Lại khẩu chiến về mộ Tào Tháo

Thứ Sáu, 10/09/2010, 04:45
Tuyên bố hôm 21/8 vừa qua của Chủ tịch ủy ban Văn học nghệ thuật và thư họa tỉnh Hà Nam Lâm Khuê Thành cùng 23 chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học đến từ khắp nơi trên đất nước Trung Quốc tại "Diễn đàn Văn hóa Tam Quốc" ở thành phố Tô Châu đã khiến cho những tranh luận xung quanh mộ Tào Tháo lại có điều kiện bùng phát giữa 2 phái ủng hộ và phản đối.

Điều đáng nói là việc này diễn ra sau hơn 2 tháng (12/6), Đài truyền hình Trung ương truyền hình trực tiếp buổi khai quật tại khu mộ Tào Tháo ở thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam.

Quan điểm mới của phái phản đối

Tại "Diễn đàn Văn hóa Tam Quốc" hôm 21/8, 23 chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học kể trên đã đưa ra nhiều bằng chứng để phản bác lại những tuyên bố trước đây của các nhà khoa học, giới khảo cổ và sử gia xung quanh mộ Tào Tháo. Họ cho rằng, những thứ được tìm thấy tại ngôi mộ ở thôn Tây Cao Huyệt là vật chứng bị làm giả. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất trên hoa văn của một số viên đá bên trong mộ.

Chuyên gia về thư pháp và đá cổ khẳng định, những hoa văn và cách bài trí của một số viên đá quá hiện đại so với thời Tào Tháo chết (15/3/220) và đó là điều vô cùng phi lý. Một số đồ vật dường như đã được chế tác bằng những công cụ hiện đại - nhiều viên đá đã được gọt, cắt bằng cưa xích để tạo thành những hình khối phù hợp.

Chủ tịch Ủy ban Giám định thư họa Tô Châu Lý Lộ Bình cũng tuyên bố, hình dáng cũng như cách viết của 3 chữ "Ngụy Vũ Vương" trên các bia đá khai quật tại "mộ Tào Tháo" giống hệt những chữ viết tại một ngôi mộ cổ được tìm thấy năm 1998 tại An Dương, Hà Nam. Và đây có thể là những tác phẩm ngụy tạo của cùng một người làm ra.

Những bằng chứng và lập luận của 23 chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học đưa ra tại "Diễn đàn Văn hóa Tam Quốc" nhằm khẳng định, ngôi mộ cổ được tìm thấy tại thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong không phải của Tào Tháo. Điều này cũng được đưa ra sau cuộc khai quật truyền hình trực tiếp hôm 12/6, sau khi người ta tìm thấy một miếng đá hình vuông (loại tranh khắc đá) có khắc hình binh lính và xe ngựa, cùng nhiều mảnh tranh khắc đá loại này, nhưng đều bị đập vỡ, không còn nguyên vẹn.

Xương sọ Tào Tháo tìm thấy trong khu mộ.

Những hiện vật này bị giới chuyên môn nghi ngờ, nhất là chiếc chuồng lợn làm bằng gốm và nó lập tức trở thành những chứng cứ quan trọng để phe phản đối tấn công lại - trong mộ của quý tộc, nhất là bậc vua chúa không thể xuất hiện loại hiện vật này. Tiếp đến là chiếc khiên - trong "Tam Quốc Chí" và "Tam Quốc diễn nghĩa" đều không hề nói rằng, Tào Tháo từng sử dụng khiên bởi đây là vật dụng của binh lính. Những hiện vật được tìm thấy hôm 12/6 cùng lập luận và chứng cứ mới đưa ra hôm 21/8 càng chứng tỏ, đây không phải mộ Tào Tháo.

