Ly cà phê đắt giá của Ngoại trưởng Canada

Thứ Ba, 14/05/2013, 21:40

Hai quốc gia Canada và Qatar, một ở Bắc Mỹ, một ở Trung Đông, đang tranh nhau quyết liệt quyền đăng cai trụ sở làm việc của Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO). Nguồn gốc của vụ tranh chấp quyền đăng cai này được giới quan sát cho là xuất phát từ sai lầm ngoại giao của ông Baird khiến cho các quốc gia Arập nổi giận và quyết trừng phạt Canada bằng cách đưa trụ sở ICAO về Trung Đông.

Từ tách cà phê ở Đông Jerusalem...

Chuyện các quan chức ngoại giao đi uống cà phê xã giao với các đối tác không có gì đáng nói. Nhưng cái cách Ngoại trưởng Canada John Baird đi uống cà phê với cựu Ngoại trưởng Israel, Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni vào thượng tuần tháng 4/2013 vừa qua lại có chuyện để nói.

Số là trong chuyến thăm Israel và Palestine, ông Baird đã hẹn gặp người đồng cấp cũ tại một quán cà phê nằm trong khu vực nhạy cảm Đông Jerusalem. Cuộc nói chuyện giữa hai người có lẽ chỉ xoay quanh những vấn đề mang quan điểm cá nhân, nhưng ngay sau đó đã được báo chí đưa tin, gây nên một "cơn bão" ngoại giao.

Ông Baird đã cố gắng thanh minh trên báo chí rằng mục đích của chuyến thăm Israel của ông là nhằm thúc đẩy 2 bên Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán để tìm kiếm một giải pháp chung sống hòa bình. Ông khẳng định, chính sách không thay đổi của Canada là ủng hộ một quy chế cuối cùng cho hòa bình giữa người Israel và người Palestine thông qua đàm phán, việc ông gặp bà Livni ở Đông Jerusalem không nhằm làm thay đổi chính sách đó, mà chỉ để "uống một tách cà phê".

Nhưng, người Palestine và cộng đồng các quốc gia Arập trong khu vực Trung Đông, kể cả nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm đến hòa bình khu vực Trung Đông, không nghĩ như vậy. Người Palestine xem Đông Jerusalem là khu vực của họ đã bị Israel chiếm đóng sau cuộc chiến Trung Đông 1967, và dự định lấy làm thủ đô cho Nhà nước Palestine trong giải pháp hòa bình "hai nhà nước", nếu các cuộc đàm phán với Israel suôn sẻ. Vì thế, việc một bộ trưởng ngoại giao của một quốc gia phương Tây gặp gỡ một quan chức Chính phủ Israel tại một địa điểm ở Đông Jerusalem được xem như một hành động mang ý nghĩa "ủng hộ Israel thôn tính Đông Jerusalem", và đó là hành động không thể chấp nhận được.

Hanan Ashrawi, người phát ngôn của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đưa ra nhận định: "Hoặc là ông ấy không biết rằng Đông Jerusalem là lãnh thổ bị chiếm đóng, mà như thế là không thể chấp nhận được đối với một bộ trưởng ngoại giao, hoặc là ông ấy biết như thế nhưng lại hành động có chủ ý làm thay đổi quan điểm chung của thế giới về vấn đề Đông Jerusalem".

Nhiều nước trong khối Arập cũng đã lên tiếng bênh vực người Palestine, cho rằng hành động đi uống cà phê ở Đông Jerusalem của ông Baird là hoàn toàn không thể chấp nhận được, đó không gì khác hơn là một dấu hiệu thay đổi chính sách đối với vấn đề hòa bình giữa Israel và Palestine theo chiều hướng thiên vị cho người Israel, công khai ủng hộ việc Israel tiếp tục chiếm đóng lãnh thổ Đông Jerusalem của người Palestine.

Thực ra, cuộc gặp với bà Livni ở Đông Jerusalem hôm 11/4 không phải là lần đầu tiên. Một số nguồn tin trong Chính phủ Israel tiết lộ trên báo Haaretz rằng, vào năm 2012, ông đã một lần đến Đông Jerusalem với cả một đoàn hộ tống hẳn hoi. Ngoài ra, cựu Bộ trưởng Tư pháp Canada Irwin Cotler cũng từng đến thăm Đông Jerusalem.

