Lầu Năm Góc chạy đua vũ trang trong vũ trụ

Thứ Hai, 24/01/2011, 15:10
Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ tuyên bố: tàu con thoi X-37B trải qua nhiều năm nghiên cứu đã và đang đẩy nhanh việc quân sự hóa vũ trụ với tham vọng “Nắm quyền khống chế vũ trụ”.

Hướng nghiên cứu tác chiến vũ trụ trong tương lai

Ngay từ tháng 3/2005, trong báo cáo về "Chiến lược quốc phòng Mỹ", Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác định 5 lĩnh vực: vũ trụ, lục quân, hải quân, không quân và Chiến tranh mạng đều có tầm quan trọng ngang nhau, Mỹ phải duy trì sức mạnh quyết định của mình trong cả 5 lĩnh vực đó. Trong thực tế, trước đó Mỹ đã quy hoạch việc nghiêm cấm và sử dụng vũ khí vũ trụ như thế nào để phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến.

Một là, nghiên cứu chiến thuật tác chiến trong vũ trụ, tức là sử dụng hệ thống vũ khí vũ trụ, công kích hệ thống vũ khí vũ trụ của đối phương, vô hiệu hóa chúng bằng các biện pháp như: gây nhiễu điện tử, sử dụng vũ khí laser... làm tê liệt một chức năng nào đó hoặc "xóa sổ" hoàn toàn hệ thống vũ khí của đối phương.

Hai là, phối hợp tác chiến với lực lượng trên bộ, trên biển và trên không. Sử dụng các hệ thống mạng như trinh sát định vị, vệ tinh dự báo v.v... để cung cấp tin tức tình báo và dữ liệu chính xác cho các binh chủng để công kích.

Với đà phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, trong tương lai việc tấn công các mục tiêu mặt đất từ vũ trụ là khả thi. Ngược lại các lực lượng quân đội ở trên bộ, trên biển và trên không cũng có thể phối hợp tác chiến và chi viện cho lực lượng trên vũ trụ như cung cấp năng lượng, trang bị khí tài, sửa chữa hoặc phóng các con tàu tăng cường khả năng tác chiến.

Cải tiến phương thức vận chuyển vệ tinh lên vũ trụ

Những thập niên qua, Mỹ đã phóng nhiều vệ tinh quân sự nhưng phương pháp phóng chưa có nhiều thay đổi so với phương pháp phóng truyền thống là sử dụng tên lửa nhiều tầng đưa vệ tinh lên quỹ đạo trái đất. Cách làm này tốn kém tiền của và thời gian. Chi phí mỗi lần phóng từ 30 triệu đến hàng trăm triệu USD.

Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, việc tác chiến của quân đội Mỹ trong tương lai phụ thuộc nhiều vào các tàu vũ trụ. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã và đang nghiên cứu khả năng chống vệ tinh. Trong trường hợp các tàu vũ trụ của quân đội Mỹ bị đối phương vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt, thì trong một khu vực nhất định, quân đội Mỹ chẳng khác nào bị "mù", do đó cần nhanh chóng tăng viện cho lực lượng tác chiến vũ trụ.

Hiện nay Mỹ đang nghiên cứu việc dùng máy bay vận tải C-17 để chở tên lửa đã lắp sẵn vệ tinh. Khi máy bay bay tới độ cao 3.500 dặm, thì tên lửa sẽ rời khỏi máy bay, tự động khởi động hệ thống nhiên liệu mang theo đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Cách phóng này theo nhận định của Mỹ rất cơ động, hạn chế khả năng bị đối phương tấn công. Chi phí cho mỗi lần phóng chỉ khoảng 5 triệu USD và thời gian chuẩn bị chỉ mất 24 giờ, thay vì 1 tháng so với cách phóng truyền thống. Nếu không có gì trở ngại thì vệ tinh đầu tiên phóng bằng phương pháp này sẽ được thực hiện vào năm 2011.

Ngoài ra, các chuyên gia Trường đại học bang Texas, Mỹ đang nghiên cứu phương pháp phóng vệ tinh bằng năng lượng điện từ, tức là dùng năng lượng điện từ tăng tốc cho tên lửa tới 1.000m/giây để phóng. Trong khoảng 20 năm nữa với đà phát triển của khoa học, phương pháp phóng này có thể sẽ trở thành hiện thực. Phương pháp này ít tốn kém, chỉ cần 75.000USD với chu kỳ phóng là 1 ngày.

Phát triển mạnh vệ tinh quân sự

Theo tờ “Tin tức quốc phòng Mỹ”, hiện nay vệ tinh quân sự Mỹ phát triểntheo hai hướng. Một là, vệ tinh nhỏ bay ở quỹ đạo thấp. Hai là, vệ tinh lớn bay ở quỹ đạo cao và quỹ đạo trung bình.

Theo các nhà khoa học quân sự Mỹ và một số nước, vệ tinh quân sự nhỏ bay ở quỹ đạo thấp có nhược điểm là không an toàn, dễ bị đối phương bắn rơi, nên chỉ chế tạo vệ tinh nhỏ một chức năng là thích hợp. Tuy nhiên, loại vệ tinh nhỏ này cũng có những mặt mạnh, đó là giá thành chế tạo và chi phí phóng thấp, cơ động cao, năng lực phản ứng mạnh, đặc biệt là vệ tinh chế tạo theo công nghệ nano, trọng lượng chỉ có từ 1 đến 10kg.

