Linh kiện điện tử kém chất lượng đe doạ an ninh quốc gia Mỹ

Thứ Tư, 01/08/2012, 12:00

Sau hơn một thập niên phủ nhận, những linh kiện điện tử giả và kém chất lượng trở thành vấn đề nóng bỏng sau cuộc điều tra kéo dài gần 2 năm của Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ (SASC) do nghị sĩ đảng Dân chủ Carl Levin (Chủ tịch ủy ban này) và nghị sĩ Cộng hòa John McCain phát động.

Báo cáo dài 112 trang của Ủy ban cho thấy các bộ phận điện tử giả của Trung Quốc được phát hiện trong cuộc điều tra là khá lớn - chúng được tìm thấy trong máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III và C-130J của không quân, những chiếc máy bay trực thăng mà binh lính đặc nhiệm sử dụng, và cả trong máy bay do thám và tàu chiến của hải quân.

Báo cáo gây chấn động của SASC

Kết quả cuộc điều tra kéo dài 14 tháng của SASC tiết lộ một "dòng thác" các linh kiện điện tử giả và kém chất lượng đang được Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD) cho sử dụng rộng rãi trong quân đội. Theo công bố của SASC vào ngày 21/5 vừa qua, các nhà điều tra đã phát hiện 1.800 trường hợp trong đó hơn 1 triệu linh kiện điện tử giả và kém chất lượng đang được sử dụng trong quân đội hay nằm trong kênh cung cấp của DoD vào giữa những năm 2009 và 2010. Cuộc điều tra quy mô được tiến hành theo kiến nghị của Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Carl Levin, Chủ tịch SASC và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, thành viên cao cấp của SASC.

Báo cáo của SASC công bố ngay sau báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ - GAO (Cơ quan của Quốc hội Mỹ được thành lập năm 1921 nhằm kiểm soát các khoản chi tiêu của chính phủ) vào tháng 2/2012 trong đó nêu chi tiết về các linh kiện điện tử giả có thể dễ dàng đặt mua từ những nhà cung cấp trên Internet. Báo cáo dài 112 trang của SASC xác định linh kiện điện tử kém chất lượng chủ yếu đến từ Trung Quốc (hơn 70%) và phần lớn trong số còn lại có nguồn gốc từ Anh và Canada. Theo nhận xét của Thượng nghị sĩ Levin thì chúng "đe dọa an ninh quốc gia cũng như sự an toàn của binh sĩ Mỹ trên chiến trường".

Báo cáo cũng cho biết thêm trong quá trình điều tra, chính quyền Trung Quốc đã có hành vi gây cản trở cuộc điều tra qua việc từ chối cấp visa cho các thành viên SASC vào nước này. Không chỉ phê phán nặng nề Trung Quốc, SASC còn buộc tội các quan chức thu mua cũng như các nhà thầu của chính quyền Mỹ quá cẩu thả trong đánh giá chất lượng hàng hóa, không quan tâm đến việc kiểm nghiệm linh kiện điện tử để bảo đảm chúng đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và yêu cầu của quân đội. DoD cũng bị phê phán không giám sát chặt chẽ quá trình thu mua và quá tin tưởng vào những nhà thầu độc lập có hợp đồng cung cấp linh kiện điện tử cho quân đội, qua đó kêu gọi họ cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác ngăn chặn những linh kiện điện tử giả xâm nhập vào kênh phân phối để tránh gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia đồng thời bảo đảm độ đáng tin cậy của trang thiết bị quân sự.

Máy bay vận tải quân sự C-130J "Super Hercules" của Lockheed Martin.

Trong 1.800 vụ việc được SASC điều tra, người ta biết được rằng những linh kiện giả được cung cấp cho quân đội Mỹ có nguồn gốc từ hơn 650 công ty và những công ty này sử dụng dịch vụ của mạng lưới những nhà cung cấp khác. Đó là lý do khiến DoD không thể nào biết được nguồn gốc chính xác cũng như chất lượng thật của những bộ phận mà họ nhận được.

Linh kiện giả đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc phòng và kinh tế Mỹ

Theo cuộc điều tra của SASC, các chip nhớ giả có nguồn gốc từ Trung Quốc được phát hiện hàng loạt trong loại máy bay vận tải quân sự hạng nặng C-130J và C 17 Globemaster III của Không lực Mỹ. Các module dò băng trên chiếc máy bay P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ chỉ là những bộ phận cũ được tái chế! P-8A Poseidon là chiếc máy bay được chế tạo dựa theo nguyên mẫu chiếc Boeing 737 thực hiện sứ mạng tác chiến chống tàu ngầm (ASW) và có thể được triển khai trong những tình huống tác chiến chống tàu (hạm) nổi (AVSW). Điều cực kỳ nguy hiểm là linh kiện giả có thể vô hiệu hóa hệ thống tác chiến điện tử của P-8A Poseidon là EWSP, bao gồm hệ thống điều khiển AN/ALQ-213(V), hệ thống cảnh báo bức xạ radar và hệ thống gây nhiễu thụ động.

