Mối liên kết ngầm giữa Tình báo Mỹ và quân đội Pakistan

Thứ Năm, 22/12/2011, 22:55

Quan hệ Mỹ - Pakistan thời gian gần đây thường xuyên trong tình trạng căng thẳng, sóng gió ầm ĩ do bất đồng trong các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ ở Afghanistan và ngay trên đất Pakistan. Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong mối quan hệ hục hặc đó là những “liên kết ngầm” khá chặt chẽ giữa Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) với một bộ phận trong quân đội và Cục Tình báo liên cơ quan Pakistan (ISI) trong cuộc chiến chống Taliban và thành phần thân Taliban.

Tay trong của Mỹ trong ruột ISI

Tức giận vì bị Mỹ qua mặt trong vụ đột kích tiêu diệt Osama bin Laden ngày 2/5/2011, quân đội Pakistan đã ngăn cấm, không cho các nhà điều tra vào nước này để điều tra thêm về trùm khủng bố, đồng thời không cho CIA tiếp cận các bà vợ còn sống sót của Bin Laden.

Chưa hết, quân đội Pakistan còn lật tẩy một trưởng trạm CIA tại Islamabad khiến ông này buộc phải về nước gấp do tính mạng và công việc bị đe dọa. Trong khi đó, giới chức ở Washington lại lo sốt vó vì nguy cơ bị Al-Qaeda trả thù nhân kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9.

Đằng sau tình hình căng thẳng đó, mối hợp tác Mỹ-Pakistan vẫn âm thầm tiếp tục. Tại tỉnh Quetta, "thủ đô lưu vong" của Taliban, tình báo Mỹ vẫn chăm chỉ theo dõi đường dây điện thoại của Younis al-Mauritani, kẻ được cho là "chiến lược gia" của Al-Qaeda, chủ mưu của mọi kế hoạch tấn công nhân kỷ niệm sự kiện 11/9.

Mauritani vừa mới được bổ nhiệm làm "Bộ trưởng Ngoại giao" của Taliban. Các dữ liệu tình báo của CIA thu được trong quá trình theo dõi Mauritani đã được chia sẻ với đơn vị Sư đoàn Bộ binh biên giới (Frontier Corps). Việc chia sẻ thông tin do thám của CIA với ISI đã giúp xác định chính xác chỗ trú ẩn của Mauritani, giúp quân đội Pakistan tóm gọn hắn cùng với 2 cấp phó của hắn vào ngày 6/9/2011.

Mauritani được đưa đến biệt giam tại một nhà tù đặc biệt ở tỉnh Punjab và được thẩm vấn bởi một đơn vị thân Mỹ bên trong ISI có tên gọi là T Wing. Từ đó, người Mỹ bắt đầu nhận được những bản báo cáo thường xuyên về các mối đe dọa khủng bố liên quan đến dịp kỷ niệm 10 năm sự kiện 11/9 vừa qua. Thậm chí các quan chức Mỹ còn được phép trực tiếp "thăm hỏi" Mauritani.

Vụ bắt giữ Mauritani được giới chức chính quyền Mỹ ở Washington xem là một thành quả "chói lọi" của cả thập kỷ tiêu tốn hàng tỉ USD viện trợ để xây dựng được mạng lưới "chân rết" bên trong lực lượng an ninh, tình báo và cả bên trong các trại giam Pakistan, tạo nên một lực lượng hợp tác khác thay thế quân đội và ISI nhằm phục vụ cho yêu cầu chống khủng bố.

Sau sự kiện 11/9/2001, Mỹ đã nhận được sự hợp tác rất có giá trị từ phía Pakistan dưới thời Tổng thống Pervez Musharraf (Musharraf là người đã đề bạt tướng Kayani lên thay mình nắm quân đội Pakistan). Sự hợp tác đó đã giúp Mỹ tóm cổ được một số nghi can Al-Qaeda quan trọng, như Khalid Sheikh Mohammed. Nhưng sự hợp tác đó đã bắt đầu giảm đi phần nào khi Al-Qaeda tiến hành cuộc nổi dậy trên khắp đất nước Pakistan, đặc biệt là các khu vực bộ lạc tự trị liên bang (FATA) dọc biên giới Afghanistan.

Năm 2006-2007, với việc hàng trăm binh sĩ quân đội bị giết chết, tướng Musharraf đành phải nhượng bộ các thủ lĩnh bộ lạc FATA, từ đó tạo ra vùng đệm an toàn cho Al-Qaeda củng cố lực lượng chống cự Mỹ và NATO ở Afghanistan.

Raymond Davis, một trong những điệp viên của CIA trực tiếp làm việc với mạng lưới cộng tác ngầm bên trong Pakistan.

