Lính đánh thuê ở Nagorno-Karabakh: Họ là ai?

Thứ Ba, 13/10/2020, 10:21
Khi những cuộc giao tranh ở Nagorno-Karabakh ngày càng trở nên khốc liệt thì Armenia, Nga, Pháp đều lên tiếng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi lính đánh thuê Syria đến khu vực này nhằm hỗ trợ cho quân đội Azerbaijan. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan cũng cho rằng trong số những tay súng đang chiến đấu cho Armenia ở Nagorno-Karabakh, có nhiều lính đánh thuê gốc Armenia đến từ một số nước phương Tây, Hy Lạp, kể cả các thành viên thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK)…

1. Thoạt nhìn thì Abarsal, 24 tuổi chẳng khác gì những thanh niên Syria đồng trang lứa. Da trắng, tóc đen, cao 1,72m, râu quai nón rậm rì, mặc bộ quần áo nửa lính nửa dân lâu ngày không giặt nên sau lưng, vải đã bạc màu vì mồ hôi. Nếu có khác thì chỉ khác bởi khẩu AK12 khoác chéo ngang vai cùng cái túi đựng đạn đeo trước ngực.

3 năm trước, Abarsal đã từng chiến đấu trong hàng ngũ Lực lượng Dân chủ Syria ở Aleppo, Hama, Idlib…, chống lại chính phủ của Tổng thống al Assad. Abarsal nói: "Cuộc sống ở đây (Syria) rất khó khăn và nghèo nàn. Vì vậy, khi họ đến trại tị nạn tuyển mộ với mức lương 1.500USD mỗi tháng, tôi nhận lời ngay. Đánh nhau ở đâu cũng là đánh nhưng đánh ở Nagorno - Karabakh thì tâm lý nhẹ nhõm hơn nhiều…".

Hình ảnh được cho là lính đánh thuê Syria trong hàng ngũ Azerbaijan.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng lính đánh thuê để ủng hộ Azerbaijan trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát vùng Nagorno Karabakh không phải mới xảy ra mà ngay từ năm 1992 đến 1994, hàng nghìn lính đánh thuê, chủ yếu là người Chechnya và Afghanistan đã chiến đấu bên cạnh quân đội Azerbaijan trong các cuộc xung đột ở Nagorno Karabakh.

Theo ước lượng của trang tin World Political Report, tính đến tháng 7/1992, đã có khoảng 300 chiến binh Chechnya chiến đấu chống lại chính quyền Karabakh như một phần của lực lượng Azerbaijan nhưng sau nhiều tháng, lực lượng Chechnya bị tổn thất nặng nề. Họ rút về quê, bỏ lại những tù binh bị Armenia giam giữ. Để giải cứu họ, đại diện của Chechnya đến Stepanakert, thủ phủ Nagorno Karabakh, tiến hành các cuộc thương thảo. Kết quả là một thỏa thuận dẫn độ tù binh ra đời.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Azerbaijan và Chechnya không vì thế mà chấm dứt, thậm chí nó còn phát triển mạnh hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực buôn bán vũ khí. Azerbaijan trở thành quốc gia trung chuyển cung cấp vũ khí và viện trợ vật chất cho lính đánh thuê Chechnya ở khu vực Caucasus. Cũng chính vì không bị quốc tế trừng phạt trong việc sử dụng lính đánh thuê Chechnya nên các tay súng Afghanistan được Azerbaijan xem như nguồn bổ sung nhân lực.

Mùa hè năm 1993, khi quân đội Azerbaijan gặp phải những thất bại quân sự nặng nề ở Karabakh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Azerbaijan là ông Rovshan Javadov đến Kabul, thủ đô Afghanistan. Tại đây, Rovshan Javadov đã có cuộc nói chuyện với Thủ tướng Afghanistan là ông Gulbuddin Hekmatyar để đàm phán về việc cử các tay súng Afghanistan đến Azerbaijan, chống lại chính quyền Nagorno-Karabakh.

Vẫn theo trang tin World Political Report, trong các giai đoạn khác nhau từ năm 1993-1994, số quân Afghanistan tham chiến bên cạnh các lực lượng Azerbaijan dao động từ 1.000 đến 3.000 người. Sự có mặt của Afghanistan trong hàng ngũ Azerbaijan được xác nhận bởi nhiều chứng cứ: Vào giai đoạn giữa mùa xuân và mùa hè năm 1993, sau các cuộc giao tranh ở phía nam và đông nam Nagorno-Karabakh, người Armenia đã thu được các tờ báo xuất bản ở Afghanistan, sổ tay, bản vẽ bản đồ, thư cá nhân có địa chỉ ở Afghanistan và Pakistan, viết bằng ngôn ngữ Dari, Pashto cùng hình ảnh của nhiều chiến binh Afghanistan chụp tại một số thành phố Azerbaijan.

