Mạng lưới điện quốc gia của Mỹ thường xuyên bị tấn công

Thứ Tư, 22/04/2015, 17:15
Trung bình khoảng mỗi 4-5 ngày, một phần của mạng lưới điện quốc gia Mỹ lại bị tấn công mạng và nếu hệ thống bị suy sụp có thể khiến hàng triệu người phải sống trong bóng tối. Mặc dù những vụ vi phạm an ninh tuy lặp đi lặp lại và chưa bao giờ dẫn đến sự cố mất điện hàng loạt như trường hợp năm 2003 xảy ra ở 7 bang vùng đông bắc nước Mỹ (gồm các bang New York, Michigan, Ohio v.v…) và ảnh hưởng đến cả miền Nam Canada (Toronto và Ottawa), nhưng vấn đề này cũng gây lo ngại về tính dễ bị tấn công của mạng lưới điện quốc gia Mỹ.
Những sự cố chết người xảy ra dồn dập

Một sự cố mất điện trên diện rộng kéo dài dù chỉ vài ngày sẽ làm tê liệt nhiều thiết bị từ máy ATM cho đến điện thoại di động cũng như hệ thống đèn đường, và thậm chí đe dọa cuộc sống người dân nếu các hệ thống chăm sóc y tế, điều hòa không khí và sưởi ấm bị cạn kiệt nguồn cung cấp năng lượng. Cheryl LaFleur, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết năng lượng Liên bang Mỹ (FERC), nhận định: "Các mối đe dọa ngày càng tinh vi hơn. Do đó, chúng ta cũng cần phải tiến hóa theo".

Ngày 14/8/2003, vụ mất điện hàng loạt xảy ra do một đường dây cao thế chập mạch vì vướng phải một nhánh cây không được cắt tỉa gọn gàng ở bang Ohio, cộng thêm sự cố phần mềm và lỗi do con người, đã dẫn đến sự sụp đổ thị trường chứng khoán đồng thời gián tiếp gây ra 10 cái chết ở các trung tâm dân cư. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, tác hại gián tiếp còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Mặc dù không có thiệt hại đáng kể đến cơ sở hạ tầng kết nối với sự cố mất điện tạm thời, song phải mất ít nhất 2 ngày để khôi phục lại dòng điện cho những vùng bị ảnh hưởng.

Chris Blask, Chủ tịch Tổ chức Tư vấn rủi ro phi lợi nhuận Trung tâm Phân tích và chia sẻ thông tin hệ thống kiểm soát công nghiệp (ICS-ISAC) - đánh giá sự cố mất điện năm 2003 là điềm báo nguy hiểm tiềm tàng cho tình huống xấu kéo dài có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng nhạy cảm.

Năm 2011, miền Tây Nam nước Mỹ tiếp tục bị mất điện hàng loạt do trục trặc của một đường dây truyền tải ảnh hưởng nghiêm trọng  đến cuộc sống của gần 3 triệu dân ở 2 bang Arizona và California cũng như nhiều phần của Mexico. Sự cố chỉ được khắc phục sau 12 giờ.

Một trung tâm kiểm soát lưới điện ở Carmel, bang Indiana, Mỹ.

Cũng trong năm 2011, một đối tượng cố phá ổ khóa để đột nhập vào bên trong trạm thủy điện ở Vermont nhằm mục đích phá hoại nhưng không thành công.

Tháng 3/2013, các sĩ quan an ninh làm nhiệm vụ ở Nhà máy điện Florida phát hiện một người đàn ông đang cố trèo qua hàng rào Công viên Năng lượng St. Johns River, nơi cung cấp điện cho 250.000 hộ dân miền Bắc Florida.

Gerri Boyce, người phát ngôn của Nhà máy điện Florida, cho biết đối tượng bất ngờ bỏ chạy khi nhân viên an ninh tiến đến gần. Kẻ đột nhập không bao giờ bị bắt giữ và vụ việc cũng không được trình báo với cảnh sát!