Báo cáo của SASC cũng cung cấp thông tin chi tiết về hành trình của các linh kiện điện tử giả vào kênh cung cấp của DoD. Ví dụ, báo cáo mô tả một nhà cung cấp của Trung Quốc là Hong Dark Electronics, đặt trụ sở tại tỉnh Shenzhen, chuyển giao khoảng 84.000 linh kiện đáng ngờ về chất lượng cho Hệ thống dẫn hướng cảnh báo va đụng máy bay (TCAS) của Không lực Mỹ được thiết kế trang bị cho những chiếc máy bay C-SAMP, C-12 và máy bay do thám không người lái Global Hawk.

Những linh kiện đáng ngờ phát hiện trong các hệ thống được thiết kế sử dụng cho hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động (THAAD) của Cơ quan Phòng thủ tên lửa (MDA) trực thuộc DoD, và các loại máy bay quân sự trọng yếu bao gồm máy bay trực thăng CH-46 và máy bay trực thăng tấn công AH-64 của hải quân cũng như máy bay vận tải C-27J. Ngoài ra, SASC cũng tìm thấy các linh kiện do Hong Dark Electronics cung cấp xuất hiện trong các Màng lọc giao thoa điện từ (EIF) thiết kế cho máy bay trực thăng SH-60B thực hiện những sứ mạng vào ban đêm và trong hệ thống dẫn hướng tên lửa "Hellfire" của Hải quân Mỹ.

Các bộ phận giả khác của Hong Dark Electronics cũng tìm thấy nhan nhản trong hàng loạt các khí tài quân sự mang tính sống còn của Mỹ - máy bay P-3 ASW của hải quân, máy bay do thám và tấn công A/MH-6M "Littler Bird" của Lực lượng đặc nhiệm Mỹ (SOF), đạn pháo Excalibur, xe thiết giáp Stryker Mobile Guns của quân đội Mỹ và các Hệ thống tạo ảnh đa tích hợp (ISIS) của hải quân. Do sự mờ ám trong chất lượng linh kiện cho nên vào ngày 16-5 vừa qua chính quyền Mỹ quyết định đưa nhà cung cấp Hong Dark Electronics của Trung Quốc vào Hệ thống Danh sách loại trừ (EPLS).

Rác thải điện tử ở Trung Quốc.

Cuộc điều tra của SASC cho thấy Chương trình trao đổi dữ liệu giữa ngành công nghiệp quốc phòng và Chính phủ Mỹ  (GIDEP) - một hệ thống đánh giá và báo cáo của DoD - đã không được cập nhật đầy đủ hay không duy trì dữ liệu đầu vào. GIDEP là hệ thống có trách nhiệm hỗ trợ giới quan chức trong khu vực cung cấp linh kiện điện tử quân sự và các nhà thầu tư nhân chia sẻ những thông tin giá trị dùng để đánh giá chất lượng nguồn hàng và phát hiện hàng giả kém chất lượng.

Cuộc điều tra của SASC không chỉ nhằm xác định nguy cơ của linh kiện điện tử quân sự mà còn ghi nhận sự lan tràn của hàng giả kém chất lượng thể hiện mối đe dọa nghiêm trọng đến công ăn việc làm của người Mỹ, quyền sở hữu trí tuệ cũng như gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Hiệp hội Công nghiệp chất bán dẫn Mỹ (SIA) tuyên bố ngành công nghiệp hàng giả này trị giá đến 7,5 tỉ USD hàng năm đối với các công ty Mỹ và dẫn đến tình trạng mất 11.000 công việc làm ở nước này.

SASC cũng nhấn mạnh, linh kiện điện tử giả không chỉ là nguy cơ cho quân đội mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức mạnh kinh tế và vai trò lãnh đạo công nghệ của Mỹ cũng như mở đường cho gián điệp Trung Quốc tràn vào Mỹ. Chuyên gia an ninh Richard Bejtlich tuyên bố, những cuộc tấn công của Trung Quốc ngày càng dữ dội và tinh vi hơn. Sau khi đánh cắp được những bí mật công nghệ của Mỹ, Trung Quốc sẽ có cơ hội thống trị kinh tế toàn cầu.