Chưa hết, cuối tháng 8/1993, thi thể của một tay súng Afghanistan trong trang phục dân tộc truyền thống được tìm thấy trên chiến trường. Tiếp theo, ngày 20/4/1994, lính đánh thuê người Afghanistan là Bahtior Verballah Baberzai đến từ thành phố Mazar-i-Sharif, bị bắt ở phía đông nam Karabakh.

Và không chỉ ủng hộ Azerbaijan dưới hình thức lính đánh thuê, các cố vấn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và các chiến binh thuộc tổ chức dân tộc chủ nghĩa "Những con sói xám - Bozkurt" cũng đã xuất hiện trong hàng ngũ Azerbaijan. Khoảng 150 sĩ quan cấp cao thuộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm 10 tướng lĩnh đã nghỉ hưu, tích cực tham gia vào việc lập kế hoạch tác chiến và huấn luyện cho quân đội Azerbaijan. Suốt 6 năm xảy ra xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh (1988-1994), Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ quân sự toàn diện cả về xây dựng quân đội cũng như cung cấp thiết bị quân sự và hậu cần cho Azerbaijan.

Khi xung đột tái nổ ra vào ngày 27/9/2020, Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận việc cử lính đánh thuê tham gia các cuộc giao tranh đồng thời tố ngược lại, rằng Armenia mới chính là kẻ sử dụng lính đánh thuê nước ngoài. Tuy nhiên, theo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: "Chúng tôi có thông tin cho thấy các chiến binh Syria đã quá cảnh Gaziantep, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ để đến Nagorno-Karabakh. Đó là một thực tế rất nghiêm trọng làm thay đổi tình hình".

2.Về phía Nga, Bộ Ngoại giao Nga cho biết các tay súng Syria và Libya thuộc các nhóm vũ trang bất hợp pháp đã được điều đến Nagorno-Karabakh. Một bằng chứng do Cơ quan An ninh Armenia công bố cho thấy không quân Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào các hoạt động quân sự của Azerbaijan chống lại Karabakh, bao gồm một đoạn ghi âm các cuộc nói chuyện giữa không quân Thổ Nhĩ Kỳ và không quân Azerbaijan, cùng một đoạn ghi âm cuộc nói chuyện giữa một người lính Azerbaijan và một lính đánh thuê Arab về các mục tiêu ở Nagorno-Karabakh cần phải đánh chiếm. Bên cạnh đó, 72 lính đánh thuê Syria trong tổng số 850 tay súng Syria tham gia cuộc chiến, bị giết ở Nagorno-Karabakh tính đến ngày 6/9/2020 cũng như 1 máy bay F16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi 1 chiếc Su 25 của Armenia là bằng chứng rõ ràng nhất về sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ với Azerbaijan.

Các tay súng thuộc Lực lượng dân quân người Kurd ở Nagorno-Karabakh.

Với Armenia, họ chỉ có khoảng 60 nghìn quân nếu so với Azerbaijan là khoảng 85 nghìn người, cộng với gần 100 nghìn trong số 300 nghìn cựu quân nhân đã giải ngũ có thể tái động viên bất cứ lúc nào. Vì thế, Armania cần đến lính đánh thuê cũng là điều dễ hiểu.

Nguồn lính đánh thuê hiện nay của Armenia phần lớn là người gốc Armenia nhưng sống ở Syria, Lybia, Lebanon, Pakistan, Hy Lạp và một số quốc gia Arab. Bên cạnh đó, nhiều thành viên thuộc Lực lượng dân quân người Kurd vốn chống lại Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia hàng ngũ Armenia. Tuy nhiên, khác với lính đánh thuê cho Azerbaijan, chiến đấu vì tiền thì một số lính đánh thuê phía Armenia chiến đấu vì tình yêu xứ sở như lời xác nhận của bà Maria Lazareva, chủ tịch cộng đồng Armenia Hy Lạp.

Theo bà Maria Lazareva, 80 tình nguyện viên Hy Lạp gốc Armenia hiện đang ở Nagorno-Karabakh để bảo vệ quê hương họ, nơi họ sinh ra, lớn lên cùng hàng trăm người khác đang chuẩn bị lên đường. Bà nói: "Đây không phải là cuộc chiến vì một mảnh đất mà là cuộc chiến vì tự do, Những người lính của chúng tôi rất lạc quan. Chúng tôi tin tưởng vào chiến thắng bởi sự anh hùng và lòng dũng cảm của họ".

Với người Kurd, theo báo cáo của tổ chức Quyền con người Helsinki Watch, hàng trăm tay súng Kurdistan (PKK) đã từ Syria và Iraq đến Nagorno-Karabakh để chuẩn bị cho các cuộc chiến trong tương lai đồng thời huấn luyện dân quân Armenia. 

