MI-5 và FBI đã theo dõi nam ca sĩ John Lennon như thế nào?

Thứ Hai, 08/05/2006, 08:00

Hơn hai thập niên sau cái chết đầy bí ẩn của John Lennon, Trưởng ban nhạc huyền thoại The Beatles, giới truyền thông lại xôn xao về việc Tổng cục An ninh Anh (MI-5) đã phối hợp với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) để theo dõi và giám sát chặt chẽ nhất cử nhất động của ngôi sao ca nhạc người Anh này.

Phải chăng John Lennon thực sự là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia của Anh và Mỹ trong những năm cuối thập niên 60 và nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ XX? Có phải nhất cử nhất động của ông đều bị theo dõi và giám sát chặt chẽ qua tai mắt của MI-5 và FBI?

Chỉ một vài tuần sau khi John Lennon bị Mark Chapman bắn chết bên ngoài căn hộ của mình ở thành phố New York vào ngày 8/12/1980, Joe Wiener, Giáo sư Lịch sử Trường đại học California bắt đầu tiến hành điều tra về những mối liên hệ giữa nam ca sĩ nổi tiếng người Anh này và Chính phủ Mỹ, Anh. Hơn 20 năm sau, những nỗ lực điều tra của ông đã dẫn đến một trong những phiên tòa được nói đến nhiều nhất trong những năm đầu của thế kỷ XXI.

Vào tháng 3/2002, một tòa án liên bang ở thành phố Los Angeles đã yêu cầu FBI công bố 2 bức thư trong số 10 trang tài liệu liên quan đến việc theo dõi và giám sát John Lennon mà cơ quan này đang cất giữ. Cho đến nay, FBI vẫn chưa tiết lộ nội dung của 2 bức thư này. Thực ra, từ năm 1998, dưới áp lực của công luận, FBI đã phải cho công bố những hồ sơ liên quan đến việc theo dõi và giám sát John Lennon. Nhưng 10 trang cuối hồ sơ không được tiết lộ vì theo FBI những thông tin này thuộc về một cơ quan tình báo của chính phủ nước ngoài. Qua những tiết lộ mới đây, người ta tin rằng 2 bức thư đó là những bảng tóm tắt của MI-5 trong quá trình theo dõi những hoạt động của Lennon ở Anh mà cơ quan này cung cấp cho FBI.

Mặc dù 2 bức thư này chưa được tiết lộ nhưng những thông tin phanh phui về những hoạt động chống Lennon của MI-5 đã từng gây xôn xao dư luận. Vào tháng 2/2000, David Shayler, cựu nhân viên MI-5, tiết lộ rằng ông ta đã có dịp tiếp cận với những hồ sơ liên quan đến việc theo dõi và giám sát Lennon của MI-5 vào năm 1993 khi còn làm việc cho cơ quan này. Theo hồ sơ đó thì Lennon đã công khai ủng hộ cuộc đấu tranh của Bắc Ireland chống lại chính quyền Anh vào thập niên 60 và 70. Không chỉ thế, Lennon còn cung cấp tài chính cho Đảng Cách mạng công nhân ở Ireland và bày tỏ sự ủng hộ với tạp chí Red Mole, một tạp chí mang tư tưởng Mácxít. David Shayler còn khẳng định rằng MI-5 không chỉ giám sát thư từ của Lennon mà còn tổ chức nghe lén điện thoại và đặt những thiết bị ghi âm trong nhà của ông vào thời điểm ông đang sinh sống trong ngôi biệt thự ở Tittenshurst Park, ngoại ô London.

Vào năm 1971, khi Chính phủ Anh tiến hành chính sách giam giữ không qua xét xử tại Bắc Ireland, John Lennon đã tham gia và ký tên ủng hộ IRA với tuyên bố: “Chiến thắng sẽ thuộc về IRA trong cuộc chiến chống lại đế quốc Anh. Nếu phải chọn giữa IRA và quân đội Anh, tôi sẽ theo IRA”. Chính vì tuyên bố gây sốc này mà Lennon càng bị MI-5 theo dõi và giám sát chặt chẽ hơn.