Thảm họa an ninh lưới điện nước Mỹ tiếp tục xảy ra vào 1h sáng ngày 16/4/2013, khi đó một nhóm người vũ trang bất ngờ tấn công Trạm truyền tải Điện và Gas Thái Bình Dương (P&G Corp.) ở thành phố Metcalf  bang California. Bọn chúng cắt đứt 6 đường cáp quang ngầm trước khi xả súng điên cuồng vào 17 máy biến thế (cung cấp điện cho Thung lũng Silicon) gây thiệt hại hơn 15 triệu USD.

Vụ nổ súng kéo dài đến 19 phút và bọn phá hoại nhanh chóng biến mất. Sau vụ tấn công chẳng có kẻ tình nghi nào bị bắt giữ! Ngay đến hình ảnh camera an ninh cũng mờ nhạt không nhìn thấy được gì! Vụ nổ súng ở Metcalf đã gây choáng váng thật sự cho giới quản lý điện nước Mỹ.

Cũng trong năm 2013, một tay súng xả súng vào nhà máy điện turbine khí nằm trên biên giới 2 bang Missouri và Kansas.

Người dân Mỹ hỗn loạn bởi sự cố mất điện ở Manhattan, năm 2003.

Trong vụ khác xảy ra cùng năm, một kẻ trên chiếc xe tải đang chạy bắn 4 phát đạn vào một trạm điện nằm bên ngoài thành phố Colorado Springs. Và vụ này cũng không có ai bị bắt giữ.

Từ năm 2011 đến 2014, các công ty điện lực báo cáo đến Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) tổng cộng 362 vụ tấn công mạng và sự cố kỹ thuật gây mất điện hay rối loạn đường truyền tải điện. Trong số đó, 14 vụ là tấn công mạng và số còn lại là tấn công thẳng vào các trạm điện.

Theo các báo cáo liên bang,  không chỉ có những cộng đồng lớn bị tấn công lưới điện. Ngay đến những công ty điện lực nhỏ ở vùng nông thôn cũng không thoát khỏi tay bọn phá hoại.

Như cuộc tấn công mạng năm 2011 nhằm vào Liên doanh Điện Pedernals - phục vụ cho khoảng 200.000 khách hàng khu nông nghiệp rộng lớn ở bang Texas - CEO R.B.

Trong khi  DOE chỉ nhận được 14 báo cáo về những cuộc tấn công mạng trong 4 năm qua, các hệ thống báo cáo khác lại ghi nhận mối đe dọa này đang có chiều hướng gia tăng.

Ông Peter Vincent Pry.

Còn bộ phận giám sát các mối đe dọa mạng của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) nhận được 151 "sự cố mạng" liên quan đến lĩnh vực năng lượng năm 2013 - từ 31 vụ năm 2011 tăng lên 111 vụ năm 2012.

IS và cartel ma túy Mexico có âm mưu tấn công lưới điện quốc gia Mỹ

Giới chức Washington cho biết, một cẩm nang quân sự "bí mật" của Iran khẳng định Tehran có kế hoạch tấn công xung điện từ (EMP) hạt nhân vào hệ thống lưới điện quốc gia Mỹ.

Theo các nguồn tình báo, cuốn cẩm nang đề cập đến một cuộc tấn công EMP nhằm vào khoảng 20 vị trí ở Mỹ. Để thực hiện cuộc tấn công từ một vụ nổ hạt nhân trên cao, Iran cần phải có thiết bị cũng như công nghệ để tạo ra vụ nổ hạt nhân chứ không chỉ sử dụng tên lửa hành trình.

Từ năm 2005, tình báo Mỹ đã có báo cáo về việc Iran không chỉ bí mật phát triển vũ khí hạt nhân mà còn thử nghiệm tên lửa đạn đạo thiết kế đặc biệt để phá hủy cơ sở hạ tầng trọng yếu của nước Mỹ.

Lúc đó, các nhà khoa học - bao gồm cả William R. Graham, cố vấn khoa học hàng đầu của Tổng thống Ronald Reagan - khẳng định cách giải thích duy nhất hợp lý là những cuộc thử nghiệm như thế là sự chuẩn bị cho việc triển khai vũ khí EMP mà thậm chí chỉ một tên lửa như thế cũng đủ sức phá sập mạng lưới điện quốc gia Mỹ và các cơ sở hạ tầng trọng yếu khác phụ thuộc vào nó - cụ thể đó là các hệ thống cung cấp dịch vụ viễn thông, nước và thực phẩm cũng như tài chính và ngân hàng, giao thông v.v…

Vụ tấn công Trạm truyền tải Điện và Gas Thái Bình Dương (P&G Corp.) ở thành phố Metcalf, bang California, tháng 4/2003.

