cùng các chiến dịch quân sự trong tham vọng phát động một cuộc chiến bí mật ở mọi ngóc ngách của thế giới.

Dựa theo điều trần phê chuẩn của Thượng nghị viện Mỹ, Hải quân Mỹ đã xác nhận tốc độ tăng trưởng ổn định nguồn nhân sự làm việc trong quân đội (3-5%/năm) và các hoạt động gia tăng nguồn tài chính, tăng cường hệ thống máy bay không người lái đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho các chiến dịch đặc biệt.

Các nhóm lực lượng truyền thống từng hoạt động ở Afghanistan đang được rút dần ra khỏi quốc gia này, thay vào đó là các đội quân tinh nhuệ sẽ đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ nặng nề hơn. Theo Đô đốc hải quân Eric Olson, Tư lệnh hàng đầu phụ trách các chiến dịch đặc biệt của Mỹ thì trước sự kiện 11/9, mục tiêu của của họ là tập trung vào các cường quốc công nghiệp trên thế giới ở phía bắc, đây được coi là những vùng trọng yếu. Tuy  nhiên giờ đây "chiến lược chuyển hướng sang phía nam vì chúng tôi muốn đối mặt với những nguy hiểm tiềm tàng đang bắt đầu hiện hữu ở các quốc gia nằm trong bóng tối".

Trong khi Olson chỉ đưa ra trong bản danh sách những mối đe dọa đối với SOCOM tên của 51 quốc gia, Nye lại cho rằng lực lượng đặc nhiệm đã mở rộng mạng lưới trên ít nhất 75 vùng lãnh thổ toàn cầu. Xấp xỉ 85% lượng quân đội tác chiến đặc biệt đang hoạt động ở nước ngoài có cơ sở tại 20 quốc gia, thuộc Sở Chỉ huy Trung ương Mỹ đóng tại Trung Đông và nằm rải rác từ Nam Mỹ tới Đông Nam Á, với quy mô và số lượng đa dạng.

Năm 2010, theo một báo cáo phân tích chi tiết của SOCOM, các nhóm lính biệt kích Hoa Kỳ hùng mạnh và tinh nhuệ nhất được huấn luyện kết hợp tại Belize, Brazil, Bulgaria, Burkina Faso, Đức, Indonesia, Mali, Na Uy, Panama, và Ba Lan. Cho tới năm 2011, những chương trình huấn luyện tương tự tiếp tục được thực hiện ở Cộng hòa Dominica, Jordan, Rumani, Senegal, Hàn Quốc và Thái Lan.

Trên thực tế, công việc đào tạo và huấn luyện lính đặc công được tiến hành ở bất cứ quốc gia nào lực lượng đặc nhiệm được tuyển mộ. "Khi đi dọc hết lãnh thổ 120 quốc gia, chúng ta sẽ thấy phần lớn các chương trình huấn luyện được xây dựng theo chỉ 1 hoặc 2 kiểu truyền thống. Và chẳng ai biết phía sau chúng thực chất là những gì khi bề nổi vẫn được đeo mác "chương trình huấn luyện binh sĩ".

"Lá bài chủ lực" của Lầu Năm Góc

Trong năm 2011, SOCOM đã không "khoa trương" lực lượng quá mạnh mẽ. Ngược lại, cơ quan này tiếp tục thiết lập mạng lưới lực lượng đặc nhiệm chuyên dụng bao gồm các nhóm thiết kế và chuyên gia quân sự hàng đầu. SOCOM nắm trong tay quyền kiểm soát tài chính, huấn luyện và trang bị vũ trang cho toàn lực lượng, thâu tóm quyền lực thực sự cùng các cơ quan đầu não như Bộ Hải quân Mỹ, hưởng ngân sách từ "túi" của Bộ Quốc phòng.

Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng và uy lực của SOCOM lên những nhân vật thuộc phe ủng hộ trong Quốc hội, giờ đây nhiều chuyên gia phân tích khẳng định cái tên này trở thành một "nhân vật cực kỳ đáng gờm" ở Lầu Năm Góc.

Lính biệt kích lùng sục trên chiến trường Afghanistan.

SOCOM có mục tiêu rõ ràng và khả năng giành thắng lợi trong các cuộc chiến quan liêu, mua được những công nghệ tinh vi che đậy dấu vết cho lực lượng bộ binh và theo đuổi các kỹ thuật truy bắt phần tử cực đoan. Trong vòng 10 năm, các hợp đồng quân sự béo bở đã đem về khoản lợi nhuận khổng lồ cho ngành sản xuất vũ khí chuyên dụng, khiến lượng tiền được chi ra tăng gấp 6 lần so với đầu năm 2001.