Còn trong cuộc gặp gỡ bà Livni lần này, ông Baird muốn tạo ra một tiền lệ về vấn đề Đông Jerusalem nhằm quyết liệt hậu thuẫn cho Israel. Chưa kể, Thủ tướng Canada Stephen Harper là một người ủng hộ Israel nhiệt thành, có mối quan hệ thân thiết với Thủ tướng Israel Netanyahu, và Canada cũng là một trong các quốc gia quyết liệt chống lại việc Palestine trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc.

Ngoại trưởng Canada John Baird (trái) trong cuộc gặp với bà Tzipi Livni hôm 11/4 ở Đông Jerusalem.

Như vậy, hành động của ông Baird hoàn toàn có chủ ý và không nằm ngoài chính sách thiên vị của Canada đối với vấn đề Đông Jerusalem, và nó đã làm dậy sóng trở lại những tranh cãi quanh vấn đề những vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng của người Arập, cụ thể là các vùng lãnh thổ của người Palestine ở khu Bờ Tây sông Jordan. Đặc biệt là những tranh cãi đó lại nổ ra giữa lúc các quốc gia Arập hâm nóng lại đàm phán hòa bình với Israel theo “Sáng kiến Hòa bình Arập 2002” và 2 bên đang có những động thái "thăm dò" nhau để chuẩn bị cho những nước cờ sắp tới.

Michael Bell, cựu đại sứ Canada tại Israel, đưa ra quan điểm dứt khoát về vấn đề Đông Jerusalem: "Từ năm 1967, khi Israel chiếm đóng các khu vực phía Đông thành phố Jerusalem, chính sách của chúng tôi là không gặp gỡ các quan chức Israel ở khu vực Đông Jerusalem". Canada "không công nhận việc Israel đơn phương thôn tính Đông Jerusalem", và ông Bell cho rằng, đó cũng là lập trường chung của phương Tây.

Chính vì Đông Jerusalem là một vấn đề hết sức nhạy cảm, nên ông Bell đánh giá hành động của Ngoại trưởng Baird là "mặc nhiên công nhận việc Israel thôn tính Đông Jerusalem". Cần lưu ý, ông Bell từng là thành viên phái đoàn ngoại giao Canada do Thủ tướng Joe Clark phái đến Trung Đông trong 2 năm 1979-1980 để nghiên cứu tình hình chuẩn bị dời Đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem trong bước hành động ủng hộ Israel lấy Jerusalem làm thủ đô mới. Tuy nhiên, sau khi phát hiện ra vấn đề nhạy cảm - Đông Jerusalem là lãnh thổ Israel chiếm đóng của người Palestine - phái đoàn của ông Bell đã tham mưu Thủ tướng Clark hủy bỏ kế hoạch dời Đại sứ quán.

Ngoại trưởng Canada John Baird hội kiến Tổng thống Simon Peres trong chuyến thăm Israel tháng 4/2013.

Ông Bell cho rằng, quan điểm thống nhất của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng trong vấn đề lãnh thổ của người Palestine, đặc biệt là Đông Jerusalem, và quan điểm đó chính là "không có bất cứ hành động nào có ý nghĩa làm thay đổi quy chế hiện tại của Jerusalem".

Nhiều người trong giới ngoại giao cũng đồng quan điểm với ông Bell, cho rằng, dù chỉ là một cuộc hẹn uống cà phê, không phải là cuộc gặp chính thức, nó cũng đủ để phá hỏng chính sách của Canada và cả phương Tây đối với vấn đề Đông Jerusalem.

Nguy hại hơn, theo cựu Ngoại trưởng Palestine Nabil Shaath, nó còn có thể làm hỏng cả những nỗ lực mới đây của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhằm tái khởi động đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, vì người Palestine cảm nhận được "cái tát vào mặt" do ông Baird tặng cho.