Nhưng ngoài việc bị MI-5 giám sát và theo dõi thì tại sao khi đến định cư ở Mỹ, John Lennon lại là đối tượng nằm trong tầm kiểm soát của FBI? Rõ ràng là những quan ngại của FBI về Lennon là những hoạt động mang tính chính trị của ông ở Mỹ. Mối lo lắng lớn nhất của Chính phủ Mỹ là việc Lennon kịch liệt lên án cuộc chiến tranh của Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Ông và vợ là bà Yoko Ono đã nhiều lần mang những biểu ngữ  có nội dung phản đối chiến tranh Việt Nam đi quanh thành phố New York và các thành phố khác để ủng hộ cho phong trào phản chiến của dân chúng Mỹ.

Mùa xuân năm 1969, Lennon cùng vợ ghi âm bài hát “Give Peace A Change”, kêu gọi chống đối cuộc chiến Việt Nam và đã khiến cho chính quyền Mỹ phải dè chừng và theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của ông trên lãnh thổ Mỹ. Mặt khác, Lennon còn ủng hộ tài chính cho các tổ chức cánh tả mở các chiến dịch nhằm hạ bệ chính quyền Nixon. Lo sợ tầm ảnh hưởng rộng lớn của John Lennon, chính quyền Nixon đã tìm mọi cách để trục xuất Lennon vĩnh viễn khỏi nước Mỹ hay tìm cớ để đưa ra lệnh bắt giữ ông.

Theo điều tra của Giáo sư Joe Wiener thì FBI đã cố tiếp cận những thông tin về Lennon qua MI-5. Sau đó hai bên dàn xếp được một thỏa thuận và MI-5 đã giao hồ sơ về quá trình giám sát Lennon cho FBI, trong đó có 2 bức thư mật tóm tắt kết quả quá trình theo dõi và giám sát của MI-5 đối với Lennon. Cũng theo Giáo sư Wiener thì Lennon không những là đối tượng theo dõi và giám sát của FBI mà của cả CIA.

Trước những toan tính của chính quyền Mỹ, Lennon đã phản ứng dữ dội. Ông tố cáo chính quyền Mỹ muốn trục xuất ông ra khỏi nước Mỹ vì những quan điểm chính trị chống đối chính quyền chứ không phải là những tội danh liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật hay việc ông có sử dụng ma túy trước khi còn ở Anh.

Năm 1974, Lennon giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh để được định cư ở Mỹ cho đến khi bị bắn chết bởi Mark Chapman. Cái chết của Lennon đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Nhiều nghi ngờ cho rằng chính quyền Mỹ đã nhúng tay vào chuyện này vì lo sợ  trước một con người nổi tiếng, mang tư tưởng cấp tiến, có tầm ảnh hưởng lớn đối với dân chúng Mỹ. Theo nhận định của Giáo sư Joe Wiener thì Mark Chapman là một “khẩu súng người” được điều khiển bởi những kẻ khác để thủ tiêu Lennon. Wiener nghi ngờ Chapman đã bị CIA “tẩy não” và cài sẵn một chương trình giết người theo mệnh lệnh. Khi thời cơ đến, Chapman nhận được tín hiệu và thực hiện nhiệm vụ của mình.

Nghi ngờ này xuất phát từ một dự án của CIA vào năm 1954 có tên “Kế hoạch sơn ca” (Project bluebird) với ý đồ khống chế tâm trí con người. Sau đó, dự án này phát triển thành “Kế hoạch atisô” (Project Artichoke) nghiên cứu những phương pháp khoa học nhằm thay đổi thái độ, suy nghĩ, đức tin của con người bằng cách ứng dụng những kỹ thuật thôi miên kết hợp với dược phẩm.

Những hoạt động theo dõi và giám sát của MI-5 và FBI đối với John Lennon đã rõ ràng. Điều này càng chứng tỏ John Lennon không chỉ là một nghệ sĩ tài năng mà còn là một con người mang tư tưởng cấp tiến, thù ghét chiến tranh, khát vọng cuộc sống hòa bình

Văn Hòa (theo Eye Spy)
.
.