Một nhà thầu của Lầu Năm Góc bị buộc tội bán công nghệ quân sự cho Trung Quốc

Thứ Năm, 02/08/2012, 05:15

Sau cuộc điều tra kéo dài 6 năm của Mỹ, cuối cùng vào cuối tháng 6 vừa qua, nhà sản xuất động cơ máy bay Pratt & Whitney - chi nhánh ở Canada của công ty mẹ United Technologies Corp. (UTC) - thừa nhận đã “giúp đỡ” Trung Quốc sản xuất chiếc máy bay trực thăng tấn công hiện đại đầu tiên của nước này.

Với hành vi được coi là vi phạm nghiêm trọng các quy định luật pháp về xuất khẩu của Mỹ, hai công ty con Pratt & Whitney và Hamilton Sundstrand cùng với UTC  phải chịu mức tiền phạt tổng cộng là 75 triệu USD. Ngoài việc kiếm tiền bất chính từ việc bán công nghệ quân sự mật cho Trung Quốc, công ty Canada còn thu về những khoản tiền khổng lồ từ những hợp đồng với Lầu Năm Góc, trong đó bao gồm việc chế tạo vũ khí bảo đảm quân đội Mỹ duy trì ưu thế quân sự đối với sức mạnh đang lên của Trung Quốc.

“Ăn” cả hai đầu

Chiếc máy bay trực thăng tấn công Z-10 đầu tiên của Trung Quốc - có thể so sánh với chiếc AH-64 Apache của quân đội Mỹ - được lắp đặt động cơ của Pratt & Whitney, phần mềm kiểm soát động cơ của Hamilton Sundstrand, trang bị những quả pháo 30mm, hệ thống tên lửa điều khiển chống tăng, tên lửa không đối không và các rocket không điều khiển.

Sự kiện này một lần nữa đặt ra vấn đề về trách nhiệm quản lý những nhà thầu độc lập chính của chính quyền Mỹ. Từ lâu các tổ chức giám sát độc lập đã lên tiếng than phiền về việc một vài công ty như Pratt & Whitney đã có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, như là cung cấp khí tài quân sự hay thiết bị liên quan cho đối thủ của Mỹ. Đây không phải là lần đầu tiên United Technologies Corp. (UTC) - công ty mẹ của Pratt & Whitney và Hamilton Sundstrand - vi phạm trắng trợn những quy định của chính quyền Mỹ trong xuất khẩu công nghệ quân sự.

Dự án Giám sát chính quyền (POGO), tổ chức giám sát phi lợi nhuận ở Washington, xếp UTC vào vị trí thứ 7 trong bản danh sách Top 100 các nhà thầu vi phạm pháp luật từ năm 1995. Neil Gordon, nhà điều tra về các vấn đề liên quan đến hợp đồng chính quyền của POGO, cho biết số công ty vô đạo đức này có nhiều vấn đề từ nhiều năm qua - từ những vi phạm về môi trường cho đến lừa gạt chính quyền.

Từ tháng 7/2006, UTC khó thể che đậy về sự trợ giúp Trung Quốc và hiện nay buộc phải thừa nhận hành vi đó là sai trái. Được biết khi bắt đầu làm ăn riêng với Trung Quốc từ tháng 9/2000, Pratt & Whitney đã kiếm được 2,27 tỉ USD từ các hợp đồng với Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD). Một trong những hợp đồng chính của Pratt & Whitney hiện nay là cung cấp động cơ phản lực cho các máy bay chiến đấu F-35 của Không lực Mỹ. Những cuộc chiến tranh của chính quyền Tổng thống Barack Obama đã giúp cho Pratt & Whitney trở thành nhà cung cấp duy nhất các động cơ phản lực cho máy bay chiến đấu trong 2 năm qua.

Tại phiên xét xử của Tòa án liên bang ở Bridgeport, bang Connecticut, UTC và hai công ty con Pratt & Whitney và Hamilton Sundstrand Corp đồng ý trả số tiền phạt tổng cộng hơn 75 triệu USD cho chính quyền Mỹ sau khi bị buộc 2 tội hình sự cấp liên bang là vi phạm luật kiểm soát xuất khẩu và thành lập các báo cáo giả đến chính quyền về những vụ xuất khẩu bất hợp pháp. Tuy nhiên, khoản tiền phạt 20 triệu USD khác được tạm hoãn để UTC sử dụng vào việc cải thiện những thủ tục kiểm soát xuất khẩu của công ty và thuê một chuyên gia giám sát độc lập.

UTC cho biết công ty đã chi ra 30 triệu USD cho công tác điều tra và tổ chức những thủ tục kiểm soát xuất khẩu đồng thời thuê hơn 1.000 nhân viên làm việc toàn thời gian cho vấn đề này. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sẽ tước một phần các giấy phép xuất khẩu mới của Pratt & Whitney, song biện pháp này được cho là sẽ không tác động mấy đến công cuộc kinh doanh của UTC hay Hamilton Sundstrand.