Theo giới truyền thông, trước khi tổ chức "Diễn đàn Văn hóa Tam Quốc", phái phản đối từng đưa ra những tuyên bố tương tự. Giáo sư Viên Tế Hỉ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu của Trường đại học Nhân dân, trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc về đời Ngụy Tấn, Nam Bắc triều từng khẳng định, những cổ vật được tìm thấy có thể là giả bởi vị trí của ngôi mộ không giống với những gì đã ghi trong sử sách thời kỳ đó.

Gối đá và những di vật trong mộ Tào Tháo.

Hơn nữa, ngôi mộ này từng bị đào trộm nhiều lần. Những di vật được coi là có sức thuyết phục như "Ngụy Vũ Vương thường dùng cách hổ đại kích" - binh khí của Ngụy Vũ Vương sử dụng - rất khó giám định là thật hay giả. Giáo sư Cao Mông Hà, Phó chủ nhiệm khoa Khảo cổ và Bảo tàng - Trường đại học Phúc Đán ủng hộ quan điểm kể trên của Giáo sư Viên Tế Hỉ.

Tại cuộc tọa đàm về chủ đề "Mộ Tào Tháo" ở Trường đại học Bắc Kinh, giới chuyên môn cho rằng, kết luận khảo cổ có thể thay đổi nếu xuất hiện những yếu tố sai lệch. Tuyên bố này càng tạo thêm động lực cho phái phản đối đưa ra những bằng chứng, chứng cứ mới xung quanh vấn đề được dư luận Trung Quốc đặc biệt quan tâm.--PageBreak--

Bao giờ kết thúc khẩu chiến?

23 chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học cũng cho rằng, chính quyền huyện An Dương, tỉnh Hà Nam đã cố tình tạo ra "sự kiện mộ Tào Tháo" để thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, bất chấp những thông tin kể trên, dòng người du lịch vẫn đua nhau tới địa điểm khai quật mộ Tào Tháo để chiêm ngưỡng nơi an nghỉ của Ngụy Vũ Vương.

Theo thống kê, số lượng khách tham quan đã tăng đột biến kể từ tháng 8 cho dù vé vào cửa được bán với giá 60 NDT/người. Đây là khoản thu lớn đối với chính quyền xã An Phong và huyện An Dương. Được biết, nếu được công nhận, thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam sẽ thu được 420 triệu NDT/năm từ khu di tích này. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với một tỉnh nghèo như Hà Nam. Chính vì vấn đề này nên nhiều người đã đặt câu hỏi về sự sốt sắng của tỉnh Hà Nam trong việc thúc giục giới khoa học công nhận mộ Tào Tháo.

Chính quyền huyện An Dương đang chuẩn bị xây một con đường nối liền khu di tích về thời Tam Quốc cùng các thành phố bên trong và gần tỉnh Hà Nam để thu hút du khách.

Các nhà khảo cổ cho biết, người ta đã bắt đầu xây dựng khu di tích từ một công trình trong khu vực khai quật. Bảo tàng về Tào Tháo sẽ được xây trên hai hầm mà các nhà khảo cổ đã và đang khai quật. Nơi đây trưng bày các hiện vật trong mộ Tào Tháo và giới thiệu thông tin về người sáng lập nước Ngụy thời Tam Quốc: Ngụy Vũ Vương. Được biết, chính quyền huyện An Dương từng tài trợ hơn 6 triệu NDT (khoảng 870.000USD) để khai quật mộ Tào Tháo.

Cho tới nay, khẩu chiến trong giới khảo cổ, chuyên gia và nhà nghiên cứu khoa học Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra xung quanh ngôi mộ Tào Tháo cho dù Cục Di sản Văn hóa Trung Quốc xếp mộ Tào Tháo vào danh sách 10 phát hiện khảo cổ đáng chú ý nhất trong năm 2009. Thông tin này được Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố ngày 14/1/2010.

Khi đó, Cục Di sản văn hóa Trung Quốc căn cứ vào 6 tiêu chí để thừa nhận mộ Tào Tháo.

