Một sĩ quan cao cấp của Gestapo được Liên Xô truy tặng Huân chương vệ quốc

Thứ Năm, 04/01/2018, 14:15
Năm 1949, để ghi nhận chiến công thầm lặng nhưng to lớn của điệp viên nội ứng Breitenbach trong chiến thắng của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Chính phủ Liên Xô đã truy tặng Willi Lehmann Huân chương Vệ quốc.


Duy trì giữ liên lạc với “đối phương”

Vào một ngày tháng 3-1929, Ernst Kuhr, nhân viên cảnh sát Đức đã về hưu với phong thái đĩnh đạc đến gõ cửa Cơ quan Đại diện toàn quyền của Chính phủ Liên Xô tọa lạc tại số 63, đường Unter den Linden, thủ đô Berlin.

Vì Ernst Kuhr yêu cầu được gặp đại diện có thẩm quyền, Mikhalski - tùy viên ngoại giao của cơ quan đại diện, thực chất là một nhân viên an ninh của NKVD (tiền thân của Cơ quan tình báo Xôviết KGB) tên thật là Pavel Cornel - ra gặp vị khách người Đức.

Ernst Kuhr tự giới thiệu từng phục vụ trong Ban chính trị của Cơ quan Cảnh sát Berlin và dù đã về hưu nhưng vẫn còn nhiều mối quan hệ tại đây. Và Ernst Kuhr đến nhằm thăm dò xem người Xôviết có sẵn sàng thiết lập mối liên hệ với người mà ông ta được ủy thác - Willi Lehmann.

Các nguồn thông tin tình báo sau đó nhanh chóng xác minh Willi Lehmann sinh năm 1897 trong một gia đình có cha và mẹ đều là giáo viên ở gần Leipzig, Đức. Năm 18 tuổi, Lehmann gia nhập Hải quân Đức. Sau 10 năm phục vụ, Leman rời hải quân rồi được vào làm việc tại bộ phận phản gián của Sở Cảnh sát Berlin.

Nhân vật này có mối quan hệ thân thiết với Kuhr nên đã nhờ Kurh đến số 63, đường Unter den Linden. Chừng ấy thông tin đã khiến người đứng đầu bộ phận tình báo trong Cơ quan Đại diện toàn quyền Liên Xô mừng rỡ như vừa bất ngờ nhận được món quà quý giá nhưng vẫn phải cẩn thận điều tra thêm. Lehmann và vợ sống tại trung tâm Berlin trong một căn hộ 2 phòng khiêm tốn.

Tuy không có con nhưng Lehmann được các đồng nghiệp xem là một con người sống nghiêm túc, tận tâm, không bê tha rượu chè, đồng thời còn là một sĩ quan giỏi nghiệp vụ…Thế là Willi Lehmann được xếp vào nhóm các điệp viên bản địa tiềm năng và được đặt cho mật danh Breitenbach.

Đại tá Willi Lehmann hay điệp viên nội ứng “Breitenbach”.

Bộ phận tình báo Xôviết tại Berlin nhanh chóng bố trí được cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với Lehmann. Ông gây ấn tượng mạnh ngay trong lần gặp gỡ với “đối phương” bởi thân hình cao lớn, chắc nịch như một võ sĩ cùng giọng nói trầm vang.

Lehmann thổ lộ rằng, ông đã có thiện cảm với nước Nga từ khi ông còn là một binh sĩ tham chiến vào cuộc chiến tranh Nga - Đức - Nhật năm 1905. Lần đó, có mặt trên một chiếc tàu chiến Đức, Lehmann đã có dịp quan sát một trận đánh giữa Nga và quân Nhật; tận mắt chứng kiến sự hy sinh của một hải đoàn Nga. Sự quả cảm của các binh sĩ trong tình cảnh gần như tuyệt vọng đã khiến cho Lehmann hết sức khâm phục.

Khi không còn phục vụ trong hải quân, Lehmann được điều động vào lực lượng cảnh sát Berlin, khi đó đang có xu hướng tuyển mộ các cựu binh được ghi nhận là những người có kỷ luật và nề nếp. Rất nhanh chóng, Lehmann trở thành nhân viên trong Ban phản gián của cơ quan này và như vậy, đối với Liên Xô, đây sẽ là đầu mối cung cấp những thông tin quan trọng.

