Mạng lưới gián điệp công nghiệp Trung Quốc hoạt động mạnh ở hải ngoại

Thứ Sáu, 28/06/2013, 15:10

Theo cuốn sách mới được xuất bản hồi tháng 5 vừa qua "Gián điệp công nghiệp Trung Quốc" của 3 chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc cho chính quyền Mỹ, chuyển giao công nghệ là chính sách ưu tiên của chính quyền Trung Quốc, đặc biệt trong môi trường chất xám.

Các tác giả cuốn sách gồm William C. Hannas, James Mulvenon và Anna B. Puglisi - cảnh báo rằng Mỹ và các quốc gia phát triển ở phương Tây cần cẩn thận với mạng lưới gián điệp công nghiệp Trung Quốc đang hoạt động ngày càng mạnh hơn và lan tràn ở hải ngoại.

Các tác giả cho rằng quy mô thu thập dữ liệu công nghệ bí mật hải ngoại lớn đến mức Cơ quan Phản gián Quốc gia (NCE) - hằng năm phải thành lập hai loại báo cáo riêng biệt: một về Trung Quốc và một cho phần còn lại của thế giới!

Ngày 21/5 vừa qua, các công tố viên Mỹ đã khởi tố 3 nhà nghiên cứu người Trung Quốc là phó giáo sư công nghệ cộng hưởng từ Yudong Zhu và 2 người khác là Xin Yang và Ye Li - làm việc tại Trung tâm Y tế Langone, Đại học New York (NYU) tội chuyển giao bí mật thương mại của một dự án nghiên cứu đổi mới kỹ thuật chụp cắt lớp cộng hưởng từ (MRI) trị giá 4 triệu USD được Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) tài trợ cho những ông chủ thật của họ là Viện Công nghệ Tiên tiến Thẩm Quyến (SIAT) và Công ty công nghệ y khoa Thượng Hải United Imaging Healthcare.

Zhu và Yang đã bị bắt giữ, còn Ye Li đã kịp thời bay sang Hồng Công trước đó. Nếu bị buộc tội, Zhu có thể lãnh mức án tối đa 20 năm tù giam, còn 2 người còn lại là 5 năm tù. Đây là vụ án mới nhất trong nỗ lực chống gián điệp ăn cắp công nghệ của Chính phủ Mỹ trong thời gian gần đây. Về phần mình, SIAT cho biết đang điều tra về những cáo buộc trong vụ án NYU đồng thời nhấn mạnh Yudong Zhu không làm việc cho cơ quan này.

Theo cuốn sách "Gián điệp Công nghiệp Trung Quốc" thì các chiến lược nham hiểm của Trung Quốc bao gồm từ việc thành lập các công viên công nghệ dành để tiếp đón những nhà khoa học xa xứ trở về quê nhà cho đến việc thuyết phục công ty nước ngoài mở các trung tâm nghiên cứu ở nước này.

Phó Giáo sư Yudo.

Defense Group Inc., công ty tình báo tư nhân ở khu vực Washington, nơi sử dụng chuyên gia James Mulvenon, cho biết SIAT của Trung Quốc chú trọng tuyển mộ các nhà khoa học người Hoa ở hải ngoại, đồng thời "tìm cách phát triển nhiều mối quan hệ hợp tác với các công ty cũng như các tổ chức nghiên cứu ở nước ngoài với mục đích mở đường cho khả năng chuyển giao công nghệ tiên tiến".

SIAT - Cơ quan nhận tài trợ từ chính quyền Trung Quốc - luôn khoe khoang có các chuyên ngành hết sức ấn tượng - từ robot học cho đến y học nano và chẩn đoán hình ảnh cộng hưởng từ - nhưng không phải tất cả những công trình phát triển tiên tiến của họ đều là thành quả của trí tuệ bản xứ.

SIAT được coi là công ty hàng đầu Trung Quốc ủng hộ chính quyền nước này tăng cường tính cạnh tranh thương mại bằng cách đánh cắp công nghệ nước ngoài trực tiếp từ các nhà khoa học gốc Hoa đang làm việc ở Mỹ và các quốc gia phát triển khác. Các nhà khoa học này được mời chào để trở về Trung Quốc hoặc - trong một số trường hợp - "chia sẻ kiến thức" khi còn ở nước ngoài!

Tháng 5 vừa qua, báo cáo của Ủy ban về Đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ - nằm dưới sự lãnh đạo của Dennis C. Blair, nguyên Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) và Jon M. Huntsman Jr., nguyên Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc - kết luận nạn đánh cắp công nghệ đã gây thiệt hại tài chính cho Mỹ hơn 300 triệu USD/năm - tức tương đương với tổng sản lượng xuất khẩu hằng năm của Mỹ đến châu Á.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế nước ngoài, các trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc không thể lợi dụng hoàn toàn kiến thức khoa học có được từ những người Hoa ở hải ngoại. Ví dụ, trường hợp tuyên bố phá sản vào tháng 3/2013 của một công ty con của Suntech Power - một trong những nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới tại thành phố Wuxi. Shi Zhengrong, người thành lập Suntech Power, là nhà khoa học Australia gốc Hoa có được vài bằng sáng chế trước khi trở về Trung Quốc làm ăn với số tiền đầu tư ban đầu là 5 triệu USD.

Và, cũng có những hiệp hội Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ luôn minh bạch về mối quan hệ của họ với các viện nghiên cứu và cơ quan chính quyền Trung Quốc như Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc hải ngoại ở Thung lũng Silicon.

Theo cuốn "Gián điệp công nghiệp Trung Quốc", vào khoảng giữa thập niên 50 thế kỷ trước, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống chắt lọc thông tin từ hải ngoại, tập trung vào thông tin nguồn mở và cố gắng xóa nhòa ranh giới giữa "thông tin" và "tình báo".

Hiện nay ở khắp Trung Quốc cũng hình thành nhiều trung tâm chuyển giao công nghệ. Chỉ riêng ở thành phố Thượng Hải đã có 10 trung tâm như thế, trong đó mỗi một trung tâm có thể có đến hàng ngàn dự án. Hay là, Trung tâm Chuyển giao công nghệ Quốc gia Thượng Hải có khoảng 7.500 nhân viên làm việc trong các phòng thí nghiệm, viện nghiên cứu trong thành phố với nhiệm vụ "chuyển đổi" công nghệ nước ngoài; bao gồm các lĩnh vực vi điện tử, công nghệ laser và hạt nhân

Trần Thanh Phong (tổng hợp)
.
.