Mạng xã hội và sự nguy hiểm chết người

Thứ Ba, 08/12/2020, 08:55
Những phần tử cực hữu tại nước Mỹ luôn rất nhạy bén, chủ động về lĩnh vực công nghệ thông tin. Vì thế, họ rất biết cách tận dụng mạng Internet để truyền bá các tư tưởng độc hại của mình. Ngay từ năm 1984, trong khi chưa có đến 10% người Mỹ từng một lần nghe thấy khái niệm “Internet” thì, các nhóm phát xít đã liên lạc với nhau qua trang web “Aryan Nation Liberty Net”.

Cho đến cuối thập niên 1990 của thế kỷ trước, trên các trang diễn đàn lần lượt  xuất hiện ngày càng nhiều những phần tử cực hữu tìm cách “tẩy não” các thành viên khác của một loạt các website. Cho đến nay, diễn đàn Stormfront vẫn còn tồn tại và là một trong những địa chỉ tập trung của cộng đồng phát xít phương Tây.

Mạng xã hội cũng không nằm ngoài tầm ngắm của phe cực hữu. Chúng tìm mọi cách để lôi kéo những người dùng mạng vốn dĩ “nhẹ dạ cả tin” rơi vào vòng xoáy  của nạn phân biệt chủng tộc; phân biệt giới tính... Không ít người trẻ tuổi đã bị cực đoan hoá trên Facebook, Twitter… để rồi tự mình gây nên những thảm kịch ghê sợ. Vụ tấn công khủng bố tại New Zealand khiến 51 người chết hồi tháng 3 năm ngoái là một minh chứng phũ phàng cho điều đó. Có điều, các hành vi bạo lực này lại được chính kẻ phạm tội đăng tải trên mạng xã hội và xem đó như là một trong những “chiến công phi thường” rất đáng tự hào.

Thời gian qua cũng như hiện tại, giới chức cầm quyền tại nhiều quốc gia khác nhau đã và đang gây sức ép lên các công ty chủ quản mạng xã hội nhằm mục đích cuối cùng: buộc họ phải có động thái ngăn chặn hành vi những đối tượng cực hữu lôi kéo người khác trên nền tảng của mình. 

Bước đầu các doanh nghiệp này đã đạt được một số thành công. Mới đây thôi Facebook đã loại bỏ 220 tài khoản cá nhân; 28 trang công chúng và 106 nhóm khác nhau trong một ngày vì tội truyền bá thông tin giả cùng tư tưởng cực đoan. Trong khi đó, Twitter  lại tỏ ra mạnh tay hơn: cho ngừng hoạt động 7.000 tài khoản và đặt vào diện theo dõi 15.000 tài khoản khác. Đây là những bước tiến đáng hoan nghênh do có tác động tích cực trong việc bảo vệ người dùng. Dẫu vậy, bản thân các đối tượng cực hữu vẫn còn ở đó, và chúng có cách đối phó riêng của mình: Tự lập ra mạng xã hội mới.

Khi mạng xã hội trở thành vũ khí

Gab được lập ra vào năm 2017 bởi Andrew Torba và Ekrem Büyükkaya, cả hai đều cùng từng làm việc tại các công ty marketing trên mạng xã hội. Sử dụng kinh nghiệm của mình, hai nhân vật nói trên mong muốn tạo ra một không gian riêng cho những người thuộc phái cánh hữu có cơ hội thoải mái nói lên suy nghĩ của mình mà không phải lo sợ sự kiểm duyệt của công ty chủ quản. Ngay từ những ngày đầu tiên, Gab đã thu hút được đông đảo người dùng. Hầu hết là chủ các tài khoản đã bị Facebook, Twitter, Instagram xoá bỏ do có hành vi lan truyền thông tin giả mạo, mang tính kích động.

Ẩn sau giao diện thân thiện của Parler là hàng loạt tư tưởng cực đoan.

