Liệu Nga có bố trí máy bay ném bom chiến lược tại CuBa?

Thứ Sáu, 08/08/2008, 09:00

Ngày 21/7 vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng của Nga tiết lộ thông tin gây chấn động dư luận quốc tế: Nga đang chuẩn bị triển khai các máy bay ném bom chiến lược tại Cuba để chống lại việc Mỹ xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu, nhằm tạo thế cân bằng trong sức mạnh uy hiếp bằng hạt nhân đối với Mỹ

Các chuyên gia tán thành việc Nga triển khai máy bay đến CuBa

Tờ “Izvestia” “Báo tin tức” của Nga vừa qua cho biết, trả lời phỏng vấn phóng viên tờ báo này, một tướng lĩnh cao cấp trong quân đội Nga tiết lộ rằng, trước khi Mỹ bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược tầm xa tại Ba Lan và Séc thì các máy bay ném bom chiến lược của Nga  đã có mặt tại Cuba.

Thông tin giật gân này lập tức gây sự chú ý rất lớn của dư luận và các phương tiện thông tin trong và ngoài nước Nga.

Sau đó, tờ báo này còn thu thập thêm ý kiến và quan điểm của các tướng lĩnh, chuyên gia khác của Nga thông qua mời một số tướng lĩnh, chuyên gia bàn về phương thức triển khai các máy bay ném bom chiến lược của Nga tại Cuba.

Một quan chức Bộ Tư lệnh Hàng không chiến lược của Nga không tiết lộ danh tính cho biết, hiện nay phía Nga và Cuba đã tiến hành thỏa thuận về việc sẽ đưa các máy bay ném bom chiến lược của Nga sang hoạt động tại Cuba.

Về nguyên tắc thì các máy bay ném bom chiến lược của Nga có thể bay đến mọi nơi trên thế giới và về mặt tính năng kỹ thuật thì các máy bay ném bom siêu âm Tu-160 và máy bay ném bom Tu-95MC hoàn toàn có thể bay đến Cuba dựa trên tính năng kỹ thuật hiện nay của nó.

Còn cựu Cục trưởng Cục Hợp tác quân sự quốc tế của Bộ Quốc phòng Nga, hiện nay là Viện trưởng Viện Nghiên cứu địa chính trị của Nga là Thượng tướng Ivashanov cho rằng, Nga không cần thiết phải xây dựng các căn cứ kiên cố phục vụ cho việc tác chiến của các máy bay ném bom, mà chỉ cần coi Cuba là trạm trung chuyển và tiếp dầu cho các máy bay là được.

Theo ông, Cuba sẽ không phản đối việc Nga xây dựng sân bay trung chuyển cho máy bay cũng như căn cứ quân sự khác trong lãnh thổ của Cuba, mà ngược lại đây là điều Cuba đã chờ đợi từ lâu.

Sau đó, ngày 21/7, tờ RIA-Novosti của Nga cũng đã thực hiện cuộc trả lời phỏng vấn đối với cựu Tư lệnh Không quân Nga - Đại tướng Deynekin và được ông này cho biết nếu Nga đã đưa ra kế hoạch này thì đây là đòn đáp trả rất hữu hiệu đối với việc NATO đang bố trí các căn cứ quân sự ở khu vực xung quanh nước Nga và việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa ở Đông Âu.

Cùng ngày, phóng viên của tờ AFP của Pháp cũng đề nghị giới lãnh đạo Không quân và người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga đưa ra bình luận về việc này, nhưng đã bị phía quân đội Nga từ chối.

Lập tức, tờ báo này suy đoán đây là một tín hiệu về việc khôi phục hợp tác quân sự giữa Moskva và La Havana kể từ thời kỳ trước Chiến tranh lạnh. Tờ báo này cũng nhắc lại rằng vào năm 2007, Tổng thống Putin từng so sánh việc Mỹ, Nga tranh cãi xung quanh việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa ở Đông Âu với cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba năm 1962.