Helsinki Watch cũng cho biết nhằm chuẩn bị nhân lực cho cuộc chiến với Azerbaijan dường như chắc chắn sẽ xảy ra, Armenia đã cử những nhà ngoại giao cao cấp nhất của mình thảo luận kế hoạch chuyển giao những thành viên thuộc Liên minh yêu nước Kurdistan, gồm những chiến binh người Kurd thiện chiến nhất do Jangi Talabani và Bafel Talabani lãnh đạo mặc dù trước đó, Armenia đã thất bại trong việc đàm phán với lãnh đạo Khu tự trị Kurdistan Nechirvan Barzani, nhằm tạo ra một hành lang để các chiến binh người Kurd tới Nagorno-Karabakh.

Song song với những việc trên, thông qua Iran, Armenia đã đưa hàng trăm chiến binh người Kurd từ Suleymaniyah, được coi là thành trì của PKK ở Iraq đến Nagorno-Karabakh. Một nhóm khác gồm các tay súng thuộc Lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), được xem là chi nhánh của PKK ở Syria, cũng đã đến Nagorno-Karabakh từ vùng Qamishli ở biên giới Syria-Iraq trong khi nhóm thứ ba gồm các chiến binh PKK/YPG, đóng quân tại căn cứ Makhmur ở phía nam thành phố Erbil, Iraq, lần đầu tiên được triển khai tới trụ sở của tổ chức Hezbollah tại Baghdad, Iraq trước khi được chuyển đến Nagorno-Karabakh qua ngả Iran. Theo thông tin tình báo, các trại đặc biệt đã được lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thành lập để huấn luyện các chiến binh trên đất Iran trước khi gửi họ đến Nagorno-Karabakh, nơi họ có thể tiếp cận các trại huấn luyện ở căn cứ Kandil của PKK một cách an toàn.

Một phương pháp nữa để Armenia tuyển mộ lính đánh thuê. Đó là bằng cách đưa người tị nạn Armenia từ Lebanon, Syria và Iraq về Nagorno-Karabakh nhằm có được nguồn nhân lực dự trữ, chưa kể chính sách tái định cư nhân đạo của Armenia sau vụ nổ kinh hoàng ở Beirut, Lebanon, xảy ra vào ngày 4-8 vừa rồi, cũng như cuộc chiến Syria bắt đầu từ năm 2009, hàng nghìn người gốc Armenia đã đến Nagorno-Karabakh mà trong đó, nhiều người sẽ trở thành chiến binh trong hàng ngũ quân đội Armenia.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến về biên giới với Armenia.

Ngày 6/9, ông Anar Eyvazov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết một số thi thể được tìm thấy trong các cuộc chạm súng giữa Armenia và Azerbaijan được xác định là lính đánh thuê gốc Armenia đến từ Syria. Theo ông Eyvazov, phía Armenia che giấu thông tin này với cả trong nước và quốc tế. Đại tá Vagif Dargahli, Giám đốc cơ quan báo chí của Azerbaijan nói quân đội Armenia đã chiêu mộ lính đánh thuê gốc Armenia từ Syria và các nước Trung Đông khác. 

Dựa trên các thông tin tình báo, đại tá Vagif Dargahli cho rằng việc sử dụng lính đánh thuê giúp Armenia giữ bí mật về con số thương vong thật sự: "Vì họ (lính đánh thuê) không nằm trong biên chế chính thức của Armenia nên khác hẳn với những lần giao tranh trước, lần này các nhà lãnh đạo quân sự, chính trị Armenia không công bố những tổn thất về nhân mạng trước công chúng". Điều đó dẫn đến hiện tượng là các bà mẹ Armenia có con tham gia quân đội sẽ rất vui mừng vì con mình không chết, còn kẻ địch thì chết rất nhiều, dẫn đến hiệu ứng domino rằng Armenia đang trên đà chiến thắng(!)

3.  Theo các nhà phân tích thuộc Cộng đồng chung châu Âu (EU), cuộc chiến Nagorno-Karabakh có nguy cơ làm mất ổn định hơn nữa tại một khu vực vốn có tầm quan trọng chiến lược đối với châu Âu vì nó cung cấp các liên kết năng lượng và vận tải tới các quốc gia trong vùng. Bằng cách gây nguy hiểm cho các cơ sở hạ tầng lớn, chẳng hạn như đường ống dẫn dầu Baku-Tbilisi-Ceyhan, đường ống dẫn khí Baku-Tbilisi-Erzurum, đường sắt Baku-Tbilisi-Kars, an ninh giao thông và an ninh năng lượng của châu Âu có thể sẽ gặp phải những rủi ro chưa từng có...

Vũ Cao (Theo World Political Report)
.
.