Quả vậy, năm 1931, Lehmann được cử làm chuyên viên chính trong phòng 1A, bộ phận nòng cốt của cơ quan mật vụ khét tiếng Gestapo sau này được thành lập vào tháng 4-1933. Từ năm 1934, đại diện tình báo Liên Xô phụ trách liên lạc với Lehmann là Vasili Zarubin, một sĩ quan tình báo đã năng nổ xây dựng mạng lưới điệp viên rộng khắp trên đất Thụy Sĩ, Pháp, Italia và Đức.

Năm 1937, qua một đợt thanh kiểm tra trong nội bộ Cơ quan tình báo Liên Xô, Zarubin bị triệu hồi về Moskva và bị chuyển vị trí công tác vì bị tình nghi làm việc cho Gestapo. Người thay Zarubin duy trì liên lạc với Lehmann là một nữ điệp viên mang mật danh Klemans dưới lốt bà chủ một khách sạn ở Berlin.

Đến cuối năm 1937, chỉ còn một điệp viên duy nhất còn lại trong mạng lưới điệp viên công khai của Liên Xô hoạt động ở Berlin nhưng vốn tiếng Đức của người này rất kém. Khoảng giữa năm 1938, lần cuối cùng người này đến nhận tài liệu của Lehmann để giao cho Klemans thì một tháng sau, bất ngờ thiệt mạng trong một tai nạn giao thông. Từ đó đường dây liên lạc giữa Lehmann và Trung tâm tình báo Liên Xô bị đứt mạch.

Nhưng tình trạng này kéo dài không lâu. Khoảng hơn một năm sau, vào cuối tháng 8-1939, trong hộp thư của Cơ quan Đại diện toàn quyền Liên Xô lại có một bức thư gửi trực tiếp cho tùy viên quân sự. Tác giả bức thư là điệp viên nội ứng Breitenbach. Nội dung thư nêu cụ thể mật khẩu và địa điểm nối lại liên lạc. Lần này, cấp chỉ huy cao nhất của tình báo Liên Xô điều ngay Aleksandr Korotkov đến Đức.

Aleksandr Korotkov là người thông thuộc địa bàn nước Đức vì ông hoạt động tại đây từ năm 1936, chịu trách nhiệm liên lạc với rất nhiều điệp viên quan trọng, trong số này có một người chú họ, là nhà khoa học Hans Herich Kummerov.

Qua Aleksandr Korotkov, Hans Herich Kummerov đã chuyển cho tình báo Xôviết các chi tiết loại mặt nạ phòng độc mới của quân Đức, dữ liệu về các chất độc và thuốc giải độc, về các loại radar và thủy lôi âm, thiết bị liên lạc đặc biệt dành cho xe tăng, đặc biệt là các công nghệ bí mật để sản xuất xăng.

Aleksandr Korotkov cũng là một trong số các nạn nhân của đợt thanh trừng sai lầm trong nội bộ Cơ quan tình báo Liên Xô nên bị triệu hồi về Moskva. Nhưng không như trường hợp của Vasili Zarubin, Aleksandr Korotkov đã dũng cảm và kiên trì chứng minh cho cấp trên thấy sự trong sạch của mình nên đến mùa thu năm 1939, ông lại được bổ nhiệm làm Phó chỉ huy bộ phận tình báo tại Berlin, dưới vỏ bọc một cố vấn của Cơ quan Đại diện toàn quyền Liên Xô.

Bắt liên lạc được với Lehmann, Korotkov đã xác định kỹ tình hình, các khả năng hoạt động tình báo… rồi báo cáo gửi về trung tâm. Korotkov còn chọn được một điệp viên thông thạo tiếng Đức để tái phục đường dây liên lạc, nhận thông tin, tài liệu từ điệp viên nội ứng Breitenbach.

Từ lúc đó, năng lực tình báo của Lehmann được phát huy hơn bao giờ hết. Tháng 11-1939, khi chính quyền quốc xã thành lập phòng 4 - bộ phận đầu não của Cục An ninh và Gestapo, Đại tá Lehmann đã được giao làm trưởng bộ phận phản gián trong các nhà máy ở Đức.

