Mối lo từ các trạm phát tín hiệu của Nga trên đất Mỹ

Thứ Bảy, 30/11/2013, 07:20

Theo quan điểm của các cơ quan tình báo Mỹ, mối đe dọa tiềm tàng sắp tới sẽ đến từ Nga chứ không phải từ vũ khí mạng hay những bí mật được người tố giác E. Snowden tiết lộ. Cụ thể là, mối đe dọa đến từ hệ thống ăngten có vẻ vô hại trên nóc một tòa nhà được bao bọc bởi một hàng rào an ninh sẽ nằm ở đâu đó trên đất Mỹ.

Trong những tháng gần đây, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Lầu Năm Góc lặng lẽ phát động một chiến dịch ngăn chặn Bộ Ngoại giao Mỹ (DOS) cho phép Cơ quan Không gian Nga Roscosmos xây dựng gần chục cơ sở - được gọi là những trạm giám sát tín hiệu - ngay trên đất Mỹ. Họ lo sợ các cơ sở này có thể giúp Nga gián điệp nước Mỹ, nhưng người Nga khẳng định kế hoạch chỉ nhằm tăng cường độ chính xác của hệ thống định vị toàn cầu Glonass của nước này.

Một cựu quan chức Cơ quan Không gian và Công nghệ tiên tiến (OSAT) trực thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng người Nga không muốn dựa vào hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ (GPS) mà chỉ tin tưởng hệ thống của Glonass của mình. Nỗ lực của Nga là một phần trong cuộc chạy đua toàn cầu quy mô hơn với sự tham gia của nhiều quốc gia - bao gồm Trung Quốc và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) - nhằm hoàn thiện các hệ thống định vị toàn cầu riêng của mình và đối đầu với sự thống trị của hệ thống GPS của Mỹ.

Nhưng đối với DOS, quyết định cho phép Nga xây dựng các trạm phát tín hiệu cho hệ thống Glonass sẽ giúp cải thiện mối quan hệ của chính quyền Tổng thống Barack Obama với chính quyền Tổng thống V. Putin vốn đã xấu đi rất nhiều sau khi Moskva cho phép E.Snowden tị nạn và ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad của Syria.

Nhưng CIA cũng như các cơ quan tình báo khác và Lầu Năm Góc nghi ngờ các trạm giám sát tạo điều kiện thuận lợi cho người Nga có chỗ đứng chắc chắn trên đất Mỹ để tăng cường độ chính xác của vũ khí điều khiển bằng vệ tinh của mình. Họ cũng tin rằng các trạm này có thể cho phép người Nga rình mò Mỹ ngay trong biên giới của nước này.

Sự tranh cãi gay gắt giữa các bên đủ nghiêm trọng để giới chức chính quyền Obama buộc phải trì hoãn quyết định cuối cùng cho đến khi Nga cung cấp thêm nhiều thông tin về các trạm phát tín hiệu của họ và các cơ quan Mỹ giải quyết được sự bất đồng quan điểm - theo tiết lộ của giới chức DOS và Nhà Trắng.

Các nỗ lực của Nga cũng gây nên mối lo ngại cho Quốc hội Mỹ, nơi mà thành viên của các ủy ban tình báo và quân lực rất nghi ngờ hệ thống Glonass của Nga và yêu cầu chính quyền Obama có câu trả lời.

Dân biểu Mike D. Rogers, Chủ tịch Tiểu ban Quân lực Hạ viện, phát biểu: "Tôi muốn biết tại sao Mỹ lại quan tâm giúp đỡ đối thủ cạnh tranh với GPS, như là Glonass của Nga, khi mà sự tin cậy của thế giới vào hệ thống GPS rõ ràng là có lợi cho Mỹ ở nhiều cấp độ".

Mới đây, Rogers đề nghị Lầu Năm Góc cung cấp tài liệu đánh giá việc xây dựng các trạm phát tín hiệu Glonass tác động đến an ninh quốc gia Mỹ như thế nào. Thư yêu cầu của Rogers cũng được gửi đến Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, Ngoại trưởng John Kerry và Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNI) James R. Clapper Jr.

Bên trong một trạm giám sát Glonass của Nga ở Brazil.

Trong vài năm qua, Tổng thống Putin quyết định ưu tiên đặc biệt cho kế hoạch cải thiện hệ thống Glonass không chỉ vì lợi ích cho quân đội cũng như các lĩnh vực dân sự của Nga mà còn nhằm cạnh tranh hiệu quả với GPS của Mỹ trên bình diện toàn cầu. Vào đầu năm 2013, Nga đã xây dựng một trạm phát tín hiệu ở Brazil và sắp tới tiếp tục ký kết hiệp ước với Tây Ban Nha, Indonesia và Australia. Mỹ có mạng lưới dày đặc các trạm phát tín hiệu GPS trên khắp thế giới nhưng không có ở Nga.

Ngày 25/4/2013, các nhà đàm phán hai bên Nga và Mỹ đã gặp nhau để cân nhắc về những đề nghị cho phép các trạm Glonass được xây dựng trên đất Mỹ và phạm vi của những cuộc bàn luận tương lai - theo bà Marie Harf, phát ngôn của DOS. Marie Harf và các quan chức chính quyền Obama từ chối cung cấp thêm thông tin xung quanh vấn đề. CIA cũng không bình luận gì. Trong khi đó, chính quyền Nga chỉ cho biết một vài chi tiết về chương trình.

Trong một bài phát biểu, Yevgeniy Khorishko - người phát ngôn của Đại sứ quán Nga ở Washington, cho biết các trạm phát tín hiệu được triển khai nhằm tăng cường độ chính xác cho tín hiệu của hệ thống Glonass. Khorishko cũng chuyển các câu hỏi đến Cơ quan Không gian Nga Roscosmos nhưng nơi đây không trả lời.

Mặc dù Chiến tranh lạnh đã qua từ lâu, nhưng người Nga không muốn dựa dẫm vào cơ sở hạ tầng hệ thống GPS của Mỹ bởi vì họ còn nghi ngờ khả năng quân sự của nước này. Đó là lý do tại sao người Nga ưu tiên phát triển hệ thống Glonass bằng bất cứ giá nào. Nếu chấp nhận ưu thế thống trị của GPS, người Nga sẽ giúp Mỹ có nhiều lợi thế chiến lược hơn. Người Nga cũng sợ Mỹ có thể thao tác tín hiệu và gửi những thông tin sai lạc đến các lực lượng vũ trang của Nga.

Trong gần một thập niên, Moskva và Washington đã có nhiều cuộc bàn luận về sự hợp tác trong hệ thống định vị bằng vệ tinh trong dân sự, đặc biệt bảo đảm các hệ thống không gây cản trở cho nhau. Năm 2012, Moskva bắt đầu đề nghị chính quyền Mỹ cho phép xây dựng các trạm phát tín hiệu trên đất Mỹ. Sau đó, các quan chức ngoại giao và kỹ thuật Mỹ đã vài lần gặp phía Nga để bàn luận vấn đề đồng thời yêu cầu Moskva cung cấp thêm thông tin.

Tuy nhiên, CIA cho rằng các trạm phát tín hiệu của Nga sẽ làm nảy sinh các vấn đề về an ninh và phản gián. Trong khi đó, một quan chức chính quyền Obama nhận định: "Tôi không tin các trạm phát tín hiệu của Nga là mối đe dọa"

Duy Ân (tổng hợp)
.
.