Mặc dù Gab liên tục chịu sự chỉ trích của công luận và không thể nào hợp tác liên kết với các công ty công nghệ khác - đơn cử như việc bị Apple và Google từ chối đưa lên hai cửa hàng Apple Store và Google Play, ấy thế nhưng Gab vẫn tăng trưởng đều đặn. Hiện một tuần Gab có khoảng 7,15 triệu lượt người truy cập. Ngoài tiền bán quảng cáo, trang mạng xã hội này hoạt động theo mô hình đóng tiền hằng tháng. Hoặc người dùng cũng có thể đóng góp cho Gab để nhận được thêm nhiều ưu đãi khác. Ước tính giá trị của công ty chủ quản Gab có thể lên tới 10,9 triệu USD trong một tương lai rất gần.

Thành công của Gab đã khiến nhiều mạng xã hội cực hữu khác xuất hiện, trong đó nổi tiếng nhất là Parler. Kể từ khi thành lập vào năm 2018, Parler đã nhảy vọt lên top 20 mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất nước Mỹ. Đặc biệt hơn nữa, Parler còn thu hút được cả người nước ngoài sử dụng. Trang web này đã có thêm 200.000 tài khoản mới từ Ả-rập Xê-út sau khi Twitter “cấm cửa” chủ của những tài khoản này. Danh tiếng và lượng người dùng của Parler lại thu hút sự chú ý từ các nhân vật “tai to mặt lớn” trên trường chính trị quốc tế như thượng nghị sỹ Tez Cruz (Mỹ) và Tổng thống Jair Bolsanaro (Brazil).

Ngay sự tồn tại của các trang mạng xã hội của các phần tử cực hữu mang tư  tưởng bảo thủ, nhưng họ lại không phải là người cực đoan. Vì một lý do nào đấy như có người giới thiệu mà họ mới tham gia Gab, Parler,… Đây chính là “kẽ hở” chết người tạo điều kiện để những đối tượng phân biệt chủng tộc; khủng bố, và phát-xít sử dụng những chiêu bài tuyên truyền nhằm mục đích tiêm nhiễm vào đầu óc họ hàng loạt tư tưởng độc hại. 

Thực tế cho thấy, đã có không ít thanh niên trẻ đã trở thành những kẻ “đầu trọc” bằng cách này. Vụ xả súng tại nhà thờ Do thái giáo ở thành phố Pittsburg tháng 10 năm 2018 do một người dùng Gab gây ra là một ví dụ. Đối tượng này mang tên Robert Gregory Bowers, và trước khi gây ra cái chết của 11 nạn nhân, hắn ta đã đăng tải nhiều bài post mang tư tưởng phân biệt người Do thái và ca ngợi Quốc xã Đức trên Gab.

Gab và Parler còn là nơi kiếm tiền của nhiều đối tượng cực hữu nổi tiếng. Trên hai mạng xã hội này luôn có sự tồn tại của nhiều kẻ tự mang danh “giáo sư”, “tiến sỹ”, “triết gia”, hay “nhà báo” nhưng thật ra, họ  chỉ là cái loa cho những tư tưởng lạc hậu và cực đoan. Một vài cái tên có tiếng gồm có: Richard B. Spencer, Nick Griffin (lãnh tụ đảng Quốc gia Anh), Christopher Canwell, Jacob Wohl,… Hầu hết những đối tượng này đều công khai ủng hộ phát xít và những nhóm cực đoan khác ngoài đời thật. Facebook hay Twitter đều đã cho đóng tài khoản của các cá nhân trên, nhưng trên Gab và Parler họ có thể thoải mái nói về hệ tư tưởng độc hại của mình và lôi kéo những người khác.

Nhiều phần tử cực hữu chuyển sang dùng Gab sau khi bị Facebook và Twitter cấm cửa.

