Một nhà khoa học hạt nhân của Iran bị mất tích

Thứ Ba, 15/12/2009, 22:40
Nhà khoa học chuyên ngành hạt nhân của Iran, Shahram Amiri, đã bị mất tích một cách bí ẩn hồi tháng 5/2009 trong một chuyến hành hương sang Arập Xêút. Liệu đây là vụ bắt cóc hay đào nhiệm có chủ ý? Tehran mới đây chính thức cáo buộc tình báo Trung ương (CIA) Mỹ và tình báo Arập Xêút có dính dáng tới vụ mất tích này.

Ông Amiri mất tích hồi tháng 5/2009 trong khi đang đi hành hương tới thành phố thánh Médine ở Arập Xêút. Trong suốt thời gian sau đó, báo chí Iran không hề nói năng gì đến vụ mất tích này, chỉ một vài người trong gia đình và đồng nghiệp của ông Amiri biết chuyện. Mặc dù không nói ra nhưng Tehran lại ngấm ngầm điều tra vụ mất tích này.

Trung tuần tháng 9/2009, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại New York, Ngoại trưởng Iran Manouchehr Mottaki đã gặp riêng Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon để yêu cầu LHQ điều tra về việc mất tích của 4 công dân Iran, mà theo chính quyền Iran, hoặc bị Mỹ giam giữ hoặc bị Mỹ thuyên chuyển sang nước khác. Thông tin này rò rỉ và bắt đầu được giới truyền thông Arập khai thác.

Tin tức về vụ mất tích này đầu tiên được tờ báo Arập Xêút, Asharq al-Awsat, có trụ sở tại London, Anh, đề cập. Nhanh chóng sau đó, các phương tiện truyền thông khác của Arập đã nắm được hồ sơ và khẳng định rằng, Shahram Amiri làm việc trong lĩnh vực hạt nhân của Iran mà cụ thể là nghiên cứu ở Trường đại học Công nghệ Malek-Ashtar (MAUT). Tuy vậy, phải chờ đến ngày 7/10 thì Ngoại trưởng Manouchehr Mottaki mới phá vỡ sự im lặng khi lên tiếng cáo buộc Mỹ can dự vào vụ mất tích bí mật của Amiri.

Shahram Amiri.
Hãng tin ISNA của Iran dẫn lời người thân của Amiri cho biết thêm: ông này là chuyên gia về đồng vị phóng xạ nghiên cứu ứng dụng công nghệ hạt nhân trong ngành y tế tại MAUT, đồng thời làm việc cho Tổ chức Năng lượng hạt nhân Iran (AEOI). Trường MAUT là một cơ sở của Vệ binh Cách mạng Iran, chuyên đào tạo sinh viên các ngành hàng không,  kỹ thuật  điện và vật lý hạt nhân. Về hoàn cảnh mất tích, vợ của Shahram Amiri cho Hãng tin ISNA biết: chồng bà đi Arập Xêút ngày 31/5/2009 và không về theo đúng dự định rồi mất liên lạc kể từ ngày 3/6.

Đáng chú ý là ông Amiri mất tích được vài tuần thì các cơ quan tình báo phương Tây tiết lộ sự hiện diện của một cơ sở hạt nhân bí mật nằm dưới lòng đất gần thành phố Qom. Điều này làm cho người ta nghi ngờ Amiri đã tiếp xúc với tình báo phương Tây và vụ mất tích có thể là một cuộc đào nhiệm có chủ đích hoặc một vụ bắt cóc do CIA hoặc Mossad tổ chức.

Đến ngày 8/12 vừa qua, một quan chức cấp cao của Iran khẳng định rằng Shahram Amiri  đã bị tình báo Arập Xêút bắt giữ, sau đó chuyển giao cho Mỹ. Trước đó, Ngoại trưởng Manouchehr Mottaki tuyên bố Amiri đã được dẫn độ sang Washington. Ông Mottaki cho biết thêm Shahram Amiri hiện nằm trong số 12 người Iran bị giam cầm tại các nhà tù của Mỹ. "Chúng tôi có những bằng chứng chứng minh sự tham gia của Mỹ vào vụ mất tích của nhà khoa học Shahram Amiri tại Arập Xêút và chính Arập Xêút phải chịu trách nhiệm về mạng sống của Shahram Amiri"- Ngoại trưởng Iran phát biểu trong một cuộc họp báo tại Tehran.