Trong bối cảnh đó, Mỹ bắt đầu xây dựng quan hệ hợp tác với Frontier Corps. Mùa hè năm 2008, biệt kích Mỹ bắt đầu triển khai các cuộc đột kích biên giới Afghanistan - Pakistan thường xuyên hơn. Frontier Corps đã giúp quân đội Mỹ bắt giữ hàng loạt chiến binh Al-Qaeda cao cấp, như Mauritani, đồng thời giúp CIA bảo đảm an ninh cho căn cứ máy bay không người lái Shamsi - trung tâm chỉ huy máy bay không người lái của CIA ở Pakistan.

Nhưng sự hợp tác này cũng mang lại nguy hiểm khó lường. Ngày 8/9/2008, 2 kẻ đánh bom liều chết đã giết 23 người tại nhà của Farrukh Shahzad, chỉ huy phó đơn vị Frontier Corps ở Balochistan, đơn vị đã trực tiếp bắt Mauritani.

Bên trong ISI, CIA có đồng minh đáng tin cậy nhất là T Wing. Đơn vị này được xây dựng từ con số 0 vào những năm 2006-2007, sau khi người Mỹ đã gần như bỏ cuộc vì không thể hợp tác nổi với ban lãnh đạo ISI rất thiếu thiện chí. Người Mỹ hy vọng rằng, T Wing có thể giúp "cân bằng" thế lực của một đơn vị tình báo giàu ảnh hưởng của ISI là S Wing - đơn vị phụ trách quan hệ giữa Chính phủ Pakistan với các nhóm Hồi giáo cực đoan, như Lashkar-e-Taiba.

Theo một số quan chức Mỹ, ngoài T Wing, Mỹ còn tài trợ và móc nối quan hệ với một số đơn vị khác bên trong Bộ Nội vụ Pakistan, đặc biệt là văn phòng đại diện của bộ này ở thành phố cảng Karachi, miền Nam Pakistan.

Gậy ông đập lưng ông

Tuy nhiên, mạng lưới "tay trong" bí mật đó đôi khi cũng gặp phải trục trặc do tác động từ những sự cố "bắn nhầm" của máy bay, tên lửa Mỹ trên đất Pakistan. Gần 3 tháng sau cú hợp tác bắt giữ Mauritani, quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Pakistan lại rơi vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng do hàng loạt sự cố mới xảy ra.

Thứ nhất là vụ "bức mật hàm" của Tổng thống Asif Ali Zardari, trong đó chính quyền của Tổng thống Zardari đã "cầu cứu" quân đội Mỹ can thiệp nhằm thay thế lãnh đạo cấp cao quân đội và tình báo Pakistan. Và thứ 2 là vụ máy bay NATO tập kích vào một tiền đồn biên giới Pakistan hôm 26/11 làm chết 24 binh sĩ Pakistan, 4 người khác bị thương.

Vụ việc đã gây nên một làn sóng phản ứng dữ dội bên trong Pakistan. Rick "Ozzie" Nelson, một cựu quan chức tình báo Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng, mạng lưới quan hệ ngầm của Mỹ ở Pakistan đang có nguy cơ tan rã do tác động từ vụ tập kích biên giới này. Nếu điều lo ngại đó xảy ra, Mỹ sẽ mất đi những đầu mối quan trọng và sẽ mù tịt thông tin chống khủng bố tại Pakistan. Cựu Giám đốc CIA Michael Hayden đã từng lo ngại những sự cố an ninh trong quan hệ Mỹ-Pakistan thời gian qua có khả năng tác động xấu đến mạng lưới "nhà nước ngầm" của CIA ở Pakistan.

Lực lượng Taliban là mục tiêu của CIA tại Pakistan.

Mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Pakistan từng được duy trì suốt một thời gian dài nhờ những nỗ lực to lớn của Đô đốc Mike Mullen, cựu Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ (JCS). Mullen từng là bạn thân của Tổng tư lệnh quân đội Pakistan - tướng Ashfaq Parvez Kayani. Vào những lúc xảy ra sự cố như vụ điệp viên hợp đồng Raymond Davis bắn chết 2 người Pakistan hồi tháng 1/2011, đích thân Đô đốc Mullen phải bay sang Pakistan gặp gỡ tướng Kayani để xoa dịu cơn giận của người Pakistan. Bởi thế Mullen được xem là người Mỹ "thổi lỗ tai" tướng Kayani hay nhất (phải chăng vì thế mới có chuyện Tổng thống Zardari gửi bức mật hàm nhờ Mullen giúp thu phục tướng Kayani?).