Công ty con Pratt & Whitney toan tính cung cấp công nghệ quân sự có lệnh cấm vận cho Trung Quốc nhằm lấy lòng chính quyền nước này, với hy vọng giành được lối vào thị trường máy bay trực thăng dân sự của Trung Quốc trị giá ước tính đến 2 tỉ USD. Nhưng cuối cùng, Pratt & Whitney đành phải rút lui khỏi thị trường hết sức béo bở này sau khi người Trung Quốc chọn mua máy bay trực thăng từ những nhà chế tạo khác.

Máy bay trực thăng chiến đấu Z-10 của Trung Quốc.

Jay DeFrank, người phát ngôn của Pratt & Whitney, tuyên bố sau vụ bê bối xuất khẩu công ty vẫn tiếp tục hợp tác kinh doanh với Trung Quốc, bởi vì "Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng cho UTC và chúng tôi sẽ tiếp tục kinh doanh ở nước này theo những quy định của luật pháp".

Các chuyên gia phương Tây nhận định, Z-10 của Trung Quốc là một trong những chiếc máy bay trực thăng chiến đấu hiệu quả và hiện đại nhất trên thế giới hiện nay. Theo Richard Fisher - chuyên gia về ứng dụng công nghệ quân sự của Trung Quốc, nhờ sự cung cấp công nghệ tiên tiến của Pratt & Whitney cho chương trình sản xuất Z-10 mà sức mạnh quân sự trên không của Trung Quốc đã tăng lên đến mức chưa từng có, đủ sức hỗ trợ những chiến dịch tấn công chống Đài Loan mà Bắc Kinh từng tuyên bố.

Chương trình phát triển quân sự của Trung Quốc

Theo các báo cáo của chính quyền Mỹ, Trung Quốc đã có kế hoạch phát triển máy bay trực thăng tấn công hiện đại từ thập niên 80 thế kỷ trước. Nhưng sau khi chính quyền Bắc Kinh có hành động trấn áp phong trào dân chủ trong nước vào năm 1989, Washington bắt đầu có quyết định ngăn cấm xuất khẩu công nghệ và thiết bị quốc phòng sang Trung Quốc.

Vào đầu thập niên 90, Trung Quốc bắt đầu có kế hoạch phát triển một chiếc máy bay trực thăng tấn công núp dưới danh nghĩa "chương trình máy bay trực thăng dân sự", và kết quả cuối cùng là sự ra đời của chiếc Z-10 hiện nay. Theo cuộc điều tra kéo dài 6 năm của chính quyền Mỹ, Pratt & Whitney bắt đầu chuyển giao 10 động cơ phản lực cho Trung Quốc từ nhà máy chế tạo ở Canada vào giữa hai năm 2001 và 2002. Tuy nhiên, các quan chức của Pratt & Whitney lập luận rằng các động cơ này hoàn toàn không nằm trong danh mục các thiết bị quốc phòng mà chính quyền Mỹ cấm xuất khẩu sang Trung Quốc và chúng chỉ thích hợp lắp đặt cho máy bay trực thăng dân sự.

Mặc dù vậy, Pratt & Whitney cũng thừa nhận "có tội" khi cung cấp cho Trung Quốc phần mềm kiểm soát động cơ do Hamilton Sundstrand thiết kế để test và vận hành các động cơ của Pratt & Whitney. Chính quyền Mỹ tuyên bố phần mềm này sau đó được Trung Quốc cải tiến để sử dụng cho máy bay trực thăng chiến đấu cho nên Pratt & Whitney đã vi phạm lệnh cấm vận quân sự chống Trung Quốc của Washington.

Mãi đến năm 2004 Hamilton Sundstrand mới phát hiện có vấn đề vi phạm luật xuất khẩu của Pratt & Whitney và bắt đầu ngưng cung cấp phần mềm. Tuy nhiên, theo hồ sơ điều tra, Pratt & Whitney vẫn tiếp tục tự cải tiến phần mềm để xuất sang Trung Quốc cho đến tháng 6/2005.

Máy bay trực thăng Eurocopter EC-175 tại cuộc triển lãm hàng không Paris Airshow 2009 được mô phỏng thành chiếc Harbin Z-15 của Trung Quốc.

Theo các nhà điều tra Mỹ, từ tháng 1/2002 đến tháng 10/2003, Hamilton Sundstrand cung cấp 12 phiên bản phần mềm kiểm soát động cơ máy bay trực thăng cho Pratt & Whitney, và công ty Canada này chuyển giao 6 phiên bản trong số đó cho Trung Quốc để sử dụng cho chương trình phát triển Z-10. Sự chuyển giao công nghệ bất hợp pháp này được các giám đốc điều hành Pratt & Whitney giữ bí mật trong một thời gian dài.

Hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn của Pratt & Whitney được hồ sơ tòa án giải thích là vì mục đích lợi nhuận và tham vọng chiếm lĩnh thị trường máy bay trực thăng dân sự của Trung Quốc.