Nhìn chung giới tướng lĩnh, chuyên gia và dư luận Nga đều tỏ thái độ ủng hộ đối với việc Nga triển khai các máy bay ném bom chiến lược đến Cuba để đáp trả lại các hành động răn đe của Mỹ ở khu vực xung quanh nước Nga.

Cuộc khủng hoảng tên lửa liệu có tái diễn?

Đúng như lời các chuyên gia Nga đánh giá nếu như Nga triển khai các máy bay ném bom chiến lược tại Cuba thì chắc chắn sẽ gây ra sóng gió dữ dội đối với nước Mỹ.

Bởi vì khoảng cách từ lãnh thổ Cuba đến bờ biển nước Mỹ chỉ khoảng 90 km, hơn nữa nước Mỹ còn có một “tai mắt” của mình tại Cuba đó là căn cứ quân sự tại Guantanamo.

Trước những thông tin trên, ngày 22/7, Tổng tham mưu trưởng Không quân Mỹ vừa mới được bổ nhiệm Schwartz đã tuyên bố rằng, nước Mỹ không cho phép Nga xây dựng tại Cuba các căn cứ tiếp dầu cho các máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang theo các vũ khí hạt nhân để nhằm vào Mỹ.

Bởi nước Mỹ không bao giờ quên được cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào năm 1962 suýt dẫn đến cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai siêu cường. Khi đó, sở dĩ Liên Xô phải triển khai các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tại Cuba vì muốn thay đổi cục diện chiến lược, tìm kiếm sự cân bằng về sức mạnh quân sự và lấp bớt khoảng cách chênh lệch về số lượng đầu đạn hạt nhân giữa Liên Xô với Mỹ lúc bấy giờ.

Nga và Cuba từng bước khôi phục quan hệ hợp tác quân sự

Sau khi Liên Xô tan rã, sự hợp tác quân sự chặt chẽ giữa Liên Xô và Cuba kéo dài 30 năm qua đã đi vào chiều hướng hạn chế rất nhiều. Năm 2001, lấy lý do Cuba đòi giá thuê căn cứ quá cao (khoảng 200 triệu USD), phía Nga đã bất ngờ đơn phương quyết định tháo dỡ trạm trinh sát tình báo điện tử được xây dựng vào năm 1964 tại khu dân cư Luerdesi ở Cuba, cách vùng biển Florida của Mỹ khoảng 90 km.

Nga muốn thông qua việc này để cải thiện quan hệ Nga - Mỹ, thúc giục Mỹ từ bỏ kế hoạch xây dựng trạm trinh sát vô tuyến điện tại Na Uy chỉ cách biên giới Nga 40km.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nước Mỹ không những không từ bỏ việc xây dựng trạm trinh sát đó, mà còn sử dụng NATO để mở rộng  ảnh hưởng về phía đông nhằm bao vây, đe dọa không gian chiến lược của Nga. Chính vì vậy, Nga buộc phải có những hành động đáp trả tương xứng và hiệu quả trước ý đồ và thủ đoạn trên của Mỹ và phương Tây.

Trong đó có việc khôi phục quan hệ hợp tác quân sự song phương giữa Nga và Cuba đã bị gián đoạn thời gian khá lâu và lại sử dụng con bài “sân sau của Mỹ” để đáp trả Mỹ.

Theo giới quan sát quốc tế đánh giá thì trong vài năm gần đây, quan hệ hợp tác quân sự giữa Nga và Cuba, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không đã có sự tăng cường rõ rệt.

Gần đây, Cuba đã mua của Nga 6 máy bay vận tải hiện đại là IL-96-300 và Tu-204-100. Đáng chú ý là hiện nay các máy bay vận tải quân sự của Nga thường có các chuyến bay trên không phận của Cuba, động thái này được đánh giá là tạo cơ sở cho việc tăng cường khả năng vận tải đường không chiến lược của Nga cũng như đảm bảo tính năng cho các máy bay tác chiến chiến lược của Nga và tạo tiền đề cho việc hợp tác về hàng không quân sự giữa hai nước từ nay về sau

Thanh Trung (theo Thời báo hoàn cầu)
.
.