Libya: Làn sóng ám sát nhằm vào sĩ quan an ninh cao cấp

Thứ Ba, 11/12/2012, 16:25

Sau sự kiện tấn công Sứ quán Mỹ ở thành phố Benghazi giết chết Đại sứ Mỹ Christopher Stevens, làn sóng những vụ ám sát nhằm vào các sĩ quan an ninh cao cấp bắt đầu bùng phát dữ dội ở Libya. Một thực tế bộc lộ rõ sự thất bại nặng nề của các lực lượng an ninh nước này, đồng thời cho thấy một hệ thống tư pháp không hiệu quả để truy tố những nghi can khủng bố.

Buổi sáng một ngày tháng 9/2012 tại thành phố Benghazi, khi Muhammad bin Halim - lãnh đạo Cơ quan Chống tội phạm tài chính thuộc Bộ Nội vụ Libya - mở cửa chiếc ôtô Hyundai màu đỏ của mình thì quả bom cài sẵn trong xe trước đó phát nổ hất văng ông xuống vệ đường. Mặc dù trên người bị găm đầy những mảnh vỡ kim loại, song Halim không hề hấn gì. Nhưng, các đồng nghiệp của Halim không được may mắn như thế.

Khoảng nửa đêm ngày 21/11, 3 tay súng từ ôtô nhảy xuống và nã một loạt đạn vào người đại tá Faraj al-Dersi, quyền lãnh đạo Sở Cảnh sát Benghazi. Bốn ngày trước vụ ám sát này, một cú điện thoại gọi đến Đài Phát thanh thành phố đe dọa giết chết Al-Dersi. Al-Dersi là sĩ quan an ninh cao cấp mới nhất bị sát hại khi đang làm nhiệm vụ.

Hơn 20 người bị giết chết trong những vụ đánh bom bằng ôtô và nổ súng từ đầu năm đến nay, phần lớn xảy ra ở thành phố Benghazi, miền Đông Libya, nơi từng là trung tâm của cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi nhưng nay nằm dưới sự kiểm soát của các chiến binh đối địch với chính quyền mới.

Một số nạn nhân, giống như đại tá Adil Baqramawi, trở thành mục tiêu của bọn giết người vì có mối liên quan đến chế dộ Gaddafi. Tuy nhiên, phần đông những người bị giết chết vì hợp tác với các nhà cách mạng lật đổ Gaddafi.

Wanis al-Sharif, quan chức Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm về an ninh khu vực miền Đông Libya, cho biết: "Có nhiều phần tử muốn gây xáo trộn an ninh, và rõ ràng là nhóm Takfir wa al-Hijra đứng đằng sau những vụ ám sát này". Al-Sharif muốn nói đến nhóm Hồi giáo cực đoan nổi tiếng ở Libya thường tuyên bố có một số người Hồi giáo không trung thành và do đó họ phải bị giết chết.

Các quan chức Mỹ và Libya tin rằng những phần tử Hồi giáo cực đoan như thế cũng đứng đằng sau vụ tấn công sứ quán Mỹ ngày 11/9/2012 ở Benghazi. Trong tình trạng hỗn loạn sau khi chế độ Gaddafi sụp đổ, các nhóm cực đoan có tổ chức chặt chẽ cố gắng gây ảnh hưởng mạnh đến xã hội Libya. Bọn chiến binh cực đoan lo sợ một ngày nào đó lực lượng quân đội quốc gia sẽ mạnh lên và bắt đầu giải giáp bọn chúng, thủ tiêu mọi ảnh hưởng cũng như hình ảnh của bọn chúng trong xã hội Libya mới.

Thực tế hiện nay cho thấy, những  thất bại chua chát là do Nhà nước Libya đang sa lầy vào cuộc khủng hoảng an ninh. Chính quyền Libya đã không tiến hành điều tra những vụ đánh bom xảy ra liên tiếp và cũng chẳng có đối tượng nào bị truy tố ra trước pháp luật.

Cảnh sát Libya mang thi hài đại tá Faraj al-Dersi - lãnh đạo lực lượng cảnh sát Benghazi - ra khỏi nhà xác thành phố vào ngày 21/11.

Bin Halim, người may mắn sống sót sau âm mưu ám sát, than thở: "Chúng ta có thể dập tắt được những cuộc tấn công khủng bố song chính quyền không giúp chúng ta. Chúng ta đã yêu cầu chính quyền hỗ trợ nhiều thứ nhưng không bao giờ được đáp ứng đầy đủ. Chúng ta sẽ may mắn lắm nếu có được những máy điện đài xách tay để hoạt động chống tội phạm".

Sự thật cho thấy, cả hai chính quyền lâm thời ở Libya vốn đã được tôi luyện trong suốt cuộc chiến tranh cách mạng lẫn chính quyền dân cử mới đều thất bại trong việc xây dựng các thể chế cần thiết để thiết lập an ninh trật tự và luật pháp. Những thất bại này phần lớn do các chính sách nhà nước phân quyền của Gaddafi, vừa hủy bỏ sự kiểm soát của chính quyền trung ương tại một số khu vực vừa giao trách nhiệm cai trị cho các thành phố tự trị.

Gaddafi thực thi những thay đổi như thế nhằm thủ tiêu bộ máy quan liêu mà ông cho là gây cản trở cho chương trình cách mạng của mình. Một hệ thống tư pháp chính trị hóa mà không có quyền lực thật sự chỉ để phục vụ những tay sai chính trị của Gaddafi.

Ngày nay, các công tố viên và thẩm phán không biết chính xác phải xét xử những vụ án như thế nào hay thậm chí bắt đầu xét xử từ đâu. Salah Sanussi, giáo sư Khoa học chính trị Đại học Garyounis ở Benghazi, giải thích: "Hiện thời chúng tôi đang học cách sống từ con số không và điều đó bao gồm mọi con người của tòa án".

Với quá nhiều thách thức, giới chính khách Libya đang rối như tơ vò không biết phải hành động như thế nào. Nhưng, thực tế đáng buồn vẫn không làm cho Bin Halim nản chí thoái lui.

Ông bộc bạch: "Vụ đánh bom mưu sát vẫn không ngăn cản được tôi ra sức bảo vệ người dân Libya. Tôi cam đoan sẽ bảo vệ họ đến cùng và chúng tôi sẽ bắt giữ bọn tội phạm mà lôi cổ chúng ra tòa án để xét xử công bằng". Những khát vọng hòa bình và ổn định thời hậu cách mạng của đất nước Libya đang xoay quanh quyết tâm này

Duy Ân (tổng hợp)
.
.