Mạng lưới buôn lậu hạt nhân của A.Q.Khan sống lại

Thứ Tư, 18/08/2010, 10:15
Các nhà khoa học, kỹ sư và tài chính có liên quan đến mạng lưới buôn lậu hạt nhân A.Q. Khan đang được chính quyền một vài nước cố tiếp xúc trong nỗ lực lôi kéo những chuyên gia này quay trở lại với hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân bất hợp pháp.

Nỗ lực này đang là mối lo ngại ngày càng tăng của các cơ quan tình báo Mỹ về sự hồi sinh của mạng lưới phổ biến hạt nhân bất  hợp pháp A.Q. Khan được cho là đã ngưng hoạt động cách đây nhiều năm.

A.Q. Khan là nhà khoa học được coi là cha đẻ của chương trình vũ khí hạt nhân của Pakistan. Một quan chức tình báo cao cấp của Mỹ nhấn mạnh rằng, cộng đồng tình báo Mỹ đang cố đánh giá xem một số đại diện chính quyền nói trên đã tiếp cận được những thành viên của mạng lưới A.Q. Khan hay chưa.

Theo những thông tin đã công bố, mạng lưới A.Q. Khan cung cấp những "bộ khởi động" cho tiến trình làm giàu uranium, dựa trên một số lớn các thiết bị ly tâm, đến các quốc gia như Iran, Libya từ thập niên 80, thế kỷ trước cho đến khi mạng lưới ngưng hoạt động vào năm 2003, sau khi Mỹ chặn một chiếc tàu chở hàng của Đức, tháng 10/2003, được cho là đang vận chuyển đến Libya những thành phần cho khoảng 1.000 máy ly tâm.

Người ta tin rằng vụ bắt giữ chiếc tàu Đức và cuộc tấn công Iraq do Mỹ đứng đầu có thể thuyết phục lãnh đạo của Libya, Đại tá Moammar Gadhafi, từ bỏ chương trình hạt nhân do mạng lưới Khan cung cấp. Sau đó đại tá Moammar Gadhafi đã chuyển giao cho Mỹ và Anh một số lớn các tài liệu về một mạng lưới liên quan đến Khan bao gồm những công ty bình phong, những nhà tài chính, thương nhân và các nhà máy trải rộng khắp thế giới từ Dubai đến Malaysia và một vài thủ đô ở châu Âu.

Sự xuất hiện bất ngờ của những tài liệu này đã dẫn đến việc nhà khoa học hạt nhân Khan bị quản thúc tại gia ở Pakistan, nhưng sau đó ông được trả tự do vào năm ngoái. Và bây giờ những chuyên gia về hưu từng cộng tác với Khan đang trở thành mối lo ngại của cộng đồng tình báo Mỹ. Mạng lưới của Khan bao gồm những chuyên gia thuộc nhiều quốc tịch khác nhau trên thế giới, nhưng Mỹ đặc biệt lo ngại đối với những chuyên gia ở Đông Âu.

Trả lời phỏng vấn của tờ Washington Post, người phát ngôn của CIA George Little nói: "Sự sụp đổ của mạng lưới phổ biến hạt nhân A.Q. Khan là một thành công tình báo ngoạn mục". 

Theo một quan chức cao cấp của tình báo Mỹ, một số thành viên của mạng lưới Khan thoát được sự truy tố do họ đang trốn tránh. Trong những vụ khác, những hoạt động buôn lậu hạt nhân của họ không vi phạm luật pháp đối với những quốc gia liên quan.

Ví dụ, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Malaysia - các trung tâm quan trọng cho mạng lưới của Khan - chỉ thiết lập những luật về kiểm soát xuất khẩu trong 2 năm qua.

David Albright - Chủ tịch Viện Khoa học và An ninh quốc tế, cựu thanh tra vũ khí và tác giả cuốn "Bán rong hiểm họa", cuốn sách mới xuất bản tập trung một phần về mạng lưới A.Q. Khan - nói, trong nhiều năm qua, cộng đồng các quốc gia không phổ biến vũ khí hạt nhân rất lo lắng về sự việc những thành viên của mạng lưới Khan không bị truy tố.

"Một trong nhiều vấn đề hiện nay là những thành viên của mạng lưới Khan không có cách làm ăn nào khác và người ta lo ngại một số thành viên của nó đang trở lại với hoạt động buôn lậu hạt nhân".

Theo Albright, người ta cho rằng hiện nay mạng lưới Khan chưa bao giờ thật sự tan rã, hay bị nhổ tận gốc. Một trong số nhiều vấn đề chưa có câu trả lời về mạng lưới Khan là vai trò của chính quyền Pakistan đối với mạng lưới này như thế nào - ủng hộ hay không ủng hộ?

Nhà báo Simon Henderson đã tiết lộ một bức thư viết tay năm 2007 của Khan, trong đó nêu rõ ông ta điều hành mạng lưới vì lợi ích của chính quyền Pakistan - hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của các quan chức cao cấp Pakistan nhấn mạnh rằng Khan làm việc độc lập và không nằm trong ý muốn của chính quyền hay quân đội Pakistan. Trước kia chính quyền Pakistan cũng không cho phép các quan chức Mỹ tiếp xúc với Khan trong thời gian nhà khoa học bị quản thúc tại gia

Diên San (tổng hợp)
.
.