MI-6 dính líu tới vụ sát hại Patrice Lumumba

Thứ Tư, 08/05/2013, 15:10

Vụ sát hại vị Thủ tướng được bầu một cách dân chủ đầu tiên của Congo là Patrice Lumumba đã được Cơ quan Tình báo MI-6 của Anh tổ chức vào năm 1961 - đó là lời thú nhận trước khi chết của "Nữ hoàng gián điệp", nữ Nam tước Daphne Park. Thông tin gây chấn động trên được báo chí Anh biết đến qua thông qua tiết lộ của thành viên Công đảng Lord Lea, người đã trực tiếp được "Nữ hoàng gián điệp" của MI-6 thổ lộ không lâu trước khi qua đời…

Lời thú nhận từ nước Anh

Còn nhớ khi vừa trở thành Thủ tướng vào tháng 5/1960 sau thắng lợi của đảng mình trong cuộc bầu cử Quốc hội dân chủ đầu tiên tại Congo, Patrice Lumumba lại bị sát hại vào tháng 1/1961. Cụ thể là ngay sau khi ông lên nhậm chức, thủ lĩnh thân phương Tây Moise Tshombe tại tỉnh Katanga đã nổi dậy tuyên bố độc lập, hứa hẹn chỉ ngừng nổi loạn sau khi Lumumba từ chức. Kết quả là chỉ đến tháng 9 năm đó, Lumumba bị miễn nhiệm và bị quản thúc tại nhà riêng.

Lumumba về phần mình đã khẳng định đó là một hành động phi pháp, trước khi thủ lĩnh các đảng phái chủ chốt trong Quốc hội cũng đứng ra ủng hộ và khôi phục chiếc ghế thủ tướng cho ông. Bất chấp quan điểm của đa số trong Quốc hội Congo, lực lượng của Liên Hiệp Quốc đặt chân tới quốc gia này đã tảng lờ quyết định trên, thẳng tay bắt giữ người đứng đầu hợp pháp của chính phủ.

Lumumba sau đó bị giải tới Katanga, nơi ông phải chịu những đòn tra tấn và bị bắn chết mà không cần xét xử vào tháng 1/1961. Vụ hành quyết do binh lính tại tỉnh Katanga thực hiện dưới sự chỉ đạo của các sĩ quan người Bỉ. Ban đầu thi thể của ông được chôn ngay tại hiện trường, nhưng sau đó phe nổi dậy đã khai quật và hỏa táng để xóa dấu vết tội ác.

Một thời gian dài, sự thực về cái chết của Lumumba vẫn là điều bí mật, cho tới khi người con trai Francois của ông nộp đơn kiện lên nước Bỉ. Kết quả là vào năm 2002, Ủy ban Quốc hội đã điều tra và đi đến kết luận, nhà vua Bỉ  Boudewijn I khi đó biết rõ về các kế hoạch sát hại Lumumba, và trên thực tế quốc gia này đã đóng góp 6 triệu euro và phải chịu "trách nhiệm về đạo đức" về cái chết trên. Trước phát hiện này, Thủ tướng Bỉ khi đó là Guy Verhofstadt đã phải đưa ra lời xin lỗi chính thức đối với Congo.

Nhiều cuộc điều tra sau đó còn cho thấy, âm mưu sát hại Lumumba còn có sự dính líu của Mỹ và Anh. Như khẳng định của Lord Lea, chỉ không lâu trước khi qua đời, nữ Nam tước Daphne Park (người có gần 30 năm làm việc cho MI-6) trong một buổi trò chuyện đã thú nhận với ông rằng, chính bà là người đã tổ chức vụ giết hại Lumumba. Nguyên nhân do ông này là đảng viên Cộng sản, có thể xích lại gần với Liên Xô. 

Cần biết là trước khi tới châu Phi, Daphne Park đã từng hoạt động tại Moskva. Năm 1957, Park được cử tới châu Phi vào đúng thời điểm bùng nổ phong trào giải phóng dân tộc ở lục địa này, có quan hệ thân thiện với nhiều chiến sĩ đấu tranh vì độc lập của Congo và Zambia. Park thậm chí còn có mối giao hảo đặc biệt với nhiều thủ lĩnh tại châu Phi, những người còn không ngại hỏi ý kiến của bà trước khi đưa ra những quyết định có tầm quan trọng bậc nhất của quốc gia.

Patrice Lumumba.

Người ta còn biết được, Park vào đầu những năm 60 còn bí mật giấu thư ký riêng của Lumumba trong thùng xe để đưa anh ta chạy khỏi Congo.

Sự dính líu của cả Washington

Ngoài Anh và Bỉ, còn có rất nhiều người cũng tin vào sự dính líu của Mỹ trong tội ác chống lại vị Thủ tướng được bầu một cách dân chủ đầu tiên ở Congo. Ít nhất là một loạt những tài liệu mới được giải mật gần đây đã cho thấy chính quyền của Tổng thống Dwight Eisenhower có dính líu tới âm mưu này.

Vai trò của Mỹ trong vụ sát hại Lumumba được công khai nhắc đến lần đầu trong một buổi điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện. Khi đó Robert Johnson, cựu quan chức an ninh quốc gia, đã tiết lộ về một cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Eisenhower và các quan chức tình báo Mỹ, trong đó đưa ra quyết định phải thủ tiêu Thủ tướng Patrice Lumumba.

Thông tin tiếp theo về vai trò của chính quyền Eisenhower trong cuộc nổi loạn chống Lumumba đến từ Lawrence Devlin, người từng là sĩ quan tình báo CIA tại Congo trong những năm 60. Devlin thừa nhận ông ta đã nhận lệnh phải tổ chức 1 vụ ám sát Lumumba. Trong cuốn sách có tên "Chief of Station, Congo" của mình, Devlin cho biết mệnh lệnh do đích thân Phó giám đốc CIA Dick Bissel đưa ra.

Một trong các phương án có tính đến âm mưu đầu độc Thủ tướng Congo bằng kem đánh răng. Cần nói thêm là cuốn sách của Devlin còn tiết lộ về rất nhiều chiến dịch gây bất ổn, những cuộc nổi loạn, ám sát mà CIA có dính líu tại châu Phi cũng như khắp nơi trên thế giới.

Devlin thừa nhận đã trực tiếp hỗ trợ hai cuộc đảo chính quân sự của Mobutu Sese Seko, một tay chân của Mỹ tại Congo. Những cuộc đảo chính này diễn ra vào tháng 9/1960 chống lại Lumumba và vào tháng 11/1965 trong bối cảnh tình trạng "chân không quyền lực" sau sự ra đi của Moise Tshombe.

Cựu quan chức này tự biện hộ rằng, hành động ủng hộ Mobutu là đúng đắn đối với Mỹ để có thể dựng lên một nhà độc tài chống cộng, ngăn chặn làn sóng ảnh hưởng của phe cánh tả tại Congo. Devlin về sau được bổ nhiệm làm quan chức chỉ huy các chiến dịch của CIA tại Lào trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.