Thứ nhất, khu mộ rộng (có hình chữ Giáp với tổng diện tích hơn 740m2, được xây bằng đá hình chữ Trung và chia làm tiền thất và hậu thất cùng 4 buồng ngách, quy mô rất lớn với kết cấu phức tạp), có kiến trúc giống mộ Hoàng tộc thời kỳ Hán - Ngụy. Giám đốc Viện Khảo cổ Hà Nam Hách Bản Tính cho rằng, ngôi mộ được xây theo kiểu cách và quy mô dành cho Hoàng đế. Hơn nữa, ngôi mộ không bị bít lại, giống như sử sách từng mô tả về mộ Tào Tháo.

Thứ hai, các hiện vật tìm thấy đều mang đặc điểm thời kỳ Hán - Ngụy.

Thứ ba, vị trí của ngôi mộ phù hợp với ghi lại trong sử sách và huyền thoại.

Thứ tư, ít hiện vật quý, chủ yếu là vật dụng bình thường, điều này hoàn toàn phù hợp với di chúc của Tào Tháo. Nhà sử học Chu Thiệu Hầu từng nhấn mạnh, nếu khẳng định ngôi mộ này là của Tào Tháo sẽ bổ sung những chứng cứ quan trọng cho việc đánh giá lại Ngụy Vũ Vương.

Thứ năm, dòng chữ "Ngụy Vũ Vương" khắc trên các tấm thẻ bài là bằng chứng rõ ràng nhất bởi sau khi chết, Tào Tháo được phong tước hiệu Ngụy Vũ Vương.

Thứ sáu, bộ xương người đàn ông tìm thấy trong ngôi mộ được xác định là ở độ tuổi ngoài 60 - Tào Tháo chết ngày 15/3/220.

Biển quảng cáo mộ Tào Tháo và du khách tới tham quan.

Những người ủng hộ vẫn đã và đang tiếp tục đưa ra những bằng chứng, lập luận để tái khẳng định, ngôi mộ được tìm thấy ở thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam là của Tào Tháo.

Ông Phan Vỹ Bân, Phó giám đốc Sở Di sản Văn hóa tỉnh Hà Nam, người phụ trách khai quật khu mộ Tào Tháo tại An Dương từng nhiều lần trả lời những câu hỏi xung quanh chủ đề này. Trong tuyên bố mới đây, ông Phan Vỹ Bân cho biết, ngay sau khi khẳng định đây là mộ Tào Tháo, đội khảo cổ sẽ đẩy nhanh tiến độ khai quật để có thể tìm thấy lăng của Ngụy Vũ Vương trong thời gian sớm nhất.

Còn ông Tôn Anh Dân, Phó giám đốc Sở Di sản Văn hóa tỉnh Hà Nam cũng từng tuyên bố, mộ Tào Tháo sẽ trở thành di tích văn vật cần được bảo vệ của tỉnh Hà Nam sau khi vấn đề này được xác thực.

Nhiều người nói rằng, việc tìm tiếng nói chung trong cuộc khẩu chiến xung quanh mộ Tào Tháo sẽ khó đạt được trong thời gian ngắn bởi đây là vấn đề nhạy cảm. Dư luận từng hy vọng, sau hội nghị thảo luận về ngôi mộ cổ được tìm thấy ở thôn Tây Cao Huyệt được hơn 10 nhà khoa học lịch sử hàng đầu của Trung Quốc đời Tần Hán và Ngụy Tấn Nam Bắc triều tổ chức hôm 3/4, khẩu chiến xung quanh mộ Tào Tháo sẽ chấm dứt, nhưng bất thành.

Có một thực tế đáng quan tâm, đó là hiện người ta không rõ gia phả Tào Tháo do ai hoặc cơ quan nào quản lý, nên việc tìm người thực sự là hậu duệ của Ngụy Vũ Đế không phải dễ làm

Quỳnh Trang - Tuấn Cường (tổng hợp)
.
.