Mạng lưới điệp viên khổng lồ của FBI

Thứ Năm, 04/06/2015, 14:25
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) có hơn 15.000 điệp viên trong nước. Trong suốt thời gian diễn ra các chiến dịch COINTELPRO của Giám đốc đầu tiên của FBI J. Edgar Hoover (nhiệm kỳ từ tháng 5/1924 đến tháng 3/1935), cơ quan liên bang này chỉ có 1.500 người chỉ điểm. Cuộc chiến tranh chống ma túy đã nâng con số này lên khoảng 6.000 người.

Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, số người chỉ điểm mới được tuyển mộ tăng cường của FBI nhiều đến mức chính quyền phải phát triển phần mềm đặc biệt để giúp các đặc vụ cơ quan kiểm soát đội quân hùng hậu này. Trong số những gián điệp ngầm này của FBI, nhiều người là tội phạm, kẻ lừa đảo, ăn mày...

Đội quân gián điệp ngầm của FBI có nhiệm vụ chủ yếu là tìm kiếm những phần tử khủng bố tiềm tàng. Ví dụ mới đây nhất vào ngày 10/4/2015, FBI đã bắt giữ một thanh niên 20 tuổi bị rối loạn tâm thần tên là John T. Booker vì tội âm mưu đánh bom căn cứ lục quân Fort Riley với sự "giúp đỡ" của 2 điệp viên ngầm.

Bìa Cuốn sách "The Terror Factory" của Trevor Aaronson.

Theo nhà nghiên cứu Trevor Aaronson, tác giả cuốn sách "The Terror Factory: Inside the FBI's Manufactured War on Terrorism" (tạm dịch: Nhà máy kinh hoàng: "Cuộc chiến chống khủng bố được tạo dựng của FBI"), 158 trong số 508 người bị truy tố vì tội liên quan đến khủng bố từ sau ngày 11/9/2001. Phần tử chỉ điểm của FBI được trả từ 100.000 USD, có thể nhiều hơn nữa tùy mỗi vụ án phụ trách. Trong số hơn 15.000 kẻ chỉ điểm của FBI chỉ có một số ít được coi là "chuyên nghiệp".

Saeed Torres - từng là thành viên băng cướp Black Panther nay đã 63 tuổi - là một trong số những điệp viên thuộc loại chuyên nghiệp giả dạng là "phần tử Hồi giáo cực đoan" với biệt danh là "Shariff" để hoạt động ngầm theo lệnh từ FBI. Torres nói: "Tôi không thích từ kẻ chỉ điểm. Tôi tự coi mình là điệp viên dân sự". Mục tiêu của Torres là Tarik Shah, nghệ sĩ piano dòng nhạc jazz ở khu Bronx phía bắc thành phố New York bị buộc tội hỗ trợ vật chất cho các phần tử Al-Qaeda năm 2007 và sau đó lãnh bản án 15 năm tù tại một nhà tù liên bang.

Một cảnh trong phim "(T)error".

Còn ở Pittsbugh bang Pennsylvania, Torres có nhiệm vụ kết bạn với một người da trắng quy theo đạo Hồi tên là Khalifa al-Akili mà FBI nghi ngờ là phần tử cực đoan. Mặc dù Torres báo cáo Al-Akili không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia cũng không có âm mưu khủng bố, FBI vẫn yêu cầu Torres tìm kiếm bằng chứng để buộc tội người này.

Cuối cùng, Torres giúp FBI tống Al-Akili vào tù để nhận 250.000 USD. Torres nói: "Tôi cần tiền. FBI không biết gì cả mà họ chỉ cần phát lệnh bắt giữ người". Al-Akili bị bắt giữ chỉ vài ngày sau khi gửi email đến các nhóm nhân quyền thông báo mình đang là mục tiêu theo dõi của FBI. Al-Akili đang thụ án 8 năm tù trong một nhà tù liên bang vì tội sở hữu súng bất hợp pháp cùng với tội bán ma túy được tuyên trước đó, mặc dù FBI cố gắng gán ghép cho người này tội có ý định gia nhập Taliban ở Pakistan! Torres cho biết, FBI đã đẩy hàng ngàn người Hồi giáo trên khắp nước Mỹ vào tù từ sau ngày 11/9/2001 - hành động mà các nhà hoạt động nhân quyền mô tả là "vi phạm quyền tự do tôn giáo". Torres tiết lộ ông kiếm được hàng chục ngàn USD nhờ giúp FBI ngụy tạo bằng chứng dẫn đến ít nhất 5 vụ buộc tội!

Bộ phim "(T)error" được trình chiếu tại Liên hoan phim TriBeCa năm 2015.

Cũng giống như Saed Torres, Craig Monteilh chấp nhận chỉ điểm cho FBI vì cần tiền. Đối với các thành viên thánh đường Hồi giáo ở khu vực Los Angeles, Craig Monteilh - người Pháp gốc Syria, cũng được gọi là Farouk al-Aziz - muốn kết nối trở lại với cội nguồn Hồi giáo của mình. Nhưng không ai biết rằng thật ra Craig Monteilh chính là điệp viên ngầm của FBI. Nhiệm vụ của Craig Monteilh là thu thập "thông tin" cá nhân của những tín đồ Hồi giáo và thánh đường nào họ đến cầu nguyện.

Sau đó, FBI sẽ thu thập dữ liệu và chia sẻ thông tin với Cơ quan Kiểm soát Tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ với mục đích ngăn cản các âm mưu tấn công khủng bố. Craig Monteilh cảm thấy xấu hổ bởi tội lỗi mình gây ra: "Tôi cảm thấy cắn rứt lương tâm và vu oan cho người vô tội. Họ không liên quan gì đến hoạt động tội phạm. Nhưng tôi vẫn giám sát họ và FBI đã bắt giữ họ”.

Craig Monteilh đã công khai lên tiếng chống lại chương trình gián điệp ngầm gây tranh cãi của FBI và có kế hoạch làm chứng trong một vụ kiện chống lại FBI. Tuy nhiên, sau đó vụ kiện bị bác bỏ vì lý do có nguy cơ phơi bày "các bí mật nhà nước". Còn Saeed Torres đã giúp hai nhà làm phim Lyric R. Cabral và David Felix Sutcliffe thực hiện cuốn phim tài liệu về chương trình gián điệp ngầm của FBI với tựa đề "(T)error". Bộ phim được trình chiếu tại Liên hoan Phim TriBeCa 2015 - sự kiện được tổ chức năm 2002 nhằm ghi nhớ vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 gây kinh hoàng cho khu vực Tribeca thuộc vùng hạ Manhattan, New York.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.