...đến chuyện dời trụ sở ICAO

Sau hành động uống cà phê ở Đông Jerusalem bị phản ứng dữ dội, Ngoại trưởng Baird lại tiếp tục phạm một sai lầm ngoại giao nữa khi có những lời lẽ bực dọc với các đại sứ Arập tại Liên Hiệp Quốc trong một buộc họp vào ngày 15/4, thậm chí ông đã "cãi lộn" với Đại sứ Ai Cập Wael Aboul-Magd khi ông này yêu cầu ông làm rõ về chính sách của Canada đối với Đông Jerusalem khi ông gặp gỡ bà Livni như đã nêu trên.

Ông Baird đã đốp chát lại Đại sứ Aboul-Magd bằng cách bới móc một câu phát biểu của Tổng thống Mohamed Morsi vào năm 2010 (gọi những kẻ chiếm đất của người Palestine là "đồ con của khỉ và lợn") khiến ông Aboul-Magd tức giận đến đỏ mặt.

Cơn giận của người Arập đã biến thành hành động cụ thể. Ngày 23/4, các đại sứ Arập tại Liên Hiệp Quốc đã có cuộc họp riêng với nhau tại New York để bàn về vấn đề người Palestine, và tất cả đều nhất trí cùng nhau có hành động đối kháng với Canada, trong đó có việc bỏ phiếu chống Canada tại các tổ chức quốc tế. Hành động cụ thể nhất sau cuộc họp ngày 23/4 chính là việc Qatar, một vương quốc giàu có bậc nhất khu vực Trung Đông, đưa ra đề nghị được đăng cai trụ sở lâu dài cho ICAO, sau khi hợp đồng thuê mặt bằng với nước chủ nhà Canada hết hạn vào cuối năm 2015.

Trụ sở Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế tại thành phố Montreal.

Đề nghị của Qatar lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các quốc gia Arập. Thậm chí, các quốc gia Arập còn nhận hỗ trợ Qatar vận động nhiều quốc gia khác trên thế giới ủng hộ nước này đăng cai trụ sở chính của ICAO.

Việc Qatar đề xuất dời trụ sở chính của ICAO từ Montreal về thủ đô Doha đã đụng đến một vấn đề cấm kị nhất đối với Ottawa. Ai cũng biết, Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) ra đời từ năm 1946, và từ đó đến nay trụ sở chính được đặt tại thành phố Montreal, tỉnh Quebec, Canada. Đầu thập niên 90 thế kỷ XX, trụ sở ICAO được xây mới với chi phí 100 triệu USD.

Trụ sở ICAO giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho 534 người địa phương, và với việc phục vụ lưu trú thường trực cho 37 phái đoàn quốc tế đã mang lại cho kinh tế thành phố Montreal hàng trăm triệu USD mỗi năm, trong đó, riêng năm 2012 thu về đến 119 triệu USD.

Mặt khác, về ngoại giao, việc để mất trụ sở ICAO về tay Qatar sẽ là một cú thất bại nữa đối với Canada, sau thất bại trong việc tìm kiếm một ghế trong Hội đồng Bảo an LHQ năm 2010, mà lần đó lại do Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) vận động chống Canada do xích mích về đường hàng không.

Riêng về chính trị trong nước, nếu để mất trụ sở ICAO, khả năng căng thẳng giữa Chính phủ trung ương do đảng Bảo thủ lãnh đạo với chính quyền tỉnh Quebec của đảng Parti Quebecois (PQ) sẽ leo thang, làm tăng khả năng Quebec ly khai ra khỏi Canada. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy các đảng phái chính trị kình chống nhau ở Canada có vẻ đang "rất đoàn kết" trong vụ này, tất cả đều cùng thống nhất với nhau sẽ quyết tâm giữ ICAO ở lại Montreal. Ngay cả giới doanh nghiệp, các hội đoàn ngành hàng không dân dụng của Canada cũng tham gia giúp Chính phủ Canada vận động giữ chân ICAO!

Trước mắt, để có được quyền đăng cai trụ sở ICAO, Qatar sẽ phải được 60% trên tổng số 191 thành viên ICAO bỏ phiếu ủng hộ. Hội nghị 3 năm một lần của tổ chức này dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 24/9 đến 4/10 tới. Từ đây đến đó, chắc chắn "cuộc chiến" vận động ngoại giao giữa 2 phe ủng hộ Canada và Qatar sẽ diễn ra vô cùng quyết liệt

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.