MI-6 bác bỏ những cáo buộc liên quan đến cái chết của Công nương Diana

Thứ Tư, 26/03/2008, 08:00
Cuối tháng 2 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử tình báo Anh, một người từng đứng đầu Cơ quan Tình báo nước ngoài (MI-6) của nước này đã xuất hiện trước công chúng và tòa án để bảo vệ cho cơ quan vốn chỉ hoạt động trong bí mật này.

Sir Richard Dearlove, cựu Giám đốc MI-6, Cơ quan Tình báo nước ngoài của Anh đã xuất hiện trước tòa án tại London, nhân vụ điều tra về cái chết của Công nương Diana và người tình của bà, ông Dodi Al-Fayed cách đây 11 năm tại Paris để bác bỏ những lời cáo buộc rằng, các cơ quan tình báo của Anh có tham dự vào một âm mưu nhằm giết hại Công nương Diana và người tình của bà.

Giờ đây người ta mới biết rằng muốn giết một người thì Cơ quan Tình báo Anh phải làm những gì. Một James Bond tân thời cũng được phép giết người trong những trường hợp đặc biệt, nhưng chỉ sau khi sếp trực tiếp của anh ta lấy được "Giấy phép cấp 7" cùng sự thỏa thuận của hội đồng điều hành và giám đốc các ban hành động của MI-6.

Và giấy phép này sau đó phải đưa trình lên Bộ trưởng Ngoại giao Anh ký và được một vị thẩm phán duyệt. Thành ra con số công đoạn khổng lồ mà MI-6 phải đi qua để được phép thực hiện một vụ ăn trộm (chứ chưa nói gì đến một vụ ám sát)  quả là khác hẳn với những hình ảnh mà chúng ta thấy được qua những bộ phim về James Bond.

Khi chấp nhận để ông cựu Giám đốc Sir Richard Dearlove ra điều trần trước tòa, MI-6 đã chứng tỏ là cởi mở rất nhiều. Được thành lập dưới tên Cơ quan Tình báo bí mật (Secret Intelligence Service - SIS) trong nhiều năm, người ta không biết cả cơ quan này đóng ở đâu và ai là người đứng đầu mà chỉ biết bí danh là “C” dựa theo chữ đầu tiên của tên người sáng lập ra cơ quan này, Sir Mansfield Cummings.

Điều này hoàn toàn giống với những gì trong chuyện của nhà văn Ian Fleming: nhân vật có bí danh M, không bao giờ lộ diện và là sếp của James Bond. Trước kia, chưa bao giờ có chuyện một ông giám đốc MI-6 ra trước tòa để bảo vệ cho cơ quan của mình. Ngay từ khi thành lập, “C” vẫn là một nhân vật trong bóng tối mà ngay đến sự hiện hữu cũng rất mông lung.

Bây giờ thì các vị giám đốc MI-5 và MI-6 đều đã được nêu tên tuổi trước công chúng. Các cơ quan này còn có cả địa chỉ trên Internet và đôi khi còn chấp nhận nói chuyện với các cơ quan truyền thông. Trong ngày mà Sir Richard Dearlove ra điều trần trước tòa, MI-6 đang quảng cáo tuyển nhân viên, việc làm này là một thay đổi lớn so với truyền thống ngày trước khi mà việc tuyển dụng thường là một cuộc gặp gỡ trong phòng làm việc của một giáo sư tại Trường đại học Oxford hoặc Cambridge.

Những ứng viên được chỉ dẫn đến một địa chỉ trên Internet: www.improvethenews.com với mô tả cơ quan cần tuyển người là: “Chúng tôi hoạt động trên toàn thế giới để thu thập những tin tức tình báo bí mật nhằm bảo vệ an ninh và kinh tế của toàn thể Vương quốc Anh thống nhất và Scotland”.

MI-6 tọa lạc tại một trong những cao ốc dễ nhận dạng nhất trên toàn thành phố London, một cao ốc màu xanh và vàng nâu nằm ngay trên bờ sông Thames chỗ cầu Vauxhall mà tên của nó được giới báo chí gọi là Riverside House, trong khi các nhân viên làm việc tại đó gọi là Legoland. Tòa nhà này nổi tiếng và dễ nhận đến nỗi nó đã từng bị bắn một phát đạn B40 từ trong một trạm xe lửa Vauxhall gần đó.

Khi Sir Richard Dearlove gia nhập MI-6 vào năm 1966, trụ sở của cơ quan này, cao ốc 22 tầng có tên là Century House cách nhà ga xe lửa Waterloo không xa là một trong những bí mật bị nhiều người biết đến nhất tại London với mọi anh tài xế taxi, hướng dẫn viên du lịch và đương nhiên cả điệp viên các nước khác.

Mọi sự thay đổi khi Quốc hội Anh ra đạo luật Intelligence Services Act năm 1994. Đạo luật này lần đầu tiên xác định vai trò căn bản của các cơ quan an ninh cũng như thiết lập một khung luật pháp cho các hoạt động của những cơ quan này. Đạo luật cũng đưa vào một hệ thống kiểm soát có nghĩa là hầu như bất kỳ mọi hành động nào của các cơ quan tình báo cũng đều phải đưa qua những kiểm sát viên độc lập và được khảo sát bởi các luật sư.

Trong cuộc điều trần, Sir Richard đã nhấn mạnh đến các ràng buộc về pháp lý này để chứng tỏ đến điều mà ông gọi là “tính chất lố bịch” của những lời tố cáo từ ông Mohammed Al - Fayed về vai trò của MI-6 trong âm mưu ám sát Công nương Diana và người tình Dodi Al-Fayed.

Sir Richard khẳng định rằng, mọi hoạt động của cơ quan đều nằm trong khuôn khổ của luật pháp. Và các hoạt động này không những bị các cơ quan pháp luật theo dõi mà còn nằm dưới sự kiểm tra của Quốc hội.

Sở dĩ vụ án về cái chết của Công nương Diana đã xảy ra cách đây 11 năm lại được khơi lại là do  ông Mohamed Al-Fayed, thân phụ của Dodi Al–Fayed, quyết không tin cái chết của con trai và người tình là do tai nạn như những kết luận trước đây và cho rằng, đó là âm mưu của Chính phủ Anh. Vậy là cuộc điều tra đặc biệt về cái chết của Công nương Diana được tiến hành và mở phiên tòa hồi đầu tháng 2/2008.

Đó là ngày thứ 71 của cuộc điều tra tư pháp về cái chết của Công nương Diana. Sau khi hơn 170 chuyên gia và nhân chứng được gọi lên trình bày về những gì họ biết, cuối cùng ông Mohamed Al-Fayed, cũng được tòa mời ra để nói lên những gì ông nghĩ. Cái chết của Công nương Diana chắc hẳn vẫn sẽ còn là đề tài của những người mê học thuyết âm mưu trong nhiều năm nữa, dù Chính phủ Anh có bỏ ra bao nhiêu tiền để điều tra

Hải Hà (tổng hợp)
.
.