Theo tờ New York Times, chỉ riêng trong năm 2011, Trung Quốc và các quốc gia khác đã đánh cắp những thiết kế công nghệ trị giá đến 500 tỉ USD từ các công ty của Mỹ. Do đó, SASC kêu gọi chính quyền Mỹ cần thiết tổ chức những hệ thống giám sát và thông tin về mọi mối đe dọa an ninh quốc phòng Mỹ trước sự tấn công của khoảng 2 triệu người làm việc trực tiếp hay gián tiếp cho lực lượng thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc. 

Từ tháng 11/2007 đến tháng 5/2010, giới chức Hải quan Mỹ báo cáo, bắt giữ được 5,6 triệu con chip giả nhập vào Mỹ! Ngoài ra, nghiên cứu của Bộ Thương mại Mỹ (DoC) cho thấy trong số 14 tổ chức quân sự Mỹ có 3 tổ chức - bao gồm Cục Hậu cần quốc phòng (DLA) - có báo cáo phát hiện những linh kiện điện tử giả của Trung Quốc trong một số hệ thống của họ.   

Cảnh báo hiện tượng linh kiện giả của Trung Quốc lan tràn

Mối họa từ linh kiện quân sự giả kém chất lượng không phải là  mới ở Mỹ như một số chính khách muốn cử tri tin như vậy mà có nhiều bằng chứng cho thấy chúng bắt đầu xuất hiện ngay từ năm 1995. Trung tâm Công nghệ cải tiến vòng đời sản phẩm (CALCE) của Đại học Maryland tổ chức hội nghị chuyên đề đầu tiên về đề tài linh kiện giả vào năm 2004. Và cũng trong năm 2004, tổ chức GAO của chính quyền Mỹ tiến hành phân tích sự phát triển và sản xuất của 7 hệ thống vũ khí của DoD và phát hiện năng lực kém cỏi của các nhà thầu cung cấp quân sự trong đánh giá, phát hiện và kiểm soát chất lượng hàng hóa dẫn đến sự giảm khả năng chiến đấu của binh sĩ cũng như vũ khí.

Tháng 10/2008, tạp chí Business có cảnh báo về hậu quả tiềm tàng của sự quản lý kênh phân phối khá lỏng lẻo của DoD trong bài báo nhan đề: "Những đồ giả nguy hiểm", trong đó nhấn mạnh "quân đội Mỹ đang đối mặt với mối đe dọa linh kiện giả - và thậm chí gián điệp nước ngoài - bởi vì nhiều linh kiện vi tính giả được phát hiện sử dụng trong máy bay, tàu chiến và các mạng thông tin liên lạc". Một cuộc nghiên cứu của DoD cũng cho thấy số vụ việc liên quan đến linh kiện điện tử giả được phát hiện tăng dần từ 3.868 vụ vào năm 2005 đến 9.356 vụ vào năm 2008. Một số thành viên của SASC cho rằng các điệp viên Trung Quốc luôn tìm cách xâm nhập vào quân đội Mỹ và tuồn linh kiện giả vào các hệ thống quân sự nhạy cảm của nước này.

Trung Quốc được coi là thủ đô của rác điện tử và thứ rác này trở thành nguồn lợi béo bở cho các nhà cung cấp của nước này và các nhà thầu vô đạo đức của Mỹ. Tại tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, những vi mạch cũ được tân trang lại như mới trong các nhà máy rồi sau đó đem bán cho các nhà thầu Mỹ mà không hề được kiểm tra cẩn thận. Thực tế cho thấy 80% vụ đánh cắp tài sản trí tuệ được phát hiện vào năm 2011 ở Trung Quốc. Nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain giận dữ lên tiếng trước SASC: "Chúng ta không thể tha thứ cho mối nguy cơ hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo không hạ được mục tiêu, một phi công lái máy bay trực thăng chiến đấu không bắn được tên lửa, hay bất cứ sứ mạng thất bại nào do linh kiện điện tử giả".

Vào thập niên 90 thế kỷ trước, để cắt giảm chi phí, chính quyền Tổng thống Bill Clinton đã ra quyết định cho phép Lầu Năm Góc mua linh kiện điện tử từ nước ngoài hơn là tự thiết kế cho các hệ thống quân sự của mình. Và kể từ khi những cơ sở sản xuất linh kiện điện tử di chuyển sang Trung Quốc, thì chính quyền Mỹ ít có khả năng kiểm soát chất lượng của chúng. Giải pháp của Mỹ trong thời gian tới có thể sẽ là mua linh kiện điện tử từ Hàn Quốc hay Nhật Bản nhưng như thế giá thành sẽ tăng đến hàng trăm lần!

Duy Minh - Trang Thuần (tổng hợp)
.
.