Lật lại các vụ mất nguồn phóng xạ trên thế giới

Thứ Tư, 15/04/2015, 16:15
Vụ mất nguồn phóng xạ của nhà máy thép Pomina 3 tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khiến dư luận Việt Nam rất quan tâm trong những ngày gần đây. Trên thế giới, các vụ thất lạc vật liệu phóng xạ tương tự không phải là hiếm, thậm chí có xu hướng tăng dần khiến các chuyên gia lo ngại chất nguy hiểm này rơi vào tay kẻ xấu.

Theo cơ sở dữ liệu thống kê của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), mỗi năm có từ 20 đến 40 vụ vật liệu phóng xạ bị mất hoặc bị đánh cắp trên thế giới. Năm 2013, IAEA nhận được báo cáo về 140 vụ mất phóng xạ. Trong một số vụ, lượng vật liệu này ít nhưng cũng có vụ số lượng phóng xạ tương đối lớn. Mất nguồn phóng xạ xảy ra rất nhiều ở Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây. Kể cả những nước phát triển và giàu có như Pháp, Đức cũng xảy ra sự cố mất phóng xạ. Nhiều vụ không bao giờ được IAEA công bố rộng rãi. Mục đích là để khuyến khích các nước báo cáo khi bị mất vật liệu phóng xạ.

Thất lạc

Theo thống kê ở Anh năm 2014, vật liệu phóng xạ của các công ty, bệnh viện đã bị mất hơn 30 lần trong vòng 10 năm qua. Vụ mất phóng xạ gây chú ý gần đây liên quan tới Công ty Năng lượng Hàng hải Rolls Royce, một chi nhánh của Rolls Royce và chuyên sản xuất các bộ phận cho tàu ngầm hạt nhân. Công ty này có sử dụng nguồn phóng xạ chứa chất Ytterbium-169 trong quá trình chụp X-quang công nghiệp để kiểm tra xem mối hàn đã hoàn hảo chưa.

Một xe tải chở vật liệu phóng xạ.

Ngày 3/3/2011, công ty này để xảy ra một số sai phạm, dẫn tới mất một nguồn phóng xạ (một ống to bằng chiếc đinh vít nhỏ) trong khoảng thời gian gần 5 tiếng đồng hồ tại khu vực Sinfin Lane. Sự cố khiến một số công nhân làm việc tại khu vực này bị phơi nhiễm với phóng xạ gamma nồng độ cao. Một vài người bị phơi nhiễm với nồng độ cao gấp nhiều lần giới hạn liều được phép.

Sự cố khiến Cơ quan Môi trường và Cơ quan Điều hành An toàn và Sức khỏe (HSE) đã phải tiến hành một cuộc điều tra chung, sau đó cùng truy tố Công ty Năng lượng Hàng hải Rolls Royce sau khi phát hiện ra một số vấn đề nghiêm trọng.

Cụ thể, lúc khoảng 5 giờ sáng ngày xảy ra sự cố, nguồn phóng xạ được sử dụng trong một khu vực chụp X-quang riêng biệt. Trong quá trình thử mối hàn, ống đựng phóng xạ rời khỏi giá đỡ và rơi vào một bộ phận tàu ngầm đang được kiểm tra. Việc mất nguồn phóng xạ không được những người có nhiệm vụ phát hiện ra mãi đến khi các thợ hàn trong phòng nhìn thấy cái ống và chuyền tay nhau để kiểm tra. Sau khi nhân viên chụp X-quang trở lại phòng làm ca tiếp theo, người này xác định đó chính là nguồn phóng xạ.

Điều tra cho thấy tay các công nhân cầm ống phóng xạ bị phơi nhiễm ở mức vượt quá liều được phép là 500 millisievert/năm. Một số người còn bị phơi nhiễm gấp 32 lần so với lượng được phép. Cơ quan Môi trường và HSE kết luận rằng công ty đã không đảm bảo đánh giá đầy đủ các rủi ro cũng như quản lý hiệu quả nguồn phóng xạ khi thực hiện công việc chụp X-quang liên quan tới phóng xạ gamma. Kết cục, tòa án phạt Công ty Năng lượng Hàng hải Rolls Royce 200.000 bảng Anh và phải trả 176.000 bảng các chi phí liên quan sau vụ mất nguồn phóng xạ.

Ngoài Rolls Royce, trong số những tên tuổi lớn ở Anh làm mất nguồn phóng xạ nguy hiểm này còn có Công ty thép Sheffield Forgemasters (làm mất 13 kg uranium nghèo) năm 2008, Bệnh viện Royal Free ở London làm mất chất caesium-137 dùng trong điều trị ung thư. Ở Anh, HSE cho biết một số công ty, tổ chức bị truy tố vì làm mất phóng xạ, nhưng một số chỉ bị cảnh cáo. Trường đại học York và Đại học Warwich chỉ nhận được lời khuyên và lời nhắc nhở về công tác bảo quản phóng xạ sau khi để mất vật liệu phóng xạ dùng trong khoa học.

