Lo ngại từ việc Google "bắt tay" với Cơ quan Tình báo Mỹ

Thứ Ba, 16/03/2010, 10:25
Tờ The Washington Post vừa đưa tin: Google - công ty tầm cỡ thế giới chuyên doanh về công cụ tìm kiếm trên Internet vừa có một thỏa thuận với Cục An ninh quốc gia Mỹ, theo đó Cục An ninh quốc gia Mỹ sẽ giúp đỡ Google điều tra những vụ tấn công gián điệp trên mạng có khả năng bắt nguồn từ nước ngoài.

Thỏa thuận này đồng nghĩa với việc, Cơ quan tình báo Mỹ có thể độc quyền sử dụng lượng thông tin khổng lồ tới từ khắp nơi trên thế giới do Google thu thập được. Điều này tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia và an ninh thương mại của các nước khác, đồng thời làm dấy lên những mối quan ngại sâu sắc. 

Google thành lập năm 1998, hiện nay là công ty chuyên doanh về công cụ tìm kiếm trên mạng lớn nhất thế giới, có văn phòng ở 30 quốc gia và khu vực trên thế giới. Công cụ tìm kiếm của Google là hệ thống để cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên mạng cho người sử dụng. Thông qua chương trình máy tính đặc biệt, công cụ tìm kiếm có thể sử dụng để thu thập, xử lý các thông tin trên Internet. Trung tâm dữ liệu của Google hiện nay được phân bố trên khắp thế giới với hàng triệu máy chủ, mỗi ngày xử lý hơn 1 tỉ yêu cầu tìm kiếm của khách hàng, tạo ra 200 triệu tỉ byte dữ liệu cho người sử dụng.       

Nếu nói Google là một cỗ máy thông tin toàn cầu hóa thì sau lần hợp tác này, sản phẩm của cỗ máy này sẽ liên tục đổ vào Cục An ninh quốc gia Mỹ, thúc đẩy mạnh mẽ khả năng thu thập thông tin của họ. Nhà nghiên cứu Miyawaki - Giám đốc Viện Nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản cho rằng, khả năng thu thập thông tin độc lập của cơ quan tình báo một nước là có hạn, nhưng nếu được hợp tác với một công ty như Google, "khả năng thu thập thông tin của cơ quan tình báo đó sẽ được nâng cao, điều này không chỉ biểu hiện ở sự nâng cao về tính sâu rộng của thông tin thu thập được, mà còn ở lượng thông tin khổng lồ có thể tích lũy được nhờ hợp tác với công ty này."

Cục An ninh quốc gia Mỹ thành lập năm 1952, là cơ quan trọng yếu trong mạng lưới tình báo của Chính phủ Mỹ. Vào thời kỳ Chiến tranh lạnh, Cục An ninh quốc gia Mỹ đã bắt tay với công ty Western Union đọc trộm hàng triệu bức điện báo. Sau khi xảy ra vụ khủng bố 11 tháng 9, việc Cục An ninh quốc gia Mỹ tự ý nghe trộm điện thoại cá nhân, đánh cắp email điện tử cá nhân đã gây ra nhiều tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ.  

Khi đưa tin về sự kiện Google bắt tay với Cục An ninh quốc gia Mỹ, tờ L'Expansion của Pháp viết: "... Rất nhiều người giữ thái độ hoài nghi về sự hợp tác này". Tạp chí Wired của Mỹ lại có bài viết với tự đề “Không làm ác” (Don't be evil - Phương châm của Google) gặp “Nhòm ngó mọi người” (ám chỉ Cục An ninh quốc gia Mỹ)" để thể hiện sự lo ngại của mình. Chuyên gia của Viện Nghiên cứu thông tin kỹ thuật Trung Quốc thì cho rằng, Google có lượng thông tin khổng lồ, còn Cục An ninh quốc gia Mỹ lại có khả năng phân tích tình báo lớn mạnh, nếu hai bên hợp tác toàn diện thì sẽ tạo ra mối nguy hại lớn cho các quốc gia khác.

Thông tin mà Google lưu giữ không chỉ bao gồm thông tin đăng ký của người sử dụng, mà còn ghi lại cả đường tìm kiếm và quá trình duyệt web của họ trên mạng. Dựa vào phương pháp phân tích số liệu mới, cơ quan tình báo có thể lấy được thông tin về những địa chỉ mà người sử dụng đã tới nhờ sử dụng công cụ tìm kiếm trong những số liệu này, từ đó có được từ khóa và lựa chọn của người sử dụng. Trên cơ sở phân tích nguồn gốc địa chỉ IP, cơ quan tình báo dễ dàng nắm bắt được những người nào đi với những từ khoá nào, từ đó tổng kết ra thông tin tình báo có giá trị, ví dụ như trọng điểm nghiên cứu hiện nay của các nhà khoa học ở một quốc gia nào đó.

Việc hợp tác giữa Google và Cục An ninh quốc gia Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng tới cả cuộc cạnh tranh công bằng trên thị trường toàn cầu, đem tới ưu thế cho các doanh nghiệp của Mỹ. Cơ quan Tình báo Mỹ không chỉ phục vụ chính phủ mà còn phục vụ cả các công ty Mỹ. Nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, chuyên gia an ninh thông tin Michel Rickydil nói rằng, sự hợp tác trong quá khứ giữa các doanh nghiệp về công nghệ thông tin và các cơ quan tình báo Mỹ như Cục An ninh quốc gia Mỹ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như thương mại, an ninh nội bộ của quốc gia..., "Các doanh nghiệp châu Âu như Airbus và Total đều có thể trở thành mục tiêu của việc hợp tác này". Ông này kiến nghị, châu Âu nên đưa ra chính sách tương ứng để phá vỡ sự lũng đoạn của những doanh nghiệp chuyên doanh về công cụ tìm kiếm của Mỹ như Google với thị trường châu Âu.  

Trước đó, để xua tan những nghi ngờ có liên quan tới hoạt động của mình, Google nhấn mạnh: việc hợp tác với Cục An ninh quốc gia Mỹ lần này sẽ không làm lộ những thông tin của người sử dụng. Trang web "Thế hệ công nghệ mới" của Pháp đã đăng tải bài viết bình luận: "... Cách nói của Google hiển nhiên sẽ khó thuyết phục được công chúng, đặc biệt người ta phải đối mặt với chính Cục An ninh quốc gia Mỹ, cơ quan nổi tiếng về việc đánh cắp email cá nhân nhưng được hưởng quyền miễn trừ tư pháp". 

Tuy vậy, có thể thấy rằng, sự hợp tác giữa Google và Cục An ninh quốc gia Mỹ trước hết có thể làm tổn hại đến bản thân chính họ bởi lẽ người sử dụng sẽ dùng những cái kích chuột để lựa chọn một sự từ bỏ. Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội quản lý khủng hoảng Nhật Bản nói: "Xét từ góc độ cá nhân, tôi không muốn sử dụng công cụ tìm kiếm hợp tác với cơ quan tình báo Mỹ này."

T.H.T. (tổng hợp)
.
.