Mật vụ Đức cố ý “làm ngơ” trước vụ khủng bố ở Olympic 1972

Thứ Ba, 25/09/2012, 15:45

Cách đây đúng 40 năm, trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa hè lần thứ 20 tổ chức tại thành phố Munich, thủ phủ bang Bavaria (Đức) vào đầu tháng 9/1972, một nhóm khủng bố đã tấn công và bắt giữ vận động viên (VĐV) làm con tin; trong khi các cơ quan mật vụ Đức từng được cảnh báo rằng sự việc tương tự ắt xảy ra, nhưng họ vẫn án binh bất động để rồi “nước đến chân mới nhảy”. Sự thờ ơ từ giới có trách nhiệm bảo đảm an ninh của nước đăng cai đã gây chấn động phong trào Olympic quốc tế, khiến công luận thế giới hết sức bất bình.

"Vụ thảm sát Munich" được ghi chính thức trong lịch sử Olympic diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/9/1972, khi 8 tên khủng bố người Palestine thuộc tổ chức quá khích "Tháng 9 đen" đã đột nhập vào nơi ở của đoàn VĐV Israel, cầm giữ họ làm con tin để đòi thả 234 tù nhân Palestine đang bị giam giữ trong các nhà tù Israel, cũng như phóng thích 2 phần tử cộm cán thuộc nhóm Đạo quân đỏ (RAF) bị phía Đức giam cầm.

Sau những cuộc thương thuyết bất thành, kết cục 11 thành viên Đội tuyển Olympic Israel gồm cả huấn luyện viên và VĐV đã bị sát hại dã man, ngoài ra có 1 sĩ quan cảnh sát Đức và 5 tên khủng bố thiệt mạng qua các vụ đọ súng.

Do được quyền tiếp xúc với hồ sơ lưu trữ của Văn phòng Thủ tướng, Bộ Ngoại giao và một loạt các cơ quan nhà nước cấp liên bang khác, nhóm ký giả thuộc tờ tuần báo Der Spiegel phát hành ở Hambourg (Đức), một trong những ấn phẩm hàng đầu châu Âu đã vén bức màn bao phủ tấn bi kịch lớn nhất trong lịch sử Olympic hiện đại.

Qua các tài liệu mật như kết quả điều tra, tin điện ngoại giao và biên bản các cuộc họp nội các đã bóc trần những nỗ lực nhằm bưng bít sự thật đáng chê trách, rằng mật vụ Đức tuy đã biết trước nguy cơ khủng bố trong dịp Thế vận hội sắp diễn ra ở Munich, nhưng vẫn cố tình… làm ngơ như không có chuyện gì.

Đoàn vận động viên Israel trong lễ khai mạc Olympic Munich -1972.

Ngay trước thời điểm khai mạc Olympic Munich-1972,  đã có những cảnh báo về một cuộc tấn công nhắm vào các VĐV chắc chắn sẽ xảy ra. Cụ thể vào ngày 14/8/1972, một nhân viên Sứ quán Tây Đức tại Beirut (Liban) tình cờ nghe được nguồn tin, rằng "sẽ có sự cố lớn trong kỳ Olympic Munich sắp tới". Đến ngày 22/8, Bộ Ngoại giao Đức tức tốc báo động cho Cơ quan Phản gián bang Bavaria, cùng lời đề nghị có biện pháp đối phó nhằm ngăn chặn mối nguy cận kề.

Thậm chí tạp chí Gente xuất bản ở Milan (Italy) trong số ra ngày 2/9/1972, nghĩa là chỉ 3 ngày trước thời điểm xảy ra tấn bi kịch đã chỉ đích danh các thành viên thuộc nhóm "Tháng 9 đen" đang lên kế hoạch hành động trong thời gian diễn ra Thế vận hội trên đất Đức. Chẳng hiểu sao mãi 2 ngày sau khi vụ thảm sát xảy ra, giới chức phụ trách an ninh Munich mới có được thông tin này qua công văn cảnh báo từ… đồng nghiệp ở Hambourg (!).

Rồi những hiện tượng khả nghi khác cũng không được phát hiện kịp thời, như bọn khủng bố đã đột nhập vào làng Olympic điều nghiên trước khi ra tay hành động; hay chúng từng gặp trở ngại trong việc tìm thuê phòng khách sạn do không đặt chỗ trước như đa phần du khách ngoại quốc.

Nhưng điều gây phản cảm hơn cả cho thấy từ tài liệu lưu trữ là chỉ một ngày sau lễ tưởng niệm "vụ thảm sát Munich", được tổ chức tại sân vận động Olympic trước 80.000 khán giả và 3.000 VĐV vào ngày 7/9 nhằm tưởng nhớ các nạn nhân, trong cuộc họp đặc biệt do Chính phủ Liên bang triệu tập nhân sự kiện bi thảm chưa từng có, một viên chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại giao Đức đã lên tiếng phát biểu rằng: "Những lời buộc tội lẫn nhau cần phải tuyệt đối tránh, cũng như không để xảy ra những sự chỉ trích công khai". Câu nói này đã trở thành phương châm hành động của Chính phủ bang Bavaria cũng như của chính quyền Liên bang.

Cảnh sát đóng giả vận động viên thâm nhập vào nơi cầm giữ con tin.

Ngay cả thông tin Viện Công tố Bavaria quyết định tiến hành điều tra tội ngộ sát đối với Manfred Schreiber, người phụ trách nhóm hành động của Cảnh sát Munich tấn công vào nơi giam giữ con tin Israel nhằm khống chế bọn khủng bố, cũng không được công khai ra bên ngoài.

Các cơ quan có trách nhiệm đã nỗ lực xóa bỏ mọi bằng chứng thất bại trong cuộc tấn công giải cứu con tin. Còn tài liệu bảo vệ an ninh Thế vận hội do Sở Cảnh sát Munich soạn thảo dự kiến tới 26 tình huống, trong đó có cả phương thức cầm giữ con tin đã… không cánh mà bay.

Bài học xương máu rút ra từ "vụ thảm sát Munich" là chính quyền các cấp thiếu sự chuẩn bị cho một kịch bản tấn công khủng bố từ bên ngoài, trong khi cơ quan mật vụ lại lơ là với trọng trách tham mưu của mình. Đúng ra với một vụ khủng hoảng tương tự thì Bộ Quốc phòng thừa sức xử trí linh hoạt, nhưng do bị ràng buộc bởi quy định quốc tế sau Thế chiến II, rằng quân đội Đức không được can dự vào các vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Đây chính là nguyên nhân khiến lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố GSG -9 trực thuộc Bộ Nội vụ được thành lập chưa đầy 2 tháng sau đó, chuyên nhiệm công tác chống khủng bố cả trên đất Đức cũng như ở nước ngoài

X.Hiếu (theo The Guardian)
.
.