Và trong suốt nhiều năm, UTC lẫn Hamilton đều không có báo cáo nào về sự vi phạm của Pratt & Whitney đến chính quyền Mỹ. Thậm chí UTC không tiến hành cuộc điều tra nội bộ cho đến khi một tổ chức phi chính phủ đặt vấn đề về sự dính líu của Pratt & Whitney vào chương trình Z-10 của Trung Quốc vào tháng 2-2006. Và vào tháng 7/2006, UTC và hai công ty con mới bắt đầu có một loạt các báo cáo đến chính quyền Mỹ, nhưng các nhà điều tra phát hiện chúng chỉ là những báo cáo giả, sai sự thật. Ví dụ, một báo cáo của 3 công ty cho biết họ hoàn toàn không biết gì về mục đích quân sự của chương trình Z-10 của Trung Quốc.

Ngoài vòng kiểm soát

Việc bảo vệ công nghệ nhạy cảm là điều cực kỳ khó khăn, đặc biệt khi máy bay bị bắn hạ từ trên không hay bị rơi xuống vùng đất thù địch với nước Mỹ. Lấy ví dụ như chiếc máy bay do thám không người lái bị rơi vào tay Iran tháng 12/2011, hay chiếc máy bay trực thăng của lính đặc nhiệm Mỹ bị bắt ở Pakistan sau sứ mạng tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden. Trung Quốc là nước biết lợi dụng triệt để những tình huống "may mắn" này để phát triển sức mạnh quân sự.

Sau sự kiện Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 ở Trung Quốc, Quốc hội Mỹ kiên quyết cấm xuất khẩu bất cứ công nghệ nào có ứng dụng quân sự cho Trung Quốc. Do đó mà quân đội Trung Quốc cũng như mạng lưới công nghiệp mà nó sở hữu quyết tâm lợi dụng bất kỳ tình huống nào để nắm được trong tay công nghệ của Mỹ. Ví dụ, nguyên mẫu chiếc máy bay chiến đấu tàng hình J-20 mà Trung Quốc phát triển là phiên bản đánh cắp từ chiếc máy bay tàng hình F-117 của quân đội Mỹ bị bắn rơi trên đất Serbia năm 1999.

Tình báo Trung Quốc cũng mày mò tìm hiểu cơ cấu chiếc máy bay trực thăng tàng hình của đặc nhiệm Hải quân Mỹ SEAL thực hiện sứ mạng tiêu diệt Osama bin Laden. Ngoài ra, Trung Quốc cũng bị buộc tội tổ chức mạng lưới gián điệp công nghiệp và tiến hành nhiều cuộc tấn công mạng vào cơ sở các nhà thầu quốc phòng Mỹ nhằm mục đích đánh cắp những bí mật công nghệ. Nhưng đôi khi Trung Quốc không cần phải ra tay mạnh mà các công ty Mỹ vẫn ngoan ngoãn bán cho nước này công nghệ tiên tiến.

Từ lâu, các chính quyền phương Tây và Mỹ luôn cố gắng ngăn chặn các công ty công nghệ hợp tác kinh doanh với những quốc gia thù địch, nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Ví dụ như trong hai năm 1983 và 1984, Tập đoàn Toshiba của Nhật Bản đã bán một số thiết bị công nghiệp công nghệ cao trị giá 17 triệu USD cho Liên Xô, giúp Hải quân Xôviết phát triển chân vịt không tiếng động cho tàu ngầm để chống lại hệ thống phát hiện tàu ngầm SOSUS của Mỹ.

Sau khi vụ việc này đổ bể, hai giám đốc điều hành của Toshiba bị bắt giữ và công ty Nhật Bản bị cấm làm ăn kinh doanh với khối các quốc gia Xôviết trong vòng một năm - một lệnh trừng phạt được coi là nặng nhất của Mỹ áp đặt cho Nhật Bản vì sự vi phạm Luật Thương mại. Thậm chí quân đội Mỹ cũng cấm Toshiba cạnh tranh với các công ty Mỹ trong nhiều năm.

Các chuyên gia đánh giá sự thất thoát công nghệ gây thiệt hại cho quân đội Mỹ đến 30 tỉ USD! Mặc dù vậy, nhiều công ty vẫn bất chấp nguy cơ bị trừng phạt mà lén lút bán công nghệ, sau này là cho Trung Quốc. Bởi vì họ cho rằng hợp tác kinh doanh với Trung Quốc là lãi to vì sức mạnh kinh tế đáng gờm của nước này. Như trong trường hợp máy bay trực thăng Z-10. Pratt & Whitney đã bị Bắc Kinh dụ dỗ với hứa hẹn mở lối cho công ty xâm nhập thị trường máy bay trực thăng dân sự hết sức béo bở của Trung Quốc.

Theo nguồn từ Bộ Tư pháp Mỹ, những bộ phận đầu tiên của chiếc máy bay trực thăng tấn công Z-10 được Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AIC) chuyển giao cho quân đội nước này vào giữa các năm 2009 và 2010. John Moran, người phát ngôn của UTC (công ty có doanh thu 58 tỉ USD năm 2011), cho biết công ty đã cho thành lập một "Hội đồng giám sát xuất khẩu" mới để tiến hành những cuộc điều tra nội bộ về hàng hóa xuất khẩu của các công ty con, bao gồm Pratt & Whitney và Hamilton Sundstrand

Thiên Minh - Diên San (tổng hợp)
.
.