Theo cuốn sách “Điệp viên vĩ đại” của nhà sử học Teodor Gladkov ấn hành năm 2010, điệp viên Breitenbach thời kỳ này đã cung cấp những thông tin quan trọng nhất về 14 loại vũ khí mới của quân đội Đức phát xít. Ông được trực tiếp tham dự một vài vụ thử tên lửa. Khi đó, giới lãnh đạo phát xít Đức yêu cầu các nhà khoa học phải chế tạo được loại tên lửa có tầm bắn tới 260km, cùng với tốc độ bay không thể tưởng tượng lúc đó là 1.600km/giờ.

Lehmann ngay lập tức hiểu ra tầm quan trọng của tên lửa trong các hoạt động tác chiến tương lai, do đó đã tìm mọi cách khai thác và cung cấp thông tin đầy đủ nhất cho tình báo Xôviết về lĩnh vực này.

Trước khi Đức tấn công Liên Xô, rất nhiều những thông tin về các loại vũ khí mới của Hitler do Lehmann được chuyển về đầu não tình báo Liên Xô. Có thể kể ra đây loại xe tăng sử dụng súng phun lửa trang bị nhiên liệu kiểu mới, hay thông tin về việc Đức đang ráo riết xây dựng một hạm đội tàu ngầm hùng mạnh: tất cả 18 xưởng đóng tàu trên khắp đất nước đang dồn sức đóng 48 chiếc, trước khi tăng lên thành 70 tàu ngầm thế hệ mới đủ các loại.

Cũng chính Breitenbach là người cung cấp cho tình báo Liên Xô nội dung dự thảo bản Hiệp ước Hợp tác quân sự giữa Nhật và Đức, được tùy viên quân sự Nhật trực tiếp mang tới Berlin. Đến ngày 25-4-1941, Breitenbach thông báo về kế hoạch tấn công Nam Tư của Đức.

Cũng vì kế hoạch này, Hitler đã buộc phải trì hoãn lại một thời gian dự định tấn công Liên Xô sang đến tháng 6-1941. Một chiến công to lớn nữa của điệp viên Breitenbach là khai thác được mật mã mà Gestapo sử dụng để liên lạc với các chi nhánh và điệp viên của mình ở nước ngoài…

Bị lộ diện từ tình thế khẩn cấp

Ngày 19-6-1941, trong căn phòng của Zuravlev, điệp viên Liên Xô cuối cùng có dịp gặp Lehmann, dồn dập vang lên những hồi chuông điện thoại bởi vì Phòng 4 Cục An ninh Đức Quốc xã nhận được lệnh của Hitler tức tốc điều động quân đội Đức tập trung dọc biên giới với Liên Xô. 3 giờ sáng ngày 22-6 là thời điểm Hitler ấn định cho cuộc tấn công Liên Xô trên toàn tuyến biên giới.

Tòa nhà được xem là cơ quan đầu não của Gestapo.

Điều này cũng có nghĩa là Moskva chỉ còn đúng 3 ngày để chuẩn bị đương đầu với cuộc chiến. Đây cũng chính là thông báo cuối cùng được Breitenbach chuyển cho những đồng chí của mình. Trước tình thế cấp bách như vậy, Breitenbach đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc bí mật khi gọi điện thoại báo tin khẩn cấp cho điệp viên liên lạc. Từ thời điểm đó, không một điệp viên Liên Xô nào có dịp gặp lại ông.

Tinh mơ ngày 22-6-1941, trụ sở Cơ quan Đại diện toàn quyền Liên Xô ơ ãBerlin bị lực lượng đặc biệt SS bao vây. Đường dây liên lạc với Lehmann lại bị cắt đứt. Do tình báo Liên Xô không dự tính trước trường hợp như vậy nên cả máy bộ đàm lẫn các điện tín viên đều không được đưa trước vào Đức.