Ngoài Anh, các vụ mất phóng xạ cũng xảy ra ở nhiều nước khác. Ở Nga,trong 2 năm 2010 đến 2011 đã xảy ra hơn 200 vụ thất lạc phóng xạ ion hóa. Ở Nam Phi, hơn 200 vụ xảy ra trong năm 2010. Tại Pháp, một gói hàng có chất phóng xạ iodine-125 bị thất lạc ở sân bay Paris năm 2011. Tại Canada, năm 2010, một nguồn phóng xạ bị mất ở Surrey, British Columbia.

Bị đánh cắp

Ngoài các vụ phóng xạ thất lạc, thế giới còn xảy ra nhiều vụ trộm loại vật liệu nguy hiểm này. Mới đây nhất là vụ đánh cắp phóng xạ với số lượng lớn xảy ra vào ngày 6/3/2015 ở Ba Lan.

22 hộp, mỗi hộp nặng từ 45 đến 70kg đựng chất phóng xạ cobalt-60, bị đánh cắp khỏi một nhà kho ở Poznan. Vụ việc đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Ba Lan (PAA) báo cáo lên IAEA ngày 19/3 vừa qua.

Một chiếc hộp phóng xạ tương tự hộp bị mất ở Poznan, Ba Lan.

Ngày 10/3, Cảnh sát Ba Lan đã bắt 4 người, một trong số đó làm việc tại nhà kho nói trên và cáo buộc họ ăn cắp số phóng xạ cobalt-60. Bốn người này cũng đã đánh cắp 1 tấn chì dạng thỏi trong nhà kho Poznan hồi tháng 2/2015. Các thỏi chì này được dùng để làm tấm chắn bảo vệ phóng xạ.

Đến nay, toàn bộ 22 hộp phóng xạ vẫn chưa được tìm thấy. Các viên cobalt-60 được xếp vào nguồn phóng xạ mức 4 và 5. Phơi nhiễm với mọi loại phóng xạ đều gây nguy cơ cho sức khỏe, nhưng vật liệu phóng xạ loại 4 và 5 không nguy hiểm nếu nó còn ở nguyên trong hộp. Theo tính toán, nếu các viên cobalt-60 bị đưa ra ngoài hộp, bất kỳ ai trong vòng 1m với các viên phóng xạ này sẽ bị phơi nhiễm lượng phóng xạ chết người trong chưa đầy 4 phút.

Cũng ở Ba Lan hồi tháng 5/2014, 2 hộp bằng chì chứa các viên cobalt-60 đã được thu hồi tại một bãi phế liệu ở Poraj, gần Czstochowa ở khu vực Silesia (miền Trung Ba Lan).  Hai hộp này bị phát hiện mất hồi tháng 11/2013 tại Nhà máy Năng lượng Belchatow ở Lodz.

Tại Mexico, vào năm 2013, giới chức nước này đã tìm lại được một nguồn phóng xạ bị đánh cắp ở Tepojaco, gần Mexico City. Sự việc xảy ra khi 2 tên trộm đánh cắp chiếc xe tải chở phóng xạ dùng trong y tế là chất cobalt-60. Chiếc xe chở cobalt-60 từ một bệnh viện ở Tijuana tới một trung tâm chứa chất thải phóng xạ.

Khi lái xe và phụ lái dừng lại để nghỉ ở một trạm xăng, lúc 1 giờ sáng ngày 2/12/2013, một người đàn ông mang theo súng đã gõ cửa xe. Khi phụ xe kéo kính cửa xe xuống thì bị người đó chĩa súng vào người và yêu cầu đưa chìa khóa xe. Cả phụ xe và lái xe bị đưa tới một nơi vắng và bị buộc chặt.

Cảnh sát tại khu vực tìm thấy cobalt-60 ở Mexico.

Chiếc xe sau đó đã được cảnh sát tìm thấy và thu hồi được nguồn phóng xạ ở một khu vực hẻo lánh cách nơi bị mất khoảng 40 km. Hai tên trộm đã biến mất. Chiếc hộp đựng chất cobalt-60 đã bị mở tung tại vị trí cách chiếc xe tải chừng 1km. Còn chưa đầy 40gr chất cobalt-60 bên trong. Cảnh sát đã phải bảo vệ khu vực và dựng rào chắn trong bán kính 500m và đánh giá mức độ phơi nhiễm của người dân gần đó. Sau đó không lâu, 6 người đã phải nhập viện với các triệu chứng bị phơi nhiễm với phóng xạ bị đánh cắp.

Năm 2014, Mexico cũng xảy ra một vụ mất cắp chất phóng xạ iridium-192 ở Tlalnephantla, phía bắc thủ đô Mexico City. Trong vụ này, cảnh sát đã thu hồi nguyên vẹn vật liệu phóng xạ do hộp đựng không bị mở.

