Lỗ hổng tình báo tạo cơ hội cho khủng bố sinh sôi ở Afghanistan

Thứ Ba, 05/01/2016, 16:15
Sau 14 năm Mỹ và các đồng minh NATO triển khai cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, đất nước này lại trở thành "vùng đất hứa" cho các nhóm khủng bố tiếp tục sinh sôi, nảy nở, sử dụng làm địa bàn huấn luyện và gây ra những vụ khủng bố ở Afghanistan và nhiều nơi khác trên thế giới.


Trong 14 năm Mỹ và NATO đóng quân ở Afghanistan, nơi đây từng là địa bàn của tình báo, với các tiền đồn, căn cứ tình báo dày đặc khắp đất nước Nam Á rộng lớn và núi đồi hiểm trở này. Vào thời cao điểm cách đây 5 năm, quân đội Mỹ và Đồng minh có đến 852 căn cứ và tiền đồn tình báo trên khắp Afghanistan, nhiều căn cứ có đội quân chỉ điểm, máy bay không người lái và hệ thống bóng thám thính riêng để do thám các vùng xa xôi.

Sự việc Rahmatullah Nabil từ chức Giám đốc NDS càng làm cho vấn đề lỗ hổng tình báo tại Afghanistan trầm trọng thêm.

Ngày nay, các cơ sở tình báo này không còn nữa, đã tạo ra một lỗ hổng tình báo rất lớn trong khi việc ổn định an ninh cho Afghanistan vẫn đang là vấn đề chưa giải quyết xong. Lỗ hổng tình báo này bắt đầu xuất hiện kể từ năm 2012, khi quân đội Mỹ và NATO bắt đầu rút dần quân số ra khỏi Afghanistan.

Tính đến tháng 9-2015, tại Afghanistan chỉ còn khoảng 20 cơ sở tình báo còn hoạt động, điều tiết các mạng lưới thu thập thông tin tình báo, điều khiển máy bay không người lái do thám trên không. Hầu hết các cơ sở một thời hoạt động tích cực đã bị tháo dỡ, san ủi hoặc chuyển giao cho Chính phủ Afghanistan quản lý. "Chúng tôi đã mất rất nhiều tai mắt tại đây" - một quan chức trong lực lượng Mỹ ở Afghanistan than thở.

Các quan chức Mỹ và Afghanistan lo ngại, những vùng đất rộng lớn cách xa các khu đô thị lớn ở Afghanistan hiện đang nằm ngoài tầm kiểm soát của quân đội và lực lượng an ninh của Chính phủ Afghanistan, sẽ tạo điều kiện cho thành phần khủng bố cực đoan như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Al-Qaeda và các nhóm khác tự do phát triển.

Điều này đã được minh chứng: IS hiện đang chiến đấu với Taliban để tranh giành quyền kiểm soát một khu vực rộng lớn ở miền Đông Afghanistan, giáp với Pakistan nhằm xây dựng địa bàn căn cứ mới khi các địa bàn lâu nay ở Syria và Iraq đang bị ném bom, đe dọa sự tồn vong. Và vào tháng 10-2015, lực lượng quân đội Mỹ tại Afghanistan đã phát hiện một khu trại huấn luyện rộng gần 50 km2 do Al-Qaeda xây dựng ở một khu vực hẻo lánh, dân cư thưa thớt của tỉnh Kandahar, miền Nam Afghanistan.

Một căn cứ huấn luyện cũ của Al-Qaeda tại Afghanistan đang được khôi phục.

Khu trại này được đánh giá là lớn nhất Afghanistan kể từ khi Mỹ đưa quân vào đây năm 2001. Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã bố ráp khu trại. Sự tồn tại một cơ sở Al-Qaeda rộng lớn như thế cho thấy các phiến quân Hồi giáo cực đoan vẫn có thể xây dựng căn cứ tại các khu vực nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Afghanistan. Và chúng vẫn có thể tiếp tục lớn mạnh trở lại.

Không chỉ tạo điều kiện cho Al-Qaeda "hồi sinh", lỗ hổng tình báo còn tạo cơ hội cho Taliban dễ dàng thực hiện những cuộc tấn công quy mô lớn và bất ngờ nhắm vào các cơ sở của Chính phủ Afghanistan, của Mỹ và các nước khác ở thủ đô Kabul, lấn chiếm các khu đô thị khác và giết chết nhiều binh sĩ Afghanistan.

Và ngoài Taliban và Al-Qaeda, còn có những nhóm Hồi giáo cực đoan khác từ Trung Á tràn xuống và từ Pakistan tràn sang, tạo nên một sự hỗn loạn chưa từng có tại các khu vực miền Bắc Afghanistan. Do các "thiên đường khủng bố" ở Pakistan đã bị quân đội nước này truy quét gắt gao, làm mất chỗ dựa nuôi quân và huấn luyện, các nhóm cực đoan này đã chuyển sang chọn Afghanistan làm "thiên đường mới. Lỗ hổng tình báo đã khiến cho Chính phủ Afghanistan không thể kiểm soát hết các khu vực cách xa Kabul, cho nên không thể phát hiện sự xâm nhập của các phiến quân Hồi giáo cực đoan mới này.

