Mạng lưới tình báo Ấn Độ tại các quốc gia Nam Á

Thứ Bảy, 19/01/2013, 15:30

Năng lực và tính chuyên nghiệp của lực lượng điệp viên Ấn Độ thể hiện qua các chiến dịch của Cơ quan tình báo nước này - RAW (hay R & AW) - đối với các quốc gia trong khu vực Nam Á. Trọng tâm của các chiến dịch là thành lập một mạng lưới điệp viên rộng lớn bên trong các quốc gia mục tiêu.

Trong các mục tiêu hành động của mình, RAW nỗ lực sử dụng các chính khách đối lập, sự bất đồng sắc tộc, nền kinh tế lạc hậu và các yếu tố gây bất ổn. Sau khi gây dựng các môi trường có lợi cho Ấn Độ, RAW bắt đầu can thiệp vào các sự kiện. Trong phần lớn các trường hợp, bàn tay của RAW luôn được giấu kín nhưng không phải lúc nào RAW cũng đạt được thành công.

Raw ở Bangladesh và Sri Lanka

Năm 1968, Cơ quan Tình báo Ấn Độ RAW được bật đèn xanh để huy động mọi nguồn lực và bắt đầu tổ chức các chiến dịch bí mật ở Bangladesh. RAW sử dụng dân tị nạn Bengal để thành lập nhóm Mukti Bahini - một lực lượng đặc biệt trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh (dưới sự lãnh đạo của Sirajul Alam Khan, Tofael Ahmed, Abdur Razzak và Fazhul Huq Moni) được RAW huấn luyện bí mật tại Trung tâm Nghiên cứu hàng không trực thuộc RAW ở Chakrata gần Dehradun - để thâm nhập sâu vào lãnh thổ Bangladesh.

Ngày nay mọi người đều biết rõ câu chuyện về Mukti Bahini và vai trò tổ chức - huấn luyện của RAW qua cuốn sách của tác giả Asoka Raina: "Bên trong RAW: câu chuyện về tình báo Ấn Độ". Chiến dịch này là một trong những bằng chứng cho thấy trong nhiều năm qua, RAW đã trở thành công cụ quan trọng để gây dựng thanh thế cho Ấn Độ ở châu Á cũng như đóng vai trò đáng kể trong nỗ lực củng cố hình ảnh của nước này trên thế giới.

Sau khi Bangladesh giành độc lập, RAW vẫn tiếp tục can thiệp vào nước này, huấn luyện các bộ tộc Chakma và nhóm chiến binh Shanti Bahini để tiến hành những hoạt động mang tính chất lật đổ ở Bangladesh. Mục đích của Raw ở Bangladesh là gây ra cuộc chiến tranh tâm lý, tạo sự phân cực trong các lực lượng quân đội, Tuyên truyền chống Cơ quan tình báo quân đội ISI của Pakistan, tác động đến các đảng phái chính trị và các giáo phái tôn giáo, kiểm soát giới truyền thông đại chúng... Hoạt động của các điệp viên RAW ở các quốc gia mục tiêu nói chung được tiến hành từ bên trong các tòa nhà Đại sứ quán Ấn Độ.

Bản đồ cho thấy các chiến dịch tình báo của RAW trong khu vực.

Trước đây, RAW cũng có giai đoạn liên quan đến nhóm phiến quân ly khai Hổ Tamil (LTTE) ở Sri Lanka vào thập niên 70. Nhưng sau khi các hoạt động khủng bố của LTTE tăng mạnh trong hai thập niên 80, bao gồm sự liên minh với các nhóm ly khai khác ở bang Tamil Nadu miền Nam Ấn Độ, RAW không tiếp tục ủng hộ nhóm này nữa. Năm 1987, New Delhi ký hiệp ước với chính quyền Sri Lanka để gửi lực lượng gìn giữ hòa bình Ấn Độ (IPKF) đến đảo quốc này. Năm 1991, Rajiv Gandhi - Thủ tướng Ấn Độ lúc IPKF được triển khai tại Sri Lanka - bị một kẻ đánh bom liều chết của LTTE ám sát. 

RAW hợp tác với tình báo Afghanistan

Từ năm 1968, RAW cũng bắt đầu thiết lập mối quan hệ gắn bó với KHAD, Cơ quan Tình báo Afghanistan lúc đó, để thu thập thông tin về Pakistan. RAW đánh giá cao sự hợp tác của KHAD trong nỗ lực giám sát các hoạt động của nhóm chiến binh Sikh trong các khu vực bộ tộc của Pakistan. Người Sikh ở bang Punjab miền Bắc Ấn Độ lúc đó đòi thành lập một nhà nước độc lập gọi là Khalistan. ISI lập ra các doanh trại bí mật để huấn luyện và vũ trang cho các tân binh Khalistan ở tỉnh Punjab miền Đông Pakistan.