Trường hợp vệ tinh lớn của Mỹ bị đối phương vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt, các vệ tinh nano sẽ làm nhiệm vụ thay thế. Trong trường hợp cần thiết, vệ tinh nano sẽ tự động tiếp cận và tấn công vệ tinh của đối phương bằng phương pháp "tự sát" và "cùng chết".

Đối với vệ tinh lớn ở quỹ đạo cao và quỹ đạo trung bình. Các loại vũ khí chống vệ tinh ở mặt đất khó tiếp cận, nên hướng nghiên cứu là phát triển vệ tinh lớn đa chức năng, vừa an toàn, vừa tránh được việc phóng nhiều vệ tinh lên vũ trụ, tiết kiệm được chi phí.

Tàu con thoi X-37B có thể mang theo vũ khí công kích mục tiêu trên mặt đất hoặc mang theo khí tài trinh sát.

Coi trọng việc sử dụng vệ tinh thương mại

Trong lịch sử phát triển ngành khoa học vũ trụ có hai mục đích lớn. Một là, vì mục đích an ninh quốc gia, trong đó có việc ứng dụng vào lĩnh vực quân sự. Hai là, xuất phát từ nhu cầu thương mại như việc chế tạo và bán vệ tinh thông tin, phóng thuê vệ tinh cho nước khác và kinh doanh du lịch vũ trụ v.v...

Theo đà phát triển của kỹ thuật, việc ứng dụng đã không chỉ giới hạn trong lĩnh vực dân dụng mà từ lâu đã được ứng dụng cả sang lĩnh vực quân sự. Ví dụ, ngày 7/4/2003, không quân Mỹ ném bom một hầm ngầm tại thành phố Baghdad là một ví dụ điển hình. Hôm đó quân đội Mỹ nhận được tin tình báo Tổng thống Saddam Hussein và một số quan chức cao cấp trong Chính phủ Iraq có khả năng đang ẩn trú trong hầm ngầm. Chỉ sau 12 phút, tọa độ do hệ thống GPS định vị đã được chuyển tới máy bay ném bom B-1B thông qua vệ tinh thông tin thương mại. Máy bay đã lập tức tấn công mục tiêu.

Trong tương lai, kỹ thuật vệ tinh thông tin thương mại ngày càng phát triển, sẽ phục vụ nhiều hơn và tốt hơn cho nhu cầu tác chiến của quân đội Mỹ.

Những dự định về nghiên cứu vũ khí vũ trụ

Vừa qua quân đội Mỹ đã dùng tên lửa đánh chặn mang tên "Tiêu chuẩn - 3" bắn hạ một vệ tinh trinh sát đã hết khả năng hoạt động. Điều đó chứng tỏ hệ thống phòng ngự tên lửa đạn đạo của Mỹ có khả năng chống được vệ tinh bay ở quỹ đạo thấp.

Tuy nhiên, thông qua chương trình nghiên cứu của Mỹ chứng tỏ mục đích cuối cùng của Mỹ không phải là những vệ tinh bay ở quỹ đạo thấp này mà là các loại vũ khí, khí tài, bố trí trong vũ trụ, nghĩa là chẳng những có thể tấn công tất cả mọi thứ vũ khí, khí tài của các nước đưa lên vũ trụ mà còn tham vọng thực hiện: "Lấy vũ trụ khống chế mặt đất", tấn công tất cả các mục tiêu trên mặt đất từ vũ trụ.

Hiện nay, Mỹ rất quan tâm và đầu tư nhiều tiền của vào việc nghiên cứu vũ khí năng lượng định hướng như vũ khí chùm laser, chùm tia vi sóng v.v... có thể bố trí trong vũ trụ để tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa vũ khí, khí tài của đối phương bằng nhiệt độ cực cao.

Ngoài ra, Mỹ còn chú trọng nghiên cứu một loại vũ khí khác nổi tiếng gọi là vũ khí động năng "chiếc gậy thượng đế". Những "chiếc gậy thượng đế" được chế tạo bằng vonphoram (W), titan (Ti) hoặc urani (U) có trọng lượng chừng 100kg, được phóng ra từ con tàu vũ trụ với vận tốc 11,6 triệu mét rồi lao thẳng vào mục tiêu trên mặt đất, có sức công phá bằng một quả bom nguyên tử loại nhỏ.

Mặc dù Mỹ không công khai tuyên bố ủng hộ việc quân sự hóa vũ trụ nhưng Lầu Năm Góc đã ngấm ngầm "chuẩn bị và xúc tiến" để giành ưu thế trong lĩnh vực này. Với đà phát triển nhanh chóng của kỹ thuật vũ trụ, theo các tướng lĩnh của Lầu Năm Góc, vũ trụ đã trở thành "điểm cao" chiến lược. Cần phải quan tâm vì Mỹ muốn giữ vững vị trí siêu cường cần phải "khống chế" được vũ trụ. Tuy nhiên, việc làm này từ lâu đã bị dư luận quốc tế phản đối một cách mạnh mẽ.

Một số nước lớn có năng lực vũ trụ đã từng tuyên bố chính sách thăm dò sử dụng vũ trụ: "Vì mục đích hòa bình, nhiều tổ chức quốc tế đã nêu lên sáng kiến cần bố trí các loại vũ khí trong vũ trụ. Nếu Mỹ cứ mù quáng lao vào con đường quân sự hóa vũ trụ, sẽ làm cho các nước - đặc biệt là các nước lớn - phải cảnh giác và có các biện pháp đối phó thích hợp”

Phạm Xuân Tiến (tổng hợp)
.
.