Tuy nhiên, quan hệ đó đã phần nào xấu đi trong giai đoạn cuối trước khi Mike Mullen chuyển công tác do những cáo buộc ISI hỗ trợ mạng lưới khủng bố Haqqani gây ra các vụ tấn công khủng bố ở Afghanistan. Tướng Kayani khẳng định "chắc ông ấy được báo cáo nhầm rồi".

Kể từ sau vụ Raymond Davis, hoạt động của mạng lưới hợp tác bí mật bắt đầu gặp trở ngại. Davis chính là một trong những điệp viên trực tiếp làm việc với mạng lưới công tác ngầm của CIA ở Pakistan trong các nỗ lực chống khủng bố ở nước này, vì thế, việc Davis bị bắt và trục xuất khỏi Pakistan đã làm đứt một mắt quan trọng trong mạng lưới ngầm đó. Sau Davis, hàng loạt điệp viên ngầm của CIA hoạt động tại Pakistan với cùng mục đích như anh ta đã bị quân đội và tình báo Pakistan yêu cầu rời khỏi Pakistan, không được tiếp tục hoạt động nữa.

Việc bị hạn chế mức độ hợp tác càng khiến tình hình khó khăn thêm. Trước vụ việc Davis, trung bình mỗi tháng mạng lưới cộng tác của CIA bắt giữ được 1 nghi can Al-Qaeda, và việc bắt người đó đã phải xin phép quân đội và ISI rất khó khăn. Sau vụ Davis, mọi chuyện càng khó khăn hơn gấp bội, khiến cho các vụ bắt nghi can khủng bố thưa dần.

Và mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn đối với sự hiện diện của Mỹ ở Pakistan sau vụ máy bay NATO tấn công tiền đồn biên giới Pakistan hôm 26/11 khiến cho căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Pakistan liên tục leo thang.

Sự kiện mới nhất là Pakistan đã trục xuất toàn bộ quân Mỹ và thu hồi căn cứ không quân Shamsi thuộc tỉnh Balochistan, gần biên giới Iran - nơi Mỹ đặt bộ chỉ huy điều khiển máy bay không người lái thực hiện các chiến dịch truy kích phiến quân Taliban bên trong lãnh thổ Pakistan. Đây quả thực là một quyết định gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ ở Pakistan vốn lâu nay phụ thuộc chủ yếu vào máy bay không người lái.

Máy bay không người lái của CIA tại Căn cứ không quân Shamsi.

Việc Mỹ bị buộc phải rời khỏi căn cứ Shamsi là hậu quả từ vụ bắn tên lửa hôm 26/11, nó làm cho nỗ lực hàn gắn quan hệ hợp tác Mỹ-Pakistan trở nên vô cùng khó khăn. Mặt khác, cho dù Mỹ có thể sử dụng các căn cứ quân sự ở Afghanistan làm bàn đạp tấn công Iran thì Shamsi vẫn là một căn cứ đặc biệt quan trọng do vị trí và địa thế của căn cứ này và vì máy bay không người lái hiện đang là ưu tiên số 1 trong các kế hoạch chiến tranh của Mỹ tại nhiều điểm nóng trên thế giới.

Trong 10 năm qua, Pakistan đã nhận của Mỹ tổng cộng hơn 20 tỉ USD tiền viện trợ cả quân sự và dân sinh, nhưng viện trợ ngầm của CIA cho các "đối tác" chống khủng bố bên trong các lực lượng an ninh Pakistan còn cao hơn nhiều. Và chuyện CIA bí mật tài trợ cho các mối quan hệ ngầm trong lực lượng tình báo và an ninh Pakistan đang trở thành đề tài được các ứng cử viên tổng thống Mỹ mang ra soi xét. Hầu hết các cựu quan chức CIA và chuyên gia ngành tình báo ở Mỹ đều "bênh vực" CIA trong việc bí mật móc nối mạng lưới bên trong Pakistan.

Việc đó đã được thực hiện trong vòng bí mật, Pakistan là một đất nước với 2 chiến tuyến - một bên chống và một bên thân Taliban kình chống nhau quyết liệt. Pakistan cũng là đất nước nhiều năm Osama bin Laden tá túc, cho nên cuộc chiến chống khủng bố tại đó thật sự rất gay go. Vì thế, việc chọn lựa đối tượng để xây dựng lực lượng cộng tác ngầm bên trong hệ thống an ninh, tình báo nước này là điều không đơn giản.

Việc duy trì hoạt động của mạng lưới đó càng khó hơn. Nhưng những sự cố liên tiếp do chính tay người Mỹ tạo ra đã vô tình làm hỏng tất cả nỗ lực suốt 10 năm qua của chính họ, làm lãng phí những khoản tiền tài trợ

An Tôn (tổng hợp)
.
.