Michael John Smith không phải điệp viên của Liên Xô

Thứ Ba, 01/04/2008, 10:00
Ngày 10/1/2002, với việc xác định những chứng cứ dùng để buộc tội công dân Anh Michael John Smith làm điệp viên cho tình báo Liên Xô là không có căn cứ, báo cáo của ủy ban điều tra đặc biệt của Quốc hội Anh đã làm chấm dứt một vụ án tình báo gây nhiều tranh cãi tại Anh nhiều năm liền.

Báo cáo này còn nêu rõ nhiều thủ đoạn đen tối mà tình báo Anh sử dụng để cố tình buộc tội phản bội tổ quốc đối với những cá nhân mà chính kiến và hành động của họ được cho là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh xã hội của nước Anh, trong đó  có trường hợp Michael John Smith.

Năm 1973, sau sự kiện Chính phủ Anh quyết định trục xuất 90 viên chức người Nga làm việc tại các cơ quan ngoại giao, các cơ quan đại diện thương mại của Liên Xô tại Anh do nghi vấn họ đều là điệp viên nằm vùng của tình báo Liên Xô, tại Anh nổi lên phong trào bài Liên Xô. Đây chính là lý do khiến Smith rơi vào tầm ngắm bị theo dõi bởi Cơ quan Phản gián Anh (MI-5).

Tuy nhiên, hành động này của MI-5 vẫn không ngăn Smith được nhận vào làm việc tại Hãng điện tử Rediffusion ở thành phố Chessington vào năm 1974, tại bộ phận kiểm tra chất lượng của Tập đoàn Thorn EMI chuyên sản xuất thiết bị điện tử quốc phòng vào năm 1976.

Từ năm 1985 đến năm 1992, Smith đảm nhiệm chức vụ  quản lý chất lượng sản phẩm tại Trung tâm Nghiên cứu quốc phòng HIRST, một nhánh của Tập đoàn Marconi, chuyên sản xuất vũ khí của Mỹ tại Anh. Trong thời gian Smith làm việc tại HIRST, Tập đoàn Marconi đang tập trung chế tạo nhiều vũ khí bí mật theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Anh như tên lửa Harper, radar dẫn đường cho tên lửa mang đầu đạn hạt nhân XN-175, hệ thống tên lửa đa năng Alarm...

Ngày 31/9/1992, khi đang làm việc tại HIRST, Smith bỗng nhận được điện thoại của gia đình yêu cầu về nhà gấp để giải quyết một sự cố. Thế nhưng khi về đến nhà, Smith liền bị các nhân viên điều tra của MI-5 bắt giữ về tội làm điệp viên cho tình báo Liên Xô.

Quá đỗi ngạc nhiên về việc bị áp đặt tội trạng mà mình không hề phạm phải nên Smith kiên quyết phản đối nhưng lại không giải thích tại sao trong khi tiến hành lục soát căn nhà của Smith, các nhân viên MI-5 đã thu giữ một số tài liệu được cho là bản sao thiết kế về hệ thống tên lửa đa năng Alarm, một hành động mà theo MI-5 là vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ bí mật quốc gia.

Nhưng quan trọng nhất là sự việc một điệp viên người Nga tên Viktor Oschenko đào thoát và đầu thú với tình báo Anh vào tháng 7/1992, khai báo đã tuyển dụng Smith làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô từ năm 1979 đến năm 1988. Tuy nhiên, Smith đều phủ nhận các cáo buộc này, nhất là việc đã được Oschenko tuyển dụng làm điệp viên nội gián.

Thế nhưng, mặc cho phản đối của Smith và phản ứng quyết liệt của những người thân, vào ngày 11/12/1992, Smith đã bị Tòa án đặc biệt Old Bailey ở thủ đô London tuyên phạt 25 năm tù giam về tội làm điệp viên nội gián.

Suốt nhiều năm liền sau đó, Smith luôn kêu oan và những người thân của ông liên tục gửi đơn kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ và đích thân Thủ tướng John Major xin xem xét lại trường hợp bị buộc tội làm điệp viên nội gián của Smith nhưng không được đáp ứng.

Phải đợi đến khi Công đảng giành thắng lợi trong kỳ bầu cử Quốc hội vào tháng 4/1997, việc kêu oan của Smith mới được xem xét nhưng chỉ thực sự tiến hành tái điều tra vào tháng 7/1999 sau khi Quốc hội Anh quyết định thành lập một ủy ban đặc biệt do Nghị sĩ Andrew Mackinlay phụ trách để điều tra về cáo buộc rằng MI-5 đã sử dụng chứng cứ giả mạo để buộc tội Smith làm điệp viên nội gián.

Theo điều tra, Oschenko là một trung tá tình báo Liên Xô hoạt động tại các quốc gia Tây Âu dưới lốt cố vấn về kỹ thuật tại Sứ quán Liên Xô ở thủ đô Paris của Pháp. Oschenko đã nhiều lần đến Anh dưới các vỏ bọc khác nhau như chuyên viên kỹ thuật, nhân viên thương mại rồi tìm cách thâm nhập vào nhiều tổ chức quần chúng, tổ chức khoa học để tuyển dụng điệp viên nội gián.

Vì là chuyên viên kỹ thuật nên Smith có tham gia một số cuộc hội thảo khoa học tổ chức ở thủ đô London. Tại đây, Smith đã quen biết Oschenko khi tham gia các buổi thảo luận về các vấn đề kỹ thuật mà không hề biết Oschenko là một điệp viên Liên Xô đang tìm cách tuyển dụng điệp viên nội gián trong hàng ngũ chuyên gia kỹ thuật Anh.

Chỉ có vậy thôi, nhưng khi đào thoát và đầu thú với tình báo Anh vào tháng 7/1992 sau sự việc tình báo Nga do nghi ngờ về lòng trung thành của Oschenko quyết định triệu hồi điệp viên này về lại Moksva để thẩm tra, Oschenko do muốn lập công với tình báo Anh hay buộc phải làm theo một kịch bản được MI-5 dàn dựng, khai báo rằng đã tuyển dụng Smith làm điệp viên nội gián từ  năm 1979 đến năm 1988. Từ khai báo của Oshenko, MI-5 tiến hành bắt giữ Smith về tội làm điệp viên nội gián cho Liên Xô.

Báo cáo điều tra của Nghị sĩ Mackinlay còn cho kết quả những tài liệu thu giữ tại nhà của Smith về hệ thống tên lửa đa năng Alarm là những tài liệu giả mạo do MI-5 lập ra nhằm bắt giữ bằng được Smith vốn là đảng viên đảng Cộng sản Anh thường có nhiều bất đồng chính kiến với chính phủ.

Kết quả điều tra này không chỉ minh oan cho Smith với việc ông chính thức được trả tự do vào ngày 17/1/2002 sau 10 năm bị giam giữ, mà còn buộc Malcolm McLeod, chỉ huy bộ phận điều tra của MI-5 phải từ chức. Đây còn là cột mốc để chính phủ của Thủ tướng Tony Blair quyết định cải tổ lại hoạt động của bộ máy tình báo Anh, nhất là trong công tác phản gián

Văn Hòa (theo BBC Archives)
.
.