Một trong những cách mà những tên phát-xít nói trên lấy làm công cụ tuyên truyền là “sản xuất” ra thông tin giả. Ngay khi người dùng đăng nhập lên Gab, họ sẽ bị “dội bom” bởi không biết bao nhiêu tin “vịt” mang tư tưởng phân biệt chủng tộc; phân biệt giới tính rõ rệt. Mục đích không phải nhằm làm cho người đọc phải tin. Những kẻ lan truyền tin giả ngoài mục đích tư lợi cá nhân còn có mong muốn: làm cho người đọc trở nên rối bời đến mức không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả nữa. Lúc đó, các đối tượng thuộc phần tử cực đoan mới tìm cách tiếp cận họ, giả vờ làm bạn, và lợi dụng lòng tin để làm méo mó thế giới quan của nạn nhân.

Đây là một quá trình kéo dài nhiều tuần, vậy nhưng ngay cả trong ngắn hạn thông tin giả cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài việc khiến xã hội trở nên rối loạn vì hoảng sợ, một bài post tin giả hoàn toàn có khả năng đưa người đọc đến những hành vi tự hại. Lấy ví dụ như phong trào “không đeo mặt nạ” tại  Mỹ. Khởi nguồn của phong trào này là vài tin tức giả mạo trên mạng xã hội nói rằng virus COVID-19 không hề nguy hiểm mà cũng chỉ như một thứ cảm mạo thường, mọi người hãy thoải mái ra khỏi nhà không đeo theo khẩu trang. Từ đó mới dẫn tới việc có hàng nghìn người Mỹ làm đúng như vậy. Và đấy chính là nguyên nhân cơ bản hàng đầu đẩy mạnh số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 tại quốc gia này lên cấp độ khủng khiếp.

Ngoài việc chiêu mộ, nhiều tổ chức khủng bố như Al-Qaeda và IS từng sử dụng mạng xã hội để liên lạc với nhau. Tuy phải trò chuyện bằng thứ ngôn ngữ nhiều ký hiệu, từ khoá,… nhưng các phần tử cực đoan có thể khá thoải mái trao đổi thông tin chứ không phải lúc nào cũng  trong trạng thái nơm nớp sợ bị nghe lén như khi dùng điện thoại. Với Gab và Parler, chúng còn có thể tự do thoải mái hơn nữa. Nguy hiểm hơn nữa, tầm với của những kẻ cực hữu không còn chỉ giới hạn trong biên giới nước Mỹ, mà còn lan ra cả quốc gia khác nữa. Lấy ví dụ như nhiều nhóm phát-xít đầu trọc ở Úc có quan hệ gần gũi với các nhóm tại Mỹ, và chúng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm sử dụng vũ khí, lẩn tránh nhà chức trách,… qua mạng xã hội.

Số lượng các đối tượng công khai rao bán vũ khí “nóng” trên mạng xã hội cũng không nhỏ, và rất khó để các nhà điều tra tội phạm học có thể dễ dàng truy tìm chân tướng kẻ phạm tội. Ngay lúc này đây trên Gab đã xuất hiện một số “gian hàng” ảo buôn bán thuốc phiện và các chất cấm khác. Không có gì là quá sức tưởng tượng khi cho rằng chẳng mấy chốc nữa cũng sẽ có những kẻ buôn bán vũ khí bất hợp pháp trên Gab và Parler. Những đối tượng đã bị cực đoan hoá, lại dễ dàng mua được “hàng nóng” trên mạng chỉ với vài cú click chuột. Đây là một trong những “công thức” để tạo ra thảm họa.

Đi tìm câu trả lời

Những người lập ra Gab và Parler đều mang tư tưởng bảo thủ, nhưng họ làm vậy vẫn vì mục đích lợi nhuận. Họ biết rằng tại Mỹ và trên thế giới nói chung có rất nhiều người bảo thủ cảm thấy tiếng nói của mình không có trọng lượng trên Facebook, Instagram, Twitter,… Do đó, ngay từ đầu họ thiết kế và marketing mạng xã hội của mình tập trung riêng vào nhóm đối tượng nói trên, nhờ vậy mà sản phẩm họ làm ra mới gặt hái nhiều thành công trong thời gian ngắn vậy. Không có lý do gì để công ty quản trị Gab hay Parler thực hiện việc chống thông tin giả và tư tưởng cực đoan để mà làm hại đến dòng tiền đang chảy vào túi họ cả.