Theo nhật báo Iran, Javan, ông Amiri đã bị các nhân viên tình báo Arập Xêút thẩm vấn ngay khi ông này đặt chân xuống sân bay Ryad. Ba ngày sau đó, Amiri rời khách sạn ở thành phố Médine, Arập Xêút và từ đó không thấy tin tức gì nữa. Trong khi đó, tờ Le Figaro (26/10) dẫn một nguồn tin tình báo nặc danh cho biết trước khi đến Iran để thanh sát cơ sở hạt nhân bí mật Qom ngày 25/10, đoàn thanh tra của Cơ quan Năng lượng hạt nhân quốc tế (IAEA) đã ghé thành phố Frankfurt (Đức) để gặp Shahram Amiri, được cho là mất tích trước đó 4 tháng tại Arập Xêút. Amiri từng làm việc ở Qom. Tuy nhiên, IAEA đã cải chính nguồn tin này. Họ khẳng định rằng không hề có chuyện gặp gỡ Amiri.

Le Figaro nhận định là ông Amiri đã đào nhiệm có chủ đích nhân chuyến đi hành hương tới Médine. Hơn thế nữa, cũng theo tờ báo, ông Amiri đã cung cấp những thông tin về nhà máy làm giàu uranium Fordo, gần thành phố Qom cho Mỹ và Israel. Theo các nước phương Tây, đây là một bằng chứng khác cho thấy Iran quyết tâm đẩy mạnh chương trình hạt nhân không chỉ vì nhân sinh mà còn vì  mục đích quân sự. Điều đáng nói là mặc dù cơ sở này được xây dựng từ lâu nhưng mãi đến tháng 9 này Iran mới chính thức thừa nhận.

Vụ mất tích trên làm người ta nhớ lại nhiều vụ mất tích kỳ lạ của một số quan chức Iran trước đây. Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Ali Reza Asghari mất tích tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), tháng 12/2007. Iran tuyên bố đây là vụ bắt cóc, song các nguồn tin phương Tây cho biết ông Asghari đã đào tẩu và cung cấp cho CIA những thông tin giá trị về quân sự của Tehran cũng như chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, nhiều chiến dịch hỗn hợp giữa Mossad và CIA chống lại chương trình hạt nhân của Iran đã thất bại thảm hại. Thế nhưng, ít nhất một quan chức cấp cao Iran nói bóng gió rằng, những chiến dịch đó đã gặt hái được một số thành công. Một trong số đó có thể là cái chết bí hiểm của một trong những nhà khoa học quan trọng nhất của Iran, Giáo sư Ardeshir Hassanpour - nhân vật chủ chốt tại cơ sở làm giàu uranium và trung tâm nghiên cứu ở Isfahan.

Tháng 1/2007, báo chí Iran đưa tin Hassanpour, 44 tuổi, đã bị chết ngạt vì khói của lò sưởi đốt bằng khí trong khi đang ngủ. Thực tế, ông được phát hiện chết trước đó 6 ngày. Việc hoãn thông báo về cái chết của ông mà không có lý do nào có thể chỉ ra rằng điều gì đó không hay đã xảy ra. Nhiều nguồn tin cho rằng Hassanpour đã bị Mossad thủ tiêu. Ngoài ra, còn có những nghi vấn về cái chết của ít nhất hai nhà khoa học Iran khác, tử vong do bị đầu độc. Khác với Mossad, tình báo Mỹ theo đuổi chương trình bí mật riêng nhằm xúi giục các nhà khoa học Iran đào tẩu hoặc làm gián điệp cho CIA.

Hiện Washington chưa có bình luận gì về cáo buộc trên của Iran. Chính quyền Mỹ tuần trước cũng tiết lộ rằng cảnh sát của họ đã bắt giữ được Amir Ardebili, một người Iran bị tình nghi tham gia đường dây buôn bán vũ khí từ Mỹ về Iran. Một kỹ sư người Iran khác tên Majidi Kakavand, hiện cũng đang bị tạm giữ tại Pháp sau một yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Nhưng theo các nhà phân tích thì vụ Shahram Amiri đích thực là vụ đào nhiệm hay một vụ biến mất có tính toán trước. "Tại Iran, những cuộc đấu đá chính trị dẫn tới nhiều cuộc từ nhiệm của những thành phần thuộc phe bị thất thế" - một cựu thành viên của Vệ binh Cộng hòa Iran có quan hệ với CIA, sau khi bỏ chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ năm 2003, cho biết. Theo người này, có nhiều khả năng Shahram Amiri được Arập Xêút tuyển mộ

Q.H. (tổng hợp)
.
.