Trong thời gian này, ISI nhận được số tiền lớn từ Arập Xêút và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) để vũ trang cho lực lượng du kích (mujahadeen) Afghanistan chống lại quân đội Liên Xô. Người ta cho rằng ISI đã trích phần lớn số tiền này để tài trợ cho nhóm khủng bố Khalistan chống Ấn Độ. Để trả đũa, vào giữa thập niên 80 thế kỷ trước, RAW thành lập hai nhóm bí mật gọi là Đội X phản gián (CIT-X) và Đội J phản gián (CIT-J) chống lại hai mục tiêu là Pakistan và nhóm Khalistan. Hai nhóm có nhiệm vụ tiến hành những chiến dịch khủng bố bên trong Pakistan.

Nhóm chiến binh giải phóng Mukti Bahini.

Preaveen Swami, Phó tổng biên tập kiêm phóng viên tạp chí Frontline của Ấn Độ, cho biết CIT-X và CIT-J tiến hành những vụ khủng bố ở Pakistan, chủ yếu ở Karachi và Lahore, "kém hiệu quả nhưng thường xuyên". Hành vi phá rối này đã buộc ISI phải gặp đối tác thù địch RAW để thương lượng với vai trò trung gian của Thái tử Jordan lúc đó là Hassan bin-Talal, do vợ của người này là người gốc Pakistan. Kết quả của cuộc thương lượng là Pakistan sẽ không tiến hành các hoạt động ở bang Punjab của Ấn Độ và đổi lại là RAW ngưng gây xáo trộn và bạo lực bên trong Pakistan.

Trong quá khứ, Pakistan cũng buộc tội RAW ủng hộ nhóm dân tộc chủ nghĩa người Sindh ly khai đòi lập ra nhà nước riêng, cũng như người Seraiki đòi chia cắt tỉnh Punjab của Pakistan thành nhà nước riêng. Nhưng, Ấn Độ luôn bác bỏ sự cáo buộc này.

Mối liên kết RAW - Mossad của Israel

Janes, nguồn thông tin tình báo hàng đầu thế giới, đưa tin vào năm 2001 rằng RAW và Cơ quan Tình báo Mossad của Israel hợp tác tạo ra 4 tổ chức mới để xâm nhập Pakistan tấn công các nhân vật tôn giáo và quân sự, các nhà báo, thẩm phán, luật sư và quan chức chính quyền quan trọng của nước này. Ngoài ra, các nhóm của RAW - Mossad còn đánh bom các tàu hỏa, trạm đường sắt, cầu, trạm xe buýt, khách sạn.

Lực lượng vũ trang Hổ Tamil (LTTE).

Theo các chuyên gia phân tích tình báo, có những bằng chứng cho thấy RAW - Mossad hợp tác chặt chẽ để kiềm chế phong trào tự do ở Kashmir và gây mất ổn định cho Pakistan. Ví dụ, tình báo Pakistan cũng buộc tội RAW có chương trình cám dỗ những người Pakistan trong độ tuổi từ 20 đến 30 du lịch Ấn Độ rồi bẫy họ vướng vào những vụ án tiền giả và âm mưu lật đổ để sau đó ép buộc những người này làm gián điệp cho mình. Ngoài ra, RAW - Mossad cũng có những nỗ lực - đơn lẻ hoặc phối hợp, bí mật hoặc công khai - xâm nhập vào cộng đồng giới quan chức cao cấp trong chính quyền Pakistan.

Trong một bài báo tựa đề "Mối quan hệ nguy hiểm Israel & Ấn Độ" được đăng tải vào ngày 1/4/2001 trên một tờ báo của Pakistan, tác giả Outbuddin Aziz viết: "Những chi tiết tuyệt mật về cuộc viếng thăm của Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Lai Krishna Advani đến Israel vào tháng 6-2000 - trong số đó có các cuộc gặp gỡ giữa Advani và giới chức lãnh đạo Israel, đặc biệt là với Bộ trưởng Nội vụ Israel và hai cơ quan tình báo nước này là Mossad và Sabak, cho thấy hai quốc gia bàn tính những chiến dịch tình báo phối hợp tại những khu vực trọng yếu của thế giới Hồi giáo

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.