Nếu chúng ta không thể khiến ban lãnh đạo các mạng xã hội cực hữu hành động một cách có trách nhiệm, vậy liệu có cách nào khác ngăn chặn hiện tượng “cực đoan hoá” không? Câu trả lời vẫn luôn là, giáo dục và y tế. Nhiều người bị lôi vào “vòng xoáy” của các phần tử cực hữu vì thiếu hiểu biết hay mắc phải những hội chứng tâm lý như trầm cảm - lý do mà vì sao nhiều người trẻ mới trở thành “con dân” của chủ nghĩa phát-xít như vậy. Họ trước hết cần nhận được một nền giáo dục mang tính trung thực và khoa học, đồng thời thêm sự giúp đỡ về tâm lý. Hãy tìm cách đánh thức lòng trắc ẩn; tinh thần tương thân bác ái trong lòng mỗi người. Đó là cách tốt nhất để giúp họ tự bảo vệ mình trước các tư tưởng cực đoan - những “cái bẫy” nguy hiểm khôn lường.

Tuy chỉ là thiểu số nhưng những phần tử cực hữu có tiếng nói trong xã hội Mỹ.

Cũng phải nói luôn về việc các phóng viên chuyên nghiệp ngày càng dựa vào mạng xã hội như một nguồn thông tin. Càng ngày có nhiều tờ báo và đài truyền hình chỉ mới kiểm tra sơ sài độ chính xác của thông tin được khai thác trên các trang mạng xã hội rồi đã cho đăng tải. Hành vi cẩu thả và thiếu trách nhiệm đó sẽ dẫn tới chỗ “hại đơn hại kép”, phần vì nó tạo cơ hội cho những đối tượng cực hữu lấy danh tiếng các cơ quan truyền thông mà tung tin giả. Mặt khác lại khiến bạn độc giả thêm phần nghi ngờ cả ngành báo chí, vì lẽ “con sâu làm rầu nồi canh”.

Mà một khi dư luận xã hội đã không tin vào sự xác thực chân thành của nguồn tin này, theo lẽ hiển nhiên tất yếu, người ta sẽ lập tức đi tìm nguồn tin khác, và các trang mạng xã hội  của các phần tử cực hữu sẵn sàng chờ cơ hội đó mà nhảy vào lấp chỗ trống. Chúng ta không nói là phóng viên tuyệt đối không được lấy thông tin trên mạng xã hội. Điều mà người ta cần là một “phác đồ”; một quá trình mới mục đích kiểm nghiệm tính chính xác của thông tin từ mạng xã hội tốt hơn hiện nay mà thôi.

Việc “tấn công” trực tiếp vào Gab và Parler cũng không nằm ngoài khả năng. Hiện một số luật sư tại Mỹ đang đặt nghi vấn về việc công ty quản trị hai mạng xã hội nói trên có dấu hiệu phạm tội. Cả hai đều hoạt động kinh doanh tiền ảo, một thị trường đầy rẫy những hành vi tội phạm như buôn lậu và rửa tiền. Họ cũng thường xuyên truy xuất các thông tin cá nhân nhạy cảm của khách hàng như địa chỉ nhà và số an sinh xã hội. Ngay khi các nhà điều tra, luật sư,… tìm được bằng chứng, họ có thể đưa Gab và Parler ra toà, từ đó tiến tới đóng cửa các mạng xã hội này, bảo vệ xã hội khỏi mối họa cực hữu đầy nguy hiểm chết người.

Lê Công Vũ (Tổng hợp)
.
.