Cho đến mùa xuân năm 1942, bộ phận đầu não tình báo Liên Xô không thể nào bắt liên lạc với những nguồn tin của mình tại Berlin. Khả năng duy nhất vào thời điểm đó là cử liên lạc viên xâm nhập qua chiến tuyến để tới Berlin. Nhiệm vụ quan trọng này được giao cho hai điệp viên Albert Hessler và Robert Bart, hai người được trang bị máy điện đàm xách tay và đến được Berlin dưới lốt quân nhân Đức đi nghỉ phép.

Thế nhưng, mật vụ  Gestapo đã lần ra dấu vết của hai phái viên Xôviết ngay từ khi họ tìm cách bắt liên lạc với chi nhánh tại Berlin. Cả hai đều bị bắt giữ ngay sau đó. Thuyết phục Hessler hợp tác không được, điệp viên này bị Gestapo thẩm vấn và tra tấn đến chết. Còn Robert Bart đã không chịu nổi những đòn tra khảo và đồng ý tham gia vào trò chơi liên lạc điện đàm với Moskva.

Ngày 14-10-1941, Robert Bart đã gửi đi bức điện đầu tiên về Moskva, nhưng anh đã khôn khéo đưa vào bức điện những tín hiệu cho thấy mình đang hoạt động dưới sự kiểm soát của kẻ thù.

Đáng tiếc là nhân viên điện đàm tại trung tâm còn ít kinh nghiệm đã không nhận thấy dấu hiệu trên, coi đó như một bức điện liên lạc bình thường. Chính điều này đã khiến Moskva mắc sai lầm, tưởng rằng đã nối liên lạc được với điệp viên Breitenbach. Ngày 4-12, Bart nhận được mật khẩu và các điều kiện liên lạc với Breitenbach, và từ đấy Breitenbach đã bị nhận diện.

Ngày 11-12-1942, Đại tá an ninh Lehmann nhận được một cú điện thoại triệu tập khẩn cấp của cấp trên. Ông chấp hành mệnh lệnh. Vừa có mặt, Lehmann đã bị còng tay và áp giải đi đâu không rõ. Vụ bắt giữ Lehmann chỉ có viên Giám đốc Muller của Gestapo cùng một vài quan chức cao cấp khác được biết.

Đến ngày 29-1-1943, bản tin nội bộ của Gestapo chỉ thông báo: Trong một chuyến công tác bí mật, Đại tá Willi Lehmann đã “hy sinh vì quốc trưởng và nước Đức”. Vợ ông, bà Margaret Lehmann còn được một số sĩ quan đến chia buồn và sống bình an vô sự, bởi vì Gestapo muốn tiếp tục “vờn” tình báo đối phương.

 Tháng 5-1945, trong đống gạch vụn của Cục An ninh phát xít Đức tại thủ đô Berlin, các sĩ quan tình báo Liên Xô đã tìm thấy hồ sơ liên quan đến một đại tá làm việc trong phòng 4 của Cơ quan mật vụ Gestapo, đã bị bắt giữ và xử bắn ngay dưới căn hầm của Cục An ninh vào cuối năm 1942.

Chỉ huy Aleksander Korotkov đã tìm được bà Magaret Lehmann trong thành phố Berlin đổ nát vào mùa hè năm 1945 để báo tin, nhưng bà khẽ khàng cho biết, không lâu trước khi Berlin thất thủ trước những binh đoàn Hồng quân Liên Xô, một trong các cựu đồng nghiệp của Lehmann đã rỉ tai bà nói về cái chết của chồng bà do tội “phản quốc”.

Năm 1949, để ghi nhận chiến công thầm lặng nhưng to lớn của điệp viên nội ứng Breitenbach trong chiến thắng của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Chính phủ Liên Xô đã truy tặng Willi Lehmann Huân chương Vệ quốc.

Năm 1969, nhân dịp Đoàn chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô quyết định tặng huân chương cho một nhóm các thành viên lực lượng kháng chiến tại Đức, bà Margaret Lehmann đã được mời tới Đại sứ quán Liên Xô ở Berlin. Aleksander Korotkov, người chỉ huy của Willi Lehmann 30 năm trước đã trực tiếp trao tặng cho bà Margaret một chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng, trên khắc dòng chữ: “Kỷ niệm từ những người bạn Xôviết”.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.