SOCOM có thời đặt trụ sở tại MacDill, căn cứ không quân tại Florida, và hoạt động trên các mặt trận rải rác khắp thế giới, bao gồm Hawaii, Đức và Hàn Quốc. Hiện nay, tuy vẫn tồn tại trên  phần lớn lãnh thổ nhiều quốc gia, cơ quan này bắt đầu có xu hướng củng cố và làm mới lực lượng.

Theo Olson, SOCOM là phiên bản thu nhỏ của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, phản ánh sự hoạt động và trách nhiệm của chính quyền mọi thời đại, là cơ quan quyền lực tổng hòa từ các ban quân sự, chính sách nghĩa vụ quân sự và Cục Phòng vệ.

SOCOM trở thành một biểu tượng hoàn toàn mới trong nền quân sự thế giới nói chung và Hoa Kỳ nói riêng. Nhiệm vụ của SOCOM là phối hợp thực hiện toàn bộ các kế hoạch chiến lược của Lầu Năm Góc trong các chiến dịch chống khủng bố toàn cầu ở các mạng lưới thuộc các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Theo đó, nó đã tạo dựng được mối liên kết sâu sắc giữa chính quyền các quốc gia, hệ thống quân đội ngoại quốc và lực lượng tình báo.

SOCOM được trang bị hệ thống trực thăng do thám tối tân, máy bay trinh sát có người lái, máy bay vũ trang không người lái hạng nặng, tàu siêu tốc có trang bị súng, các loại xe hộ tống kháng mìn chuyên dụng, cùng hệ thống tàu chiến tối tân.

Trước đây, Chalmers Johnson, một học giả quân sự quá cố chuyên nghiên cứu chủ nghĩa quân phiệt, đã dùng cụm từ "lực lượng bí mật của chính quyền Mỹ" để ám chỉ CIA, thì ngày nay vai trò này thuộc về JSOC. JSOC hoạt động giống như một đạo quân tìm diệt bí mật dưới trướng của sĩ quan điều hành và chịu sự kiểm soát của SOCOM. Nhiều người cho rằng thực chất JSOC nổi lên trong vai trò là cơ quan quyền lực và hùng mạnh của Lầu Năm Góc, một lực lượng bí mật thuộc quân đội quốc gia Mỹ.

Olson luôn nêu rõ quan điểm của chính mình khi cho rằng lực lượng đặc biệt là những thành phần hòa hợp nhất về văn hóa, những "tay đi săn" khát máu nhất, thông minh, nhạy bén và sáng tạo. Nếu được đào tạo bài bản, họ sẽ trở thành những cố vấn quân sự đắc lực, những chiến lược gia và thậm chí những "chiến binh" mà bất cứ vùng đất nào cũng muốn sở hữu.

Tại diễn đàn An ninh của Viện Aspen, Olson một mực khẳng định phạm vi hoạt động của SOCOM chỉ trải dài trên 65 quốc gia và can thiệp vào các cuộc chiến nội bộ ở 2 quốc gia. Nhưng khi được hỏi về những vụ không kích bằng máy bay không người lái tại Pakistan, Olson ngập ngừng và chỉ lặp lại một câu trả lời vô nghĩa "Thực ra đó chỉ là những vụ nổ. Bấy lâu nay chúng ta vẫn cứ gán ghép nó và nhầm tưởng với các vụ không kích”.

Olson cho rằng, những hoạt động bí mật sử dụng lính biệt kích vận chuyển bằng máy bay lên thẳng với mục đích tham gia các chiến dịch đêm là hoàn toàn bình thường. Olson nhấn mạnh vào thời điểm hiện nay, lực lượng SOCOM đã đạt xấp xỉ số lượng lính hiện đang tại ngũ và hoạt động trên toàn bộ lãnh thổ nước láng giềng Canada. Trên thực tế, con số chính xác còn lớn hơn rất nhiều so với toàn bộ lực lượng quân đội của nhiều quốc gia cộng lại.

Trên lãnh thổ 120 quốc gia, lực lượng đặc nhiệm đã và đang tiến hành các cuộc chiến tranh bí mật nhắm tới những mục tiêu truy sát gắt gao nhất, thanh trừ các phần tử khủng bố, thực hiện các chiến dịch tìm bắt, đột kích đến hợp tác với lực lượng địa phương và các chương trình đào tạo nhân lực tham gia các cuộc bạo động mà phần lớn người Mỹ đều không biết tới

Anh Doãn – Thuỳ Dương (tổng hợp)
.
.