Có thể kể một số nhóm hiện đang có mặt tại Afghanistan như Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU) và hai nhóm từ Pakistan là Tehreek-e Taliban Pakistan và Lashkar-e Taiba. Hanif Atmar, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani, nói rằng "sự giảm sút đáng kể của lực lượng chống khủng bố" ở Afghanistan đã tạo điều kiện cho các nhóm cực đoan mở rộng, "vươn vòi"  hoạt động trên nhiều địa bàn Afghanistan.

Với năng lực tình báo của Chính phủ Afghanistan bị hạn chế, không ai biết chắc số lượng các phiến quân nước ngoài có mặt ở Afghanistan là bao nhiêu. Theo một số quan chức Afghanistan và Mỹ ước tính con số đó vào khoảng 5.000-7.000 tên. Mối nguy hiểm của các tay súng cực đoan nước ngoài đã được thể hiện rõ vào tháng 9-2015, với vụ việc Taliban đánh chiếm thành phố Kunduz, miền Bắc Afghanistan, trong thời gian ngắn.

Vụ việc đã gây chấn động, tạo nên cú sốc trong lực lượng quân đội Afghanistan và Mỹ. Các tay súng Taliban gây ra vụ này với sự giúp sức của các nhóm phiến quân đến từ Uzbekistan và Pakistan.

Chính sự trỗi dậy của Taliban trong năm 2015 đã góp thêm sức mạnh cho các phiến quân nước ngoài ở Afghanistan tung hoành hoạt động. Một quan chức quân đội Mỹ tại Afghanistan cho biết, Taliban và các nhóm phiến quân nước ngoài này có mối quan hệ "cộng sinh" với nhau, phụ thuộc lẫn nhau về tiền bạc, chỗ đóng trại, đường chuyển quân và thông tin về địa bàn chiếm đóng. Điều đó càng gây thêm khó khăn cho các lực lượng quân sự và an ninh của Afghanistan trong việc phân biệt các nhóm cực đoan, phiến quân Taliban và phiến quân nước ngoài.

Vấn đề lổ hỗng tình báo và sự trỗi dậy của hàng loạt nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan là mối lo lớn nhất của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi thực hiện việc rút quân đội ra khỏi Afghanistan theo kế hoạch đã định trong Thỏa thuận An ninh song phương với Afghanistan.

Ông Obama đã quyết định để lại Afghanistan đến 9.800 quân thay vì rút hết chỉ còn vài trăm người như kế hoạch đã thỏa thuận. Obama quyết định, khi ông rời Nhà Trắng vào năm 2017, Mỹ sẽ duy trì khoảng 5.500 quân tại Afghanistan, nhằm giúp nước này bảo đảm an ninh, trong đó ưu tiên việc xây dựng lực lượng tình báo đủ năng lực chiến đấu chống khủng bố.

Trước mắt, để phần nào khắc phục vấn đề "lỗ hổng tình báo, lực lượng Mỹ tại Afghanistan sẽ huấn luyện cho tình báo Afghanistan cách thức điều khiển các bóng thám thính trên không, và trong năm 2016 sẽ cung cấp lô máy bay không người lái đầu tiên cùng hỗ trợ kỹ thuật điều khiển chúng. Ngoài ra, lực lượng chỉ điểm viên hùng hậu phục vụ cho CIA và các cơ quan tình báo của NATO trước đây cũng đang chờ được chuyển giao cho NDS và các cơ quan tình báo mới của Afghanistan nhằm xây dựng lại mạng lưới tình báo chống khủng bố hiệu quả cho Afghanistan.

Tuy nhiên sẽ rất khó để khắc phục hoàn toàn lỗ hổng tình báo, khi mà vấn đề còn phát sinh ngay trong Cơ quan Tình báo quốc gia (NDS).

Ngày 10-12-2015, Giám đốc NDS Rahmatullah Nabil đã nộp đơn xin từ chức và đã được Tổng thống Ghani chấp thuận. Theo thông tin báo chí, ông Nabil từ chức vì bất đồng quan điểm với Tổng thống Ghani trong vấn đề hợp tác tình báo với Pakistan. Nabil vốn không tin tưởng Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI), do lo ngại ISI từng thọc tay giật dây một số nhóm phiến quân quấy phá an ninh Afghanistan trong thời kỳ Mỹ và NATO đóng quân tại đây.

Sự ra đi của ông Nabil đang tạo ra một "lỗ hổng" khác ngay trong lòng cơ quan tình báo quan trọng nhất Afghanistan - NDS - và có thể chính lỗ hổng này sẽ càng làm trầm trọng thêm vấn đề lỗ hổng tình báo nêu trên, khiến Afghanistan có nguy cơ trở thành "vườn ươm" khủng bố nguy hiểm cho thế giới.

An Tôn (theo Wall Street Journal)
.
.