MI-6 lao đao vì khủng hoảng kinh tế và dính líu đến pháp luật

Thứ Ba, 23/10/2012, 17:15

Trước một loạt cáo buộc liên quan đến tra tấn, dẫn độ và trợ giúp nước ngoài bất hợp pháp đe dọa ảnh hưởng xấu đến các điệp vụ bí mật, cơ quan tình báo Anh MI-6 hiện đang trải qua giai đoạn bất ổn nhất trong lịch sử tồn tại trăm năm của mình. Khủng hoảng kinh tế ở châu Âu cũng đóng một vai trò. Ngân sách hoạt động bị cắt giảm đang gây cản trở cho chương trình tuyển mộ điệp viên và tiền lương "bèo bọt" không giữ chân được các chuyên gia trung thành với mình. Cũng giống như mọi cơ quan tình báo khác trên thế giới, MI-6 đang đối mặt với tình trạng bất ổn.

Vào giai đoạn căng thẳng nhất của cuộc Chiến tranh lạnh, MI-6 rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi một loạt điệp viên hai mang của Xôviết được phát hiện. Nhưng hiện nay tình báo Anh gặp rắc rối trước những cáo buộc tiến hành một số hoạt động không thể chấp nhận được - đặc biệt là vụ giúp đỡ và xúi giục cảnh sát mật của chế độ Muammar Gaddafi bắt cóc và ngược đãi những người chống đối chính quyền.

Nhiều câu hỏi được đặt ra về vụ việc tại sao một sĩ quan MI-6 - chuyên gia vi tính Gareth Wiliams - bị mất tích đến một tuần mới có tín hiệu báo động và tại sao thi thể của viên sĩ quan này về sau được phát hiện trong chiếc túi vứt bên ngoài căn nhà của anh ta hồi năm 2010. Câu chuyện giật gân một thời gian này đã làm thổi bùng lên những lời đồn đại về âm mưu giết người diệt khẩu của MI-6! Những vấn đề gây khó chịu hiện nay cho MI-6 liên quan đến "giấy phép" giết người của các điệp viên MI-6 - hay ít nhất là được chính quyền cho phép để có thể hành động vượt ra ngoài và trên cả những luật định của nước Anh và quốc tế.

Theo điều 7 Luật Tình báo (ISA) năm 1994, các điệp viên Anh có thể được miễn truy tố về những hành động nghe lén, bắt cóc, tra tấn hay giết người nếu như họ được Bộ trưởng Ngoại giao phê chuẩn dưới dạng văn bản. Richard Dearlove - cựu sĩ quan tình báo cao cấp từng bị tra vấn vào năm 2008 về tuyên bố MI-6 có dính líu đến cái chết của Công nương Diana - nhấn mạnh rằng hành động ám sát không nằm trong chính sách của tình báo Anh. Tuy nhiên, các điều khoản của ISA được xem xét cẩn thận vào năm 2010 sau khi các điệp viên Anh nằm trong diện điều tra xem liệu họ có vượt quá quyền hạn cho phép khi tích cực tham gia vào những cuộc tra tấn các nghi can khủng bố ở lãnh thổ nước ngoài sau vụ tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001 hay không.

Sau khi chế độ của Đại tá Muammar Gaddafi sụp đổ vào năm 2011, các nhà điều tra thu thập được một số tài liệu ở thủ đô Tripoli của Libya cho thấy tình báo Anh có hành vi trao đổi thông tin với bộ máy an ninh của Gaddafi về lý lịch của những tù nhân bị tra tấn trong các nhà tù Libya. Các tài liệu nêu chi tiết về việc MI-6 tham gia vào cuộc "dẫn độ" những người chống đối chế độ Gaddafi như là Abdelhakim Belhadj - chiến binh vũ trang hiện là chính khách hàng đầu trong chính quyền mới của Libya - để đáp trả lại việc Libya đồng ý hợp tác với phương Tây.

Trụ sở MI-6 bên bờ sông Thames ở London.

Cảnh sát và các công tố viên Anh đã bắt đầu cuộc điều tra sâu về vụ việc nói trên, và Belhadj cùng với một số cựu tù cũng đâm đơn kiện dân sự chống lại Mark Allen - cựu lãnh đạo bộ phận chống khủng bố của MI-6 - do người này hợp tác với chế độ Gaddafi tra tấn tù nhân và rất có khả năng vụ việc sẽ được đưa ra tòa án xét xử công khai đe dọa tính bí mật của tình báo Anh. Các nhà lập pháp cũng đang thúc đẩy thông qua luật mới về an ninh và tư pháp gây tranh cãi cho phép một thẩm phán duy nhất được quyền xét xử những vụ án như thế này.

Theo các chuyên gia, nhiều vấn đề mà MI-6 đang phải đối mặt xuất phát từ khả năng thích ứng yếu kém với tình hình mới của tình báo Anh thời hậu Chiến tranh lạnh. Song Jseph Fitsanakis - lãnh đạo chương trình nghiên cứu tình báo ở Đại học King's College - nhận xét, mặc dù có những ám chỉ về tra tấn rất tai hại song MI-6 đã vượt qua được những cuộc tranh luận tồi tệ nhất trong quá khứ, đặc biệt là vai trò của tình báo Anh trong việc ủng hộ những báo cáo sai sự thật về kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein mà sau đó được chính quyền Mỹ và Anh lợi dụng để tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Iraq vào năm 2003.

Giới lãnh đạo MI-6 còn biện hộ cho thiếu sót trong những chiến dịch tình báo là do ngân sách bị cắt giảm kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ. Họ còn tuyên bố những biện pháp "tiết kiệm" mới đây đã dẫn đến tình trạng hoạt động tình báo hết sức èo uột. Trang web tuyển mộ của MI-6 cũng thừa nhận có một vài vị trí bị khuyết do ngân sách dành cho lĩnh vực công chúng bị cắt giảm.

Và, Ian Lobban - Giám đốc Cơ quan tình báo điện tử Anh (HCRQ) - than thở: Cơ quan của ông đã mất đi nhiều chuyên gia an ninh giỏi vì họ đã đầu quân vào Google và Amazon để có đồng lương cao hơn. Điều đó có nghĩa là điệp viên Anh đang phải sống dở chết dở từng ngày giữa cuộc chiến tình báo đang sôi động trên thế giới

Diên San (tổng hợp)
.
.