Peter Vincent Pry, Giám đốc điều hành nhóm cố vấn Quốc hội, thường được gọi là nhóm Đặc nhiệm về An ninh Quốc gia và Nội địa, nhận định nước Mỹ cần khoảng 2 tỉ USD để củng cố lưới điện quốc gia đề phòng một cuộc tấn công EMP như thế.

Đô đốc Hải quân Michael Rogers, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và lãnh đạo Bộ chỉ huy Không gian Mạng Mỹ (USCYBERCOM), nhấn mạnh rằng, trong thời kỳ Chiến tranh lạnh chỉ có một vài quốc gia sở hữu khả năng hạt nhân và những cuộc tấn công hạt nhân có thể được phát hiện sớm để nhanh chóng đáp trả.

Nhưng theo Rogers, các nguồn tấn công mạng dễ dàng ngụy trang và gây tổn hại đáng kể lại nằm trong tay không chỉ các quốc gia mà còn các nhóm tội phạm và cá nhân. Với cuộc tấn công mạng, đối tượng có thể làm bất cứ điều gì hắn muốn mà không phải trả giá!

Một thông tin đáng sợ hơn nữa được phát đi từ Frank Gaffney, người sáng lập và là Chủ tịch Trung tâm về chính sách an ninh (CSP) ở Washington DC., cho biết một nhóm gọi là "thánh chiến lưới điện" thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể sẽ tấn công mạng lưới điện quốc gia được giới chuyên gia đánh giá là "yếu kém" của Mỹ và cuộc khủng hoảng tồi tệ này có thể giết chết hàng triệu dân thường.

Một trạm biến áp cao thế ở Mỹ.

Peter Pry, một trong những chuyên gia hàng đầu về lưới điện quốc gia, nhận định: "An ninh lưới điện không an toàn, vùng biên giới có quá nhiều lổ hổng và các hệ thống truyền tải điện quá yếu kém khiến cho lưới điện quốc gia dễ trở thành nục tiêu tấn công của IS".

Trong một cuộc họp báo, Peter Pry khẳng định: nếu chỉ một nhóm nhỏ các máy biến áp cao thế bị tấn công phá hủy thì những vụ mất điện sẽ xảy ra tràn lan khắp nước Mỹ.

Sự cố mất điện trên diện rộng chắc chắn sẽ tác động tệ hại đến các hệ thống cung cấp nước, dịch vụ giao thông trong thành phố và làm tê liệt các bệnh viện cũng như nhà máy, ngân hàng, tổ chức tài chính và công ty dịch vụ công cộng v.v…

Peter Pry cũng cảnh báo IS có thể bắt tay với các cartel ma túy Mexico để tàn phá lưới điện nước Mỹ. Ví dụ, tập đoàn ma túy khét tiếng Knights Templar đã tấn công lưới điện bang Michoacan của Mexico năm 2013 gây thiệt hại không nhỏ.

Theo Peter Pry: "Knights Templar cùng với các băng nhóm tội phạm khác ở Mexico sẵn sàng làm bất cứ điều gì miễn sao có tiền, trong khi đó IS - tổ chức khủng bố được đánh giá là giàu có nhất trong lịch sử - có trong tay hàng trăm triệu USD. IS có đủ khả năng thuê mướn một trong những cartel ma túy Mexico hay một trong những băng nhóm tội phạm của chúng ở Mỹ, để tiến hành ngay lập tức sự cố mất điện cho nhiều bang nước này trong vòng nhiều ngày hay nhiều tuần. Thậm chí cả đất nước bị chìm trong bóng tối. Thật điên rồ nếu không quan tâm đến mối đe dọa cho lưới điện quốc gia và không nghĩ đến chuyện một cuộc tấn công quy mô rộng như ngày 11/9/2001 sẽ xảy ra bất cứ lúc nào".

Duy Ân (tổng hợp)
.
.