Nguy cơ "bom bẩn"

Theo các chuyên gia, việc số vụ vật liệu phóng xạ bị thất lạc hoặc bị đánh cắp với tần suất ngày càng tăng là điều không thể chấp nhận được. Tính đến năm 2014, hơn 120 nước đã báo cáo tổng cộng gần 2.500 vụ mất phóng xạ. Đa số các vụ đều do đơn vị quản lý lơ là, tắc trách trong bảo quản nguồn vật liệu cần thiết trong một số ngành song lại vô cùng nguy hiểm này. Nhiều nước không có nguồn lực để bảo vệ, theo dõi và tìm kiếm nguồn phóng xạ.

Nguồn phóng xạ trên thế giới ngày càng được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực.

Ngoài gây nguy cơ sức khỏe với người bị phơi nhiễm, nguồn phóng xạ còn có thể bị kẻ xấu, đặc biệt là khủng bố, dễ dàng đánh cắp để chế tạo "bom bẩn" - một chất nổ dùng để phát tán phóng xạ từ một nguồn phóng xạ. Đó là cảnh báo của IAEA trước các vụ thất lạc, đánh cắp vật liệu phóng xạ ngày càng tăng trên thế giới.

Ông Denis Flory, Phó tổng giám đốc IAEA, nhận định: Phóng xạ có thể được sử dụng trong các thiết bị phát tán phóng xạ. Về mặt lý thuyết, các tổ chức cực đoan có thể làm một quả bom hạt nhân thô sơ nếu chúng đủ tiền, kỹ thuật và nguyên liệu phân hạch. Dù vậy, bom bẩn vẫn dễ làm hơn so với bom nguyên tử do nguyên liệu phóng xạ không cần nhiều, thiết bị phát tán phóng xạ cũng dễ làm hơn. Do đó, bom bẩn được coi là mối đe dọa hiện hữu hơn cả một quả bom nguyên tử.

Một quả bom bẩn không phải là vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng lại là một "vũ khí gián đoạn hàng loạt" và "vũ khí sơ tán hàng loạt". Chúng có thể khiến con người phải sơ tán khỏi khu vực phóng xạ bị phát tán. Chi phí để sơ tán một khu vực đông dân cư và rộng lớn, ví như một góc London hay Washington, không phải là nhỏ. Điều này khiến bom bẩn được coi là một vũ khí kinh tế.

Từ tháng 11/2015, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) đã xác định được 175 người âm mưu tìm cách lấy vật liệu hạt nhân một cách bất hợp pháp. Interpol ngờ rằng khủng bố có thể dùng bom bẩn để làm gián đoạn các thị trường tài chính phương Tây.

Ngoài hình thức phát tán phóng xạ bằng bom bẩn, vật liệu phóng xạ cũng có thể bị kẻ xấu dùng để phát tán mà không cần cho phát nổ. Chúng có thể đưa phóng xạ vào môi trường bằng cách làm ô nhiễm nguồn thức ăn, nước, đất hay không khí để khiến một số người nào đó bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức độ nhẹ. Lợi thế của hình thức phát tán âm thầm này là nó có thể đưa phóng xạ vào môi trường trong một thời gian dài mà không bị phát hiện.

Một cách nữa mà khủng bố có thể âm mưu thực hiện là phát tán phóng xạ ở nơi đông người thông qua thiết bị phơi nhiễm bức xạ (RED). Thiết bị này gồm một nguồn bức xạ ion hóa không được che chắn và dễ làm hơn thiết bị phát tán bức xạ. Một tên khủng bố có thể đặt RED ở địa điểm đông người và khiến họ bị phơi nhiễm bức xạ ion hóa.

Trong lịch sử, khủng bố và các tổ chức cực đoan đã tỏ ra quan tâm tới bom bẩn. Các phiến quân ở Chechnya vào tháng 11/1995 đã đặt một lượng nhỏ cesium-137 tại Công viên Izmaylovsky ở Moscow, Nga. Số phóng xạ này chúng ăn cắp từ cơ sở lưu trữ phế thải hạt nhân ở thủ phủ Grozny. Tuy nhiên, chúng không phát tán vật liệu phóng xạ mà dùng nó làm vũ khí tâm lý. Chúng chỉ dẫn cho một nhóm phóng viên tin tức truyền hình tới hiện trường và tạo ra một cơn bão tâm lý sợ hãi.

Khi đối diện với các nguy cơ trên, vấn đề là thế giới phải hành động nhiều hơn để ngăn chặn các tổ chức cực đoan có được nguyên liệu làm bom bẩn. Ngoài ra, cần phải tăng cường nâng cao ý thức của người dân về nguy cơ của phóng xạ hạt nhân.

Quá trình phối hợp giữa các nước về vấn đề nguyên liệu hạt nhân cũng không đơn giản khi mà vẫn còn Mỹ và 26 nước nữa chưa thông qua hiệp ước sửa đổi về giám sát vận chuyển vật liệu hạt nhân quốc tế và lưu trữ vật liệu hạt nhân. Khi chưa thông qua hiệp ước này, Mỹ khó mà có đủ tiếng nói để thuyết phục các nước khác về mối đe dọa của hạt nhân.

Dương Thùy (tổng hợp)
.
.